Chùa Phúc Nghiêm, một đêm tháng năm.
Nom thấy nồi cháo đỗ đã se mặt, Man nương dập tắt củi lửa, phủi bụi tro khỏi áo rồi đứng dậy múc nước rửa tay. Nước mát làm dịu đi cái oi nóng tiết trời tháng năm, khiến người thiếu nữ gò má đỏ hồng thấy dễ chịu trong chốc lát. Nàng ở chùa đã lâu nhưng không học đạo, chỉ lo việc bếp núc cung dưỡng các vị thiền sư, Phật tử.
Đã thành thói quen mỗi khi nhà chùa mở lớp học đạo tới canh khuya, nàng thường thổi cháo bưng lên cho các vị thụ trai. Nhưng lần này khi đã lên tới gian nhà trên, Man nương thấy các sư vẫn ngồi xếp bằng tụng niệm, hương trầm khói tỏa man mác khắp không gian.
Ngồi ngay chính giữa là sư trụ trì Già-La-Đồ-Lê, phong thái ung dung chừng như đã thoát tục, thoáng thấy bóng nàng lấp ló bên cửa liền ra dấu cho nàng hay rằng buổi tụng kinh còn kéo dài. Không nỡ quấy rầy, nàng lại bưng nồi cháo xuống ủ bếp trấu để giữ nóng lâu, rồi ngồi ngay bên ngưỡng cửa chờ đợi.
Đêm mùa hè sâu và tĩnh lặng, bốn bề chỉ nghe tiếng tụng kinh đều đều, thi thoảng phía ngoài ruộng đưa lại mấy tiếng ếch kêu khan. Man nương tựa cửa suy nghĩ vẩn vơ, rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay.
Quá nửa đêm, các sư mới tụng niệm xong, ai về phòng nấy nghỉ ngơi, không nghĩ tới việc thụ trai nữa. Chỉ có sư Già-La-Đồ-Lê còn nhớ tới nồi cháo, tiếc công Man nương nấu nướng liền gọi nàng bưng lên. Gọi hai ba tiếng không thấy thưa, nhà sư đích thân xuống bếp, thì thấy Man nương nằm ngủ mê mệt ngay thềm cửa. Chẳng dám làm kinh động giấc ngủ của nàng, ngài đành mau lẹ bước qua người Man nương vào bếp lấy cháo. Không ngờ chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi của bước chân đó, tâm Man nương liền động, tựa bông hoa rung rinh bởi ngọn gió phất qua.
(viết phỏng theo Truyện Man nương, sách Lĩnh Nam chích quái)