Thuở hoang vu, đất trời cùng tận, chỉ có một ánh Trăng dịu dàng soi rọi đêm trường. Với nông gia, Mặt Trăng tiên báo thủy triều, thời tiết và mùa màng, quyết định sinh kế và sinh cơ đời người. Người xưa cảm nhận và tiếp nhận thần lực vô biên mà Mặt Trăng gieo xuống nhân gian, mang lòng cảm kích mà tôn rước Mặt Trăng lên thần điện của mình.
Về đến miền duyên hải Đồ Sơn Hải Phòng, vành Trăng lưỡi liềm tạm rời con thuyền lênh đênh đầu sóng ngọn gió để in mình trên người con trâu chiến trong lễ hội chọi trâu vào ngày Trăng thượng huyền tháng 8 lịch Trăng. Nhiều công phu và kiêng kỵ trong quá trình nuôi dưỡng chỉ để chọn ra một con trâu đen tuyền, vai và hông mang khoáy biểu trưng cho bầu trời và sấm sét, sừng trâu cong vừa phải tương tự mảnh Trăng lưỡi liềm. Sự lựa chọn dựa theo những biểu tượng của bầu trời và Mặt Trăng trên người trâu chọi cho thấy ít nhiều gửi gắm của người xưa vào lễ tục này.
Cũng phát nguồn từ tư duy ma thuật, liên kết hai vật không có liên hệ nhưng tương tự hình dáng vào trong một mối quan hệ nhân quả, sừng trâu cong cong gợi lên hình ảnh Trăng lưỡi liềm nên được dùng làm biểu tượng của Trăng. Một huyền thoại của miền ven biển Việt Nam được ghi lại trong Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên có nhắc đến một biểu tượng ít nhiều tương quan:
“Huyện Câu Lậu ở Giao Chỉ có giống tiềm thủy ngưu (trâu ở ngầm đáy nước), chúng thường lên bờ chọi nhau, bao giờ sừng mềm ra lại nhảy xuống nước, sừng trâu sẽ cứng lại rồi chúng lại lên bờ chọi nhau tiếp.”
Giáo sư Trần Quốc Vượng trong cuốn Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm tin rằng, hành động sừng mềm lại cứng, ngâm mình vào nước rồi lại lên bờ chọi nhau chính là một ẩn dụ, báo hiệu ngày con nước theo lịch Trăng. Trăng – Thủy triều – Trâu nước ít nhiều liên quan đến nhau và liên quan đến thời tiết, huyền thoại về tiềm thủy ngưu là huyền thoại về Trăng và thủy triều, phổ biến cùng tục thờ Trăng, thờ Trâu ở miền ven biển Tây Thái Bình Dương.
Cởi bỏ lớp áo choàng của tinh thần thượng võ mà người nay tụng truyền, tục lệ chọi Trâu ở Đồ Sơn Hải Phòng là tàn dư xa xôi của lễ hội thờ Trăng. Khi chọi nhau, trâu tiến giống với con nước lên, trâu lùi tựa như con nước xuống. Sự dữ dội của trâu khi chiến đấu hay những lúc trâu bị thương, chảy máu, bỏ chạy đều ít nhiều gợi tưởng đến sự dữ dội của con nước lúc hạ lúc dâng. Sừng trâu cong cong vành Trăng khuyết chọi vào nhau là biểu tượng của xung lực vũ trụ. Mà chọi trâu hằng năm là để diễn lại sức mạnh mà Mặt Trăng gieo xuống nhân gian qua vạn năm thủy triều dâng hạ, đồng thời tái vận hành và tiếp sức sinh sôi nguồn xung lực cũng là sinh lực của Trời – Đất – Con người.
Mặt Trăng cổ kim mọc lặn, khuyết tròn; kéo theo con nước dâng hạ, đầy vơi; cũng quyết định những mảnh đời đói no, khổ hạnh chốn vạn chài. Trong mắt nhân loại, Mặt Trăng chỉ tròn đôi ba ngày trong tháng. Những ngày còn lại, từ chốn nhân gian ngưỡng vọng, chỉ thấy được một phần, một nửa bị “khuyết thiếu” của Trăng mà thôi.
Theo tư duy ma thuật và nghệ thuật tạo hình cổ xưa, những hình tượng linh thần có cơ thể khuyết thiếu cũng có thể liên quan đến Trăng hoặc mang trong mình biểu tượng của Trăng. Chiếu theo tư duy đó, một phản ảnh nữa mà Mặt Trăng rọi xuống trần gian lại được tìm thấy trong thần điện các vùng ven biển, ven sông suốt từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, nhất là Thanh Hóa.
Vùng thắng tích Sầm Sơn (Thanh Hóa), anh ngư dân ngơi tay, thả tay chèo lên miếng gác hình Trăng non. Từ biển nhìn vào quê hương xứ sở, anh thấy cheo leo trên hòn Cổ Giải thuộc dãy Trường Lệ một ngôi đền cổ. Ngôi đền bần bật tựa một ngọn hải đăng, một trạm gác tiền tiêu, một người khổng lồ dựa lưng vào núi, ngực hướng ra khơi. Đó là đền thờ thần Độc Cước sơn triều. “Độc Cước là cha, Phù Na là mẹ”. Truyền thuyết về thần Cha xứ sở kể lại cho con cháu một câu chuyện đậm màu huyền hoặc.
Thuở xa xưa, mảnh đất ấy có một đứa trẻ dị thường chui ra từ nấm mồ người mẹ đã chết, được dân làng yêu thương nuôi nấng, lớn lên thành một chàng tráng sĩ cao lớn hơn người. Khi đó, ngoài khơi xuất hiện loài quỷ đỏ chuyên ăn tươi nuốt sống dân chài, khiến làng xóm tiêu điều, thân nhân ly tán.
Trước cảnh đó, tráng sĩ ra hiệu cho các bè mảng kết lại thành khối, xông pha biển nước cùng ngư dân, tay vung lưỡi tầm sét đánh tan tác bầy quỷ đỏ. Nhưng không hại được người ở ngoài khơi, bọn quỷ bèn lẻn vào tận xóm làm giết hại dân làng. Phẫn uất, thương tâm trước cảnh máu đổ thành sông, tráng sĩ lấy búa xẻ đôi thân mình. Một nửa đứng trên hòn Cổ Giải trấn giữ đất liền, một nửa bảo hộ những chiếc bè mảng ra khơi vào lộng. Chàng hóa thần từ ấy, để lại thần tích lưu dấu muôn đời là một bàn chân hằn sâu vào đá núi Cổ Giải.
Nơi bàn chân ấy, nhân dân dựng đền lập án, tôn thờ vị thần một chân Độc Cước sơn triều. Tượng của thần trong ngôi đền chính ở Sầm Sơn được tôn tạo dưới hình hài độc nhất vô nhị. Thân hình chỉ có một nửa bổ dọc với một chân, tướng mạo dữ dằn, phục trang võ tướng; nửa bên kia sóng mây phủ trùm tượng trưng cho thế lực của nước. Tay tượng thần nâng cao, cầm búa – thứ vũ khí tùy thân của thần sấm sét, với tiếng gõ là tiếng vang của sấm sét. Tạo hình bán thân nhìn nghiêng đó của thần Độc Cước gợi suy tưởng đến sự nhân dạng hóa một nửa vầng Trăng – một vầng Trăng “khuyết thiếu” mọc giữa trùng dương.
Mặt Trăng khoác lên mình hình hài của thần Độc Cước, bước lên thần điện rồi len lỏi vào đời sống tín ngưỡng xứ sở với nhiều lớp suy tưởng, từ nhiên thần đến nhân thần, từ anh hùng trận mạc đến anh hùng văn hóa, từ pháp sư, cao tăng đến người trần mắt thịt. Tuy vậy vẫn ẩn hiện trầm tích văn hóa tàn đọng trong những mong mỏi, nguyện cầu của dân biển được gửi gắm nơi Thần, cũng là nơi Trăng. Ở đó ta thấy được điều kiện tự nhiên của không gian sinh tồn đã tôn tạo nên dáng dấp và thần lực của vị thần mà cộng đồng thuộc không gian ấy thờ phụng.
Thần Độc Cước phân thân phát nguồn từ mong mỏi vừa được chở che trên biển vừa được phù hộ nơi đất liền của những người trăm phương ngàn kế mưu sinh ven duyên hải. Mà mọi sinh kế của họ đều phụ thuộc vào con nước lên xuống bởi hấp lực của Trăng, dù là dân chài đánh cá xa khơi, diêm dân làm muối, hay nông gia trồng lúa, tiêu lũ, đắp đê…
Cuộc đời bình sinh của bao đời người Việt cứ thế quẩn quanh trong không gian sống thực tại cùng không gian ảo huyền thoại, kết thành không gian xã hội của một cộng đồng cùng chia sẻ lợi ích và tín ngưỡng. Chính không gian xã hội ấy là thành trì vững chãi bọc lấy hệ giá trị Việt, giúp nó bền bỉ sinh tồn và sinh trưởng dù không gian địa lý từng chịu ách đô hộ ngàn năm.
Ngoài chu kỳ khuyết tròn luân liên, đôi lúc Trăng cũng xảy ra dị tượng, đó là hiếm hoi những khi nguyệt thực, Trăng đang sáng tỏ tròn vành bị bóng đen nuốt nhả nhanh chóng. Vào sâu đất liền, đến với châu thổ sông Hồng, Trăng được gắn cho tính âm, không xa rời hệ tín ngưỡng phồn thực và ước vọng vạn vật sinh sôi nảy nở của các cư dân nông nghiệp truyền đời.
Trong hệ tín ngưỡng ấy, nguyệt thực luôn là điềm báo cho vận mệnh của cả cộng đồng. Nguyệt thực toàn phần là điềm báo của chiến tranh, nạn đói; trong khi nguyệt thực một phần lại là dấu hiệu được mùa, ấm no. Dân gian tin rằng nguyệt thực là do một linh vật, có thể là hổ, sư tử, hoặc gấu nuốt nhả mặt Trăng. Thế nên mỗi bận “Gấu ăn Trăng” trước kia, người ta thường la hét hoặc gióng trống khua chiêng ầm ĩ để gấu phải nhả vầng Trăng thần thánh ra.
Sau này, các nhà nghiên cứu tin rằng, hình ảnh “Gấu ăn Trăng” trong tín niệm người Việt có lẽ chịu ảnh hưởng bởi một thần thoại trong văn hóa Ấn Độ. Trong truyền thuyết Ấn Độ, có một con quỷ gọi là La Hầu (Rahu) uống trộm sữa trường sinh nên bất tử. Mặt Trăng soi thấy La Hầu uống trộm sữa trường sinh, báo cho thần Vishnu, khiến nó bị trừng phạt bằng cách chặt đầu. Con quỷ này ôm hận, thường tìm cách nuốt Mặt Trăng để trả thù, tạo ra nguyệt thực. Tuy nhiên, vì La Hầu chỉ có cái đầu, nên Mặt Trăng đã thoát khỏi lỗ hở ở cổ và kết thúc hiện tượng nguyệt thực.
Đến miền tâm linh Việt, La Hầu hóa thân thành linh vật hổ phù, điểm mặt thường xuyên trong không gian tín ngưỡng từ đình, đền, miếu cho đến các đồ lễ khí như ngai kiệu, hương án, bia đá người Việt dưới biểu tượng hổ phù. Hổ phù thường được thể hiện chính diện, dữ tợn với hai mắt quỷ tròn, mũi sư tử, sừng nai, tai thú, má bạnh, miệng nhe và hàm nở rộng ngậm Mặt Trăng hay chữ Thọ. Hổ phù hung tợn nuốt nhả Mặt Trăng có lẽ đã khơi cảm hứng cho các nghệ sĩ múa điệu sư tử, bởi đầu sư tử rất gần với đầu hổ phù khởi nguyên.
Tùng! Cắc! Tùng! Tùng!
Vào những dịp lễ hội, nhất là đêm Trăng tròn giữa thu, khi được mùa lúa thóc, chiếc đuôi đỏ của sư tử theo nhịp bước uyển chuyển của vũ sư tung hoành múa lượn theo nhịp trống. Sự vận động đó tạo nên xung lực, cũng là sinh lực vũ trụ. Dưới mái đình vút cong như Trăng khuyết, vây quanh sư tử, những chiếc đèn ông sao tượng trưng cho bầu trời, đèn thiềm thừ mang ý niệm cầu mưa lung linh tỏa sáng.
Cùng nhịp trống sư tượng trưng cho sấm, có anh thanh niên múa quả lôi biểu trưng cho chớp, trong khi thằng bạn anh, mang mặt nạ ông địa tròn xoe tươi cười, biểu thị đất đai thấm nhuần mưa móc mà ngày một phì nhiêu, sinh sôi nảy nở. Sư tử ngậm Trăng cộng cảm cùng các biểu tượng phồn thực, rộn rã xoay vần trong niềm hạnh phúc thế nhân. Tất thảy đều được soi rọi tưới tắm dưới ánh Trăng đằm đêm thu.
Tất cả những sự vật con người có thể nhận định đều do ý thức tự thân tạo thành. Ý thức không thể mất đi, theo sự vĩnh hằng của vũ trụ mà lặp đi lặp lại, dần dần khiến người tin rằng nó hiện diện chân thật. Với người Việt cổ, sự tồn tại Trăng là một dấu chỉ về thời tiết và mùa màng, lặng thầm mà luân liên thao túng con nước và sinh cơ.
Trăng tưới đẫm thần lực của mình khắp mọi nẻo nhân gian, song hành hầu khắp mọi hoạt động của một kiếp trần thế. Mãi cho đến bước ngoặt của nhân loại ở TK 19, khi đèn điện soi thấu phố phường, Bái Nguyệt chỉ một giáo phái hư thực trong truyện kiếm hiệp, còn kẻ thờ Trăng có chăng là một chủ thể vô hình cuồng điên trong thơ trường loạn của Hàn Mặc Tử. Vầng Trăng ngày cũ đã lặn sâu vào đầm lầy quên lãng, chỉ được nhắc nhớ nhờ hồi ức của kẻ nặng tình:
Trần trụi với thiên nhiên hồn nhiên như cây cỏ ngỡ không bao giờ quên cái vầng trăng tình nghĩa
Theo con thuyền Trăng trôi suốt dòng tâm thức và lịch sử, lần tìm dấu tích mà Trăng đọng lại trong đời sống tâm linh người Việt, dường như được chứng kiến thước phim tua ngược về quá khứ mù xa ngất lạnh. Đó là trường đoạn mà hàng ngàn đời người dành hàng ngàn năm để thấu hiểu những dấu chỉ mà Mặt Trăng để lại trong thời tiết và con nước lúc dữ dội lúc dịu êm.
Nhờ sự thấu hiểu đó mà tổ tiên có thể chung sống hài hòa đồng thời khai thác tự nhiên. Cũng nhờ sự thấu hiểu đó, tiền nhân có thể lợi dụng triều dâng triều hạ, dùng cọc gỗ đâm thủng không xuể chiến thuyền ngoại xâm. Mặt Trăng có thể lu mờ trên thần điện, nhưng tri thức và lịch sử mà Mặt Trăng gieo xuống xứ sở vẫn đong đầy giá trị. Không chỉ về mặt tinh thần.