Iran: Xứ sở Ba Tư huyền diệu

Tác giả Vinh Phan
Iran: Xứ sở Ba Tư huyền diệu

Ba Tư là tên cũ của Cộng hòa Hồi giáo Iran. Vài nghìn năm trước, toàn bộ khu vực Iran bây giờ nằm trong đế chế Ba Tư. Vào ngày 21 tháng 3 năm 1935, vua Reza Shah Pahlavi đã yêu cầu các đại biểu quốc tế gọi Ba Tư là Iran.

1. Iran - Thành đồng vách sắt

Nếu như địa lý Nga quá bằng phẳng dẫn đến thiên mệnh của họ là phải nở ra bất cứ khi nào có thể để bảo vệ vùng lõi Moskva. Địa lý của Pháp quá đẹp, nhà hai mặt tiền hướng biển, có núi có sông bao bọc, đồng bằng phì nhiêu màu mỡ, đủ để nó phát triển thành đế quốc. Thì Iran là đất nước thật xứng danh với câu nói “Thành đồng vách sắt”, dễ thủ khó công. Đến thì khó, đi lại càng khó hơn.

Nhìn trong bản đồ bạn có thể thấy, theo chiều kim đồng hồ, Dãy Zagros trải dài từ Nam lên Bắc, càng về phía Bắc lại càng hiểm trở, núi non càng trùng điệp. Ngăn cách Iran với các nước Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ – hai quốc gia từ quá khứ đến nay đều nổi tiếng hiếu chiến và bất ổn. Một điểm ra khả dĩ và dễ dàng nhất của bức tường này là con sông Karun đi thẳng từ vùng lõi trung tâm ra bên ngoài. Vậy là các lực lượng kỵ binh nổi tiếng của người Thổ, bộ binh lừng danh của người La Mã, đều vô dụng nếu người Iran chọn đúng vị trí để phòng thủ.

Điểm kết của dãy Zagros lại là điểm bắt đầu của dãy Elburz, ngăn cách biển Caspia với vùng trung tâm kéo dài đến tận phía Đông, xong lại tiếp tục uốn xuống bao theo lãnh thổ đất nước với những dãy núi vừa và nhỏ. Tức là ông nào có ý định đánh nhau bằng đường thủy thì cũng phải suy nghĩ lại vì đi đường biển đến thì có thể dễ, nhưng lại phải dùng bộ binh để vượt núi tiếp, mà nếu không thể vượt qua được và bị quân địch tập hậu đốt thuyền là hết đường chạy.

Phía Đông đường núi có vẻ ít hiểm trở hơn nhưng cũng không phải dễ vượt. Chẳng qua là so với hai dãy núi bên trên thì nó đỡ hơn tí. Họa hoằn lắm qua được lại phải đối mặt với một thứ còn kinh khủng hơn: Sa mạc

Vùng lõi trung tâm của Iran phần đa toàn là sa mạc, mà cũng không phải là sa mạc thường, đó là vùng sa mạc muối nóng bỏng nhất thế giới. Nhiệt độ vào lúc nóng nhất con người đo được tại đây là hơn 70 độ C, thuộc về sa mạc Dasht-e loot, bao gồm toàn bộ vùng lõi trung tâm đến hết vùng phía Đông. Giả sử có một đạo quân nào đó muốn tấn công Iran từ phía Đông thì phải cân nhắc việc quân của họ có thể trụ nổi bao lâu trong sa mạc đó.

Hình thái địa lý này giúp Iran có những tuyến phòng ngự tự nhiên vững chắc trước các dân tộc, các đế chế bên ngoài muốn thôn tính họ, nhưng cũng đồng thời gây khó khăn cho chính họ trong việc kiểm soát đất nước với rất nhiều bộ lạc rải rác.

Nhưng như thế không có nghĩa là sẽ giúp Ba Tư bất khả xâm phạm. Trong quá khứ, có hai đế chế của hai con người vĩ đại nhất lịch sử từng làm được điều đó. Đó là vó ngựa kinh hoàng của người Mông Cổ do chính Thành Cát Tư Hãn chỉ huy, và binh đoàn bộ binh Phalangite Macedonia với phương trận Phalanx huyền thoại của Alexander Đại đế. Nhưng kể cả khi hai con người vĩ đại này chinh phục thành công được Ba Tư thì họ cũng không thể cai trị được ở đây quá lâu. 

2. Iran - Người được chọn để canh giữ các con đường giao thương

Nếu như Chúa ban cho người Thổ vùng đất trung tâm của thế giới, thì Chúa cũng ban cho người Ba Tư một nơi vô cùng tiện lợi, đồng thời khó chịu không kém. Đó là vị trí nằm trên ngã ba của thế giới, thống trị các tuyến đường giao thương hàng hóa quan trọng huyết mạch từ cổ đại đến hiện đại.

Hàng hóa tơ lụa từ Trung Hoa muốn đi đến phương Tây, hoặc đồ  thủy tinh của phương Tây muốn đến Trung Hoa, bắt buộc phải đi qua Ba Tư. Thử nghĩ đơn giản, nếu như nhà bạn là con đường độc đạo duy nhất kết nối thương mại giữa hai vùng, thì việc của bạn rất đơn giản, đó là mở trạm dừng chân cho hai bên ngồi nghỉ uống nước, tiện thể giao lưu hàng hóa và từ đó thu thuế về làm giàu. Từ tiền đó, bạn xây dựng quân đội hùng mạnh, mở cửa ải tràn xuống xâm lược các nước xung quanh. Bí quá đánh không nổi thì lại rút về, khóa chặt các cửa ải khổng lồ của mình, tiếp tục thu thuế, đợi hồi sức lại rồi đánh tiếp.

Lợi thế đó dẫn đến việc quân đội Ba Tư là một binh đoàn khét tiếng trong lịch sử, vì độ giàu có vàthiện chiến. Họ thống trị vùng Tiểu Á, Trung Á và lan tới Ấn Độ, đánh cho Hy Lạp và La Mã khốn khổ khốn nạn. Nếu đã từng xem “300 chiến binh”, bạn sẽ hiểu mức độ chịu chơi của Ba Tư đến đâu. Người Hy Lạp chỉ mong phòng thủ thành công thôi hoặc là cầu hòa chứ cũng chả có ý định đánh ngược lại làm gì, vì biết nó vô cùng bất khả thi.

Giả sử bạn đã biết đến chính sách chuỗi đảo của Mỹ với ba lớp vòng kim cô phong ấn con rồng Trung Quốc trong lục địa của mình, thì người Trung Quốc đáp trả bằng cách tái lập lại chính sách Con đường tơ lụa hiện đại, nhằm mục đích tìm đường ra thế giới. Nó có cái tên mới là Một vành đai – một con đường.

Trong đó, ngoài việc một phát kiến mới về con đường tơ lụa trên biển, thì họ tiếp tục xây dựng và hiện đại hóa con đường tơ lụa đã có từ hàng nghìn năm trước bằng sức mạnh của đường sắt thay thế cho những con lạc đà. Mặc dù vậy,con đường này vẫn bắt buộc phải đi qua Iran để đến được với phương Tây. Quả thực, nhà bạn đã mặt phố rồi, không cần đến bố bạn làm to lắm, thì bạn vẫn có cửa để giàu.

Người Iran hiểu rất rõ rằng họ không thể nào đánh nhau được với Mỹ, cùng với liên minh thế giới Ả Rập thù địch, nhưng họ vô cùng hiểu được thứ mà họ đang nắm giữ có thể khiến cho tất cả không dám làm gì đến mình. Đó chính là eo biển  Hormuz.

3. Iran - Cánh cổng khó chịu

Vùng vịnh là thế giới của người Ả-Rập, là giếng dầu của thế giới, cụ thể chính là nơi nắm giữ quyền lực của ông trùm Mỹ, và là nơi cung cấp 1 phần 5 sản lượng dầu lửa của toàn thế giới.  EIA ước tính rằng 76% lượng dầu thô và khí ngưng tụ được vận chuyển qua Hormuz trong 2018 có đích đến là các thị trường ở châu Á. Trong đó, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore chiếm 65% lượng dầu thô và khí ngưng tụ đi qua Hormuz.

Bình quân mỗi ngày có 21 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo Hormuz. Số dầu này tương đương khoảng 21% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Khoảng 1/3 tổng lượng dầu được vận tải đường biển. Chưa kể, hơn 1/3 lượng khí hóa lỏng (LNG) được vận tải đường biển của thế giới cũng đi qua eo biển này.

Nói cách khác, hơi thở công nghiệp của toàn châu Á và một khoảng 1/3 thế giới hoàn toàn phụ thuộc vào Hormuz, chính vì thế nó còn được gọi là hiểm lộ biển (chokepoint).

Hormuz chỉ dài khoảng 167 km và rộng khoảng 33km ở điểm hẹp nhất. Nó là tuyến đường biển đông đúc nhất thế giới, bởi có những lựa chọn rất hạn hẹp nếu tàu bè không chịu đi qua eo biển này. Là nước kiểm soát Hormuz, nếu Iran chỉ cần ho một cái, hoặc thi thoảng đưa drone bay qua bay lại cùng đủ khiến cho Mỹ và các nước Ả Rập nhíu mày, còn những nước khác trên thế giới toát mồ hôi.

Phong cách chiến đấu của Iran lại là chiến thuật ruồi bu và bầy đàn. Họ sản xuất cực kỳ nhiều các loại tàu tấn công mặt nước cỡ nhỏ và drone mang theo tên lửa chống hạm. Tức là tàu hy sinh rồi, ít nhất cũng bắn bồi thêm được 1 – 2 quả tên lửa. Mất tàu rồi lại thay thế rất nhanh để ra bắn tiếp. Đại khái, loại chiến thuật này không khác gì chiến thuật biển người phiên bản dưới nước. Cực kỳ khó chịu.

Người Iran hiểu  ất rõ mình đang nắm những lợi thế gì. Thế nên khi họ khởi động các chương trình làm giàu uranium và tài trợ cho các phe đối lập tại Trung đông, Mỹ chỉ có thể gây sức ép lên án thôi chứ không thể làm gì khác được. Thời điểm những năm 2000, giới diều hâu Mỹ đã muốn cùng với Anh tấn công Iran như cái cách mà họ đã làm với Iraq. Nhưng Iran không phải là Iraq, họ có truyền thống chiến đấu vô cùng can đảm. Cộng với địa hình của mình, Iran tự tin có thể khiến Mỹ sa lầy, hy sinh tiền của và con người tới mức Mỹ không thể chịu đựng được. Cuối cùng, những cái đầu khôn ngoan của Mỹ cũng không để điều đó xảy ra.

Iran chính là một trong những đốm lửa đang cháy dập dìu trên ngôi nhà thế giới, mà một khi đốm lửa này bùng lên thì tòa nhà này chắc chắn không yên ổn. Họ luôn luôn  sống trong tâm thế “Trạng chết chúa cũng băng hà”“Nếu như tao không được, thì cả lũ cũng đừng hòng có được gì”. Rất rất cứng đầu. Một đốm lửa rất đáng sợ.

 

Bài viết được tác giả Vinh Phan gửi đến Vietales vào tháng 08/2023. 

Chia sẻ câu chuyện này

Hình ảnh nguồn: internet
Thiết kế và dàn trang
 TRẦN VĂN HẬU

Share