Đào sâu thêm giả thuyết mà E. Durand đưa ra, tới năm 1987, nhà nghiên cứu người Chăm Po Dharma tiến hành nghiên cứu cuốn Biên niên và kết luận rằng cuốn thư tịch này có giá trị lịch sử trong việc ghi chép lại các triều đại vua phương Nam. Dựa trên kết luận đó, Po Dharma lập luận rằng trên thực tế tồn tại hai tiểu quốc Vijaya và Panduranga.
Kết hợp với các nghiên cứu quốc tế về mô hình Mandala, những năm sau đó, Po Dharma tiếp tục phát triển thêm lập luận của mình và khẳng định Chiêm Thành quốc theo Mandala, bao gồm năm tiểu quốc là Indrapura (thuộc Quảng Bình, Quảng Trị), Amaravati (thuộc Thừa Thiên, Quảng Nam), Vijaya (thuộc Quảng Ngãi, Bình Định), Kauthara (thuộc Phú Yên, Khánh Hòa) và Panduranga (thuộc Ninh Thuận, Bình Thuận). Trong đó có một tiểu quốc giữ vai trò trung tâm, là Amaravati trước thế kỷ thứ 10 và Vijaya từ thế kỷ thứ 10 đến 15. Người đứng đầu khu vực trung tâm này xưng là Rajadhiraja (vua của các vua), thống lĩnh toàn bộ các tiểu quốc còn lại.
Lập luận của Po Dharma được chấp nhận rộng rãi trong giới nghiên cứu Chăm-pa, nên hiện tại có thể coi Chiêm Thành quốc là một Mandala. Với nguồn sử liệu và các di chỉ còn lại, vấn đề tổ chức nội bộ và giao lưu giữa các tiểu quốc Mandala Chiêm Thành cũng nhận được nhiều mối quan tâm từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Một trong những nghiên cứu sớm nhất về cách thức tổ chức của tiểu quốc Chiêm Thành là nghiên cứu của Trần Kỳ Phương về tiểu quốc Amaravati. Theo ông, xuất phát từ vũ trụ quan Ấn giáo, sự hình thành của mỗi tiểu quốc đều dựa trên một ngọn núi thiêng và một dòng sông, tượng trưng cho cặp vợ chồng thần thánh Shiva và Ganga. Dọc theo ngọn núi và dòng sông, các tiểu quốc xây dựng ba khu vực thiết yếu nhất là cảng thị bên sông, hoàng thành của hoàng gia và trung tâm tôn giáo. Mô hình này được thể hiện tại tiểu quốc Amaravati như sau:
– Ngọn núi thiêng là Mahaparvata (núi Răng Mèo);
– Dòng sông thiêng là sông Ganga (sông Thu Bồn);
– Cảng thị là Đại Chiêm Hải Khẩu (cảng Cửa Đại, Hội An);
– Hoàng thành là Simhapura tức Thành phố Sư Tử (Trà Kiệu);
– Trung tâm tôn giáo là Srisanabhadresvara (Mỹ Sơn).
Nhà nghiên cứu Kỳ Phương cũng cho rằng, vì mô hình tổ chức của các tiểu quốc luôn gắn liền với cảng thị ven biển, ven sông, nên trong quá trình giao thương, có thể các tiểu quốc Mandala Chiêm Thành sử dụng phương thức trao đổi ven sông (riverine exchange network). Đây là phương thức do nhà nghiên cứu B. Bronson đề xuất, theo đó hệ thống trao đổi này đặt vùng duyên hải làm cơ sở cho một khu vực thương mại thường nằm ngay cửa sông hoặc cửa biển gần kề. Hàng hóa trao đổi qua vùng thương mại này rất phong phú bởi đến từ nguồn trong nước lẫn nước ngoài, từ miền xuôi lên miền thượng và theo chiều ngược lại.
Khi đặt sông Thu Bồn vào phương thức trao đổi này, có thể thấy từng tồn tại nhiều khu chợ sầm uất dọc theo dòng sông đóng vai trò là nơi trung chuyển hàng hóa giữa các miền, mà hoạt động giao thương sôi động đã đi hẳn vào lời ăn tiếng nói dân gian:
“Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên“
Ngoài sông Thu Bồn, trong nghiên cứu của Đỗ Trường Giang, sông Côn chảy qua tỉnh Bình Định, đổ ra biển thông qua đầm Thị Nại cũng đi qua một thương cảng lớn, do đó đóng vai trò then chốt trong cơ cấu tổ chức của tiểu quốc Vijaya trước đây trong việc nối kết vùng đồng bằng trù phú với cao nguyên miền Trung. Chính những cảng thị quan trọng của Chiêm Thành quốc đã thúc đẩy sự lớn mạnh của thương nghiệp Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, mà sự phồn thịnh của các cảng Hội An, Kẻ Chàm (Quảng Nam), Nước Mặn (Quy Nhơn), Cửa Hàn (Đà Nẵng) là một trong những dấu chỉ còn tới ngày nay.