Lục Vân Tiên cổ tích truyện: Sự gặp gỡ giữa Đông và Tây – Kỳ 1

Tác giả xnghiem
Lục Vân Tiên cổ tích truyện: Sự gặp gỡ giữa Đông và Tây – Kỳ 1

Sự ra đời của truyện thơ Lục Vân Tiên kèm tranh minh họa và quá trình tìm ra bản truyện này

Trong nhiều tuyển tập hay tổng tập văn học Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu luôn xuất hiện ở vị trí danh dự trong các danh nhân của nền văn học quốc gia. Tên ông xuất hiện bên cạnh các tiền bối lừng danh như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn, Nguyễn Du và những người nối nghiệp tài ba, những người đã đưa nền văn học Việt Nam tới ngưỡng cửa hiện đại. Các ý kiến đánh giá về Lục Vân Tiên ít nhiều đều ca ngợi đây là một tác phẩm có giá trị, đa dạng nhưng hoàn toàn mang tính cổ điển, rõ ràng dưới nhiều khía cạnh và mang thiên hướng giáo hóa. Tuy nhiên, tất cả đều thống  nhất về tính chất gương mẫu, về tính cương trực ca con người, dù đó là nhà nho, thầy thuốc hay nhà sư phạm, những người đã truyền bá qua những tác phẩm, qua thái độ của mình, các nguyên lý nho giáo về tín nghĩa, về hiếu thuận và về nhân nghĩa đến với tầng lớp nông dân thời đó. 

Xã hội miền Nam, được người di cư Việt làm nổi rõ chỉ mới từ thế kỷ 17, cho thấy có sự đa dạng về tộc người, văn hóa và xã hội. Điều này làm cho xã hội miền Nam khác hẳn với mô hình lâu đời về tổ chức làng xã và quan  trường của miền Bắc và miền Trung. Trong bối cảnh đó, nhà Nho là người đảm bảo việc truyền bá giá trị Nho giáo và cung đình, những yếu tố tạo thành nền văn minh Việt Nam. Như vậy, chúng ta hiểu rằng Nguyễn Đình Chiểu và Lục Vân Tiên được nâng lên thành biểu tượng dân gian của việc thẩm thấu đạo Khổng khi tư tưởng này có xu hướng trở thành đạo chính thống trên lãnh thổ mới được khám phá. Ta cũng có thể hiểu rằng tác giả và tác phẩm này đã được diễn giải khác nhau, đặc biệt, khi bên cạnh trào lưu hiện đại còn có nền văn học kháng chiến vinh danh những anh hùng và các vị thần hộ mệnh của một quốc gia đang đấu tranh vì nền độc lập vào giữa thế kỷ 20.

LucVanTien

Ấn bản thực sự đầu tiên của Lục Vân Tiên là bản dịch tiếng Pháp của Gabriel Aubaret được đăng trên Tạp chí châu Á (Journal asiatique) vào năm 1864. Ấn phẩm nói về việc sưu tầm những đoạn chép tay Hán – Nôm mà Aubaret đã thu thập được nhờ sự giúp đỡ của những người nhỏ bé ở Nam Kỳ, nhưng ông không giải thích công việc biên dịch và cũng không cho đăng văn bản gốc để tham chiếu. 

Tiếp đó, vào năm 1865, bản in Hán – Nôm đầu tiên dã dược Duy Minh Thi ấn hành từ văn bản  Hán – Nôm do ông chép lại. Người ta biết ít về lần xuất bản này cũng như về tác giả của nó. Năm 1993, Nguyễn Quảng Tuân đã phát hiện một bản Hán – Nôm chưa hề được biết cho đến lúc bấy giờ và nó chứng tỏ có thể đó là bản chép tay của bản được nêu trước đây. Việc phát hiện này khẳng định bản cổ nhất của Lục Vân Tiên bằng chữ Hán – Nôm có từ năm 1865. Bản này cũng cho chúng ta biết người biên soạn Duy Minh Thi, đã cho in nó trước tiên ở Trung Quốc chứ không phải ở Sài Gòn như mọi người vẫn nghĩ.

Việc ấn hành bản Lục Vân Tiên bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên dược Gustave Janneau thực hiện. Bản này được in ở Sài Gòn năm 1867 và được tái bản tại Pháp năm 1873. Sự chỉ dẫn duy nhất từ tác giả là bản phiên âm lại “theo bản văn bản chữ Nôm“. Cuối cùng phải đợi đến năm 1883 khi Abel des Michels cho ấn hành bản tam ngữ (Hán – Nôm, Quốc ngữ, Pháp ngữ) ở bản này, tác giả các văn bản và những bản thảo chép tay mà ông đã khảo sát, đối chiếu để tạo nên bản phiên âm dịch nghĩa với sự giúp đỡ quý báu của nhà bác học Trần Ngươn Hạnh. 

Abel des Michels cũng cho in thêm phần phụ lục trong đó có một vài đoạn dị bản của truyện thơ. Ấn bản này là nghiên cứu đầy đủ và có giá trị nhất. Nó trở thành cơ sở tham chiếu cho mọi nghiên cứu sau này về Lục Vân Tiên. Cũng nên ghi nhận  công lao của bản thứ ba: “bản dịch Pháp ngữ bằng thơ tự do” được Eugène Bajot xuất bản năm 1887. Cuối cùng, nhờ Trương Vĩnh Ký mà ta có bản phiên âm đầu tiên sang chữ Quốc ngữ từ bản chép tay của Duy Minh Thị và bản này được xuất bản năm 1889.

Từ các ấn bản này (bản ba thứ tiếng của Abel des Michels, bản Hán-Nôm của Duy Minh Thi, các bản phiên âm sang chữ Quốc ngữ của Janneau và Trương Vĩnh Ký) mà các lần tái bản sau đã được thực hiện. Điều này cũng diễn ra tương tự đối với các bản dịch sang tiếng Pháp do các tác giả người Pháp và cả những nhà trí thức người Việt Nam thực hiện. Họ là những người, hơn ai hết, sống trong thời điểm giao thoa của hai nền văn hóa, hai ngôn ngữ và ba thể loại chữ viết. Đến nay, theo thống kê, có bảy bản dịch khác nhau sang tiếng Pháp, bản cổ nhất là vào năm 1864 và bản gần đây nhất  được thực hiện vào năm 1997.

LucVanTien

Những bản dịch đầu tiên được chính quyền thực dân gợi ý khi họ bắt đầu tới Nam Kỳ và có nhu cầu cấp thiết nhằm hiểu sâu hơn về đất nước, về bộ máy của chế độ quân chủ Khổng giáo, về con người và phong tục nơi đây. Chính quyền thực dân cũng có nhu cầu đào tạo những người quản lý dân sự và đặc biệt hơn cả là đào tạo đội ngũ phiên, biên dịch. Việc đào tạo ngôn ngữ đòi hỏi phải nghiên cứu toàn bộ các văn bản hành chính, pháp lý, lịch sử và văn học. Chính vì lẽ đó mà truyện Kim Vân Kiều hay Nhị Độ Mai vốn rất phổ biến ở miền Bắc, đều được dịch sang tiếng Pháp vào năm 1884, và cũng chính năm này là năm xác nhận việc đặt Trung Kỳ và Bắc Kỳ dưới chế độ bảo hộ. 

Lục Vân Tiên là tác phẩm được người Pháp chú ý đến ngay sau khi hoàn thành việc xâm chiếm Nam Kỳ năm 1867. Bản dịch truyện này cho phép hiểu rõ hơn tâm tính của người dân địa phương; về bản phiên âm sang chữ Quốc ngữ, theo Janneau, nó có thế dùng làm sách giáo khoa trong trường học cho thanh thiếu niên  Việt Nam. Việc học chữ Quốc ngữ tỏ ra thích hợp hơn so với chữ Nôm nhằm xóa mù chữ cho người  dân. Theo Abel des Michels, việc dịch tác phẩm vừa mang chất thơ, vừa mang tính sư phạm, sẽ cho  phép xây dựng phương pháp học tiếng Việt cho người nước ngoài. Cũng nên nhắc lại rằng nhờ sự chỉ đạo của ông mà việc giảng dạy tiếng Việt lần đầu tiên được bắt đầu ở Paris vào đầu những năm 1870.  Đối với Abel des Michels, tác phẩm này là “truyện thơ tiêu biểu nhất của đất nước” và xứng đáng được nghiên cứu như một tác phẩm hàng đầu. Chính điều đó đã tạo điều kiện cho việc phát hành bản dịch truyện thơ này vào năm 1883.  

Điều trớ trêu của lịch sử là sự hình thành chế độ thực dân đã tạo điều kiện cho việc phổ biến rộng rãi Lục Vân Tiên. Ngay từ những năm 1880, tác phẩm đã thu hút mối quan tâm lớn khi được xuất bản song ngữ và vì thế đã tạo ra một trong những giải pháp xóa mù chữ ở Việt Nam, đặc biệt là ở Nam Kỳ đồng thời giới thiệu văn hóa cũng như ngôn ngữ Việt Nam ở Pháp. Ban đầu, Lục Vân Tiên chỉ được các nhà Đông phương học biết đến, nhưng sau đó nó là truyện được mọi người Pháp biết đến khi chuẩn bị sang Việt Nam. Đó cũng là trường hợp của Eugène Gibert, người đā say mê tác phẩm này từ rất sớm.

Những gì mà ta biết về chàng sĩ quan trẻ này vẫn còn nhiều lỗ trống. Ông xứng đáng được quan tâm đến vì là biểu tượng của thế hệ những cựu sinh viên Bách khoa, vừa là nhà thám hiểm, vừa là nhà Đông phương học và nhà nghiên cứu văn học cổ. Eugène Louis Marie Gibert sinh tại Paris ngày  21 tháng 7 năm 1857. Xuất thân bình thường, khi 20 tuổi, ông được cấp học bổng của Trường Bách khoa. Được chuyển về đội Pháo binh hải quân, ông được phong hàm thiếu úy vào năm 1881 rồi đại úy vào năm 1883. Sau hai năm được cử sang châu Phi tại Sénégal (1884-1886), ông trải qua một vài  tháng tại xưởng đúc ở Ruelle-sur-Trouve (Charente, Pháp), nơi thiết kế pháo đại bác của hải quân, sau đó làm việc trong Bộ chỉ huy quân sự ở Paris. 

Gibert được cử sang Hà Nội lần đầu tiên vào giai đoạn từ 1890 đến 1892 và làm việc ở Bộ chỉ huy pháo binh. Trở về chính quốc, ông làm việc tại Hội đồng Gâvres (Bretagne), nơi thiết kế và thí nghiệm những cỗ đại pháo mới. Chính vào giai đoạn này ông đến Đông Dương lần thứ hai. Từ 15/6/1895 đến 22/9/1897, Gibert phụ trách pháo binh ở Huế. Ngay trước khi quay về chính quốc, ông được trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh theo quyết định ngày 12/7/1897. Sau đó, mọi thông tin về ông bị tản mát. Chúng ta chỉ biết rằng sau đó, ông được cử tới Brest làm chỉ huy trưởng thiết giáp rồi tới Rochefort một vài năm tiếp theo, Gibert mất ngày 9/10/1909 ở tuổi 52.

LucVanTien

Eugène Gibert là một kỹ sư xuất sắc, vừa là chuyên gia kỹ thuật vừa là lý thuyết gia như đã được chứng minh qua những bài viết của ông về đường đạn đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Trong thời  gian ở Đông Dương lần thứ hai, ông cũng đã viết “ghi chép về cửu vị thần công của An Nam” được xuất bản sau khi ông mất.

Trong ghi chép này, ông đã miêu tả “một vài quy trình kỹ thuật đặc biệt tại quân chủng pháo binh ở đất nước này” song song với việc nghiên cứu nhằm “làm nổi bật một vài điểm lịch sử quan trọng của An Nam”. Qua một vài trang viết, ông đã miêu tả chi tiết về mặt kỹ thuật các khẩu thần công và những trang trí mỹ thuật lẫn điêu khắc. Sau khi dịch những miêu tả này, ta có thể rút ra được một vài yếu tố lịch sử. Vị sĩ quan này có tính ham hiểu biết tri thức, không chỉ cống hiến cho nghệ thuật quân sự mà còn rất nhạy cảm với văn hóa bản địa, với lịch sử triều đình và với vấn đề tín ngưỡng liên quan đến cửu vị thần công. Để có thể thực hiện được hai đợt công tác ở Đông Dương trong khoảng thời gian một thập kỷ, chắc chắn phải là người có năng lực về quân sự và có gắn bó tình cảm thực sự với châu Á.  

Chính trong lần thứ hai sang Đông Dương mà Gibert đã cụ thể hóa dự định cho việc thực hiện bản truyện thơ Lục Vân Tiên có tranh minh họa. Trong bài giới thiệu dài hai trang về bản truyện này Gibert đã nói rõ mong đợi và kết quả của những gì mình yêu cầu. Nhận thấy bản dịch và những chú giải của Abel des Michels vẫn chưa lột tả hết vẻ đẹp độc đáo của tác phẩm nên ông đã nhờ một nghệ sĩ người Việt vẽ lại môi trường thiên nhiên và thế giới tinh thần của người Việt vào thời đó, đồng thời để người nghệ sĩ được hoàn toàn tự do thể hiện. Gibert chi nhắc nhở về thời gian thực hiện và thêm vào  những chú giải. Có thêm một nghệ sĩ nữa hỗ trợ cho công việc này nhưng không rõ là ai. Người này chỉ để lại một vài bản vẽ rất ngây ngô ở một số trang cuối của bản truyện cho phép ta so sánh về phong cách. Gibert đã giục người nghệ sĩ thứ nhất, Lê Đức Trạch, người có năng lực nghệ thuật cao hơn, hoàn thành đúng thời hạn tác phẩm với kết quả mỹ mān.

Để bày tỏ sự hài lòng tuyệt đối của  mình đối với công việc của nghệ sĩ, Gibert đã thông báo ý định thực hiện tiếp, cũng vẫn theo kiểu đó, bản truyện Kim Vân Kiều có tranh minh họa. Nhưng thật tiếc, điều kiện đã không cho phép Gibert  thực hiện ước nguyện này.  

Ý thức rõ về giá trị của tác phẩm tự tay mang về Pháp, Gibert đã sớm dự kiến di tặng nó cho Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương, nơi tốt nhất có thể bảo quản nó. Tác phẩm này có tên Lục Vân Tiên ca diễn, truyện thơ của người An Nam, bản dân gian được Lê Đức Trạch còn gọi là Thọ, nho sĩ triều đình Huế, minh họa dưới sự chỉ đạo của Eugène Gibert, đại đội trưởng đội pháo binh hải quân đã được đăng ký vào sổ ngày 26/5/1899. Món quà tặng đến thật đúng lúc khi Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương quan tâm ngày càng nhiều đến lĩnh vực này ở châu Á.

Thời điểm đó, Viện Hàn lâm vừa mới tổ chức Đại hội lần thứ 11 quy tụ các nhà Đông phương học ở Paris (tháng 9 năm 1897) và đā suy nghĩ nghiêm túc về công tác triển khai những chương trình nghiên cứu, bảo tồn di tích và di sản ở vùng Viễn Đông. Các nhà Ấn Độ học Michel Bréal, Auguste Barth và Émile Sénart với sự ủng hộ của nhà Hán học Gabriel Devéria, đã đề nghị những người bạn đồng nghiệp là viện sĩ, thông qua việc thành lập Phái đoàn khảo cổ học thường trực Đông Dương vào năm 1898. Chắc chắn Gibert đã  biết về những cuộc thảo luận dẫn tới việc chuyển chính thức Phái đoàn này thành Viện Viễn Đông  Bác Cổ Pháp (École française d’Extrême-Orient, EFEO). Viện này đặt trụ sở tại Đông Dương từ năm 1900, trước tiên là ở Sài Gòn, sau đó là ở Hà Nội vào năm 1902, khi Hà Nội trở thành thủ đô của Đông Dương. Nếu Viện được thành lập sớm hơn ba năm, có thế Gibert đã di tặng tác phẩm này cho Viện và  rồi sau đó bản thảo này có lẽ sẽ mang một số mệnh hoàn toàn khác chăng?

Bản thảo truyện thơ Lục Vân Tiên có tranh minh họa đã được in lại, dịch ra và được những người đam mê mỹ thuật, văn học và văn hóa Việt Nam đón nhận theo cách mà tác phẩm xứng đáng có được. Ngay sau khi hoàn thành bản dịch tiếng Pháp đầu tiên, ông Aubaret da đánh giá truyện thơ Lục Vân Tiên như sau:

“Đây là một cuốn sách hay vinh danh người Nam Ky, một mặt tác phẩm thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân dân cả nước thông qua sự nổi tiếng của nó […]. Mặt khác, phần lớn cuốn sách diễn tả tinh thần trung thực, đam mê và tinh tế […]; thể hiện bức tranh về phong tục và vị trí xã hội của những người thuộc tầng lớp thấp kém. Điều này mang lại giá trị đặc biệt cho tác phẩm.”  

LucVanTien
Một vài ấn bản Lục Vân Tiên cổ tích truyện - Nguồn : vietnamhoc.net

Hơn một thế kỷ rưỡi trôi qua, lời nhận xét này vẫn còn nguyên giá trị. Với linh cảm tốt lành, tác giả muốn nói đến “bức tranh phong tục tập quán” của người Việt. Việc minh họa cho truyện thơ này đã trở thành hiện thực nhờ cuộc gặp gỡ giữa Eugène Gibert và Lê Đức Trạch. 

Lục Vân Tiên là một tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam có số mệnh đặc biệt. Riêng tác phẩm minh họa truyện thơ Lục Vân Tiên được sản sinh từ mối quan hệ Pháp – Việt, là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tác phẩm cần được nhìn nhận như một thành quả cao quý được hình thành từ sự giao thoa văn hóa cuối thế kỷ 19, từ sự kết hợp các giá trị nho giáo truyền thống, nhân văn và trên hết là sự nối kết, đồng điệu về tâm hồn của những cá nhân có nguồn gốc dân tộc, văn hóa hoàn toàn khác nhau. Tất cả những  yếu tố này đã góp phần làm nên tầm cỡ vĩ đại cho tác giả và tác phẩm.

Chia sẻ câu chuyện này
Share