Người Nhật vẫn gắng gượng vươn dậy từ đống đổ nát. Ba ngày sau vụ đánh bom nguyên tử Hiroshima, giao thông hoạt động trở lại. Trong vòng hai tháng, các lớp học tiếp tục diễn ra trong những tòa nhà đổ nát. Ngân hàng duy nhất chưa bị phá hủy cũng mở cửa làm việc. Hiroshima cố gắng quay về nhịp sống bình thường giữa khung cảnh tan hoang. Tuy nhiên, không phải dân tộc nào cũng kiên cường được như vậy.
Một quả bom hạt nhân sẽ giết người theo thứ tự là vụ nổ (blast), sức nóng (heat), sóng xung kích (shockwave) và phóng xạ (radiation). Vụ nổ sẽ sát hại bất cứ ai gần tâm chấn (ground zero) và gây ra chảy máu nội tạng, chấn thương tai và phổi. Rồi đến một đợt cuồng phong do sóng xung kích trải rộng với vận tốc hàng trăm cây số một giờ, khiến nạn nhân bị quăng quật như một con búp bê với đủ thứ phế liệu va đập như đạn bắn.
Nhiệt độ từ bom nguyên tử tỏa ra nóng đến mức ai ở gần tâm chấn nếu không bốc hơi thì cũng bị thiêu sống. Đồng thời, ngưỡng nhiệt quá cao như vậy sẽ tạo thành các cơn bão lửa khổng lồ. Kể cả những người trốn dưới hầm trú ẩn cũng chết ngạt vì thiếu oxy và ngạt cacbonic. Cuối cùng, phóng xạ sẽ giải quyết phần còn lại.
Tạp chí LIFE mô tả sức mạnh của các quả bom ở Hiroshima và Nagasaki:
“Các đợt sóng xung kích dồn dập ào tới vặn xoắn cơ thể nạn nhân, khiến nội tạng của họ bung ra. Giữa khung cảnh khói lửa điêu tàn, các cơ thể bay đi với vận tốc từ 500 đến 1000 dặm mỗi giờ. Trong bán kính 6500 feet (khoảng 2km), hầu hết những ai đứng đó đều thương vong và các tòa nhà bị nghiền nát hoặc xé toạc”.
Tuy nhiên chưa dừng ở bom nguyên tử, người Mỹ còn chế tạo ra pháo nguyên tử Atomic Annie. Họ đem thử nghiệm nó ở Nevada. Sau 19 giây khai hỏa, viên đạn phát nổ ở khoảng cách 10km và tạo nên một vụ bùng nổ tương đương với sức công phá của quả Little Boy khét tiếng ở Hiroshima. Có ít nhất 20 khẩu được lắp ráp, luân chuyển khắp châu Âu và bán đảo Triều Tiên. Con Atomic Annie này từng một thời là nỗi khiếp đảm cho tới khi người ta phát minh ra một thứ còn kinh khủng hơn: Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Đầu tiên ta sẽ dùng Nukemap thử kích nổ quả bom hủy diệt Nagasaki trên bầu trời Sài Gòn, thuộc loại bom phân hạch. Trái Fat Man với sức mạnh 20 nghìn tấn TNT rơi ngay Bitexco.
1. Vùng tâm chấn (Hypocenter): Toàn bộ quận 1, Landmark 81, phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố Tây Bùi Viện, hồ Con Rùa bên quận 3, hay phố ẩm thực bên quận 4, nằm gần tâm chấn nên bốc hơi trước.
2. Vùng hỏa cầu (Fireball): Bình Thạnh, Phú Nhuận, cầu Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn, ngã tư Hàng Xanh, trường Hutech, trường Ngoại Thương, kênh Nhiêu Lộc chịu mức nhiệt độ nóng hơn Mặt Trời. Những ai xui xẻo đứng trong mấy quận này sẽ bị nướng chín.
3. Vùng sóng xung kích (Shockwave): Quận 2, 5, 6, 7, 10, 11 bị sóng xung kích quét tan hoang, có nơi gần như sụp đổ hoàn toàn, kể cả hai khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng và Thảo Điền.
4. Vùng nhiệt (Heat): Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 8, 9, 12, thoát nạn nhưng vẫn cảm nhận dư chấn rõ ràng và sẽ quá tải y tế khi người thương vong được dồn về đây.
Cả thành phố chìm trong biển lửa khi các cây xăng phát nổ, kèm theo cơn mưa phóng xạ màu đen. Các công trình và nền đất biến thành những cái lò nướng mà nếu không cẩn thận đặt tay chân lên sẽ bị bỏng.