Cải lương đối với người miền Tây Nam bộ không chỉ là văn hoá đại chúng mà có lẽ đã đi vào một phần làm nên hồn người của chúng tôi bằng nhiều cách.
Sát sườn thời rực rỡ của cải lương là thế hệ 8x đầu 9x, một lứa tuổi gạch nối, khi bên này cái cũ cái truyền thống vẫn là một nền tảng vững chắc, còn bên kia cái mới chưa kịp ập tới như vũ bão. Khi tuổi thơ gắn với tivi màu đời đầu, thời hoàng kim của thuê băng chiếu đĩa, thì kiểu gì chúng tôi cũng thấm đẫm trong loại hình nghệ thuật (hoặc loại hình giải trí, tuỳ góc nghĩ) được lan truyền rộng rãi qua sóng vô tuyến, nếu ở nhà không “bắt” thì qua nhà hàng xóm chơi cũng “bắt”, đó là cách cải lương sẽ “bắt” bạn nghe dù muốn hay không.
Hồi nhỏ lúc chưa rời quê, tôi không thích cải lương, xem nó là một cái gì đấy sến súa, sướt mướt, rườm rà, ngay cả cái tên cũng hay được dùng như một tính từ để cười cợt những cái đi ngược lại với vẻ sang trọng, hiện đại. Tuy vậy, sau này lớn lên, hiểu biết hơn, và trở về trân quý những giá trị bản sắc, nhất là khi tương tác giao thoa với nơi tứ xứ đổ về như Sài Gòn, tôi mới nhận ra, cải lương chính là một kiểu DNA, làm nên một trong những đặc trưng văn hoá phân biệt chúng tôi với phần còn lại. Nói thế không có nghĩa là những vùng miền khác không cảm thụ được loại hình này, và đã ở miền Tây thì phải nghe cải lương, nhưng bạn biết đấy, nó mang tính đại diện.
“Giới mộ điệu” không phải là một từ độc quyền nhưng có lẽ được dùng nhiều hơn cả là cho nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là cải lương. Lúc tôi ở nhờ nhà người quen đi học, có một bà bếp người Quảng Nam khi làm việc nhà ban ngày bao giờ cũng kè kè một cái cát sét mini cũ phát cải lương. Tất nhiên khi này thì chủ nhà người bà con của tôi đã đi học đi làm cả rồi, chỉ có tôi ở nhà vừa học bài vừa nghe tuồng cổ lê khắp 4 tầng lầu.
Khi chuyển ra ngoài, tôi ở chung với hai đứa cùng quê đều thích nghe ca cổ, trong khi vũ trụ xung quanh tôi ở phổ thông chỉ bàn về V-pop hay Hallyu, cải lương không hề có mặt trong ý niệm thanh xuân vườn trường của tôi hồi ấy. Về sau, tôi đã vô cùng ngạc nhiên và thú vị khi phát hiện “một người như Na” cũng nghe cải lương, “một người như Na” là một cá tính thể hiện tất cả những gì không liên quan, nếu không nói là nằm ở cực đối hẳn với “cải lương”. Trên bình diện thẩm mỹ cá nhân, khó mà rút ra một khái luận chung từ đặc điểm của một người với thứ mà họ thưởng thức và yêu thích, nhưng tôi biết mình đã bắt đầu yêu quý và nghe cải lương một cách chủ động hơn.
Đã có nhiều ngã rẽ trong quá trình hình thành và dòng chảy phát triển đờn ca hát xướng cùng nhạc cụ dân tộc, để gọi đúng loại hình thì cũng phải có chút công tìm hiểu: hồ quảng, tuồng cổ, ca cổ, tuồng xã hội, tân cổ giao duyên, thậm chí là đờn ca tài tử và có lẽ là một số thứ na ná nữa, do không phải chuyên môn nên tôi cứ gọi chung cải lương cho “tiện”. Chủ yếu chính là cái cảm giác quen thân mà thứ âm nhạc này mang đến cho bạn, có thể bạn không biết nó tên điệu gì, lớp lang ra sao, nhưng khi đâu đó cất lên là bạn thấy gần gũi thân quen như cách mà một bài hát ru đưa ngủ em bé còn nằm dưới vòng nôi: trong đó nồng đượm tiếng xứ sở, thon thả tiếng quê hương, chan chứa tình bà tình mẹ, thắm thiết nghĩa vợ tình chồng, ấm áp tình làng nghĩa xóm, thế thái nhân tình ấm lạnh, răn dạy đạo lẽ làm người… nuôi dưỡng tâm hồn từ tấm bé.
Đó là cảm giác tôi đã bắt gặp vào một sáng đầu năm (2017) thức dậy ở một “trường học” giữa hồ Tonle Sap dành cho trẻ em nghèo lạc xứ của thầy Trần Văn Tư, sau một đêm chia nhau cái tròng trành trong “phòng khách” là nóc một chiếc ghe to gió sông thổi tứ bề, sáu người chúng tôi thức dậy trước cả bình minh, vẳng lại từ gần đấy là một cái bè đã sáng đèn, đang phát ca cổ. Khoảnh khắc trước hửng ngày trên nền của cái “tiều tuỵ vòng quanh” cho tôi nhiều xúc cảm kỳ lạ, một mặt tôi tưởng mình như đang ở trên những ghe thương hồ xuôi khắp Miệt Thứ, mặt khác tôi thương cảm cái kiếp đời lênh đênh lay lắt của những con người không quốc tịch trên đất Cam-pu-chia mà dẫu có lòng cũng chẳng làm gì hơn được.
Vì cái chất trọng tình, cải lương dễ phổ biến trong giới bình dân, bình dân đến lượt nó càng làm cho cải lương thăng hoa. Người ta riêng dành từ “mùi mẫn” (ca mùi, diễn mùi) khi nói về những giọng ca cải lương có thể đi vào lòng mộ điệu. Được khán giả thương yêu đã mang lại vinh quang và danh tiếng đến cả “ngoại tao cũng biết” cho người nghệ sĩ, thấu cái lẽ cho đi nhận lại ấy mà nghệ sĩ xưa, mười người hết một chục, ngoài việc kính nghiệp đáp đền tiếp nối, thảy đều dành một tình cảm đầy biết ơn và trân trọng với người đã mang lại hào quang cho mình. Một trong số họ đã sống trọn đời rực rỡ với đam mê.
Trong phim Tro tàn rực rỡ (2022, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, chuyển thể từ truyện Nguyễn Ngọc Tư) có hai chi tiết trong cảnh sinh hoạt ở nhà Dương – Hậu làm tôi rất buồn cười, đó là đoạn đầu (không nhớ rõ lắm khúc nào) phát ra đâu đó từ cái đài một bài hát lạ hoắc, con Ngọc ngồi kế bên mới thì thào thuyết minh cho tôi là bài Dấu chân địa đàng (Trịnh Công Sơn), và một cảnh Dương ngồi ăn cơm xem tivi, màn hình dừng giữa một tuồng chèo có cô gái vấn khăn mỏ quạ áo the yếm. Mắm lóc chưng thịt rất ngon, mắm tôm bún đậu không phải ngẫu nhiên mà khuynh đảo ẩm thực, nhưng fusion kiểu này thì thật sự rất là khó ngửi.
Tiếp cận văn hoá, theo quan điểm của tôi, trước hết đó là tôn trọng, tức là chấp nhận như nó vốn là, có thể mang văn hoá đi giao lưu nhưng có những thứ thuộc về mặt “quy tắc”, lúc đó sự “sáng tạo” thiết nghĩ cũng phải nép mình một bước. Bạn có thể cho rằng những tiểu tiết thì không đáng nói, nhưng cũng không cần phải rất tinh tế mới nhận ra, văn hoá chính là từng tế bào cùng rung động. Đất phương Nam (1997) đến giờ vẫn là một chuẩn mực và kinh điển khi nhắc về phim đặc sệt chất Nam bộ, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn là người gốc Huế, nhưng vợ ông là dân Đồng Tháp chính hiệu. Hẳn bạn còn nhớ, theo bước đường lưu lạc của An và biến động thời cuộc, đoàn hát cải lương trong bộ phim này cũng đã được khắc hoạ lại một cách đặc sắc (tập 6).
Trong phim Turning Red (2022, bởi Pixar & Disney) nhiều fan đã rất phấn khích khi capture lại màn hình tivi đang phát trong sinh hoạt ở nhà cô bé Mei Mei là một gia đình Canada gốc Hoa, có logo ở góc màn hình được phỏng theo logo của đài TVB. Cho nên không có gì lạ khi chúng tôi (tôi, Na và Trân) đều thích phim Song Lang (2018, đạo diễn Leon Le). Vibe phim “như thiệt” đã dẫn chúng tôi về lại với không khí mà lứa 8x của mình đã sống, cải lương là sợi chỉ luồn dọc câu chuyện, giọng lồng tiếng phim TVB vang vang khắp hành lang chung cư, phả lẫn vào cái huyên náo nhộn nhịp của lối sống đô thị những năm 80-90, để rồi hết phim chúng tôi còn rôm rả bình luận, cãi nhau, share nhau những bài review, bỏ ra 2 lần tiền vé xem lại (để gom đủ yêu cầu làm entrance ticket một buổi talk do diễn viên Hồng Ánh tổ chức, nhưng rút cuộc đông quá nên không được tham gia)
Trước đó, Sài Gòn, anh yêu em (2016, đạo diễn Lý Minh Thắng) cũng là một phim gây chú ý. Đánh giá cá nhân tôi thì chỉ có câu chuyện của ông Sáu bà Ba và mối tình già cải lương do nghệ sĩ gạo cội Thanh Nam và Ngọc Giàu thủ vai là tròn trịa và tự nhiên nhất, các vai còn lại thì lên gân thôi rồi. Tuy nhiên, xét tổng thể, một Sài Gòn có cũ có mới, có hiện đại đan xen truyền thống, có người trẻ và bậc lão niên, có nắng có mưa, thì du di cũng gọi là xem được. Nhờ zoom lại cải lương ở một mảng miếng khá nét, mà tôi biết tên điệu Lưu thủy hành vân (Hoài Cầu), một điệu hát dễ ngân nga thi thoảng cũng trở đi trở lại trong tôi từ dạo đấy.
Tôi viết bài này không phải để kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, mà để giã biệt những gì đã đi cùng và thuộc về một phần tuổi thơ mình. Dù đã từng, vẫn còn, hay là gần đây mới bắt đầu yêu thích, cải lương chính là đã viết lên một phần con người văn hoá của tôi, và rất nhiều người.