Khánh Hòa là xứ trầm hương

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Khánh Hòa là xứ trầm hương

Khánh Hòa là một tỉnh giàu có với nhiều vịnh biển nổi tiếng thế giới. Từ xưa, xứ này đã được thiên nhiên ưu đãi toàn cực phẩm như tôm hùm, yến sào và đặc biệt là trầm hương. Khí hậu ôn hòa, cộng thêm địa hình che chắn tuyệt hảo nên Khánh Hòa rất hiếm thiên tai. 

Ông Quách Tấn nhận xét người Nha Trang trong cuốn Xứ Trầm Hương: “Tánh người hiền hoà, kiệm ước, không thích tranh đấu, không thích mạo hiểm phiêu lưu. Phần đông lấy chữ nhàn làm quý”. 

Nha Trang trước khi là tỉnh lỵ của Khánh Hòa, vốn là đất Champa. Theo từ gốc tiếng Chăm, Ya Trang là bờ sông lau sậy. Người Champa có hai thánh đô. Một cái mang yếu tố núi nằm ở thung lũng Mỹ Sơn xứ Quảng Nam, cái còn lại mang yếu tố biển là Po Nagar ở Nha Trang. Po Nagar được xem như bà mẹ xứ sở và có hẳn một tòa tháp Chăm được dựng nên để tôn vinh, trước cả khi nước Việt thoát thời Bắc thuộc. Người Nha Trang có quan niệm là nhờ được bà độ mà vùng này hầu như không có bão.

Khánh Hòa là xứ trầm hương

Phong thủy Nha Trang tóm gọn trong hai câu “Tứ thủy triều quy – Tứ thú tụ”. Cụ thể nếu bạn đến chơi sẽ thấy xung quanh thành phố toàn là nước. Cửa Lớn và Cửa Bé ôm vòng Nam Bắc Nha Trang ra biển, nên gọi là Tứ Thủy Triều Quy. Còn Tứ Thú Tụ là bốn con thần thú tụ họp để giữ anh khí cho vùng này, cụ thể là Dơi ngọc ngậm vòng, Voi trắng cuốn hồ, Rùa vàng đội tháp và Rồng xanh giỡn nước.

Vị trí con dơi bây giờ là chùa Long Sơn, nơi có bức tượng Phật Trắng rất lớn. Còn con voi thì bây giờ không còn nữa, do đồi Sinh Trung đã bị san phẳng. Nhà thờ Đá Nha Trang ngự trên mình con rùa. Còn đồi Cảnh Long theo phong thuỷ tứ thú tụ hộ vệ đất Nha Trang thì là rồng xanh giỡn nước, nơi vua và hậu ngắm trăng trên lầu Bảo Đại.

Lắng vượn trăng mờ đêm Đại Lãnh

Bắn hùm mây rối núi Nha Trang

Khánh Hòa là xứ trầm hương
Khánh Hòa là xứ trầm hương

Khánh Hòa ngày xưa nổi tiếng về cọp, gọi là vùng hổ, khét tiếng với câu “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Cọp đáng sợ như thế nào? 

Chúng là loài có lực tát nhanh và mạnh, đủ để làm gãy cổ một con bò chỉ bằng một cú vả trúng đích. Móng cọp rất độc, rạch đến đâu thì chỗ đó hoại tử nếu không được cấp cứu kịp thời. Đuôi cực rắn chắc như chiếc roi để quất ngã nạn nhân. Bốn chiếc răng nanh dài 15 phân luôn nhắm vào cổ con mồi và kẹp chặt như bẫy gấu. Hai chân sau vô cùng khỏe, có thể tha một con nai mà vẫn nhảy qua hàng rào 3 mét. Lớp lông giúp nó ngụy trang hoàn hảo. Tiếng gầm vang xa hơn 10 cây số.

Theo các cụ người dân tộc thiểu số vùng này kể: Hồi trước khi chưa có xe lẫn quốc lộ, dân thường hay đi bộ băng rừng hai ba ngày đường mới tới nơi cần đến. Nếu đi nhỡ đường và đành ngủ lại trong rừng ban đêm thì bắt buộc phải đốt lửa hoặc làm chuồng ngủ trên cây mới an toàn, không là cọp rình rập vồ bắt ngay. Có lúc đi bộ một đoàn đông đúc tận 10 người, nhưng khi đến nơi chỉ còn hai ba, mấy người còn lại thành mồi cho dã thú hết.

Nhà nghiên cứu Quách Tấn chia sẻ một thông tin lý thú (dù hơi khó tin), rằng người Nha Trang và cọp từng có mối quan hệ rất tốt đẹp với nhau cho đến khi một sự cố nho nhỏ xảy ra:

Ở các nơi gần rừng núi, cọp thường ra chơi cùng các em mục đồng. Đôi bên coi nhau như người trong tứ hải, có gì ngon đều đãi nhau. Một hôm em bé chơi nghịch lấy tay bóp dái cọp chúa đàn. Đau điếng ruột, cọp thét lên một tiếng, bỏ chạy về núi một hơi. Cả bầy thất kinh, ùn ùn theo hết. Từ đấy không dám làm thân cùng người nữa, và hễ thấy người thì nguýt một cái rồi tránh xa

Giờ thì cọp đã tuyệt chủng, chỉ còn lại huyền thoại đánh dấu một thời vùng đất cực Nam Trung Bộ còn đầy vẻ hoang sơ, rậm rạp và nhiều ác thú của buổi đầu khai phá. 

Khánh Hòa là xứ trầm hương

Ngày nay, dạo quanh vùng đất hiền hòa này, ít ai nghĩ đoạn Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định xưa kia, Tây Sơn và chúa Nguyễn đánh nhau dữ dội nhất. Không xa chợ Đầm có đường Bến Cá, phường Phương Sài, khi trước là Ngư Trường. Gần đó có ngọn núi là Khố Sơn:

Khố Sơn ở phía Đông huyện Vĩnh Xương độ hai dặm. Phía Đông Nam có nền cũ kho Phước Sơn nên đặt như thế. Phía Bắc gần sông Ngư Trường. Năm Ất Mão đầu lúc Trung Hưng đại binh đánh phá tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu ở bảo Khố Sơn tức là chỗ này. Trên núi có đền Quan Công và miếu Ngũ Hành

Để tăng cường sức mạnh thủy chiến, ngài Nguyễn Huệ đã cho lập xưởng đóng thuyền tại Khố Sơn và đóng quân ở đó để giữ yên mặt biển. Kể từ đấy, Khố Sơn mang thêm tên hòn Xưởng. 

Sau này, chúa Nguyễn Ánh đoạt được hòn Xưởng, cho lập trại ở dưới chân núi gần bến Trường Cá để đóng quân thủy, mở thêm cơ sở ở hòn Xưởng để đóng thêm tàu chiến. Kể từ đó, hòn Xưởng có thêm một tên nữa là hòn Trại Thủy. 

Dưới chân Trại Thủy hiện tại là chúa Long Sơn. Dân chúng quen gọi là chùa Phật Trắng do trên đỉnh đồi thật sự có bức tượng Kim Thân Phật Tổ khổng lồ màu trắng, được xem như một trong biểu tượng của Nha Trang.

Trăng lên đồi Trại Thuỷ

Chuông khuya ngời ánh ba 

Bồi hồi mây khóa viện 

Sân Bồ đề sương sa.

Để cản bước quân Tây Sơn Nam tiến, thành Diên Khánh bề thế được chúa Nguyễn Ánh xây dựng, cho hoàng tử Cảnh và các thầy dạy ra trấn giữ. Đây là ngôi thành lớn thứ hai, chỉ sau thành Bát Quái tại Gia Định. Kể từ khi xây thành này, nó trở thành chốt chặn vững chắc trấn giữ đất Khánh Hòa. Nếu chúa Nguyễn xuyên không tới tương lai, chắc cũng sẽ bất ngờ vì công trình quân sự tâm huyết của mình giờ đây người dân bán cháo vịt đầy quanh đó. Đúng nghĩa cháo vịt bao vây thành trì luôn.

Nhân tiện nói về vịt thì đây là đặc sản đất Khánh Hòa. Một phần ăn chuẩn sẽ gồm cháo huyết nóng ăn kèm với lòng và vịt luộc chấm mắm gừng. Vịt quay thơm phức, mỡ chảy xèo xèo, dùng chung với xôi hoặc cơm. Ngon quá chịu sao nổi. Đến Khánh Hoà, bạn nhớ khẩu quyết này là được:

Yến sào Hòn Nội,

Vịt lội Ninh Hoà,

Tôm hùm Bình Ba,

Nai khô Diên Khánh,

Cá trầu Võ Cạnh,

Sò huyết Thuỷ Triều

Như đã nói ở trên, thật sự xứ sở này rất giàu. Biểu tượng của Nha Trang là trầm hương, thứ vừa nghe là đã thấy mùi sang trọng rồi. Có thể nói trầm hương là linh bảo của Khánh Hòa và trầm hương thì nhiều đến mức:

“Rừng trầm Vạn Giã, hương tỏa sơn lâm”

Tiếng là nhiều, nhưng không phải muốn lấy là lấy. Ngày xưa vào rừng tìm trầm cũng như chơi xổ số ở mức siêu khó vậy. Phu săn trầm có khi chưa tìm ra được một miếng trầm có giá trị đã bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc, hoặc bị dã thú vồ bắt. Kể cả có tìm được trầm đi nữa thì nguy cơ bị đồng đội hãm hại là rất cao. 

Để mang được khối trầm hương chất lượng về tới nhà đem bán có khi tổ tiên phải dùng hết năng lượng để độ cho. Tuy nhiên, phu trầm nào vượt qua được thử thách này là coi như đổi đời. Miếng gỗ dầu gió tỏa mùi hương ngào ngạt kia sẽ là nấc thang để đưa anh ta đến đỉnh cao phú quý, nên không ít người dù biết nguy hiểm vô cùng cũng muốn đánh thử canh bạc này một phen.

Khánh Hòa là xứ trầm hương

Tất nhiên, sẽ rất sai trái nếu nhắc đến Khánh Hòa mà bỏ sót “vàng trắng” là yến sào, những chiếc tổ được loài chim én kết trên những vách đá cheo leo nằm ngoài những hoang đảo xa khơi. Giữa hàng loạt kỳ trân dị bảo, yến sào vẫn vinh dự nằm trong top đầu những món ăn của bậc đế vương. 

Giá trị của yến sào nằm ở chỗ cực kỳ bổ dưỡng, nhưng lại cực kỳ hiếm có và chế biến cũng vô cùng công phu. Người thợ lấy yến phải bước đi trên những dàn giáo làm bằng cây lồ ô cao hàng chục mét giữa biển cả. Tổ yến lấy về lại còn phải ngâm hai tiếng cho tơi ra, rồi mất thêm một tiếng ngồi nhặt lông nữa. Công sức chế biến rất mệt nên chỉ có người ăn sướng chứ người làm không hề sướng tí nào. Đắt tiền nhất là yến huyết

Không chỉ yến sào, Khánh Hòa còn có một loại tài nguyên tuyệt vời khác có tác dụng chữa lành. Đặc biệt hơn nữa, nó hoàn toàn miễn phí: Những vịnh biển.

Đến Nha Trang du lịch, bạn sẽ thấy được một điều tiện lợi là biển nằm ngay sát thành phố. Chỉ cần đi một chút là đã thấy bờ cát mời gọi bạn hòa mình vào làn nước. Nước muối biển tự nhiên chứa 82 chất dinh dưỡng, giúp giải độc, lưu thông máu, tốt cho da, tóc, răng miệng và xương, tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm nhiễm, làm sạch tai mũi họng. Chưa kể sóng biển như một máy massage khổng lồ và việc đi trên cát cũng massage bàn chân tuyệt vời. Tắm trước 7h30 sáng tăng cường vitamin D nữa thì hoàn hảo. Theo bác sĩ Alexandre Yersin, nhờ các ion có lợi, không khí ở đây cực kỳ tuyệt vời để sống.

Bác sĩ Yersin là đệ tử xuất sắc của Louis Pasteur và cũng là người vô cùng nhiều duyên nợ với đất Khánh Hòa. Ông từng mong muốn Diên Khánh là nơi sản xuất thuốc men dược phẩm của cả châu ÁChu du cả thiên hạ, cuối cùng ông lại chọn gắn bó với Nha Trang vĩnh viễn. Xứ trầm hương hoàn toàn chiếm trọn trái tim ông.

Khi nào trở thành bác sĩ, con sẽ đưa mẹ đến sống ở miền Nam nước Pháp hay ở Ý, mẹ nhé?

Rồi, Yersin thú nhận rằng ông sớm chán nản mọi thứ, trừ Nha Trang

Yersin sẽ không đi xa nữa. Ông đã đi vòng quanh thế giới. Giờ đây ông là một cái cây. Là một cái cây cũng chính là cuộc đời, và cũng là không đi đâu nữa. Ông là chuyên gia về sự tan rã. Và ông muốn cơ thể mình tan rã ở chính mảnh đất này

Khánh Hòa là xứ trầm hương,

Non cao, biển rộng, người thương đi về.

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế dàn trang : Nhím

Khánh Hòa là xứ trầm hương
Share