Bóng ma hạt nhân – Kỳ 2: Và ta trở thành Tử Thần, kẻ hủy diệt hoàn vũ

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Bóng ma hạt nhân – Kỳ 2: Và ta trở thành Tử Thần, kẻ hủy diệt hoàn vũ

Vũ khí hạt nhân – phát minh ra đời để kết thúc mọi phát minh khác – là bóng ma bao trùm lên tương lai của loài người.

Khi Oppenheimer chế tạo thành công bom nguyên tử, ông đã rất phấn khởi. Tuy nhiên, niềm vui đó nhanh chóng chấm dứt sau vụ tấn công thứ hai khốc liệt diễn ra trên Nagasaki. Trong một đoạn phim phỏng vấn, Oppenheimer trích một đoạn trong thánh kinh đạo Hindu ra để tự nói về mình:

Và ta trở thành Tử Thần, kẻ hủy diệt hoàn vũ!
J. Robert Oppenheimer

Thần Prometheus đã lấy lửa trao cho loài người và chịu cảnh xiềng xích muôn kiếp. Robert Oppenheimer cũng vậy, ông mang một loại hỏa khí với năng lượng như những ngôi sao đưa cho loài người và cũng chịu cảnh dày vò hết đời.

Oppenheimer không hối hận vì đã phát minh ra quả bom, nhưng ông lo lắng về cách loài người sẽ sử dụng nó. Thảm họa giáng xuống Nhật Bản cùng viễn cảnh ảm đạm mà Oppenheimer nhìn thấy như ngày tận thế được báo trước của nhân loại khiến ông không thể chịu đựng nổi.

Đạo diễn lừng danh Christopher Nolan bày tỏ: 

“Theo quan điểm của tôi, Oppenheimer là người quan trọng nhất lịch sử. Đời ông là một trong những câu chuyện phi thường nhất. Bằng cách giải phóng sức mạnh hạt nhân, Oppenheimer đã trao cho chúng ta khả năng tự hủy diệt chưa từng có và điều đó đã thay đổi nhân loại vĩnh viễn”

Hiroshima sau trận đámh bom (Nguồn U.S. Navy Public Affairs Resources Website)
Tàn tích một ngôi chùa tại Nagasaki sau vụ đánh bom. Nguồn Cpl. Lynn P. Walker, Jr. (Marine Corps)

Như ta đã biết, tinh thần của nước Nhật là vô cùng khủng khiếp. Thử lấy 3 ví dụ:

1. Trên tàu Titanic chỉ có duy nhất 1 người Nhật và ông ta cũng là người may mắn sống sót. Ông ta bị cả nước Nhật sỉ nhục là kẻ hèn nhát. Về sau sống trong cảnh khốn đốn vì không xin được việc và chết trong đau buồn. Người Nhật trọng danh dự và lòng dũng cảm.

2. Một cựu binh Nhật bị lạc trên hòn đảo tại Thái Bình Dương. Mấy chục năm trôi qua ông ta vẫn tưởng chiến tranh còn tiếp diễn, vẫn chiến đấu và giết bất cứ ai lại gần. Thậm chí cử người Nhật tới giải thích để dẫn về quê ông ta cũng không chịu. Cuối cùng chỉ có nhờ thượng cấp cũ ra lệnh ông ta mới buông vũ khí trở lại Nhật Bản. Đầu hàng là từ không có trong từ điển người Nhật.

3. Biết là đánh không lại người Mỹ vẫn kiên quyết chơi khô máu, định đem máy bay qua California và San Diego thả bom hóa học rồi ra sao thì ra. Quyết tâm cực kỳ sắt đá.

Chịu ảnh hưởng bởi một nền giáo dục quân phiệt nhồi sọ về việc làm mọi thứ vì tổ quốc như vậy, trong một thời gian dài như vậy, mà họ vẫn phải đầu hàng khi ăn hai quả bom nguyên tử. Đúng là chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể khuất phục được chiến ý người Nhật. Sự tuyên chiến của Liên Xô dẫn đến đạo quân Quan Đông thảm bại là một nguyên nhân trọng yếu, nhưng sự ra đời của một thứ vũ khí hủy diệt bí ẩn mà không có cách phá giải mới là điều then chốt.

Về cơ bản, vũ khí hạt nhân có hai loại nổi tiếng nhất: bom phân hạch và bom nhiệt hạch.

Bom phân hạch (hay bom A)

Chúng ta quen gọi là bom nguyên tử. Loại này dùng Uranium hoặc Plutonium để kích hoạt. Quả ở Hiroshima là Uranium, còn Nagasaki là Plutonium. 

Quả Little Boy thân thuôn dài, sử dụng cơ chế dạng súng (gun type). Nói chung nó y như khẩu súng vậy. Bộ phận khai hỏa sẽ đẩy các vòng Uranium va chạm với nhau, hình thành chuỗi phản ứng phân hạch dây chuyền, tích tụ một lượng cực lớn năng lượng rồi bùm.Vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Beirut của Lebanon mạnh tương đương 240 tấn TNT. Còn Little Boy sở hữu sức công phá 15000 tấn TNT. 

Quả Fat Man thân béo tròn, sử dụng cơ chế nổ sập (implosion type). Sử dụng thuốc nổ để nén khối nguyên liệu Plutonium, kích hoạt phản ứng phân hạch dây chuyền gây nên một vụ nổ kinh hoàng.

Bom nhiệt hạch (hay bom H):

Chúng ta quen gọi là bom khinh khí. Đây là một quả bom kép, phải kích nổ một quả bom A để phản ứng nhiệt hạch được tạo ra. Chính vì thế bom H mạnh hơn bom A hàng ngàn lần, dư sức quét sạch một thành phố ra khỏi bản đồ trái đất. Ngay cả Oppenheimer cũng thà từ chức chứ không muốn tiếp tục phát triển loại bom này: “Tôi không phải là một tay lái súng, tôi chỉ là một nhà bác học”.

Tiếp tục phân loại, ta có:

Vũ khí hạt nhân chiến thuật

Dùng để tấn công trên chiến trường, phạm vi nhỏ. Mục đích chính nhằm gây khiếp sợ cho đối phương.

Vũ khí hạt nhân chiến lược

Đủ sức thổi bay một thành phố, như cách Mỹ đánh Hiroshima và Nagasaki (cũng như các điểm dự định khác gồm Kyoto, Kokura, Niigata).

Hiroshima trước và sau vụ đánh bom nguyên tử năm 1945. Ảnh: John van Hasselt - Corbis

Người Nhật vẫn gắng gượng vươn dậy từ đống đổ nát. Ba ngày sau vụ đánh bom nguyên tử Hiroshima, giao thông hoạt động trở lại. Trong vòng hai tháng, các lớp học tiếp tục diễn ra trong những tòa nhà đổ nát. Ngân hàng duy nhất chưa bị phá hủy cũng mở cửa làm việc. Hiroshima cố gắng quay về nhịp sống bình thường giữa khung cảnh tan hoang. Tuy nhiên, không phải dân tộc nào cũng kiên cường được như vậy. 

Một quả bom hạt nhân sẽ giết người theo thứ tự là vụ nổ (blast)sức nóng (heat)sóng xung kích (shockwave) và phóng xạ (radiation). Vụ nổ sẽ sát hại bất cứ ai gần tâm chấn (ground zero) và gây ra chảy máu nội tạng, chấn thương tai và phổi. Rồi đến một đợt cuồng phong do sóng xung kích trải rộng với vận tốc hàng trăm cây số một giờ, khiến nạn nhân bị quăng quật như một con búp bê với đủ thứ phế liệu va đập như đạn bắn. 

Nhiệt độ từ bom nguyên tử tỏa ra nóng đến mức ai ở gần tâm chấn nếu không bốc hơi thì cũng bị thiêu sống. Đồng thời, ngưỡng nhiệt quá cao như vậy sẽ tạo thành các cơn bão lửa khổng lồ. Kể cả những người trốn dưới hầm trú ẩn cũng chết ngạt vì thiếu oxy và ngạt cacbonic. Cuối cùng, phóng xạ sẽ giải quyết phần còn lại.

Tạp chí LIFE mô tả sức mạnh của các quả bom ở Hiroshima và Nagasaki: 

“Các đợt sóng xung kích dồn dập ào tới vặn xoắn cơ thể nạn nhân, khiến nội tạng của họ bung ra. Giữa khung cảnh khói lửa điêu tàn, các cơ thể bay đi với vận tốc từ 500 đến 1000 dặm mỗi giờ. Trong bán kính 6500 feet (khoảng 2km), hầu hết những ai đứng đó đều thương vong và các tòa nhà bị nghiền nát hoặc xé toạc”.

Tuy nhiên chưa dừng ở bom nguyên tử, người Mỹ còn chế tạo ra pháo nguyên tử Atomic Annie. Họ đem thử nghiệm nó ở Nevada. Sau 19 giây khai hỏa, viên đạn phát nổ ở khoảng cách 10km và tạo nên một vụ bùng nổ tương đương với sức công phá của quả Little Boy khét tiếng ở Hiroshima. Có ít nhất 20 khẩu được lắp ráp, luân chuyển khắp châu Âu và bán đảo Triều Tiên. Con Atomic Annie này từng một thời là nỗi khiếp đảm cho tới khi người ta phát minh ra một thứ còn kinh khủng hơn: Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Đầu tiên ta sẽ dùng Nukemap thử kích nổ quả bom hủy diệt Nagasaki trên bầu trời Sài Gòn, thuộc loại bom phân hạch. Trái Fat Man với sức mạnh 20 nghìn tấn TNT rơi ngay Bitexco. 

1. Vùng tâm chấn (Hypocenter): Toàn bộ quận 1, Landmark 81, phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Tây Bùi Viện, hồ Con Rùa bên quận 3, hay phố ẩm thực bên quận 4, nằm gần tâm chấn nên bốc hơi trước.

2. Vùng hỏa cầu (Fireball): Bình Thạnh, Phú Nhuận, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn, ngã tư Hàng Xanh, trường Hutech, trường Ngoại Thương, kênh Nhiêu Lộc chịu mức nhiệt độ nóng hơn Mặt Trời. Những ai xui xẻo đứng trong mấy quận này sẽ bị nướng chín. 

3. Vùng sóng xung kích (Shockwave): Quận 2, 5, 6, 7, 10, 11 bị sóng xung kích quét tan hoang, có nơi gần như sụp đổ hoàn toàn, kể cả hai khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng và Thảo Điền.

4. Vùng nhiệt (Heat): Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 8, 9, 12, thoát nạn nhưng vẫn cảm nhận dư chấn rõ ràng và sẽ quá tải y tế khi người thương vong được dồn về đây.

Cả thành phố chìm trong biển lửa khi các cây xăng phát nổ, kèm theo cơn mưa phóng xạ màu đen. Các công trình và nền đất biến thành những cái lò nướng mà nếu không cẩn thận đặt tay chân lên sẽ bị bỏng.

Tiếp tục, chúng ta sẽ dùng một thứ nặng đô hơn rất rất nhiều: Tsar Bomba – Quả bom hạt nhân mạnh nhất lịch sử do Liên Xô chế tạo, thuộc loại bom nhiệt hạch. Nổ một phát là địa hình xung quanh biến thành Mặt Trăng luôn. Theo như tác giả bài viết tính nhẩm thì:
1. Tâm chấn (Hypocenter): Tâm vụ nổ sẽ khoảng khúc Trường Chinh, Tây Thạnh của quận Tân Phú.
2. Vùng hỏa cầu (Fireball): Khu vực Tân Phú, Hóc Môn, Gò Vấp,… đều sẽ nằm trong đây. Giống y hệt một mặt trời rơi xuống giữa lòng thành phố, tiêu diệt mọi sự sống lập tức.
3. Vùng sóng xung kích (Shockwave): Toàn bộ nhà cửa Sài Gòn bay màu hết, cả những nơi xa như quận 7, quận 2, Thủ Đức cũng không chịu nổi sóng xung kích quét qua. Ảnh hưởng của nó đến tận thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương).
4. Vùng nhiệt (Heat): Vùng nhiệt khổng lồ này sẽ kéo tới tận thành phố Tân An (Long An), tới cả Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom (Đồng Nai). Bất cứ động vật nào bị sức nóng bao trùm cũng phỏng cấp độ 3. Kể cả đứng bên ngoài vùng nhiệt như Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng có khả năng phỏng cấp độ 1 và 2. Ảnh hưởng của Tsar Bomba lan đến gần các tỉnh Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh,… luôn.

Không riêng Sài Gòn, chỉ cần một quả bom nhiệt hạch duy nhất là cả vùng Đông Nam Bộ biến thành địa ngục. 

Người viết cũng thử nghiệm xem mức độ công phá của Tsar Bomba lên thủ đô Hà Nội thì bay hết Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Phủ Lý. Chết tầm 6 triệu 7, bị thương 5 triệu 3. Đồng bằng sông Hồng tan tành dưới sức mạnh của một quả bom khinh khí.

Thử nghiệm giả định bên trên cho bạn biết nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra sẽ kinh khủng cỡ nào và tại sao nhân loại cần đấu tranh để loại bỏ nó vĩnh viễn khỏi Trái Đất. Robert Oppenheimer đã mở chiếc hộp Pandora để thả tai ương ra nhân gian và chúng ta phải cùng nhau đóng nó lại.

Chúng tôi biết thế giới sẽ không còn như cũ nữa. Vài người cười, vài người khóc. Còn lại đều câm lặng.

Đây cũng là lý do hiện tại các nước chỉ không dám đánh nhau tổng lực như ngày xưa nữa. Trong cuốn Homo Sapiens, tác giả Yuval Noah Harari có nói rằng thật sự vũ khí hạt nhân đã khiến thế giới hòa bình hơn trước vì cú sốc từ Hiroshima và Nagasaki vẫn còn quá rõ. Nhà vật lý học Edward Teller – cha đẻ bom H – cho rằng: 

Hy vọng thế giới chứng kiến kết quả những gì chúng ta đã làm. Điều này sẽ thuyết phục mọi người rằng cuộc thế chiến tiếp theo chắc chắn vô cùng tàn khốc

Edward Teller
Chia sẻ câu chuyện này
Share