Đàn đáy: Một mảnh tâm hồn Việt

Tác giả Tường Vân
Đàn đáy: Một mảnh tâm hồn Việt

Tên em như có mà không

Ba dây dẫn sóng trăm sông về nguồn 

Ca trù hột đổ phách giòn

Tuổi phai xanh, chạm tiếng đàn lại xanh.

(thơ vịnh đàn đáy của cố thi sĩ Nguyễn Hải Phương)

Đàn đáy, hay còn gọi là vô đề cầm – tức đàn không đáy – là một nhạc cụ độc nhất vô nhị của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, chỉ có ở Việt Nam. Gắn liền với nghệ thuật hát ả đào, cùng với trống chầu và sênh phách, đàn đáy là một yếu tố không thể thiếu, bởi “phi đàn đáy bất thành ca trù”. Tuy là nhạc cụ ba dây, nhưng đàn đáy khác hoàn toàn với đàn Shamisen của Nhật Bản hay Tam huyền cầm của Trung Quốc với thang âm và tiết tấu độc đáo. Trong thiên truyện huyền hoặc mang tên Chùa Đàn của nhà văn Nguyễn Tuân, vẻ đẹp tột bực của nghề hát ca trù được tôn vinh đến cực điểm thông qua việc dựng lên một ngôi chùa chỉ để phụng thờ duy nhất cây đàn đáy.

Đàn Đáy

Xung quanh nguồn gốc của tên đàn, khảo các thư tịch cổ, ta thấy có hai cách giải thích chính. Thứ nhất, theo sách Ca trù bị khảo và Vũ trung tùy bút, khi hát ở cửa đình hay ở nhạc đường, người kép sẽ lấy khăn nhiễu điều hoặc dây lụa đeo đàn vào người mà đứng gảy cho đỡ mỏi. Chữ Hán gọi dây đeo là đới (帶), lâu dần tiếng ta gọi chệch đi là đáy.

Thứ hai, theo truyện tổ nghề ca trù được ghi lại trong bản thần phả do Đông Các Đại học sỹ Đào Cử soạn vào năm 1476, xưa có ông Đinh Lễ đời Lê, vốn là người Thanh Hóa nhưng do đời chiến chinh mà tới Lỗ Khê trú ngụ. Tại đây ông gặp Đường Hoa tiên nữ, cảm mến nhau mà nên duyên chồng vợ, rồi cả hai cùng lập giáo phường, truyền bá lời ca tiếng hát khắp một vùng. Mãn hạn trần gian, hai vợ chồng cùng thác về trời. Vì anh linh hai vị mà vua phong cho ông làm Thanh Xà Đại vương, bà làm Mãn Đào Hoa công chúa, lại lập đền thờ cả hai ngay bên đình Lỗ Khê. 

Theo đó, để phục vụ cho giáo phường, ông Đinh Lễ đã chế tạo ra cây đàn không có đáy để đệm theo tiếng hát đào nương, “khúc đàn cuồn cuộn như nước chảy ra biển sâu không thấy đáy”. Vì thế mà đàn còn có tên chữ Hán là vô đề cầm, song dân gian chỉ gọi một cách giản dị là đàn đáy

Giáo phường thời xưa | Nguồn ảnh : Internet

Một bản thần phả khác tại làng Cổ Đạm cũng ghi chép câu chuyện tương tự, song cụ thể hơn với nhiều chi tiết mới. Theo đó, tổ nghề ca trù vẫn là ông Đinh Lễ đời Lê, có tên tự là Nguyên Sinh. Ngay từ thuở ấu thơ, Nguyên Sinh đã giỏi nghề xướng họa; khi lớn lên, Sinh tỏ ra là một trang thiếu niên có tâm hồn phóng khoáng, ưa thích việc dùng lời ca tiếng đàn của mình để bầu bạn với cỏ cây sông nước. 

Trong một lần ngao du, chàng có may mắn được tiên ông trao cho khúc gỗ ngô đồng và chỉ dẫn làm cây đàn đáy từ khúc gỗ đó. Kể từ bấy, ngón nghề của chàng trở nên tuyệt kỹ gấp bội, và nhờ tiếng đàn của mình, Nguyên Sinh gặp được nàng Bạch Hoa tại Thanh Hóa, giúp nàng bộc bạch nỗi lòng sâu kín, hóa giải chứng câm đã theo nàng suốt bao năm ròng. Sau khi kết duyên đôi lứa, hai vợ chồng Nguyên Sinh – Bạch Hoa trở về Cổ Đạm lập giáo phường, thu nhận rất đông học trò. 

Khi duyên trần đã hết, tiên ông năm nào đưa Nguyên Sinh về trời tu đạo, còn Bạch Hoa ở lại nhân gian tiếp tục truyền dạy nghề hát xướng, rồi ít lâu sau nàng cũng lâm bệnh mà mất. Để tưởng nhớ công ơn vợ chồng nàng, các học trò đã lập đền thờ Tổ cô đầu, hay còn gọi là đền Bạch Hoa công chúa, lấy ngày 11 tháng chạp hàng năm là ngày giỗ Tổ. Về sau vua cũng phong cho Nguyên Sinh là Thanh Xà Đại vương và Bạch Hoa là Mãn Đào Hoa công chúa

Như vậy, có thể thấy rằng, nguồn gốc tên gọi cùng thời điểm ra đời của cây đàn đáy không thực sự rõ ràng khi lẫn vào nhiều huyền tích dân gian. Mặc dù ca trù có một lịch sử phát triển dài lâu ngay từ thế kỷ thứ 10, song theo nhiều nhà nghiên cứu, đàn đáy xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ 15 và rất phổ biến trong dân gian thời nhà Mạc. Điều đó cũng hé lộ rằng tục hát ả đào liên tục thay đổi qua nhiều giai đoạn, không phải lúc nào cũng cố định với đầy đủ lệ bộ đào – kép – trống – phách – đàn.

Đàn Đáy

Đàn đáy là một sáng chế riêng của nghệ nhân Việt Nam nhằm phục vụ cho giáo phường ca trù nên có dáng hình và cung – khổ hết sức đặc sắc, không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Nhìn chung, cấu tạo đàn đáy gồm năm bộ phận là thùng đàn, cần (dọc) đàn, dây đàn, bộ phận lên dây và phím gảy đàn. 

Thùng đàn đáy có hình thang cân với đáy lớn và đáy bé, mặt đàn bằng gỗ xốp nhẹ, có gắn ngựa đàn, còn thành đàn làm từ loại gỗ cứng hơn. Cần đàn rất dài, lên tới hơn một mét, có thể tháo lắp dễ dàng vì ở thùng đàn có khoét một khoảng hổng để gắn cần vào, ở giữa chêm thanh tre. Điểm đặc biệt là từ ngọn cho tới hơn nửa cần đàn không gắn phím, phần còn lại gắn 8 phím, thêm 2 hoặc 3 phím nữa nơi mặt đàn tạo thành 10 hoặc 11 phím tất cả. Dây đàn chỉ gồm ba dây làm từ tơ se, được lên cách nhau quãng bốn đúng, không đánh âm dây buông. Đầu đàn mang hình lá đề, có ba trục gỗ nằm đối nhau – đây chính là bộ phận lên dây đàn. Khi chơi đàn, người kép sẽ dùng miếng gảy tre hoặc nhựa để chơi các ngón gảy, hất, rung, mổ,…

Đàn đáy cũng chơi theo lối ngũ cung với cung nam, cung bắc, cung nao, cung pha cung huỳnh, về sau thêm vào cung phú, khiến cho thang âm của đàn đáy rất khác với thang âm ngũ cung của đờn ca tài tử hay nhã nhạc cung đình Huế. Trên chiếu ca trù, đàn đáy có bốn khổ: khổ sòng, khổ đơn, khổ rảikhổ lá đầu

Lại có hai lối đàn là đàn khuôn đàn hàng hoaNgười xưa thường ví đàn khuôn như chữ tốt viết chân phương, bởi đây là lối đàn phải theo đúng phép tắc, nhấn gân nhiều, theo cung bậc cao – thấp mà đi, không thêm không bớt. Còn đàn hàng hoa lại như chữ tốt viết thảo, với lối chơi tuy tài tình nhưng kém khuôn phép, ít công phu, chủ yếu là người kép dựa vào tiếng hát rồi thêm bớt các điệu. Khi đi hát cô đầu, chỉ có đàn khuôn – hát khuôn mới được coi là Giáo phường đệ nhất bộ. 

Do cấu tạo có phần đặc biệt của đàn mà người chơi có thể nhấn chùn, tức là nhấn phím cao hơn, chữ đàn vẫn giữ nguyên mà âm sắc đổi thay. Ví như cùng một độ cao mà một chữ là Tinh, còn một chữ là Tang. Cùng với kỹ thuật tay như lia, nắn, vê,… ba sợi dây tơ, người kép hát tạo ra tiếng đàn trầm mặc, vững vàng như núi mà vẫn mềm mại tựa nước chảy mây trôi. Giáo sư Trần Văn Khê đã bình về tiếng đàn đáy như sau:

Đàn Đáy

“Tiếng đàn không theo tiếng ca từng chữ từng hơi, mà thường thì mở đường dẫn lối cho tiếng ca. Có lúc đi rất gần tiếng ca để hỗ trợ, có khi vượt ra xa tiếng ca để gây sự chờ đợi đàn ca gặp lại ở cuối câu thơ. Có khi từng chữ, từng câu chân phương trang trọng, có khi hoa lá, bay bướm, phóng túng, trong đoạn lưu không để cho đào nương nghỉ hơi, cho người nghe thích chí”. 

Cũng như khi học hát ả đào, nghệ nhân dạy học trò chơi đàn đáy theo lối truyền khẩu, nên những nốt nhạc cơ bản chỉ có: Tính Tinh Tang Tình Tính Tinh Tang. Trong cuốn Vũ trung tùy bút cũng ghi lại bảy nốt tương tự: Tính Tĩnh, Tình Tinh, Tung Tàng Tang. Còn trên thực tế, từ chữ Tính đến chữ Tinh có quãng ba trung bình, tức là giữa quãng 3 trưởng và quãng 3 thứ. Quãng ba giữa này cũng xuất hiện trong âm nhạc truyền thống Ả Rập, song nếu nhạc công Ả Rập nhấn bậc trên thì kép hát Việt Nam lại nhấn bậc dưới của quãng ba trung bình. Do đó mà màu âm đàn đáy thiên về mờ đục, tạo cảm giác sâu lắng, như lời thủ thỉ tâm tình giữa hai người tri kỷ. 

Về kỹ thuật diễu tấu, do cần đàn dài nên nhạc công ngồi xếp bằng trên chiếu, chủ yếu sử dụng tay trái để gảy đàn. Các ngón gảy cơ bản gồm có ngón nhấn, ngón chùng, ngón rungngón mổ, tạo ra các giai điệu bổng – trầm thật hài hòa với tiếng hát cô đầu. Với ngón nhấn, người chơi dùng gân tay miết dây đàn cho chùng lại, tạo hai âm nối liền nhau sao cho thật tròn trịa. Với ngón rung, người chơi nhấn nhẹ đoạn dây tơ sao cho tiếng đàn có độ ngân dài, làm mềm đi những âm cao có phần chói gắt. Còn với ngón mổ, người chơi sẽ dùng cả hai tay, ngón trỏ tay trái nhấn vào một cung phím trong khi tay phải gảy dây, liền đó ngón giữa và ngón áp út của tay trái nhấn tiếp vào cung phím khác ở bậc cao hoặc thấp hơn. Âm thanh tạo ra do một phần dây còn rung, một phần do ngón tay nhấn tiếp vào cung phím ngay trước khi hết dư âm. Và cuối cùng là ngón chùng – ngón chơi chỉ riêng đàn đáy mới tạo ra được – đòi hỏi người chơi dùng hai đầu ngón tay miết về phía bầu vang của đàn trong khi lên phím, khiến cho dây tơ của cung phím đó chạy suốt tới ba trục gỗ cần đàn bị chùng lại, tạo ra âm thanh trầm đục hơn bình thường. 

Ngày nay, việc chế tạo đàn đáy đã giản tiện hơn xưa, song thực chất, để thưởng thức trọn vẹn mọi sắc thái, âm vực của đàn, mọi chất liệu đóng đàn phải được lựa rất công phu. Như cây đàn cổ của nghệ nhân Đinh Khắc Ban – một kép hát lừng danh xưa – được làm từ rất nhiều loại gỗ quý: cần đàn làm từ gỗ lim nguyên khối, thành đàn làm từ gỗ trắc mật còn mặt đàn làm từ gỗ vàng tâm. Bộ phím làm từ thân tre đực được ngâm và phơi nắng gió trong suốt nhiều năm nên đanh chắc, tạo tiếng vang trong trẻo. Dây tơ đàn cũng được xe từ loại tơ tằm bền chắc nhất nên khi gảy, tiếng đàn nghe thâm trầm cổ kính, gần giống tiếng hát con người.

Đàn Đáy
Đàn đáy trong một buổi diễn ca trù | Nguồn : vietnam.vnanet.vn

KẾT LUẬN

Theo nhịp thăng trầm của nghề cầm ca hát xướng, đàn đáy cũng có một thời gian bị lãng quên, hoặc chỉ có thể độc tấu mà không thể hòa chung với tiếng hát ca nương. Ngày nay, với phong trào phục dựng vốn văn hóa cũ, nhiều chiếu ca trù được mở lại, gợi nhắc bầu không khí tinh hoa thuở xưa với những thanh âm tuyệt diệu của trống chầu, sênh phách và đàn đáy. Trong đó, tiếng đàn đáy lại có cơ hội được vang lên, dẫn dắt lời ca tiếng hát đi về một miền thượng thanh khí, nâng tâm hồn con người lên cao khỏi đời sống trần thế, tựa như ẩn ý của nhà văn Nguyễn Tuân khi viết Chùa Đàn: dựng xây một ngôi đền thờ dành riêng cho nghệ thuật, với cây đàn của những giai âm vĩnh cửu.

____________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Việt Nam ca trù biên khảo, Sài Gòn, 1962.

[2]. Trần Lê Túy Phượng, Nhạc cụ cổ truyền Việt Nam – Đàn đáy, trang web Đọt Chuối Non.

Chia sẻ câu chuyện này
Đàn Đáy
Share