Chuyện các bà chúa nội phủ nhà Trịnh – Kỳ 3: Bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ – Sắc khuynh thành một thuở động binh đao

Chuyện các bà chúa nội phủ nhà Trịnh – Kỳ 3: Bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ – Sắc khuynh thành một thuở động binh đao

Năm xưa, khi ông tổ mở nghiệp nhà Trịnh là Trịnh Kiểm còn đang trong cảnh khốn khó long đong, tương truyền có lời sấm về cơ đồ Trịnh gia rằng:

“Chẳng đế chẳng bá
Quyền nghiêng thiên hạ
Truyền được tám đời
Trong nhà dấy vạ”.

Về sau quả nhiên ứng nghiệm. Giữa biến loạn nửa cuối thế kỷ 18, nhà Trịnh tuy kéo dài hơi tàn tới đời chúa Trịnh Bồng, song thực chất đã sụp đổ ngay sau khi chúa Trịnh Sâm băng hà, tức là chỉ truyền đúng tám đời chúa, nếu tính từ đời chúa Trịnh Tùng nắm thực quyền trở đi. Sự sụp đổ này có nhiều nguyên cớ, phần lớn đến từ những xung đột âm ỉ chưa bao giờ được giải quyết tận gốc rễ từ các triều chúa Trịnh trước, song nguyên do trực tiếp đúng là “trong nhà dấy vạ”. 

Đời chúa Trịnh Sâm tuy không lâm vào khủng hoảng kế vị, nhưng mắc phải sai lầm thường thấy là bỏ trưởng lập thứ: không lập trưởng tử Trịnh Khải lên ngôi mà cho con nhỏ là Trịnh Cán làm Thế tử, tất cả cũng chỉ vì lòng sủng ái một bà phi quá nặng – Tuyên phi Đặng Thị Huệ

Bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ vốn là con gái xứ Kinh Bắc, nguyên quán tại làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, xuất thân trong một gia đình nghèo, có nghề hái chè. Ban đầu địa vị trong nội phủ của bà rất thấp, song nhờ khéo léo lại có nhan sắc, nên chẳng bao lâu bà đã lọt vào mắt xanh nhà chúa. Bởi là người sắc sảo khôn ngoan, tính tình hợp với chúa, nên Bà Chúa Chè ngày càng được sủng ái hết mực. 

Lúc bấy giờ chúa Trịnh Sâm chỉ có duy nhất một con trai là Trịnh Khải, tuổi cũng đã thành niên, song chúa vốn không ưa mẹ đẻ của Khải là bà cung tần Dương Thị Ngọc Hoan. Chúa thác cớ xuất thân của bà từ làng Long Phúc vốn có mầm phản loạn từ đời Trịnh Cối, lại cho rằng bà không phải vợ cả, nên mãi không lập Khải làm Thế tử. 

Bởi vậy nên khi bà sủng phi họ Đặng sinh được con trai là Trịnh Cán, chúa Trịnh Sâm rất đỗi vui mừng, càng yêu quý cả mẹ lẫn con gấp bội. Ngặt vì khoảng cách tuổi giữa hai con trai khá xa, Khải đã trưởng thành mà Cán còn quá nhỏ, nên ngôi Thế tử vẫn mãi để trống, chúa còn phân vân chưa biết nên chọn người con nào. Trong triều vì thế mà cũng hình thành ngầm hai vây cánh. Một phe ủng hộ lập Trịnh Cán do bà chúa Đặng Thị Huệ cùng Huy Quận công Hoàng Đình Bảo đứng đầu, một phái do Trịnh Khải liên kết cùng các gia thần và lính tam phủ, chỉ chực chờ có cơ hội là bùng lên dữ dội. 

Trịnh Cán
Tượng chúa Trịnh Cán (Nguồn: Internet)

Về việc lập Thế tử, mẹ đẻ chúa Trịnh Sâm là bà Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diễm có bàn rằng: 

Khải với Cán đều là cháu của già này, nhưng già nghĩ cháu Khải đã trưởng thành, mà cháu Cán còn nhỏ tuổi lại quặt quẹo luôn, già mong vương thượng coi tôn miếu xã tắc làm trọng hơn, hãy để trống ngôi kế tự, ngõ hầu Khải có lòng răn chừa; nếu không thế thì đợi khi Cán đến tuổi trưởng thành cũng chưa có gì là muộn

Nhưng chúa Trịnh Sâm vốn thiên vị con út, nên dứt khoát định rằng: 

Việc lớn nhà nước, chỉ cốt phó thác được người xứng đáng, nếu bệnh của Cán vẫn không khỏi, thì thà rằng lập Bồng , để trả lại cơ nghiệp cho ngành cả của nhà bác, chứ không đành lòng phó thác cho đứa con bất hiếu làm gì!

Việc tới đây coi như ngã ngũ. 

Cần nhắc lại rằng, dẫu chúa Trịnh nắm thực quyền cai quản Đàng Ngoài, song về danh nghĩa, nhà chúa chỉ là thân vương khác họ, phải thần phục và nhận sắc phong từ vua Lê. Chính vì vậy nên các con trai của chúa Trịnh gọi là Vương tử (王子), nhận phong tước Công (公), thường là Thân công (親公), Quốc công (國公) và Quận công (郡公). Danh hiệu Thế tử (世子) sẽ được phong cho người thừa kế họ Trịnh nhằm phân biệt với ngôi Thái tử (太子) của nhà Lê. 

Theo lý thông thường, Thế tử là người con trai trưởng của nhà chúa, song vào đời chúa Trịnh Sâm, sẵn vì chuyện con ghét – con thương, lại thêm việc Khải lén nuôi binh sĩ, sắm sửa khí giới chờ thời cơ lật đổ phe cánh Tuyên phi – Quận Huy bị phát giác , nên chúa thẳng tay giáng Trịnh Khải xuống hàng con út, bắt giam lỏng để quản thúc và “tâu nhà vua xin lập Cán làm Thế tử, lúc ấy Cán mới năm tuổi”. 

Đã danh chính ngôn thuận có con làm Thế tử kế nghiệp, Bà Chúa Chè càng mở rộng quyền bính của mình hơn, nhất là khi chúa Trịnh Sâm bị bệnh, chỉ “ở nhà kín không ra ngoài”. Lúc bấy giờ, cả Quận Huy lẫn bà chúa đều giữ địa vị trọng yếu trong nội phủ, việc lớn nhỏ đều nắm giữ trong tay khiến nhiều người nghi ngại. Tới khi chúa Trịnh Sâm mất, chiếu theo di chúc mà tôn phong Trịnh Cán làm Điện Đô vương, có Tuyên phi làm nhiếp chính. Đây là việc lành ít dữ nhiều, bởi tuy phe phái Bà Chúa Chè có sức ảnh hưởng, nhưng đa phần đều ngả theo Khải: 

Lúc ấy, Cán còn nhỏ tuổi lại có bệnh, lòng người nôn nao lo sợ, trong triều đình, nơi thôn dã ai cũng biết họa loạn xảy ra chỉ trong khoảng sớm tối (...) Cán tuy được lập làm chúa, nhưng lòng người không ủng hộ, lại vì Đình Bảo bè đảng phụ họa với Đặng Thị, nên ai cũng ghét.”

Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục

Quả nhiên, Trịnh Cán vừa lên ngôi được một tháng, quân lính tam phủ  nổi dậy giết chết Hoàng Đình Bảo, truất Cán xuống hàng Quận công mà tôn Trịnh Khải làm Đoan Nam vương. Không dừng lại ở đó, lính tam phủ còn nhằm vào các nhà theo phe Trịnh Cán mà phá phách, cướp bóc để “trả thù cho chúa”, khiến kinh thành náo loạn. 

phủ chúa trịnh
Phủ chúa Trịnh (Nguồn: Internet)

Ỷ thế cậy công, quân sĩ còn đòi thăng thưởng, lại càn rỡ không sao chịu nổi, “viên quan cai quản không thể nào thống trị khống chế được, chỉ ràng buộc lỏng lẻo mà thôi”. Mà Trịnh Khải lên được ngôi là nhờ công đám binh lính này, nên càng nhắm mắt làm ngơ, nạn kiêu binh Thanh – Nghệ vì thế mà nảy nòi làm lũng đoạn cả xứ Bắc Hà cho tới khi bị quân Tây Sơn tiêu diệt. 

Giữa cơn binh biến, số phận của Bà Chúa Chè đương nhiên không thể tốt đẹp. Song quãng đời cuối của bà thực hư ra sao cũng không được rõ. Có sách chép bà uống thuốc độc tự tận, có sách chép bà bị giam giữ nghiêm, tới ngày giỗ đầu Trịnh Sâm thì được phép làm lễ tế, nhân đó bà mới tự vẫn, kết thúc hẳn một cuộc đời đầy biến động của một phụ nữ dám làm những điều trái thói thường để vươn đến đỉnh cao quyền lực. 

Tuyên phi Đặng Thị Huệ có lẽ là vị mệnh phụ nhà Trịnh được khắc họa nhiều nhất, cặn kẽ nhất trong các tác phẩm văn học và điện ảnh, bắt đầu từ Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, tới Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật cho đến “Đêm hội Long Trì” của Nguyễn Huy Tưởng. Bản thân cá tính và con đường tiến thân của bà chúa đã luôn tỏ sức hấp dẫn bởi sự quyết đoán, tâm cơ ít ai bì. So sánh với Đức Bà Vàng năm xưa, có thể thấy Bà Chúa Chè vẫn cao tay hơn một bậc khi biết lợi dụng tình hình có lợi cho mình mà kết phe cánh ủng hộ con trai nhỏ lên ngôi, mà thuật ngữ ngày nay chắc hẳn gọi đó là vận động hành lang (lobbying). Trộm nghĩ nếu kế hoạch của Tuyên phi được thực hiện trót lọt, hẳn trong lịch sử Việt Nam sẽ xuất hiện một vương phi nhiếp chính quyền nghiêng thiên hạ, làm thay đổi cục diện ba nhà Lê – Trịnh – Nguyễn thời bấy giờ?

Bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ
Sách Bà Chúa Chè tác giả Nguyễn Triệu Luật

Kết luận

Thời đại Trịnh – Nguyễn được nhắc tới nhiều trong sử sách, song chủ yếu là những câu chuyện chiến chinh, rạch đôi hai xứ Đàng Trong – Đàng Ngoài, còn chuyện sinh hoạt chốn nội phủ ra sao, ít ai tỏ tường. 

Tuy vậy, nếu chịu khó lần theo những ghi chép vụn vặt trong sử sách, ta vẫn thấy hiện lên ít nhiều chân dung của những bà chúa cá tính, xứng danh “nội tướng” trong phủ nhà Trịnh; và cũng thấy được phần nào các chúa, việc quân quản thì nghiêm mà nhiều khi trong nhà lại vẫn nương chiều theo vợ, quả là nam tử hán đại trượng phu xưa nay vẫn vì cái tình nhi nữ mà biết mềm lòng!

Thiết kế và dàn trang Trần Văn Hậu

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share