Bão táp Tây Sơn – Kỳ 18: “Dương mưu” cuối năm

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 18: “Dương mưu” cuối năm

Trên đường hành quân từ Huế ra Bắc, vua Quang Trung dừng lại ở Nghệ An, hội kiến với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp – người mà ông hằng ngưỡng mộ và muốn mời ra giúp việc. Nguyễn Thiếp đã nhiều lần từ chối. Nhưng lần này, thái độ và giọng điệu của ông khác hẳn. Ông phân tích cho vua Quang Trung:

– Ngày nay trong nước trống rỗng, lòng người ly tán. Quân Thanh từ xa tới, vào sâu đất nước ta, chưa biết tình hình mạnh yếu, không hiểu được thế chiến trận, đánh trong khoảng mươi ngày có thể dẹp yên được.

Nguyễn Thiếp từng giữ một thái độ dè dặt và có phần bất hợp tác, bất chấp sự ân cần mời mọc của Nguyễn Huệ. Nhưng đứng trước thử thách của đất nước, Nguyễn Thiếp không ngần ngại gì mà cùng nhau bàn luận, phân tích tình lý. Thực tế chứng minh nhận xét của ông hoàn toàn chính xác. 

Từ Phú Xuân ra Nghệ An cách nhau chừng 350 km. Với tốc độ người đi bộ bình thường, phải mất hơn 80 tiếng để đi hết quãng đường ấy. Vào thế kỷ 18, một người bình thường phải mất hơn nửa tháng để đi từ Phú Bài tới Vĩnh Dinh. Nhưng theo Nguyễn thị Tây Sơn ký, hoàng đế Quang Trung chỉ mất bốn ngày để vượt quãng đường này. Ông xuất phát ngày 25 tháng Mười Một ở Huế, và tới Nghệ An vào ngày 29. Nhưng từ Nghệ An ra tới Tam Điệp cách chừng 200km, hoàng đế Quang Trung đã mất tới một tháng. Chúng ta thường nói về cuộc hành quân “thần tốc”, nhưng ở đoạn đường này nó không thần tốc như ta nghĩ.  

Trên suốt dọc đường đi từ kinh đô, hoàng đế Quang Trung vừa đi vừa thu nhặt binh lính. Lúc tới Thanh Hoa, quân số dưới cờ đã hơn 8 vạn người. Rõ ràng không thể che giấu một lực lượng như vậy. Hoàng đế Quang Trung quyết định không dùng được âm mưu thì dùng dương mưu. Ông gửi cho Tôn Sĩ Nghị một văn thư phân trần, đại khái nói: “Chưa biết thiên triều có chịu tha tội cho không, nên không dám sai sứ đến… Chuyến này đến đây, thần sẽ tới tại chỗ gần gụi để chờ lệnh đại nhân phân xử, chứ không phải là thần dám chống lại mệnh lệnh đâu”.

Thư gửi đi rồi, hoàng đế Quang Trung cho tổ chức thệ sư ở Thọ Hạc, thuộc địa phận thành phố Thanh Hóa hiện nay. Ông cưỡi trên đầu voi, nói với quân lính:

– Bớ chư quân! Hễ ai chịu chiến đấu thì hãy vì ta giết sạch chó Ngô đi! Nếu ai không muốn chiến đấu thì hãy xem ta trong một trận giết hàng vài vạn mạng người đấy! Đó không phải là chuyện lạ lùng gì cả!

Quang Trung vừa dứt lời. Các quân dạ ran như sấm. Sử gia Nguyễn Thu sau này mô tả cảnh tượng đó “rung động cả hang núi, trời đất đổi màu”. Đoàn quân Tây Sơn khua chiêng gióng trống, gấp đường kéo ra Tam Điệp.

Lưu trữ của nhà Thanh không thấy nhắc gì đến lá thư của hoàng đế Quang Trung gửi Tôn Sĩ Nghị. Sử gia Nguyễn Thu nói rằng Tôn Sĩ Nghị đã sai truyền hịch yêu cầu hoàng đế Quang Trung rút quân về Thuận Hóa, yên lặng chờ phân xử. Khâm định An Nam kỷ lược của nhà Thanh cho ta hiểu là Tôn Sĩ Nghị vẫn đang trù tính kế hoạch tiến quân vào Phú Xuân, nhưng khó khăn trùng trùng. 

Vì chưa đủ điều kiện để tiến quân, Tôn Sĩ Nghị cứ tỏ ra như không có gì, khiến người ngoài nhìn vào lại cảm thấy sốt ruột. Tôn Sĩ Nghị bày tiệc rượu ở vương cung, đãi các tướng sĩ, làm thơ Nam chinh thi gửi về cho bạn mình ở Dương Thành. Sau này có người nhận xét rằng hành vi đó tựa hồ như Tào Tháo múa giáo ngâm thơ trước trận Xích Bích. Tuy bề ngoài là như thế, nhưng Đô ty Trần Nguyên Nhiếp của cánh quân Quảng Tây vẫn cho biết rằng quân Thanh ngày ngày đều duyệt binh.

Người sốt ruột nhất có lẽ là Trấn thủ Sơn Nam Đinh Nhạ Hành. Ông này mấy lần dâng tấu xin vua Chiêu Thống xuất quân đánh Tây Sơn, nhưng không được trả lời. Đinh Nhạ Hành bèn về kinh đô gặp trực tiếp Chiêu Thống.

Ông tâu rằng:

– Ta cầu viện thiên triều là cốt để khuếch trương thanh thế mà thôi. Xin bệ hạ hãy biết tự cường. Đâu có chuyện giết giặc báo thù mà lại ủy thác cả cho người khác làm, còn mình thì không để ý gì hết? Nay nếu Tôn đại nhân không chịu xuất quân, thần xin dẫn các nghĩa quân bản bộ tiến trước đánh dẹp để hoàn tất vương sự, chứ không để cho chúng cười nước ta không còn người nữa.

Vua Chiêu Thống cũng không thể quyết định nổi. Đinh Nhạ Hành bực mình, bỏ ra ngoài. Ông ta uất ức than rằng:

– Muôn cay nghìn đắng mới có được ngày nay, mà giờ đây thế là thôi rồi, còn biết làm chi nữa.

Đinh Nhạ Hành chuyển sang dâng sớ xin từ chức. Vua Chiêu Thống phải triệu Đinh Nhạ Hành vào lần nữa, tìm mọi cách an ủi để ông ta ở lại. 

Sáng hôm sau, Chiêu Thống sai Đinh Nhạ Hành cùng trăm quan sang yết kiến Tôn Sĩ Nghị, khẩn khoản xin tiến quân. Tôn Sĩ Nghị bằng lòng. Vua Chiêu Thống liền phong Đinh Nhạ Hành làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ, hoàng đệ Lê Duy Chi làm phó, Lê Quýnh làm Tổng lý lo việc cung cấp lương thảo. Ở Bắc Kinh, vua Càn Long cũng đưa ra quyết định khác. 

Sau mệnh lệnh rút quân ban đầu, bây giờ vua Càn Long lại yêu cầu Tôn Sĩ Nghị “hơi tiến quân tuần phòng biên giới, thay Lê Duy Kỳ hoạch định cương vực, thiết lập đồn trại để cho ổn định”. Càn Long phân tích rằng nếu chỉ đóng ở Lê Thành mà không tiến quân, sẽ khiến phía Tây Sơn đánh giá thấp quân Thanh. Càn Long dặn lại một lần nữa. Tôn Sĩ Nghị nên tiến quân tuần phòng biên giới rồi mới rút về, chứ đừng rút thẳng từ Lê Thành về nước. Về cánh quân Vân-Quý, Tổng đốc Phú Cương nhận lệnh không tự mình tiến vào sâu. Quyền chỉ huy quân đội giao cho Đề đốc Ô Đại Kinh. Ông này sẽ phải đưa quân tới Quảng Nam để làm thanh viện cho cánh quân của Tôn Sĩ Nghị. Không hiểu Càn Long nhìn bản đồ như thế nào mà lại đưa ra một chỉ thị vô lý đến như vậy cho cánh quân Vân Quý? 

Khâm định An Nam kỷ lược chép rằng ngày 28 tháng Chạp, Tôn Sĩ Nghị thông báo đã nhận được chỉ thị rút quân của vua Càn Long. Mặc dù chưa nhận được chỉ thị “tiến lên một chút”, Tôn Sĩ Nghị vẫn xin lưu lại chừng một tháng để giúp đỡ Lê Chiêu Thống ổn định tình hình. Khoảng trung tuần tháng Giêng sẽ rút quân về. Điều này cho thấy ông đã biết lệnh rút quân từ giữa tháng Chạp. Trước đây Lê Quýnh được ban cho chức Tổng binh, được phái đi lo lương thực cho chiến dịch đánh Phú Xuân. Nhưng vì ý định đó đã bãi, Tôn Sĩ Nghị ép Chiêu Thống “đuổi theo thu lại kiếm ấn và đổi thành chức bình chương sự”. Cả tiểu truyện của Đinh Nhạ Hành lẫn Lê Quýnh đều nhắc đến việc này. Hai người cầm ấn kiếm mới được mấy ngày đã bị đòi lại.

Đinh Nhạ Hành lại trở về trấn Sơn Nam. Lê Quýnh cũng thất vọng. Nhân vì có bệnh sốt rét, Lê Quýnh cũng nằm nhà, không theo Chiêu Thống đi yết kiến Tôn Sĩ Nghị như trước. Tôn Sĩ Nghị thấy vắng mặt, lại gọi tới để tra hỏi và trách mắng cho một trận. Lê Quýnh chỉ phục xuống đất vâng vâng dạ dạ. Tôn Sĩ Nghị cũng đành cho về dưỡng bệnh. Quýnh bèn bỏ hẳn về quê.

Vua Chiêu Thống còn giáng thêm một mệnh lệnh nữa, cho phép binh sĩ được về quê thăm nhà ăn Tết, sang xuân phải quay lại để chờ sai khiến. Binh sĩ dưới quyền Đinh Nhạ Hành đông mà lương thực hiếm, nên rất nhiều người xin về. Dưới quyền Đinh Nhạ Hành chỉ còn hơn 1000 người. Đinh Nhạ Hành càng chán nản, đưa binh thuyền về đậu ở Nam Xương chứ không về trấn doanh. Hôm đó là ngày 19 tháng Chạp.

Ngược lại, các giáo sĩ phương Tây cho hay quân Tây Sơn đang ráo riết bắt lính và tìm kiếm lương thực ở vùng mà họ còn chiếm giữ được tại Sơn Nam. Ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thân (1788), Đô ty Trần Nguyên Nhiếp thuộc cánh quân Quảng Tây đã biết về việc tượng binh Tây Sơn tụ tập ở Thanh Hoa. Quân Thanh “sớm tối thao luyện chuẩn bị tác chiến”. Ít ngày sau, quân Tây Sơn ở Sơn Nam lên tinh thần vì hay tin hoàng đế Quang Trung sắp kéo đến. Họ tấn công một đơn vị đồn trú nhà Lê ở gần Kẻ Vĩnh (tức giáo xứ Vĩnh Trị ở Ý Yên, Nam Định). Khi tới Sơn Nam, hoàng đế Quang Trung viết một thư khác cho Tôn Sĩ Nghị. Trong thư, ông gọi Tôn Sĩ Nghị là “thằng điên”. Chiến dịch Kỷ Dậu sắp bắt đầu. 

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Minh hoạ: Võ Minh Thảo
Dàn trang: Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share