Do Thái – Ả Rập diễn nghĩa – Phần 5: Israel, Palestine, và những quốc gia có liên quan: Hoa Kỳ – Đại sư huynh của Israel

Tác giả La Gia Thịnh
Do Thái – Ả Rập diễn nghĩa – Phần 5: Israel, Palestine, và những quốc gia có liên quan: Hoa Kỳ – Đại sư huynh của Israel

Trong một ngày cuối tháng ba, cả thế giới đổ dồn mọi sự chú ý về cao nguyên Avdat, vốn là một bang sa mạc ở Israel. Đây là nơi có khu lăng mộ của người cha lập quốc dân tộc Israel – David Ben Gurion.

Hôm ấy, giới truyền thông đổ về đây vì Israel mở cửa đón khách. Chuyện chẳng có gì đáng chú ý nếu như đây chỉ là cuộc gặp gỡ chính trị ngoại giao bình thường của mấy ông lãnh đạo, nhưng lần này mọi thứ thật khác, vì những vị khách đặc biệt. Dàn khách mời hôm đó đến từ Ai Cập, Ma Rốc, và UAE, toàn những người Hồi giáo. Chúng ta đều biết rằng Israel và khối Ả Rập vốn không ưa gì nhau. Với việc Israel ngày càng bành trướng và lộng hành sau khi phục quốc, mấy ông kẹ trong khối Ả Rập rất gai mắt, họ đều biết rằng qua lại với Israel không chỉ là điều đáng xấu hổ, mà còn là hành động phản bội người anh em Palestine tội nghiệp. 

Vậy cớ gì mà họ lại cùng nhau hẹn gặp trong một ngày nắng nóng tại sa mạc Negev? Vì Iran. 

Trong buổi họp hôm đó giữa các bá quan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel – Yair Lapid đã dõng dạc phát biểu: “Tôi vui vì anh em có mặt ở đây, trong thời khắc lịch sử này. Chúng ta sẽ tạo ra một khối thống nhất mạnh mẽ, khắc chế và kìm hãm các kẻ thù chung, mà hơn cả là Iran” 

Chuyện là năm 2015, Mỹ với Iran kí với nhau Nuclear Deal (Thỏa thuận hạt nhân), buộc Iran phải hạn chế và giảm đầu tư vào các tiến trình chế tạo bom nguyên tử. Đổi lại họ sẽ được Mỹ dỡ cấm vận, từ đó hồi phục lại nền kinh tế. Năm nay, chính quyền Biden rất chú trọng việc sẽ gia hạn deal này, để kìm hãm sự manh động và liều lĩnh của Iran. Nhưng tình hình là Iran không chịu hợp tác lắm. 

Phía Iran đang làm mình làm mẩy, ra nhiều yêu sách, Mỹ gật đầu mới chịu ký tiếp. Hành động trì hoãn này của Iran khiến Mỹ không vừa lòng, và cũng khiến các nước xung quanh lo sợ. Rõ ràng mấy anh hàng xóm luôn bất an nếu Iran sẽ dồn tiền chế tạo bom hạt nhân, lấy đó làm bàn đạp quay lại vị thế hùng mạnh xưa kia. 

Nhưng hãy tạm thời bỏ qua việc Iran có ký tiếp thỏa thuận, hoặc có manh động giở trò gì hay không, hãy nói về vị thế của Hoa Kì trong sự kiện này, hoặc trong toàn bộ bàn cờ ở Trung Đông. 

Trong phiên họp sa mạc hôm ấy, Mỹ cũng xuất hiện, với tư cách trung gian, sắp xếp để các bên gặp nhau. Mỹ thừa hiểu mấy ông Ả Rập dù rất thèm khát ký được các thỏa thuận về công nghệ của người Do Thái, không dễ gì chịu ngồi lại với Israel do sợ mang tiếng phản bội. Nhưng vì Mỹ vốn rất thân với Israel, nên luôn muốn giúp Israel giao kết thêm bạn mới, như vậy sẽ bớt thù. 

Trước đây, chỉ tính riêng năm 2020, tổng thống Trump đã đứng ra mời lãnh đạo UAE, Bahrain, và Ma Rốc tới Nhà Trắng, mục tiêu là để họ nối lại quan hệ ngoại giao bình thường với Israel. Một hành động chứng tỏ sự “bảo lãnh” của Mỹ dành cho người em chí cốt Israel. Lần này, Mỹ hiểu rằng “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, nên đã sử dụng Iran như một kẻ thù chung, buộc các anh Ả Rập không còn cách nào khác phải ngồi lại với Israel. Cuộc họp này đã gửi đi một thông điệp rằng Israel và thế giới Ả Rập không nhất thiết phải là kẻ thù “không đội trời chung”.

Trong một ngày đẹp trời, khi nhìn thấy lợi ích của nhau, họ sẽ gạt vấn đề Palestine sang một bên và sẵn sàng ngồi xuống. Chính Israel cũng đã cởi mở hơn, thay vì chỉ làm bạn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ (những quốc gia mà Israel đã thiết lập quan hệ từ 1950) vốn không quá thân thiết với khối Ả Rập, giờ đây họ sẵn sàng bỏ đi cái tôi vì đại cục. Bàn cờ địa chính trị hiện đại giờ đã xuất hiện những nước đi thật khó lường, chỉ cần một biến động nhỏ, thật khó để phân biệt đâu là địch, đâu là thù.

Quay lại với mối kết giao giữa Mỹ và Israel, nó không chỉ là chuyện của ngày hôm qua, mà đã mọc rễ từ khi Israel tuyên bố lập quốc. Lịch sử đã chỉ ra nhiều lý do rõ ràng tại sao Mỹ luôn chống lưng Israel. 

Đầu tiên, Israel là đất nước theo thể chế chính trị dân chủ (democracy) giống Mỹ, ngay từ khi lập quốc. Hơn nữa, quốc gia Israel ra đời năm 1948, vào một thời điểm bản lề. Đó là lúc mà Thế chiến thứ Hai vừa kết thúc, Mỹ và Nga cũng bắt đầu bước vào chiến tranh Lạnh. Cả hai phe đưa mắt nhìn ngắm khắp quả địa cầu hòng giành giật và thâu tóm đồng minh. Nhận thấy Israel non trẻ, có cùng đường lối với mình, Mỹ phải nhanh chân kết bạn, hứa hẹn đủ điều, để vừa lấy Israel về phe mình, vừa có chân đứng tại Trung Đông. Kể từ đó, những hỗ trợ Mỹ dành cho Israel rất ấn tượng, nổi bất nhất là vụ Mỹ chống lưng cho Israel trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, một trận chiến thay đổi bộ mặt Trung Đông, xác lập thế kèo trên cho Israel tại đây. 

Thời thế đã khác, Israel giờ không phải là quân bài chiến lược trên bàn cờ chống lại phe Cộng sản của Mỹ như thời chiến tranh lạnh, nhưng lại trở thành người em mà Mỹ đặc biệt tin tưởng trong việc tiêu diệt các lực lượng phiến quân cực đoan Hồi giáo lúc nào cũng lặn sâu bên trong mấy nước Ả Rập. Israel nằm ngay điểm nóng Hồi giáo, như một người cận vệ từ xa của nước Mỹ, một cánh tay nối dài mà các đời Tổng thống Mỹ đều cần cho việc nắn gân mấy ông Ả Rập. Nhưng trước khi Mỹ kịp nhờ Israel ra tay thủ tiêu một ông Ả Rập nào đó, thì Tháp Đôi sụp đổ. Đây cũng chính là lý do thứ hai cho câu hỏi tại sao Mỹ phải đỡ đầu cho Israel. 

Ngày đen tối 11 tháng 9 đó càng củng cố tư tưởng bài trừ Ả Rập trong lòng người Mỹ. Dù ngày nay, mọi thứ đã ít nhiều thay đổi, ngày càng nhiều hơn người Mỹ đã thấy xót thương và đồng cảm cho Palestine, nhưng phần đông vẫn ủng hộ Israel. Theo khảo sát của Washington D.C vào năm 2022, hơn nửa dân số Mỹ (55%) cho thấy sự “đồng cảm” với Israel, ngược lại chỉ có 28% nghiêng về phía Palestine. Rõ ràng, sự ủng hộ trong lòng nước Mỹ dành cho Israel là rất lớn, nó ảnh hưởng lên nước đi của các nhà lãnh đạo nước này. Đến năm 2017, để thể hiện sự ủng hộ dành cho Israel, tổng thống Trump đi một nước cờ chấn động, dời tổng lãnh sự quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem, dẫn đến vô số cuộc đụng độ giữa hai bên, gây thương vong cho hàng nghìn người.

Nếu Mỹ như một người anh lớn giàu có, quyền lực, và đầy đủ súng đạn luôn sẵn sàng ra tay tương trợ Israel trong cuộc chiến này, vậy dân tộc Palestine vốn đã yếu thế, sẽ dựa vào ai trong hành trình tồn vong của mình đây?

Những cái tên đầu tiên được nói đến phải là những quốc gia Ả Rập, những kẻ “đã ở đó với Palestine” suốt chừng ấy năm, đã chứng kiến toàn bộ câu chuyện mất nước của người láng giềng Palestine tội nghiệp. Nhưng đáng buồn thay, thay vì đưa ra cánh tay cứu lấy Palestine họ lại dùng Palestine như một quân cờ chính trị để cứu lấy chính mình. 

Ở những quốc gia Ả Rập láng giềng, những người tị nạn Palestine luôn bị phân biệt đối xử, và chính phủ của nơi họ “ở nhờ” luôn tìm mọi cách để “giam” những người lưu vong này mãi mãi ở các khu tị nạn, để hạn chế sự ảnh hưởng của họ. Có những người tị nạn là con cháu của những thế hệ lưu vong từ rất lâu, tận những năm 50 khi Israel vừa lập quốc. Ấy vậy mà, những người Palestine này, phần lớn được sinh ra trong các khu tị nạn, không được cấp quốc tịch tại các quốc gia Ả Rập. Sau đó, họ lớn lên và không có quyền bầu cử hay tham gia các hoạt động chính trị tại những nước này. Những người tị nạn Palestine bị đưa vào thế cực kỳ bi đát, họ như những “công dân hạng hai” ở vùng đất mà họ tin là sẽ cho mình một tương lai xán lạn hơn. 

Hãy lấy Lebanon, một nước rất gần với Palestine làm ví dụ. Ở đây có hơn nửa triệu người Palestine sinh sống, vậy mà chính phủ đã ra luật rằng người Palestine không được phép lao động ở khoảng 50 ngành nghề khác nhau, bao gồm cả luật, báo chí, hay cả ngành y. Còn ở Syria, người Palestine không được phép sở hữu nhà đất, và phải sống ở các khu tị nạn. Với những gia đình nào lách luật và mua được nhà, luật pháp sẽ cấm con cái của họ thừa kế tài sản một cách chính thức.  

Vấn đề tị nạn là một câu chuyện phức tạp ở mọi nơi trên thế giới và lẽ đương nhiên sẽ không có quốc gia nào dang rộng vòng tay chào đón những làn sóng nhập cư ồ ạt vì những lo sợ về an ninh và bình ổn xã hội. Một vài quốc gia Ả Rập láng giềng luôn tin rằng những thế hệ người Palestine, dù vừa rời khỏi vùng chiếm đóng hay đã lưu vong từ trước đó, đều có quyền quay trở lại Palestine. Vấn đề là họ nói vậy không phải để tước đi những nhu cầu cơ bản về nhân quyền của người tị nạn, mà sâu xa hơn là để giữ những người tị nạn này ở hạng hai, và không có đường chen chân lên ngang hàng với công dân bản địa, và từ đó không thể có những ảnh hưởng khác về kinh tế chính trị ở những quốc gia này. 

Thâm độc hơn, nhiều nước Ả Rập còn luôn luôn lấy sự nguy hiểm của vấn đề tị nạn của người Palestine để đánh lạc hướng dư luận trong nước, để người ta bớt quan tâm đến nội tại vốn đã “nát” ở những quốc gia này.

Với việc ngày càng nhiều nước Ả Rập bày tỏ thiện chí với Israel, tương lai của Palestine đang bất ổn và đáng báo động hơn lúc nào hết. Nếu như trước đây Israel là một chàng Do Thái cô độc giữa khu rừng Hồi giáo Ả Rập, thì giờ đây Palestine lại chơ vơ lạc lõng trên chính quê hương của mình. Dù có những lý lẽ riêng và những lý do thuyết phục để tồn tại, hình ảnh quốc gia Palestine đang dần trở “yếu ớt” khi mà các nhà lãnh đạo các nước láng giềng đang quan tâm nhiều hơn tới lợi ích kinh tế, tới sự thuận lợi trong giao thương nếu kết giao được với Israel. 

Cuộc chiến này, càng suy xét, càng tìm hiểu, thứ duy nhất trở nên rõ ràng hơn là sự yếu thế và vô vọng của dân tộc Palestine. 

Chia sẻ câu chuyện này
Share