Iwamoto ngồi tính toán nước cờ tiếp theo. Anh buộc phải đánh bại Hashimoto để đoạt Bản Nhân Phường – danh hiệu vô cùng cao quý trong giới cờ vây. Trận đấu đang đi vào giai đoạn cao trào. Không khí trong phòng đặc quánh vì căng thẳng.
Lạch cạch, lạch cạch.
Đồng hồ điểm 8 giờ 15 phút tại nước đi thứ 106.
Một luồng ánh sáng chói lòa bừng lên từ phía cửa sổ kèm theo âm thanh dữ dội. Cả tòa nhà rung lên như gặp động đất. Bàn cờ bị thổi bay, quân cờ văng tá lả, cửa kính nát vụn, những người tham gia ván đấu cũng không tránh khỏi thương tích. Dù vậy, họ vẫn bình tĩnh sắp xếp lại bàn cờ và tiếp tục thi đấu sau giờ nghỉ trưa.
Ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom hạt nhân Little Boy phát nổ trên bầu trời Hiroshima. Tâm chấn cách địa điểm quyết đấu 5km.
Kết quả: quân trắng của Hashimoto thắng 5 mục.
Ván cờ huyền thoại này đi vào lịch sử với cái tên Atomic Bomb Go Game, đánh dấu một sự kiện kinh khủng: lần đầu tiên có một quốc gia bị tấn công bởi thứ vũ khí hủy diệt với sức công phá tàn bạo như vậy.
Tại sao sự kiện bi thảm đó lại diễn ra và vì sao Mỹ buộc phải mạnh tay như vậy?
Quay trở lại thời điểm sau trận Trân Châu Cảng cuối năm 1941, Nhật đã kéo Mỹ trực tiếp tham chiến bằng cách oanh tạc tan nát quân cảng của họ Hawaii. Để phản công, Mỹ sử dụng chiến thuật nhảy đảo (island hopping).
Nếu Thái Bình Dương là một bàn cờ vây, Mỹ sẽ cố gắng siết hết khí của Nhật. Quân đội Mỹ sẽ nhảy cóc qua từng cụm đảo (leapfrogging), dần dần bao vây Nhật Bản trước khi đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng tại Tokyo và phong ấn con thần long hung bạo lại. Đập cho đế quốc mặt trời mọc thành đế quốc mặt trời lặn không hề đơn giản, Mỹ đã thật sự đánh nhau với Nhật cực kỳ nghiêm túc, bằng mọi sức mạnh mình có.
Năm 1945, đã đến lúc chấm dứt cuộc chơi, thế giới chịu đựng quá lâu rồi. Kế hoạch xâm lược Nhật Bản Downfall thực tế trông sẽ như thế này. Để lên được một chiến lược kết liễu đế quốc Nhật Bản ngay tại sào huyệt, với các hướng từ đại dương, chỉ Hoa Kỳ mới đủ lực. Trong khi đó, Liên Xô sẽ từ Mãn Châu tràn vào Hokkaido để tạo thành thế gọng kìm. Kẻ Bắc tiến, người Nam hạ, hai siêu cường sẽ phải phối hợp cùng một lúc để thực hiện nghi thức phong ấn con rồng khát máu này.
Nhật Bản bị kẹp giữa gấu xám và đại bàng. Họ biết Hoa Kỳ sắp từ Okinawa đánh lên và Liên Xô sắp từ Manchuria tràn xuống. Và rồi họ quyết định chuẩn bị cho chiến dịch tử thủ cuối cùng: Ketsugo. Mục tiêu của Ketsugo là đánh Mỹ đến người Nhật cuối cùng. Ai có gì dùng nấy, ngay cả nữ sinh cũng dắt dao trong người để phòng thân. Nếu chiến dịch này xảy ra, thiệt hại nhân mạng sẽ lên đến con số hàng triệu.
Về phía Mỹ, chiến dịch Downfall ước đoán sẽ gây thương vong tối đa khoảng 4 triệu quân Đồng Minh. Chỉ có 60% được trang bị, còn lại ai có gì dùng đó, nhưng Nhật Bản quyết tử đánh Mỹ đến cả cái lai quần cuối cùng. Nhằm hạn chế thương vong tối đa, đồng thời mau chóng kết thúc Thế chiến trước khi Hồng quân có mặt trên Nhật Bản, Tổng thống Truman cân nhắc rất nhiều lần.
Nhẩm tính thấy thương vong đắt quá nên ban đầu Mỹ tính sử dụng vũ khí hóa học, rồi vũ khí sinh học và đến phương án cuối cùng. Truman muốn tìm được giải pháp cho chiến tranh bằng cách gây ra sự tàn phá và gieo rắc kinh hoàng về những thiệt hại tiếp theo, điều đó đủ làm cho Nhật Bản chấp nhận thua cuộc. Tại vì sao?
Tại vì Nhật kể cả trong tình huống trắng tay mười mươi vẫn sẽ kháng cự đến tận cùng. Hải quân Nhật Bản dù đã tê liệt nhưng khi đổ bộ lên đất liền, người Mỹ phải đối mặt với một dân tộc võ sĩ đạo, cuồng tín và không sợ chết. Dự tính Đồng Minh sẽ phải tiêu diệt 5 đến 10 triệu người Nhật để chấm dứt đế chế Thái Dương Thần Nữ.
Người Mỹ đã chuẩn bị cho tình huống kiểu này từ trước Thế chiến. Một lá thư do Einstein gửi đến Văn phòng Tổng thống Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo: Đức Quốc xã đang đi trước trong việc phát triển một loại vũ khí hủy diệt cực kỳ lợi hại. Nước Mỹ phải hành động ngay bây giờ hoặc chứng kiến quốc gia của họ nổ tung một khi Hitler thành công.