Dấu ấn Shaman giáo trong nghi lễ hầu đồng của tục thờ Mẫu

Tác giả Tường Vân
Dấu ấn Shaman giáo trong nghi lễ hầu đồng của tục thờ Mẫu

Ma thuật không phải là một hình thức thấp kém của tôn giáo hay đi ngược lại với tư duy duy lý của khoa học thông thường. Trái lại, khi được đặt đúng trong không gian sinh trưởng và nuôi dưỡng nó – không gian có tính thiêng – ma thuật mới có thể được hiểu rõ như một phần quan trọng trong những trải nghiệm tinh thần của con người. Chính vì gắn liền với trải nghiệm tinh thần con người nên ma thuật gần như không bao giờ có thể biến mất mặc cho mọi nỗ lực phủ định nó từ các tôn giáo lớn hay cộng đồng khoa học trong suốt nhiều thế kỷ. Kỳ thực, ngay cả cho tới tận bây giờ, ở mọi nền văn hóa, ta vẫn thực hành ma thuật trong đời sống thường ngày mà không hề nhận ra đó là ma thuật, ví như các hèm kiêng kỵ để tránh xui rủi. 

1. Shaman giáo là gì?

Dấu ấn Shaman giáo

Một trong những dạng thực hành ma thuật cao cấp, gần như chuyển hóa thành một tín ngưỡng có đời sống riêng phong phú, là Shaman giáo. Shaman giáo cổ xưa như Trái Đất, song hành cùng các dân tộc có lẽ từ thuở hồng hoang, nay chỉ còn tìm thấy nơi những vùng đất còn nặng lòng với thần linh. Tại Việt Nam, dấu vết của Shaman giáo để lại rất phong phú trong các lễ nghi hầu đồng của tục thờ Mẫu, tục thờ Trần triều, hay các lễ nghi giao tiếp với thánh thần của các thầy cúng người dân tộc thiểu số.

Được nhận diện như một loại hình ma thuật phức tạp và nhiều lớp lang hơn hẳn những dạng ma thuật sơ cấp thông thường khác như trì chú, nguyền rủa hay thanh tẩy, Shaman giáo là một hệ thống bao gồm niềm tin và những kỹ thuật cho phép con người giao tiếp với thần linh thông qua một người trung gian. Người trung gian đó gọi là thầy pháp Shaman. 

Để thông tri trực tiếp với thánh thần ở thế giới bên kia, thầy pháp Shaman phải thực hiện một số nghi lễ mang tính hỗ trợ như nhảy múa, hát ca tụng, bắt quyết ấn,… để đưa mình vào trạng thái xuất hồn và nhập hồn. Trong trạng thái xuất hồn, thầy Shaman tự phù phép để đưa linh hồn mình thoát khỏi xác phàm, chu du trong cõi phiêu linh, tìm đến thánh thần vô hình vô ảnh để đề đạt nguyện ước trần gian. Khi này, thân xác thầy đã trở thành một cái bình rỗng, chào đón thánh thần nhập vào, trở nên hiện diện và đáp lại mọi khẩn cầu nơi dương thế. Như thế, vai trò trung gian của thầy pháp Shaman đã được hoàn thành.

Dấu ấn Shaman giáo

Bản thân tên gọi Shaman cũng bắt nguồn từ tiếng sam trong ngôn ngữ người Tungus tại Siberia, nghĩa là “di chuyển, nhảy múa”. Một giả thuyết khác cho rằng nó vốn là šaman nghĩa là “người hiểu biết”. Dù mang nghĩa nào, thì thầy pháp Shaman cũng mang hai đặc điểm trên: người nhảy múangười hiểu biết

Sự xuất hiện của những điệu nhảy, những bài ca trong nghi lễ, hay việc người trung gian khoác lên mình những bộ y phục đẹp đẽ lộng lẫy không nhằm mục đích biểu diễn, mà là để thu hút, quyến rũ thần linh chiều theo ý muốn con người. Quả vậy, ban đầu cái đẹp và tính thẩm mỹ được con người tạo ra để phục vụ các đấng cao siêu, để làm đẹp lòng họ, bởi còn ai có thể hào phóng hơn thánh thần một khi đã hài lòng?

Tuy Shaman giáo cổ xưa, song tín ngưỡng này không phổ biến khắp mọi khu vực trên thế giới mà chủ yếu được thực hành tại phía Tây Siberia, Đông Á, Đông Nam Á, châu Đại Dương và Bắc Mỹ (tộc người da đỏ bản địa và tộc người Eskimo). Yếu tố xuất hồn nhập hồn có thể được coi là đặc trưng trong thực hành Shaman giáo ở những tộc người này, nhưng không phải là đặc trưng duy nhất bởi còn đó những sinh hoạt văn hóa đặc thù của từng vùng. Ngoài ra, yếu tố nói trên cũng gây nhiều tranh cãi lẫn tò mò trong suốt nhiều năm, bởi người ta lúc thì phân biệt, lúc lại lẫn lộn nó với các chứng bệnh thần kinh.

2. Dấu vết Shaman giáo trong nghi thức hầu đồng của tục thờ Mẫu

Dấu ấn Shaman giáo

Một trong những nghi lễ đặc trưng và quan trọng nhất của tục thờ Mẫu tại Việt Nam là nghi lễ hầu đồng, hay còn gọi là hầu bóng. Thầy pháp Shaman, người trung gian, người mang thông điệp thần linh ở đây là các ông đồng, bà đồng. Nếu chỉ hiểu theo nghĩa hẹp, dựa trên những quan sát thông thường, thì nghi thức hầu đồng không gì hơn một loại hình nghệ thuật sân khấu với đầy đủ âm nhạc, phục trang, vũ điệu và cả trạng thái ngây ngất trong một bầu không khí tươi vui, cởi mở như ngày hội hè. 

Nhưng kỳ thực, hầu đồng mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn, bởi những nghi thức nối kết hai thế giới thiêng – phàm trong mọi loại hình tôn giáo tín ngưỡng đều bắt rễ từ thế giới tinh thần của con người. Cũng vì vậy mà chúng thường phức tạp và dễ gây hiểu lầm, nhất là khi gắn liền với thực hành ma thuật. Nghi lễ hầu đồng không là ngoại lệ, để hiểu thật kỹ đằng sau màn trình diễn ấy là những suy tư và tình cảm trần thế nào, đành phải viện nhờ tới những nghiên cứu ngành nhân văn như một tấm gương soi chiếu, dẫu rằng tấm gương ấy không khi nào là một tấm gương thật hoàn hảo. 

Thông thường, có hai dịp lên đồng long trọng hơn cả là dịp giỗ Mẹ (các vị Thánh Mẫu) vào tháng Ba âm lịch và dịp giỗ Cha (Đức Ngọc Hoàng, Vua Cha Bát Hải Động Đình, Đức Thánh Trần) vào tháng Tám âm lịch hàng năm, ứng với câu “Tháng Tám tiệc Cha tháng Ba tiệc Mẹ”.  Ngoài ra các ông đồng bà đồng chủ đền có thể hầu quanh năm với các lễ hầu xông đền (sau đêm Giao thừa), hầu tất niên (tháng Giêng), hầu hạp ấn (ngày 25 tháng Giêng), hầu nhập hạ (tháng Tư âm lịch), hầu tán hạ (tháng Bảy âm lịch). Với các ông đồng bà đồng có căn hầu thì còn thêm cả các vấn hầu vào dịp vía các thánh, như tiệc cô Bơ, tiệc ông Hoàng Bảy, tiệc Chầu Mười, tiệc Quan Đệ Nhị,…

Trước hết cần điểm qua quá trình lên đồng. Để trở nên trống rỗng cho thần thánh ngự vào – mà ngôn ngữ nhà đồng gọi là thành ghế cho giá chầu – trước đó vài ngày, ông đồng bà đồng phải kiêng kỵ không phạm sắc giới, phải ăn chay hoặc nhịn ăn để cơ thể thật tinh khiết. Sau đó để mở vấn hầu, ông đồng bà đồng phải mời pháp sư đến dâng sớ lên vị thần chủ đền để xin phép hầu ngài, cũng như làm lễ cúng chúng sinh thật đầy đủ với cháo hoa, bỏng bột và nước trắng, đồng thời chuẩn bị mâm lễ vật hậu hĩnh dâng lên thánh thần.

Khi hoàn thành các công đoạn chuẩn bị, ông đồng bà đồng chính thức bắt đầu nghi lễ. Bốn người hầu dâng ngồi bên bốn góc chiếu hầu sẽ trùm lên đầu ông đồng bà đồng tấm khăn vải đỏ, gọi là khăn phủ diện. Tấm khăn này được dùng để báo hiệu mỗi lần có thánh thần nhập, giáng hoặc thăng, biểu tượng cho chu trình luân chuyển của các vị thần. Hầu hết các vị thần đều nhập đồng, tức ốp vào người ông đồng bà đồng mà sống dậy trong khoảnh khắc, song ba vị Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ chỉ giáng chứ không nhập, nên nếu các ngài có về (rất hiếm hoi) thì tấm khăn phủ diện vẫn giữ nguyên không tháo bỏ. Nhà đồng thường gọi đó là hầu trùm khăn, hầu tráng bóng hay hầu tráng mạn, khác với hầu mở khăn ở các giá hầu khác. Ngoài ra nếu ông đồng bà đồng không có căn Trần triều, thì cũng chỉ hầu trùm khăn Đức Thánh hay các Vương Cô mà thôi.

Dấu ấn Shaman giáo
Dấu ấn Shaman giáo

Bởi đóng vai trò người trung gian, nên người hầu đồng không thể biết trước được vị thánh nào sẽ giáng đồng hay nhập đồng trong buổi hôm đó. Vị thánh nào giáng thì ông đồng bà đồng sẽ dùng cử chỉ tay để báo hiệu: nam thần dùng tay trái, nữ thần dùng tay phải, dùng số lượng ngón tay để phân định thứ bậc từng vị Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam,… Lúc thánh thăng thì người ngồi đồng sẽ làm dấu bắt chéo tay trước mặt, miệng nói “Thánh giá hồi cung” hoặc “Xa giá hồi cung”.

Mỗi lần thánh giáng, thánh nhập hay thăng là một lần ông đồng bà đồng thay trang phục mới đúng với thân thế của thần, ví như các Chầu là người dân tộc thiểu số thì mặc trang phục có màu lam sẫm, màu chàm, thắt khăn đen, đeo kiềng bạc, múa hát điệu Xá,… Ông đồng bà đồng còn phải tái hiện hình ảnh thánh thần đúng như khi họ còn tại thế – bất kể giới tính của người ngồi hầu bóng – ví như các Ông Hoàng thì bộ điệu phải uy nghi dũng mãnh, biết hút thuốc uống rượu lại giỏi múa kiếm múa đao; các Chầu Bà thì yểu điệu, xinh tươi, còn các Cô Bé Cậu Bé phải có nét tinh nghịch, hồn nhiên đúng tuổi. Một lần ngồi hầu có thể có đến hàng chục giá khác nhau, người đồng cốt vì thế mà phải biết biến đổi linh hoạt sao cho xứng ý các thần. 

Lúc nhập đồng, trong làn khói hương bay tỏa cùng mùi thơm rượu thuốc cùng âm nhạc mê say và muôn lời tán dương của các con nhang đệ tử vây quanh chiếu hầu, người hầu đồng ngây ngất đi trong một trạng thái lâng lâng khó tả, họ quên mất bản thân mình mà hành xử như một người khác hẳn: ấy là thần thánh đã hiện về! 

Tuy hầu bậc thánh nhưng không khí buổi hầu đồng thường náo nhiệt vui tươi chứ không quá đỗi nghiêm trang tĩnh lặng. Khi về trần, thánh thần thường ban lộc, giải đoán quẻ, chữa bệnh, trả lời thỉnh cầu của người tới dâng lễ, thường là về đường công danh, tiền tài hay nhân duyên. Sau vấn hầu, ông đồng bà đồng lại trở về trạng thái bình thường như cũ.

Với trạng thái ngây ngất, hành xử khác ngày thường của ông đồng bà đồng mỗi khi lên đồng, đương nhiên có thể coi đây là đặc trưng xuất hồn nhập hồn của Shaman giáo. Điểm thú vị là hầu đồng cho phép việc xuất hồn nhập hồn nhiều lần, tức là thông qua thân xác con người, các vị thần hư vô bào ảnh được sống lại một lần nữa cuộc đời nhân thế của họ. Ký ức tập thể và lịch sử chung của một cộng đồng về những người có công ơn được ghi nhớ bằng lời truyền miệng, cử chỉ, động tác, lặp đi lặp lại dần dà thành nghi lễ. Thời gian vì thế không còn gói gọn trong những tính đếm về tháng năm và mùa nữa, mà liên tục được tái hiện trong một dòng chảy trộn lẫn quá khứ và hiện tại. Vĩnh cửu chính là ngay đây, bây giờ, khi hai cái nhìn thiêng và phàm chạm nhau: thần thánh ngắm nhìn con người, còn con người mơ đến ngày hóa thành nhân-thần. 

Hầu đồng, vì thế nói cho ta biết nhiều hơn những cuốn sách sử thông thường, bởi lịch sử không chỉ tồn tại trên trang giấy, lịch sử còn là truyền miệng, thực hành văn hóa, là cả một đời sống nhiều khi khuất lấp của những cộng đồng người bình dị. Quá trình hóa thân thành thần thánh của các ông đồng bà đồng, theo một nhà nghiên cứu nhận xét, thì “Quá trình này là tổng thể được lựa chọn để sáng tạo nên một khuôn mẫu định hình có thể là sự thật, chính xác và hoàn chỉnh, cũng có thể không. Nó chỉ là một dạng ứng xử mang tính biểu tượng và quy ước, không nhằm tái hiện hiện thực mà là đưa ra một cái nhìn nghệ thuật về hiện thực”

Hầu đồng còn là cái nhìn của nhóm người trung châu với nhóm người miền sơn cước thông qua việc thể hiện lại y phục, trang sức, nghề nghiệp (hái thuốc, dệt vải,…) cùng bộ điệu và lời ăn tiếng nói của họ. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận ước đoán theo chiều ngược lại, rằng có lẽ các vị thần sơn trang được biết đến đầu tiên, rồi mới kết hợp cùng hệ thống niềm tin sẵn có vào nhiên thần và nhân thần của dân cư vùng đồng bằng để tạo nên tín ngưỡng thờ Tam – Tứ Phủ. 

Trong bối cảnh văn hóa hiện đại ngày nay, hầu đồng còn đặt ra nhiều chất vấn riêng khá ý nhị về căn tính của người lên đồng. Dân gian xưa thường hay mỉa mai “cái loại đồng bóng” để chỉ những người đàn bà tâm tính khác thường hay những người đàn ông nom yểu điệu thục nữ. Tất nhiên không phải ông đồng bà cốt nào cũng là queer, nhưng trước đây có khá nhiều người lựa chọn cửa phủ như một nơi che chở, một nơi để có thể tự do sống một đời sống khác. Ở đây, yếu tố Shaman giáo bắt đầu nhường chỗ cho một câu hỏi lớn hơn về căn tính, và việc bắt chước, lôi cuốn, mô phỏng thánh thần của ông đồng bà đồng khi làm nghi lễ đã trở thành phương thức tự thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Việc chuyển dịch đó liệu có làm mất đi tính thiêng trong nghi thức? Còn trạng thái ngây ngất của xuất hồn nhập hồn có thực tồn tại nữa hay không? Đó là những câu hỏi còn để ngỏ.

Dấu ấn Shaman giáo
Trình diễn các giá hát văn hầu đồng trong Lễ Tổng kết Liên Tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội 2014. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

KẾT LUẬN

Bắt đầu từ ma thuật cổ sơ trong tìm hiểu thế giới thiêng, Shaman giáo dần trở nên đặc thù nhờ những thực hành của người bản địa trong những bối cảnh văn hóa khác nhau. Tại Việt Nam, Shaman giáo dễ nhận thấy nhất trong nghi lễ hầu đồng thờ Mẫu, với đặc trưng là sự xuất hồn nhập hồn, mời gọi thần linh nhập vào cơ thể của người trung gian để giao tiếp với cõi phàm trần. 

Nhưng hơn cả một nghi thức thần kỳ, hầu đồng cho chúng ta thấy quan niệm phức tạp hơn về thời gian, lịch sử, ký ức của cộng đồng, thậm chí cả căn tính của con người Việt. Đối mặt với những lớp lang chằng chịt quá đỗi khó hiểu diễn ra ngay ở tầng sâu vô thức trong tâm trí, hầu đồng có lẽ là cách thức hiệu nghiệm để giải tỏa, để giãi bày, đồng thời cũng để nối kết về nguồn mạch thiêng liêng đã khai sinh ra thế giới?

 

___________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Kiều Thu Hoạch, Tổng quan về Vu Hích và Shaman giáo, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 1 (54), 2016.
[2]. Nguyễn Thị Huệ, Màu sắc Shaman giáo trong nghi lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn ở Quang Bình, Hà Giang, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 40, 2022.
[3]. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và châu Á, NXB. Khoa học Xã hội, 2004.

Chia sẻ câu chuyện này
Dấu ấn Shaman giáo
Share