Ngày xưa, những người muốn thay đổi triều đại, tất phải tạo ra một tập thể dám theo mình làm phản. Và để duy trì và vận hành tập thể ấy một cách hiệu quả, không thể nào không có 4 yếu tố dưới đây:
Vũ khí
Vũ khí xưa thì gồm gươm giáo cung kiếm. Thứ nữa thì kể đến voi ngựa, tàu bè. Giáp trụ cũng tạm tính thuộc nhóm vũ khí vậy. Từ năm Đồng Khánh đến nay, kỹ nghệ phát triển, vũ khí cũng không dễ tạo đúc như trước. Thường thì có súng đạn. Hơn thì có xe cộ, pháo binh, máy bay, tàu ngầm,… Nếu không có máy móc như công binh xưởng thì không làm được vậy. Mà dẫu nếu có, thì nào mua sắm nguyên liệu, máy móc, giá cả tính sơ hàng ức tỷ, lại phải che mắt quan trên, bí mật mà làm, không phải là thứ kẻ phàm tục có thể mơ đến được.
Dù thời đại nào đi nữa, vũ khí không phải là thứ rẻ tiền dễ kiếm. Kẻ tầm thường thường giật gấu vá vai, vót nứa làm giáo, lấy dao làm gươm. Tuy nhất thời có thể tung hoành, nhưng đó không phải là thứ có thể dùng để giao phong với quân chuyên nghiệp. Bởi lẽ, cày cuốc là nông cụ để làm ăn, không thể cưỡng cầu đem đánh trận. Cũng như văn thần là để bày binh bố trận, chứ không thể cưỡng cầu chém giết trên chiến trường.
Huống chi vũ khí dùng sẽ hư hao, cần phải tu bổ. Lại còn chưa kể đến ngựa voi, chi phí mua sắm lẫn duy trì chẳng thể nào rẻ, nhưng không có thì muôn đời chỉ làm kẻ tặc khấu trong rừng núi, không thể đương đầu với tinh binh. Bởi thế, tự vũ trang bằng nông cụ hay đồ gia dụng, có thể xem là quyền biến nhất thời, nhưng không phải là kế lâu dài vậy.
Lương thực - quân nhu
Nếu vũ khí là thứ sắc bén để đột phá quân thù, thì quân nhu là thứ giúp quân ta duy trì sức mạnh đó. Nào giày dép để quân chúng đi đường. Nào xăng dầu để duy trì xe cộ. Nào thuốc thang, chăn màn, mo cau chén bát. Nói chi tiết thì nhiều không kể xiết.
Nói cơ bản của cơ bản, thì lương thực là gốc của con người. Đánh giặc 1 ngày không có lương, tâm thần sẽ hoảng loạn. 2 ngày không có lương, lòng người sẽ lìa tan. Thế nên kẻ chiến thần lấy ít đánh nhiều, thường nhắm vào việc đốt kho lương. Mà kẻ trí giả lương thiếu binh đủ, thì đánh địch để cướp gạo vậy. Lương thực là cái gốc của sự nghiệp. Bá chủ không ai không tích trữ chúng. Bảo rằng nhịn ăn mà đánh giặc, thì là lời nói của kẻ kém trí mà thôi.
Thế nhưng dẫu có biết rồi, việc làm chẳng dễ. Thời trước, một hột lúa gieo xuống, bội thu cũng chỉ thu về 4 hột. Ý nói năng suất không cao. Kỹ nghệ bảo quản thì có hạn, tục truyền rằng gạo sấy 10 năm thì hết hạn. Có nghĩa là không thể trông vào việc tích trữ hàng chục năm trời. Đó là chưa kể đến tình trạng bảo quản nảy sinh nhiều vấn đề. Nào mối mọt, chuột bọ, ẩm thấp.
Lê Văn Khôi nổi dậy chống Minh Mạng, bị vây trong thành mấy năm, lương nhiều binh đủ, lẽ ra không bại vong sớm thế. Vậy mà trời mưa xuống, làm dột kho lương, gạo mốc hết, nên mới 3 năm mà hỏng việc vậy.
Bởi thế cho nên, phàm sắm sửa hai thứ trên, thì hoặc là chiếm cứ địa bàn có sẵn ruộng, mỏ, hoặc là tranh mối lợi để tích trữ tiền bạc, dùng vốn đó mà mua sắm. Cuối cùng thành ra đồng tiền luôn là đầu cơ nghiệp.
Nhân lực
Phàm kẻ xướng nghĩa, quân chúng theo về ít ỏi cũng vài nghìn, nhưng thua bại là vì sao vậy? Hưng Đạo vương nói:
Nhân chúng theo về nhiều, là bước đầu của thành công. Nhưng nếu không biết tôi luyện, thì chỉ là cái tầm nhìn nông cạn. Ba nghìn quân Lam Sơn đánh bại hai vạn quân Minh là vì sao? Quận He có quân chúng theo hàng vạn mà thua bại liên tục là vì sao vậy?
Đó là vì Lê Thái Tổ nếm mật nằm gai tận 8 năm để luyện ra tinh binh. Ba nghìn người đó đều kinh qua sinh tử, vốn chẳng phải người thường. Quân thiết đột, dũng nghĩa là tinh tuý của binh sĩ, mọi tướng lĩnh đều mơ ước, mà chẳng phải một hai tháng đã rèn được vậy. Hữu Cầu về nhân hoà thì còn hơn Gia Long, nhưng không có cái tài luyện binh như Gia Long. Chỉ biết đem đám đông ô hợp đương cự với tinh binh triều đình, nên thua bại mãi là vì vậy.
Bởi thế, giai đoạn nếm mật nằm ngai, chẳng phải chỉ để tích thảo dồn lương, sắm sửa giáp trụ, mà còn là thời gian để luyện tập binh chúng. Người xưa nói, một cung binh luyện mất 20 năm, không phải nói đùa vậy.
Vì thế, kẻ có mệnh lớn, luôn biết coi việc bồi dưỡng bề tôi là gốc, quan trọng không khác gì lương thực. Phải biết chú ý chăm nom, hoặc tự học, hoặc tìm người giảng dạy, sao cho quân sĩ tinh thông thế trận, cách dùng vũ khí, lại luyện được tinh thần thép, có thể vững chí trên chiến trường. Thế mới mong mưu cầu đại nghiệp vậy.
Nhân tài
Người xưa nói “một cái cột không thể chống ngôi nhà lớn. Mưu một người không thể dựng nghiệp trị bình”. Lại nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Làm phản cũng như vậy. Kẻ địch là một thể chế với nhân lực, nhân tài đồ sộ. Muốn lật đổ nó, tất phải biết thu dụng người tài. Phải làm sao cho phe ta nhân tài dùng không hết, mới có thể bàn chuyện đuổi hưu tranh đỉnh.
Xét cổ thư, phàm những kẻ tự phụ có tài năng nhưng bị bản triều hắt hủi, có thể thu dụng được. Lý Nam Đế thu dụng Tinh Thiều, Hưng Đạo Vương gả con cho Phạm Ngũ Lão, đều là bước đầu của chiêu hiền đãi sĩ. Lại xét cổ thư, phàm những kẻ hiệt kiệt coi khinh cái chết, cũng có thể thu dụng được. Lê Long Đĩnh sai cướp lẻn vào giết anh, là một ví dụ vậy. Còn như Lê Thái Tổ tự tôi luyện thuộc hạ từ bọn tầm thường, kinh qua lằn ranh sống chết, rèn đúc thành danh tướng, thần binh, đó là chuyện của kẻ phi thường, không phải ai cũng làm được vậy.
Bốn tài nguyên trên là căn cơ của các bậc Cao Tổ. Thành hay bại đều là do chúng. Bằng mọi giá, phải sở hữu được chúng. Dù là vào buổi đầu Lam Sơn, hay là khi tung hoành ở Phú Xuân, cũng chẳng sai khác vậy.
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?