Hình xăm cổ xưa trên đất Việt

Tác giả Huyết Vy
Hình xăm cổ xưa trên đất Việt

Hình xăm từng tồn tại trong không gian văn hóa xa xưa của người Việt với nhiều ý nghĩa hơn chúng ta tưởng. Người Việt thời cổ đến tận thời Lý – Trần, giữ gìn tập tục xăm mình hình Rồng “giống Long Quân”, như một biểu trưng cho nền văn hóa Tiên – Rồng hùng tráng.

Hình xăm cổ xưa trên đất Việt

Nước trùm lấy anh, phủ lấp hết thảy giác quan. Không gian vô chừng, mịt mù âm thanh và ánh sáng khiến anh bất an cực độ. Không kịp suy nghĩ xem tại sao mình lại ở đây, anh chỉ biết dùng hết sức bình sinh để bơi về phía trước, không dám một khắc quay đầu. Vì chỉ cần chậm một giây thôi, anh sẽ thành mồi ngon cho con thủy quái sau lưng. 

Con thuồng luồng đầu rồng thân rắn có một sức mạnh phi thường đẩy cuộc truy đuổi vào thế bất cân. Nó quẫy mạnh đuôi tạo thành một cơn sóng dữ vùi dập anh tơi tả. Đến khi lấy lại thăng bằng sau cơn nháo nhào, cái đầu dữ tợn với sừng lớn đã sát ngay trước mặt, con thủy quái há to miệng chi chít răng nhọn như gươm đao.

Lòng anh chết lặng, nhưng tay vẫn theo bản năng giơ lên che chắn đầu mình. Bỗng hình xăm cánh tay nhức nhối, con rồng nơi đó như thể có nhịp đập riêng, từng mạch máu căng trào muốn bức thoát khỏi da thịt. 

Một sức mạnh vô hình tuôn trào từ đó, khiến con thuồng luồng khát thịt quay đầu bỏ đi, kéo theo mênh mang làn nước dữ, để lại một không gian trắng lóa và cơn trống rỗng cùng cực trong anh. Trong tiếng tim đập thình thịch và cảm giác châm chích vẫn còn lưu lại nơi khủy tay, anh bàng hoàng tỉnh mộng, chậm rãi lấy lại tri giác.

Anh cúi đầu nhìn cánh tay mình, nơi hình xăm vẫn còn vương lại nhiều xúc cảm. Chẳng rõ giấc mơ quá chân thật khiến tâm trí đánh lừa xúc cảm nơi tay, hay đúng hơn là cơn tê của hình xăm non len lỏi vào giấc ngủ lắm trằn trọc mà sinh ra mộng mị. 

Hình xăm rồng trên đó mang hơi thở cổ xưa. Là kiểu hoa văn trực tính, mộc mạc và đầy hình tượng trên trống đồng. Anh chỉ mới xăm hôm qua, sau những ngày mỏi mòn giở sách tìm hướng viết cho cuốn tiểu thuyết mới. Những dòng sử về rồng và xăm lảng vảng hoài nơi tâm trí. Anh dùng một quyết định trong sát na để lưu lại một ấn ký cả đời. Mà nếu có ai hỏi về con rồng trên tay này, anh có một câu chuyện dài về hình xăm trên đất Việt để kể:

Hình xăm cổ xưa nhất của người Việt

Không như hầu hết quan điểm ngày nay của người Việt, cho rằng hình xăm dành cho giới trẻ tân thời ưa thể hiện. Hình xăm đã có mặt trên đất Việt từ bốn ngàn năm trước, thuở bình minh sơ khai của nền văn hiến với tích truyện còn lưu lại trong dân gian và huyền sử. (1).
Truyện Hồng Bàng thị mở đầu cho tuyển tập Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp có ghi chép rằng:
“Lúc ấy, dân sống ở ven rừng, xuống nước đánh cá thường bị giống giao long làm hại, bèn nói với vua. Đáp: “Giống sơn man và giống thủy tộc có thù với nhau, thường ghét nhau cho nên hại nhau đó”. Khiến người đời lấy mực xăm vào mình theo hình Long Quân, theo dạng thủy quái. Từ đó, dân không bị tai họa giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đấy.” 
Nội dung mang hơi hướng huyền sử này cũng được nhắc đến trong phần Ngoại kỷ của một cuốn chính sử nước ta là Đại Việt sử ký toàn thư (2) và cả trong đoạn sau của bài thơ không mấy xa lạ thuở ngồi ghế nhà trường:

“Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt”

Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm
Nhắm mắt mường tượng, từ thuở hồng hoang ấy, người Việt đã trăm phương ngàn kế tìm cách sống chung cùng nước:

"Núi cao sông hãy còn dài
Năm năm báo oán đời đời đánh ghen"

Ân oán thiên cổ của Sơn Tinh và Thủy Tinh là hình ảnh ước lệ cho công cuộc trị thủy không ngơi nghỉ suốt mấy ngàn năm của người Việt. Thậm chí nền văn hóa Đông Sơn có thể đã phát triển cả một đội thủy binh dũng mãnh cả đời phiêu bạt trên sóng nước và sống thác với thuyền. 

Trong địa hạt tâm linh, những loài thủy sinh với sức mạnh vượt tầm kiểm soát được cổ nhân tưởng tượng là giống loài của thần thánh hoặc quỷ yêu mang sức mạnh siêu nhiên. Mà ở không gian tín ngưỡng của người Việt, đó là những con thuồng luồng, giao long được thần thoại hóa và lai ghép từ những sinh vật có thật như cá sấu, rắn,… Giống loài hung tợn này giống rồng nhưng không phải rồng, sẵn sàng nuốt chửng những kẻ mò ngọc bất hạnh hay dìm nghỉm bất cứ tàu bè nào ngang qua thủy vực của mình. (3).

Dù những hình xăm đầu tiên là xăm chính loài thủy quái để chúng tin rằng đôi bên cùng giống loài, hay là xăm nguyên thân rồng của thủy tổ Lạc Long Quân để những con cá sấu và rắn nước đầy rẫy thuở hoang sơ thấy uy mà sợ (4), thì bản chất cũng là để bảo vệ những người ngâm nước mưu sinh. Mục đích này lần nữa được nhắc lại trong Truyện Bạch trĩ của Lĩnh Nam chích quái

“Chu Công hỏi dân Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm mình, đi chân đất như vậy là cớ sao?”

Sứ thần đáp rằng đáp:

“Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng. Xăm mình để giống hình Long Quân bơi lội dưới sông, loài giao long không phạm tới. Đi chân đất để tiện leo cây. Cày bằng dao, trồng bằng lửa. Ăn trầu cau để trừ ô uế cho nên răng đen.”

Theo đó, xăm mình cùng với cắt tóc ngắn, để đầu trần, đi chân đất được ghi nhận là một trong những tập tục đầu tiên của giống “con Rồng cháu Tiên”. Mà “Xăm mình để giống hình Long Quân” chính là dấu vết của việc thực hành tín ngưỡng thờ vật tổ, trong nền văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng (xăm mình rồng và đội mũ lông chim).

Nơi không thời gian xa xôi đó, hình xăm tổ rồng in dấu lên thân thể cháu con như một bùa hộ mệnh. Lực bảo hộ phát nguồn từ niềm tin vạn vật hữu linh và tín ngưỡng sùng bái tổ tiên; rồi lan rộng thành một dạng văn hóa cộng đồng và trở thành một dấu hiệu nhận biết tộc người. Mà biết đâu thuở hoang vu xa xưa ấy, bên cạnh những ý nghĩa tâm linh vốn dĩ, những hình xăm ấy còn là một ấn ký của nghi lễ chuyển giao, như một món trang hoàng cho lòng dũng cảm, sức hấp dẫn giới trong đời sống phồn thực, đánh dấu giai đoạn trưởng thành.

Hình xăm rồng là một đặc trưng của nền văn hóa sông nước

Suy xét sâu xa hơn, đằng sau hình xăm rồng chính là câu chuyện của cả một nền văn hóa sông nước. Con rồng trên đất Việt thiên biến vạn hóa với đủ loại hình tượng mà ta có thể bắt gặp ở hầu khắp đền đài, án thờ, lễ phục,… Nhưng trước hết, rồng là hóa thân sức mạnh của nước. Rồng trong thường thức của hầu hết người Việt, dù chẳng dày công tìm hiểu tôn giáo – tâm linh, là một loài thần thông với khả năng hô mưa gọi gió. 

Nhìn lại nguyên mẫu dẫu mang dáng hình cá sấu hay rắn hoặc cả hai kết hợp thì chúng đều là những trú dân phổ biến của vùng sông nước nhiệt đới. Sản phẩm Rồng từ đó cũng mang đậm tính cách của nước. Rồng sinh ra từ nước, lúc ngao du giữa hồ sâu, khi bay lượn trong gió, phun nước làm mưa. Lốc xoáy là “vòi rồng”mà vua thủy tề cũng là Long Vương.

Nơi xứ sở Đông Nam Á chằng chịt sông ngòi kênh rạch với lượng mưa lớn nhất thế giới, người dân hằng chống chọi với con nước lớn nhưng đồng thời cũng tôn sùng nước. Khi chính nước ban phát những mẻ lưới đầy cá tôm và những cánh đồng phù sa màu mỡ. Vậy nên có gì lạ đâu khi người ta tôn sùng nước và nhận mình là hậu duệ của loài rồng bước ra từ nước với mọi ý nghĩa tốt lành kèm theo. 

Con dân khổ ải, khóc than gọi cha rồng Long Quân đến cứu. Khi rồng hiện thân, quỷ ma tan tác, đất đai điểm tô màu mỡ, mầm nảy trên những cánh đồng hứa hẹn bội thu, khắp chốn hân hoan sung túc. Mà nếu bỏ qua hết những hoang đường của quyền phép và thực sự có một Lạc Long Quân người trần mắt thịt tồn tại cách đây bốn ngàn năm xa xôi, thì ắt hẳn ấy là một vị thủ lĩnh của một tộc người sống thác cùng sông nước, cũng khao khát hòa vào sông nước bằng cách tôn thờ và xăm hình vật tổ – Rồng. 

Không phải là một phong tục xuất hiện ngẫu nhiên hay biểu trưng cho tộc người vô minh, man rợ mà xăm hình rồng với ý nghĩa văn hóa cốt lõi đã được kế thừa và lưu truyền rộng khắp trong không gian tín ngưỡng của người Việt xuyên suốt ba ngàn năm, đến tận thời Lý – Trần.  

Sách Lĩnh Ngoại đại đáp chép về phong tục xăm mình thời Lý là: “文身如銅鼓” – “văn thân như đồng cổ”, chỉ ra hoa văn hình xăm của người Việt tương tự như trên trống đồng. Thậm chí có một giai đoạn, các nhà cầm quyền họ Lý phải ban hành sắc lệnh cấm nô bộc xăm hình rồng để bảo vệ vai trò đại diện quyền lực của rồng. (5) Dẫu trong thời kỳ này, con rồng đã đi đôi cùng đế vị, nhưng hình xăm rồng in dấu trên thân của những đấng chí tôn và quý tộc họ Trần, không phải là một đại biểu của vương quyền, mà vẫn là dấu vết của tín ngưỡng xăm hình vật tổ ngàn năm truyền thừa của nền văn hóa sông nước.

Hình xăm từng in trên long thể, ngự trên long sàng

Nhà ta vốn là người hạ lưu

Trần Nhân Tông

Đó là lời của thượng hoàng Nhân Tông trong một lần ngự cung Trùng Quang, có vua (Anh Tông) đến chầu và quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói:

“Nhà ta vốn là người hạ lưu (thủy tổ người Hiển Khánh), đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc.

Lời của Thượng hoàng chép trong Đại Việt sử ký toàn thư mang ý nhắc nhở về nguồn cội sông nước của tông tộc, mà chuộng dũng, xăm rồng là nếp nhà.

Nếp nhà của bậc quân vương đỉnh cao quyền lực đã thế, thì có lạ gì khi thời đại này “nhân dân ở mạn hạ lưu thích mạnh mẽ, nên vẫn cắt tóc xăm trán, nhất là những đô vật ở huyện Giao Thủy không thay đổi tục cũ, vì họ thấy như thế là mạnh mẽ.” (Trích Khâm định Việt sử Thông giám cương mục)

Cũng trong buổi cực thịnh của những vị vua Trần đầu tiên này, “quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “thái long” (rồng hoa). Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới, cho nên gọi là thái long” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).

Truyền thống xăm trong quân ngũ được phát quang rộng rãi và rồi hình xăm trở thành một biểu tượng để khích lệ dũng khí. Ví như hai chữ Sát Thát (giết quân Thát Đát – Mông Cổ) của hết thảy quan quân nhà Trần trong cuộc chiến bảo vệ giang sơn (6). Những thành viên của đội quân Thánh Dực bảo vệ xa giá xăm lên trán ba chữ Thiên Tử Quân (Quân đội Thiên Tử). Chuộng xăm còn lan truyền đến khắp dân chúng với những chữ xăm “Nghĩa dĩ quyên khu”, “Hình vu báo quốc” thể hiện tinh thần thượng võ, vì việc nghĩa liều thân, báo đền ơn nước.

Trở lại chuyện họ Trần xuất thân miền sông nước Thiên Trường (Nam Định) rồi từng bước giành quyền bính mà thay thế nhà Lý ngự trị vùng đồng bằng Thăng Long. Hình xăm của một thuở mưu sinh hoang dã chốn sông nước đã theo chân vua Trần bước lên ngai cao cửu ngũ chốn cung điện vàng son. Tập tục xăm hình rồng vào đùi của hoàng tộc nhà Trần được duy trì cho đến khi vua Anh Tông “trốn” khỏi truyền thống vào năm 1299. Sự kiện này được chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau:

“Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua (Anh Tông) rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa. Thượng hoàng bảo: “Quan gia đã trốn rồi chăng? Thì xăm cho Huệ Vũ Quốc Chẩn vậy”. Quốc phụ có xăm hình rồng ở đùi, mà về sau nối ngôi không xăm ở đùi nữa là bắt đầu từ Anh Tông.”
Ở một khía cạnh tư duy, thứ Anh Tông từ chối không phải  con rồng của vương quyền hay thậm chí cơn đau da thịt khi kim châm, mà là con rồng của một quá vãng chài lưới. Dù danh nghĩa dân chài đã mất từ lâu khi nhà Trần nắm quyền trị nước nhưng đây mới là dấu hiệu đoạn tuyệt hẳn với quá khứ dân dã.

Hình xăm cổ theo con sóng thời vận đi vào bóng tối

Vua Anh Tông từ chối truyền thống trong niềm tin lung lay của chính thế hệ trước – những người mang trên đùi hình xăm rồng, khi mà nhà Trần đã nắm quyền chủ tể ⅔ thế kỷ, một khoảng thời gian đủ để kết thúc những dấu vết ngụp lặn xa xưa. Thượng hoàng Nhân Tông có thể đòi phế truất ông con say rượu để thuận lẽ ứng xử đương thời, nhưng Anh Tông cãi lệnh trốn mất thì chỉ đành bảo “xăm cho Quốc Chẩn”. Một sự châm chước ngầm cho phép và phải nhờ Quốc Chẩn “chữa cháy” gượng gạo.
Truyền thống phai nhạt dần lan đến cấp dưới. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1323 thời Trần Minh Tông ghi nhận: “Bấy giờ tuyển chọn các quân, lấy người béo trắng làm hạng trên, cho nên quân sĩ không xăm mình nữa là bắt đầu từ đấy.” Quân sĩ không còn mang hình xăm rồng, phải chăng sức mạnh sông nước vắng bóng, khiến khả năng đi biển cũng yếu đi, đến nỗi trong chuyến viễn chinh 1376, Duệ Tông phải tế ái thiếp Bích Châu cho thần sông – một con ma nước – để cầu thuận buồm xuôi gió. (7)
Và dù biết là dòng xoáy thời đại đã tạo nên nhiều tác nhân mới, vô tình hay hữu ý, nhưng Anh Tông từ chối nguồn cội của tông tộc bằng việc từ chối xăm rồng, và sau đó là từ chối cả việc truyền dòng thuần huyết bằng việc truyền ngôi cho Minh Tông, mở đầu cho những rạn nứt đảo điên trong nội bộ nhà Trần. Mẹ của Minh Tông là dòng dõi của hoàng đế Lê Đại Hành nhà Tiền Lê. Ông hoàng không mang dòng máu “thuần chủng Trần” này đã giết cha vợ Quốc Chẩn – vị quốc phụ khăng khăng đòi chờ hoàng hậu (con mình) sinh con rồi mới lập thái tử –  với lý do mưu phản, bất chấp văn thần can ngăn, để rồi ba mươi năm sau còn hối tiếc oan sai.
Quốc Chẩn mang trên đùi vết rồng tình cờ của 30 năm trước, chắc không ngờ đó là chứng cứ của một thời đã qua. Chứng cứ của một truyền thống lạc hậu chết người vì làm cản trở đường tiến của ông hoàng mang tư tưởng mới, hay dòng chảy thịnh suy vốn dĩ của lịch sử là thế. Hình xăm rồng cuối cùng của hoàng tộc nhà Trần đã theo di thể Quốc Chẩn vùi vào đất sâu, kéo quá khứ sông nước oanh liệt cùng những chiến tích Đông A hào hùng thác vào dĩ vãng. Để rồi kể từ đời Minh Tông, liên tiếp những ông vua mang dòng ngoại thích thượng triều. 
Như một lẽ thường tình kim cổ, dòng máu “không thuần huyết họ Trần” tạo đà cho thế lực ngoại thích nổi lên và kết thúc triều đại, với một tên tuổi không mấy lạ lẫm: Hồ Quý Ly. Sự lụi tàn sau đó của nhà Trần có chăng là sự lụi tàn vì đã vô ý lãng quên hoặc cố tình vùi chôn nguồn gốc, khi chính bậc đế vương không còn trọng giá trị văn hóa của hình xăm vật tổ cũng như truyền thừa thuần huyết. 

Từ đó trở về sau, mất đi ý nghĩa văn hóa khiến tục xăm mình của giới bình dân và quý tộc không còn phổ biến. Hình xăm trên đất Việt không còn được xem là tập tục nữa mà chỉ còn được dùng với một mục đích khác – đánh dấu các nô lệ

Trong số tù binh nhà Tống được Đại Việt giao trả vào năm 1079, nếu là nam thì trên trán đều có xăm chữ Thiên tử binh, Đầu nam triều; là nữ thì xăm trên cánh tay chữ Quan khách. Năm 1293, sứ thần nhà Nguyên là Trần Phu cũng nhìn thấy nô tì Đại Việt xăm chữ trên trán: “Nô tì đều bôi màu lên trán. Ai có ghi chữ “quan trung khách” thì tức là quan nô; ghi là “tọa thượng nô” tức là hạng có thể tới bên cạnh tù trưởng”.

Đại Việt sử ký toàn thư chép năm 1401: “Các nô đều thích (xăm) vào trán để đánh dấu: Quan nô thì thích hình viên ngọc hỏa châu, có khi lấy bổ sung vào quân điện tiền; của công chúa thì thích hình cây dương, cây đường; của đại vương thì thích 2 khuyên đỏ, của quan nhất phẩm thì thích 1 khuyên đen; của quan nhị phẩm trở xuống thích 2 khuyên đen.” Chính từ lúc này đến mãi tận ngày nay, hình xăm trở thành một ấn tượng xấu, một yếu tố để “bắt hình dong”, thường gắn với những kẻ cùng đường bất khả.
Dẫu vậy, bất chấp những định kiến cố hữu, hình xăm vẫn hòa vào dòng chảy của văn hóa và tâm linh để tồn tại đến ngày nay, dù chỉ với giá trị thẩm mỹ hay sau đó là cả một câu chuyện dài của chủ nhân. Đó có thể là một câu chuyện tâm linh của người mạt lộ bất chấp mọi cách đổi đời, hoặc cũng chỉ là một phần tuổi trẻ cuồng loạn được gửi gắm trong máu, cơn đau và những nét vẽ chìm sâu dưới da thịt. 
Anh chợt nhớ trong văn của một nhà văn Trung Quốc có nhắc đến một cô gái Đan Mạch xăm ba cụm từ tiếng Trung lên cánh tay: “Kính thần, dũng cảm, tránh ác”. Đều là những cụm từ hay theo nhận xét của tác giả. Riêng anh cảm thấy rất tâm đắc với những cụm từ này, dù rằng chẳng có mấy liên can, nhưng anh thấy nó thật gần gũi với ý nghĩa của hình xăm đầu tiên trên đất Việt mình. 
Chẳng tài nào ngủ tiếp được, anh ngồi vào bàn lật giở những bản thảo rối tinh dang dở. Cơn mơ cắt ngang giấc ngủ, nhưng may thay, nó kéo về cho anh một mạch nguồn xúc cảm diệu kỳ. Anh đặt nét bút đầu tiên lên trang giấy đã bị ngó lơ suốt mấy tháng liền, mạch văn nhẹ nhàng lưu chuyển, như nước, như rồng uốn lượn nơi cổ tay. Không cam đoan về sự ra đời của một kiệt tác gì cả, nhưng may thay, anh đã biết mình sẽ viết những gì.

Art Director Lê Minh
Artist Lê Nhi
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share