Chuyện tờ lịch: Điều thầm lặng đồng hành theo tháng năm

Tác giả xnghiem
Chuyện tờ lịch: Điều thầm lặng đồng hành theo tháng năm

Xẹt”, bà mẹ xé tờ lịch cũ xuống, quay sang nói với đứa con:

– Hôm bữa công ty ba mày mới cho cuốn lịch đó, canh đúng 31 thì tháo cuốn này xuống rồi treo cuốn đó lên

– Giờ có điện thoại rồi còn xài lịch xé nữa hả mẹ?

– Tao nói mày treo thì mày treo đi!

Đứa con khó hiểu đồng ý. Đối với nó, lịch xé đã là cái gì đó thân quen xa lạ lắm rồi. Thân quen vì nó vẫn hay tiện tay xé tờ lịch mỗi lần đi qua mà thấy sai ngày. Xa lạ, bởi nó cũng chẳng để ý cuốn lịch lắm. Với nó, lịch xé chưa bao giờ mà người dùng phải mua hay người mua phải dùng. Lịch xé là món quà người ta tặng nhau mỗi độ tết đến xuân về. Cứ mỗi độ gần Tết ta (hay Tết nguyên đán theo cách mà người ta hay gọi), là nó mặc định thể nào cũng có người tặng lịch cho nhà nó.

Chẳng biết lịch gắn bó với dân ta từ khi nào. Chỉ biết lịch gắn bó với người Việt Nam là sản phẩm của nông nghiệp. Thuở xa xưa, bên tả ngạn sông Hồng, có người nông dân chỉ biết trông trời, trông đất, dựa vào thời tiết khí hậu, vòng quay bốn mùa, từ đó mà nền lịch pháp của Việt Nam ra đời. 

Lịch âm mà Việt Nam sử dụng bây giờ thực chất là một thứ lịch âm dương. Là sản phẩm của lối tư duy tổng hợp, kết hợp cả chu kỳ mặt trăng lẫn mặt trời. Một cách đơn giản, việc xây dựng lịch này gồm ba giai đoạn: Định các ngày trong tháng theo chu kỳ mặt trăng – Định các tháng trong năm theo chu kỳ mặt trời – Sau ba năm lại phải điều chỉnh cho hai chu kỳ này phù hợp với nhau bằng cách đặt ra tháng nhuận. 

Giá trị của lịch âm dương không chỉ nằm ở việc nó phù hợp với nghề nông, mà còn ở hệ đếm can chi tâm linh của nó, ít ra thì hệ đếm đó có thể giúp người ta coi bói (và coi khá là chính xác). Mộc bản triều Nguyễn cũng có ghi chép về quá trình khảo cứu và thiết kế nên những cuốn lịch Tết để gửi gắm cho dân chúng mỗi dịp năm mới.

Lịch xé là cái gì đó gần gũi lắm. Gần gũi đến nỗi đã xuất hiện từ lóng “bóc lịch” để chỉ việc ai đó bị giam giữ, với ý nghĩa rằng họ sẽ chờ đợi từng ngày, từng tháng để được tự do. 

Ngày còn bé, cuốn lịch đối với một đứa trẻ như nó là cả một “thế giới khác”. Cứ mỗi lần mẹ xé một tờ xuống, đồng nghĩa với nó có thêm một tờ giấy vẽ. Nếu nó không vẽ, thì tờ lịch đó cũng là một thế giới cho nó đắm chìm. Tùy năm mà công ty ba nó tặng lịch sẽ là một thế giới khác nhau. Có năm là công thức nấu ăn được ghi trên tờ lịch, 365 ngày là 365 món. Có năm là mấy câu ca dao được ghi để nó ê a tập đọc. Có khi là “tín hiệu vũ trụ” từ những danh nhân gửi đến. Nhưng mà cuốn lịch nào cũng có “xem phong thủy”, ngày nào tốt, ngày nào xấu. Mẹ nó xem lịch sẵn tiện cũng tính được luôn chuyện công việc, ngày nào hợp để xuất ngoại, ngày nào hợp dựng cửa hàng mới. 

Ngày qua ngày, cuốn lịch “xẹp” dần, rồi hòa vào trong khung nền sẵn có, mất đi cái mới mẻ ban đầu, trở thành một phần trong cuộc sống đời thường của gia chủ. 

Nhưng có lẽ lịch cũng không chỉ dùng để xé cho người ta biết ngày. Mẹ nó hay xé đại tờ lịch rồi viết vô mấy dòng ghi chú. Còn ba nó hay dùng lịch để đựng xương cá mỗi lần ăn xong. Mà nó khá chắc không phải chỉ mỗi gia đình nó làm vậy. Nó đã từng thấy có người dùng lịch để ghi hóa đơn, cũng từng thấy có người lấy lịch đi gói đủ thứ loại hành: tỏi ớt, đinh ốc, miễn cái gì đủ nhỏ để gói là lịch đều gói được. Nó còn thấy có lần đi học, bạn nó xài cả một cuốn lịch năm cũ chưa dùng để làm giấy nháp.

Nó thấy lịch coi như cũng xuất hiện trong đời người ta một cách thầm lặng. 

Lớn, nó đã quên mất sự hiện diện của lịch xé từ lâu lắm rồi. Phần vì lịch xé quen thuộc quá nên nó cũng không còn mấy để ý. Phần vì nó có điện thoại để xem ngày cho tiện. Phần vì lịch xé có hơi… không hợp nhãn. So với những mặt hàng tết khác để làm quà tặng như giỏ quà, hộp bánh,… mặt thiết kế của lịch xé có phần nào lép vế. Lịch xé hình như chỉ có nhiêu đó mẫu mã, mà mấy mẫu đó cũng có phần… “sến” với những đứa như nó, vì mấy mẫu có sẵn đó đã có từ thời “ông bà anh”. Chắc có lẽ vì thế mà nó dẫn biến mất khỏi thị trường (bên cạnh hai lý do mà nó mới nghĩ ở trên). 

Nó nhún vai, lịch xé biến mất chắc là việc không có gì bất ngờ lắm. Chắc là nó sẽ chỉ hơi chút tiếc nuối và cả ngạo nghễ vì nó là những đứa trẻ “cuối” từng đắm chìm vào thế giới của lịch xé mỗi độ tết về. 

Nó thở dài, nói với mẹ: “Dạ rồi, khi nào hết năm thì con treo lên”. 

Tác Giả Xuân Nghiêm
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share