Nguyễn Phúc Chu – Vị chúa chịu trách nhiệm chính cho câu “công ơn nhà Nguyễn mở đất Nam Bộ”

Tác giả Phach Ho Nguyen
Nguyễn Phúc Chu – Vị chúa chịu trách nhiệm chính cho câu “công ơn nhà Nguyễn mở đất Nam Bộ”

Ngày nay, rất ít người biết đến Nguyễn Phúc Chu. Khi nhắc đến chúa Nguyễn, đa phần cũng chỉ hình dung chung chung kiểu “chúa Nguyễn có công mở đất Nam Bộ”, chứ chẳng biết cụ thể ai là người bắt đầu, ai đặt nền móng, ai xây dựng,…

Trong lịch sử Việt Nam, có 4 giai đoạn nơi người ta kết hợp nhuần nhuyễn quân sự và vận động hành lang chính trị để đạt mục đích:

4 giai đoạn lịch sử

Trong 4 giai đoạn trên, chúa Minh – tức Nguyễn Phúc Chu – có thể nói là người đạt được nhiều thành tựu nhất, nhưng tiếc thay lại ít được biết đến nhất, một phần vì giai đoạn này không khốc liệt như các giai đoạn khác. 

Lên ngôi năm 1691 khi mới 16 tuổi, tương đương với chúa Nguyễn Phúc Ánh sau này, chúa Minh cai trị Đàng Trong trong 34 năm. Đặc trưng đường lối của ông trong xử lý các vấn đề quốc gia là không sùng bái chiến tranh, mà chỉ xem nó như một công cụ hỗ trợ cần tiến hành song song với các hoạt động chính trị khác.

Nhờ thế, Nguyễn Phúc Chu đã lập nên nhiều thành tựu, như làm suy yếu Chân Lạp, tạo thế đứng vững chắc cho chúa Nguyễn ở Nam Bộ, đánh bại quân Anh, xử lý tàn dư Champa,… với rất ít thiệt hại. Có thể nói, ông là điển hình của một lãnh đạo giỏi, dù lãnh đạo giỏi và người tốt là hai khái niệm khác nhau.

Việc về chúa Minh rất nhiều, dưới đây chỉ tóm tắt:

Nguyễn Phúc Chu

Bối cảnh thời Chúa Minh

Chúa Minh - Nguyễn Phúc Chu
Chúa Minh - Nguyễn Phúc Chu

Nguyễn Phúc Chu lên ngôi chúa trong thời điểm cuộc nội chiến Trịnh – Nguyễn chấm dứt được 19 năm. Lúc này, công việc chính của chúa Nguyễn là lãnh đạo di dân người Việt chinh phục những phần còn lại của vương quốc Chiêm Thành, tiến vào Nam Bộ, kháng cự mối đe doạ của thực dân phương Tây, xử lý vấn đề thế lực của người Hoa, thỉnh thoảng còn phải chống đỡ các cuộc quấy rối của người Lào và một số tù trưởng miền núi, cũng như người Việt làm loạn. Chúa Nguyễn phải xử lí những điều đó, trong khi luôn phải canh chừng sự tấn công của nhà Trịnh từ phương Bắc.

Lên ngôi trong tình thế quốc lực có hạn, đứng trước nhiều mối đe doạ và những vấn đề phức tạp như đa sắc tộc, đa cộng đồng,… chúa Minh thường có phong cách kết hợp quân sự – ngoại giao – chính trị – kinh tế – ám sát -… rất nhuần nhuyễn để xử lí các vấn đề. Có thể kể đến vài thành tựu như sau:

Nguyễn Phúc Chu

Xử lí tàn dư của vương quốc Champa

Sau thời Lê Thánh Tông, Champa về cơ bản đã lụi tàn, liên tục bị các chúa Nguyễn lấn chiếm ngay cả dưới thời chiến tranh Trịnh-Nguyễn. Tuy nhiên, họ vẫn là một sự tồn tại đáng ngại và luôn có nguy cơ nổi dậy phản kháng. Điều đó đến ngay chỉ 1 năm sau khi chúa Minh vừa lên ngôi.

Chúa Minh vừa lên ngôi năm 1691, thì năm 1692, vua Champa là Bà Tranh nổi dậy chống lại tân chúa. Đáp lại, Nguyễn Phúc Chu sai quân đàn áp. Chỉ trong nửa năm, chúa Minh bắt sống Bà Tranh. Ông sai nhốt Bà Tranh ở núi Ngọc Trản, hàng tháng cấp cho lương thực, tiền bạc. Chỉ 1 năm sau, Bà Tranh “bệnh chết”.  

Cũng nhân sự kiện này, chúa đổi đất Champa thành trấn, rồi đổi thành phủ, tức là sáp nhập hoàn toàn vào Đàng Trong để cai trị trực tiếp. Chúa cũng phong quan tước cho các thành viên hoàng tộc Champa còn lại, biến họ thành quan lại nhà Nguyễn, nhưng bắt họ mặc trang phục Việt với ý đồ đồng hoá.

vua Champa - Bà Tranh

Chính sách này bị chứng minh là sai lầm. Chúa chỉ mới đổi Champa thành phủ vào tháng 8 năm 1693, thì đến tháng 12, Champa nổi dậy lần nữa, dưới sự lãnh đạo của một người Trung Quốc tên An Bang. Lần này, quân Champa mạnh hơn hẳn, nhiều lần đánh bại quân Nguyễn. Chúa Nguyễn giao chiến mất 3 tháng mới dẹp được cuộc nổi dậy này. 

Nhận ra chính sách sai lầm, chúa Minh liền sửa chữa. Ông sai đổi ngược lại phủ Thuận Thành lại thành trấn Thuận Thành, giao cho một thành viên hoàng tộc Champa là Kế Bà Tử cai trị. Như vậy, thay vì trực trị, chúa Nguyễn biến phần tàn dư của Champa này trở thành một vùng tự trị, để hoàng thất Champa phụ trách. Cách thức này giúp điều hoà xung đột Việt – Chăm, tăng cường sự khống chế của chúa Nguyễn lên vùng đất, nhưng quyền lực phía Champa chỉ bị thu hẹp ở mức độ người Chăm vẫn chấp nhận được. 

Sau đó, ông còn vài lần trả lời thư của Kế Bà Tử, giải quyết những thỉnh cầu phía Champa như định luật lệ về khiếu kiện, quản lý,… Ví dụ như sự kiện năm 1712. Năm 1714, nhân có hội chay lớn ở chùa Thiên Mụ, có Kế Bà Tử đến dự yến. Chúa nhân đó mời ăn yến và phong tước hầu cho các con của Kế Bà Tử. Từ đó, Champa sống hoà bình như một bộ phận trong lòng chúa Nguyễn suốt 130 năm, cho đến thời Minh Mạng. Không những vậy, họ còn tham gia cùng chúa Nguyễn trong cuộc Nam tiến vào Nam Bộ. Đó là nhờ vào sự thay đổi chính sách linh hoạt và phù hợp của chúa Minh, tạo nền móng cho hơn 1 thế kỷ hoà bình.

Nguyễn Phúc Chu

Mở rộng ảnh hưởng lên miền núi

Năm 1711, có hai tộc miền núi là Nam Bàn và Trà Lai đến dâng sản vật, than phiền là dân ở xứ họ không chịu nộp thuế, xin chúa đưa quân đi doạ để gây thanh thế. Thay vì đáp ứng yêu cầu trên, chúa tìm một ký thuộc tên Kiêm Đức, được cho là hiểu rõ tình hình địa phương để phụ trách phủ dụ luật lệ thu thuế. Đồng thời, chúa ban cho tù trưởng hai vùng trên áo sa áo đoạn cùng đồ đồng đồ sứ. 

Bằng cách này, chúa giúp tăng cường uy tín của các tù trưởng nọ lên dân của họ. Cùng lúc đó, chúa định ra và giao luôn cho họ việc thu thuế và mức cống nộp hàng năm. Như vậy, vị thế của các tù trưởng và quyền lực chúa Nguyễn cùng lúc được nâng cao và kết nối chặt chẽ với nhau trên hai địa phương nọ, chưa kể tới thuế thu hàng năm theo hình thức cống nạp. Không cần dùng tới quân sự.

Nguyễn Phúc Chu

Đánh lui quân Anh

Năm 1702, một đơn vị người Anh chiếm đóng Côn Đảo. Sang năm sau, chúa tiêu diệt hết. Trong cả Đại Nam thực lục cùng những tài liệu nước ngoài, đều khẳng định chúa Minh diệt cả đơn vị 200 quân Anh trên đảo mà không cần phát động chiến tranh. Chúa đơn giản là làm công tác vận động, cụ thể là trấn thủ Trấn Biên Trương Phước Phan vận động được 15 người Chà Và (tức dân Indonesia, phục vụ như thổ binh trong quân Anh) làm phản biến. 

Nguyễn Phúc Chu

Quân Anh lập pháo đài, đặt đại bác trên đảo suốt 1 năm mà không thấy chúa Nguyễn phản ứng, nên càng chủ quan. Những người thổ binh nhân đó bất ngờ phản biến, bắt giết binh lính Anh, rồi báo tin cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn chỉ còn việc đưa thuyền ra đón các thổ binh, tù binh, và vét chiến lợi phẩm đem về.

Trận này đánh thắng quân Anh mà không cần khai chiến, không động binh, cũng không mất một người lính nào, chúa Minh nhân đó trọng thưởng cho các thổ binh Chà Và nọ.

Nguyễn Phúc Chu

Hoàng Sa

Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, từ thời chúa Nguyễn, các chúa đã tổ chức đội tàu định kỳ ra Hoàng Sa để thu nhặt sản vật. Thời chúa Minh, hành vi này vẫn được tiến hành thường xuyên. Nhà sư Thích Đại Sán từ Trung Quốc sang theo lời mời của chúa Phúc Chu cũng xác nhận điều này.

Như vậy, có thể nói, chúa Phúc Chu có đóng góp trong việc củng cố chủ quyền quốc gia với vùng biển đảo kể trên.

hải quân nhà Nguyễn
Hải quân nhà Nguyễn
hải quân nhà Nguyễn
Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy
Nguyễn Phúc Chu

Nam Bộ

So với các vấn đề trên, thì việc chiếm Nam Bộ là công việc kéo dài nhất, được chúa Nguyễn vận dụng kết hợp nhiều phương pháp trên nhiều mặt trận khác nhau.

Chiến tranh với Chân Lạp đã có từ trước đó. Nhóm di dân đầu tiên tham gia khai phá vùng này là người Hoa. Năm 1679, một nhóm 3000 người từ Trung Quốc được Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến và Trần Thượng Xuyên dẫn đầu chạy đến Đà Nẵng xin được thu nhận. Lúc đó, chúa Nguyễn Phúc Tần không dám nhận, mới nhắn với phía Chân Lạp cho nhóm này vào Nam Bộ khai khẩn, lập ra Cù Lao Phố và Mỹ Tho. 

Đến năm 1688, nội bộ nhóm này hục hặc giết hại lẫn nhau. Phía Chân Lạp tức giận tìm cách phòng bị. Chúa Nguyễn lúc đó là Nguyễn Phúc Thái lấy đó làm cớ, kéo quân giết Hoàng Tiến, giết hết vợ con ông này, thu dụng nhóm người Hoa, rồi đánh luôn Chân Lạp. 

Lúc này, nội bộ quân lính, tướng soái chúa Nguyễn phân hoá. Các tướng lĩnh cao cấp như Mai Vạn Long, Nguyễn Hữu Hào chỉ muốn phía Chân Lạp đầu hàng nộp cống, nhưng đám tướng sĩ dưới quyền thì muốn đánh thẳng đến Phnom Penh để… cướp của. Không được cấp trên chấp nhận, chúng bực bội tố cáo với chúa Nguyễn Phúc Thái, khiến chúa bãi chức liên tục hai vị Vạn Long, Hữu Hào. Tuy nhiên, chiến sự chưa tiếp tục thì chúa Phúc Thái cũng bệnh mất vào năm 1690, việc Nam Bộ vì thế đình lại.

Đình Tân Lân

Chúa Nguyễn Phúc Chu lên thay Phúc Thái. Đến năm 1698, ông khởi động lại chương trình Nam Bộ, bắt đầu bằng việc xây dựng hệ thống hành chính trên vùng đất nay là Biên Hoà và Sài Gòn (lập phủ Gia Định) với tổng dân số 40.000 hộ dân. Ước tính mỗi hộ 4 người thì là khoảng 160.000 – 200.000 người. 

Chi tiết này giúp ta biết được, sau cuộc chiến 1688 – 1690, thực tế chúa Nguyễn đã chiếm được những vùng đất nào. Nhưng đáng chú ý, là ngoài vùng đất trên, Đại Nam thực lục còn đề cập đến Trần Thượng Xuyên (1 trong 3 lãnh tụ Trung Quốc từ thời 1679) đóng ở Doanh Châu (Vĩnh Long) cũng theo về chúa Nguyễn. Qua chi tiết này, có thể thấy, chúa Minh bên cạnh trực trị, còn mở rộng ảnh hưởng và thu nạp các thế lực địa phương ở Nam Bộ khi đó, với mục tiêu “đồng hoá” dần dần, từ cạnh tranh đến hất cẳng luôn  ảnh hưởng của Chân Lạp khỏi vùng đất.

Đương nhiên, phía Chân Lạp không chịu. Chỉ 1 năm sau (1699), Nặc Thu – vua Chân Lạp, cũng là người tổ chức chiến đấu và đàm phán chống lại chúa Nguyễn trong cuộc chiến 1688 – 1690 – bắt đầu đắp lũy và triển khai quân đánh lại chúa. Chiến tranh nổ ra. Sau 1 năm, quân Nguyễn đánh thẳng đến kinh thành Phnom Penh. Cha con vua Nặc Thu, Nặc Thâm bỏ thành chạy. Chỉ còn một hoàng thân là Nặc Yêm mở thành đầu hàng.

Ở đây phải nói sơ về tình hình hoàng gia Chân Lạp. Giai đoạn này, nhiều hoàng thân từ nhiều nhánh thay phiên nhau làm vua, gây ra tình trạng ông nào cũng thấy mình là con vua nên đều có tính chính thống để kế thừa ngôi báu. Nặc Yêm là một dạng như vậy. Vua Nặc Thu đã cố điều hoà mâu thuẫn bằng cách gả con gái cho Nặc Yêm, nhưng không thành công. Năm 1688, khi Nặc Thu triển khai quân phòng ngự, chính Nặc Yêm là kẻ cấp báo cho chúa Nguyễn Phúc Thái rằng Chân Lạp muốn làm phản. 

Chúa Nguyễn Phúc Chu có lẽ cũng hiểu điều đó, nên từ khi Nặc Yêm đầu hàng năm 1700, chúa Nguyễn bắt đầu viện trợ cho ông này. Cùng lúc, cha con vua Nặc Thu, Nặc Thâm, sau nhiều lần đánh chúa Nguyễn không thành, bắt đầu tìm sự viện trợ từ Xiêm La. Từ đó, hoàng gia Chân Lạp chính thức rơi vào cuộc nội chiến tranh ngôi và chiến tranh uỷ nhiệm giữa Xiêm La và chúa Nguyễn chứ không còn là những màn đấu đá hậu trường nữa. 

Sự xung đột nội bộ này khiến quyền lực của Chân Lạp trên cả nước nói chung và Nam Bộ nói riêng ngày càng suy yếu và bị bỏ bê, trong khi chúa Minh ngày càng củng cố và thu nạp sự ủng hộ của vùng này. Chúa còn ra lệnh chiêu tập các dân chúng đang sơ tán, chạy loạn bên Chân Lạp trở về Nam Bộ, chia đất cho làm ăn. Chính sách này giúp dân sở tại nhìn rõ sự khác biệt giữa một triều đình hỗn loạn và bất lực, cùng một vị chúa đang ngày càng cường thịnh, có khả năng đảm bảo cho họ một cuộc sống yên ổn.

Đại Việt 1611
Đại Việt 1693

Năm 1708, Mạc Cửu ở Hà Tiên tự động theo về chúa Nguyễn. Ông này cũng là người Hoa, nhưng không cùng nhóm với Dương Ngạn Địch mà chúa Nguyễn đưa đến Nam Bộ, nhưng cũng định cư, làm quan cho Chân Lạp, xây dựng sòng bạc và thu thuế ở địa phương. Nhận thấy quyền lực triều đình Chân Lạp ngày càng yếu mà còn đánh lẫn nhau, thêm mối đe doạ từ Xiêm La, ông liền “thức thời” xin theo về chúa Nguyễn. 

Chúa Nguyễn chấp nhận ngay, phong cho Mạc Cửu làm tổng binh, Hà Tiên đổi thành trấn. Tức là tương tự với Thuận Thành trấn ở Champa. Theo đó, Mạc Cửu vẫn giữ quy chế tự trị ở nơi này, nhưng cống nạp cho chúa Nguyễn. Đổi lại, chúa sẽ bảo hộ và tiếp ứng cho họ Mạc khi có biến. Như vậy, chỉ bằng vài phương pháp ngoại giao, ảnh hưởng của chúa Nguyễn lên Nam Bộ càng lúc càng rõ ràng, trong khi ảnh hưởng của Chân Lạp ngày càng mờ nhạt.

Cùng lúc đó, cha con Nặc Thu, Nặc Thâm dẫn quân Xiêm vào đánh Nặc Yêm. Theo sự kiện năm 1714, phe Nặc Thu đông đến 4 vạn, trong khi Nặc Yêm chỉ có 1 vạn. Điều này khiến Nặc Yêm càng phụ thuộc vào sự giúp đỡ của chúa Nguyễn trong cuộc chiến tranh ngôi. Một mặt, chúa Nguyễn có ý muốn chia nhỏ Chân Lạp, không để phe nào chiếm thượng phong. Như lời chúa nói năm 1711:

Nặc Yêm đã theo mệnh xưng thần, nên phải an ủi dung nạp. Nhưng Nặc Thâm là con Nặc Thu, mà Nặc Thu không bỏ triều cống, sao nỡ đem quân đánh được. Bọn khanh nên xét kỹ tình hình bên địch, tùy cơ ứng biến, khiến cho Nặc Thâm bỏ mối thù oán, mà Nặc Yêm cũng được bảo toàn.

Mặt khác, chúa vẫn để Nặc Yêm tự lo liệu việc cai trị ở Chân Lạp, không can thiệp trừ khi cần viện trợ quân sự. Năm 1715, chúa “lo Nặc Yêm binh lực chẳng đủ, bèn cho tất cả khí giới bắt được và trả lại những người bị bắt” để tăng cường thực lực Nặc Yêm trong cuộc nội chiến. Cuối cùng Nặc Yêm trở thành một thuộc hạ trung thành lẫn đồng minh của chúa Nguyễn trong cuộc chiến chống lại Xiêm La, Chân Lạp.

———————

Như vậy, tóm lại, bằng nhiều biện pháp quân sự kết hợp linh hoạt với ngoại giao, chính trị, kinh tế, chúa Nguyễn Phúc Chu thường xử lí các cuộc xung đột bằng biện pháp ôn hoà, không phải cậy vào chiến tranh quá nhiều. Nhờ thế, trong cuộc Nam tiến, chúa Nguyễn không chỉ chinh phục bằng sức của di dân Việt vốn ít ỏi, mà còn dung nạp thêm các thế lực địa phương khác như Champa, người Trung Quốc, một bộ phận hoàng thất Chân Lạp, tạo thành một tập đoàn chính trị đủ mạnh để đẩy mạnh khai hoang Nam Bộ, hất cẳng Chân Lạp và thậm chí đối đầu với Xiêm La.

Về gia đình, chúa có đến 38 đứa con cả trai lẫn gái, được xem là một trong các chúa Nguyễn có nhiều con nhất.

Nói chung là công danh, gia đình chúa Minh đều thành đạt.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế : Nhím

Minh họa : Lâm Lê

đằng trong
Share