Mandala: Một lý giải về cấu trúc quyền lực của Chiêm Thành quốc – Kỳ 1

Tác giả Tường Vân
Mandala: Một lý giải về cấu trúc quyền lực của Chiêm Thành quốc – Kỳ 1

Khởi đầu từ trận đánh Chiêm Thành vào thế kỷ thứ 10 của vua Lê Đại Hành, tám thế kỷ sau đó vương triều Đại Việt tiến hành vô số cuộc chinh phạt về phương Nam, kéo theo những đợt di dân nhằm mở rộng lãnh thổ, dẫn tới không ít xung đột về lợi ích bên cạnh quá trình giao lưu văn hóa Việt – Chăm. 

Tuy nhiên, ngoại trừ giới chuyên môn và những người say mê văn hóa Chiêm Thành, đối với số đông, có lẽ những vương quốc cổ này vẫn còn chìm lấp trong màn sương huyền bí với truyền thuyết về tộc người Hời. Đặc biệt, kể từ thời các chúa Nguyễn khai khẩn đất đai và phát triển thương mại ở xứ Đàng Trong, dường như tồn tại một khoảng trống trong hiểu biết chung về cấu trúc quyền lực của các cộng đồng người thuộc xứ sở này. 

Do đó, bài viết sẽ cung cấp một số diễn giải từ các nghiên cứu đáng tin cậy về cơ cấu chính trị của Chiêm Thành quốc thông qua mô hình Mandala, thay cho mô hình tập quyền giống triều đình Trung HoaĐại Việt như nhiều ý kiến trước đây. 

I. Về Mandala và cấu trúc quyền lực Mandala

Mandala, phiên âm tiếng Việt là mạn-đà-la, vốn là mô hình vũ trụ trong Ấn giáo, thông qua quá trình tiếp biến văn hóa dần trở thành biểu tượng tinh thần quan trọng của cả Ấn giáo và Phật giáo. Hầu hết các mô hình Mandala được thể hiện dưới dạng một hình vuông có chứa vòng tròn làm tâm điểm, từ vòng tròn này, quyền năng vũ trụ được khuếch tán ra bên ngoài thông qua khoảng hở của mỗi cạnh hình vuông (còn gọi là cửa). Dưới ảnh hưởng của văn hóa và tôn giáo Ấn Độ, biểu tượng Mandala có thể được tìm thấy trên nhiều công trình kiến trúc và tác phẩm nghệ thuật ở các quốc gia Đông Nam Á ngày nay. 

Dựa trên khái niệm cơ bản về tính khuếch trương quyền năng từ vùng trung tâm ra đến khu vực ngoại vi, vào thế kỷ 20, một số nhà sử học phương Tây như O.W. Wolters và I.W. Mabbets đã sử dụng Mandala như một thuật ngữ để miêu tả mô hình chính trị đặc thù tại vùng Đông Nam Á, nhằm tránh thuật ngữ thành bang (state) quen thuộc trong bối cảnh chính trị châu Âu. 

Thực vậy, các cộng đồng người Đông Nam Á tổ chức theo trật tự Mandala đều theo mô hình hướng tâm: Các tiểu quốc tập họp lại và chịu tác động văn hóa – xã hội từ một vùng trung tâm xác định. Tuy nhiên, vùng trung tâm này không tự mình vươn lên thành một thực thể độc tài. Do đó, đặc điểm nổi trội của các lãnh địa Mandala là không có đường biên giới cụ thể và không phải một quốc gia thống nhất. Cũng vì lý do này, Mandala còn được mô tả bằng cụm từ sinh động hơn là chính thể ngân hà, nơi những tương tác và sinh hoạt con người ít bị bó cứng trong trật tự vương quyền kiểu Đông Á, mà luôn mềm dẻo, linh hoạt tùy thời thế.  

Một điểm cần lưu ý rằng, Mandala chỉ là một thuật ngữ miêu tả quan hệ quyền lực giữa các cộng đồng người Đông Nam Á, không phải là tên gọi một thiết chế nhà nước. Theo lập luận của Wolters, bản chất của quan hệ quyền lực này bắt nguồn từ hình mẫu người hùng trong sáng tạo thần thoại. Các cá nhân thông tuệ và tài năng luôn quy tụ quanh mình một nhóm người ngưỡng mộ và thần phục ánh hào quang tỏa ra từ những phẩm chất hơn người ấy, dần dần hình thành nên các khu vực liên kết với nhau để nhận được sự bảo hộ từ cá nhân – người hùng siêu việt. 

Mở rộng thêm, có thể nhận xét rằng mô hình này rất khác so với mô hình huyết tộc, nơi quyền lực tập trung vào tay một dòng họ và được truyền qua nhiều đời con cháu. Tuy vậy, thông qua tác động lịch sử, hai mô hình này vừa kiềm tỏa lẫn nhau vừa giao thoa, thậm chí xiển dương nhau. Ở đây, lịch sử sẽ được nhìn nhận như một dòng chảy khách quan chi phối hành động con người, mà tác động lớn nhất của nó tới con người là cặp trạng thái đối lập chiến tranh – hòa bình. 

Trong trạng thái hòa hoãn, không xung đột giữa các tộc người, mô hình người hùng luôn đe dọa tới sự tồn vong của mô hình huyết tộc, nên các vương triều thường tìm mọi biện pháp để kiềm chế sức ảnh hưởng của cá nhân ưu việt, từ vỗ về thu phục cho tới tàn sát tận diệt. Nhưng khi tình trạng chiến tranh nổ ra, sức mạnh huyết tộc mau chóng bị lu mờ trước những chiến công của người hùng, và tùy từng trường hợp, người anh hùng sẽ tạo lập vương triều mới hoặc sẽ được tôn xưng làm nhân thần, trở thành biểu tượng nâng đỡ sức mạnh tinh thần của cả cộng đồng. 

Về cá nhân – người hùng siêu việt, trong hoàn cảnh loạn lạc, thu phục quần hùng không phải điều khó khăn, nhưng khi cá nhân đó muốn lan rộng tầm ảnh hưởng đến những cộng đồng khác, thì bắt buộc phải có một nền tảng tinh thần vững chắc hơn nhằm duy trì vị thế của mình. Vì thế mà xuất hiện hiện tượng quyền lực kép trong chính trị: Thần quyền hòa lẫn với thế quyền. 

Nếu xét riêng Mandala như một biểu tượng siêu hình trong Ấn giáo và Phật giáo, đó là một công cụ giúp con người kết nối với bằng cách chuyên chú vào ngọn lửa thiêng (divine spark), hay chính là dòng năng lượng tuôn chảy từ nguồn thế giới. Dòng năng lượng này có lúc được thể hiện dưới dạng một vị thần, mà thông qua việc hòa mình vào yếu tính của thần, con người nhận được ân huệ vĩnh cửu từ Đấng Vô Hình Trên Cao

Do đó, trong một hình thái xã hội nơi thừa nhận ý tưởng nhân – thần đồng hóa này, xu hướng chung là tôn thờ người đứng đầu như thần linh. Trong mạng lưới Mandala, một vị vua vùng trung tâm đồng nhất mình với quyền lực thánh thiêng, dựa trên cơ sở đó ông ta thiết lập mối ràng buộc với nguồn tài nguyên và nhân khẩu từ các tiểu quốc trung thành. Nhìn chung, mối dây liên kết cả về mặt tôn giáo lẫn kinh tế được tin tưởng sẽ bảo vệ các cộng đồng khỏi sự tấn công từ bên ngoài và sự tan rã từ bên trong. Trong trạng thái ổn định, mối quan hệ giữa vùng trung tâm và các tiểu quốc được hình dung như một chế độ bảo trợ, theo đó, vị vua vùng trung tâm nắm giữ quyền lực tối thượng, luôn mở rộng sức ảnh hưởng ra khu vực bên ngoài, bảo hộ các tiểu quốc để đổi lấy lòng trung thành và sự phục vụ tận tụy của họ – những yếu tố làm gia tăng thêm sức mạnh kẻ thống lĩnh. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, bởi sự linh hoạt và năng động trong cấu trúc mà các tiểu quốc Mandala rất dễ dàng thay đổi quyền lực và chuyển biến vùng trung tâm, thậm chí các tiểu quốc này còn có thể tự xây dựng mạng lưới chư hầu cho riêng mình, trở thành một Mandala nhỏ trong một Mandala lớn hơn. 

Một công trình nghiên cứu của Narendre Law gọi Mandala với cái tên Vòng luân chuyển nhà nước (statal circle) đã đưa ra sơ đồ tổ chức của Mandala như sau:

-Khu vực trung tâm (vijigisu);

-Phía trước khu vực trung tâm là năm tiểu quốc, bao gồm kẻ thù (ari), đồng minh (mitra), đồng minh của kẻ thù (ari-mitra), đồng minh của đồng minh (mitra-mitra), và đồng minh của đồng minh kẻ thù (ari-mitra-mitra);

-Phía sau khu vực trung tâm là bốn tiểu quốc, bao gồm kẻ thù ở phía sau (parsnigraha), đồng minh ở phía sau (akranda), đồng minh của kẻ thù ở phía sau (parsnigrahasara), và đồng minh của đồng minh ở phía sau (akrandasara);

-Ngay gần kề khu vực trung tâm là hai tiểu quốc, gồm tiểu quốc quyền lực thượng đẳng (udasina) và tiểu quốc quyền lực trung đẳng (madhyama). 

Để cân bằng cán cân quyền lực trong Mandala, người thống trị vùng trung tâm phải thành thạo hai kỹ năng tình báo và kỹ năng ngoại giao. Thực vậy, việc liên tục cập nhật tin tức từ các khu vực ngoại vi là điều mang ý nghĩa tối quan trọng với sự sống còn của cả cộng đồng, khi những hiểm họa từ bên ngoài có thể lường trước. Còn kỹ năng ngoại giao sẽ đảm bảo duy trì quyền lực mềm của vùng trung tâm, bởi trừ trường hợp không tránh khỏi, các biện pháp quân sự có khả năng hủy hoại hoàn toàn Mandala. 

Do đó, một kẻ cai trị giỏi phải biết cách điều hòa lợi ích chung, buộc các tiểu quốc ở yên dưới tầm ảnh hưởng của mình bất chấp khoảng cách địa lý và biết huy động sức mạnh của họ khi cần thiết. Để thành công trong vai trò này, ngoài việc trở nên đồng nhất với quyền năng vũ trụ như đã đề cập ở trên, người đứng đầu còn là người bảo trợ cho các sinh hoạt tôn giáo, khuyến khích hoạt động thờ phụng thánh thần trong dân gian và là mẫu mực về mọi mặt đức hạnh.

Tác Giả Tường Vân
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share