Sử học là một thành tựu lớn của nhân loại và từ lâu đã trở thành một thước đo quan trọng để đánh giá mức độ văn minh của một xã hội. Mỗi quốc gia và nền văn hóa đều có lịch sử riêng, và cách truyền tải giá trị lịch sử cũng khác nhau qua các thời kỳ. Ngày nay, bên cạnh việc ghi chép sử liệu, việc gìn giữ và bảo tồn di sản đang là hoạt động phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, đây không chỉ là hiện tượng của thời hiện đại; thực tế cho thấy việc bảo tồn các di sản văn hóa, các di vật quý giá, công trình kiến trúc và phong tục đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử. Tự cổ chí kim, ở những nền văn minh lớn, không khó để tìm thấy những câu chuyện về những người say mê sưu tập và gìn giữ cổ vật; những người nghiên cứu và bảo tồn các kỹ nghệ, nghi thức, và phong tục truyền thống.
Những hoạt động này có thể đến từ bất kỳ tầng lớp nào trong xã hội, từ vua chúa, quý tộc đến thường dân và tăng lữ. Việc bảo tồn di sản thể hiện sự trân trọng của thế hệ hiện tại đối với quá khứ, lịch sử và những thành quả lao động của con người. Nhờ đó, những giá trị văn minh của quá khứ được gìn giữ, kế thừa và phát huy trong tương lai. Do vậy, có thể nói rằng hoạt động bảo tồn di sản văn hóa là dấu hiệu của một xã hội văn minh.
Tại Việt Nam, những hoạt động bảo tồn di sản đã có từ ngàn xưa. Tuy nhiên, đa phần những hoạt động này thường diễn ra một cách đơn lẻ và mang tính chất tự phát của một số cá nhân trong xã hội. Công tác bảo tồn di sản ở nước ta bắt đầu có những bước tiến lớn vào thời kỳ Pháp thuộc. Từ đây, những hoạt động bảo tồn di sản bắt đầu được thực hiện theo cách có hệ thống, quy chuẩn và khoa học dưới danh nghĩa của các viện nghiên cứu và bảo tàng.
Viện bảo tàng là một phát minh ưu việt của Phương Tây vào thời kỳ cận đại. Bên cạnh vai trò làm nơi lưu giữ các cổ vật. Bảo tàng còn là nơi để các quốc gia “trình diễn” về sự vĩ đại của mình. Chỉ cần đặt chân vào bảo tàng, “văn hiến” của một quốc gia, một cộng đồng sẽ được thể hiện một cách trực quan và sinh động nhất thông qua các di sản được trưng bày.
Dưới thời Pháp thuộc, việc khai thác cổ vật diễn ra có tổ chức với quy mô lớn. Dù rằng trọng tâm của những hoạt động này chỉ là nhằm mục đích vơ vét của cải thuộc địa về chính quốc Pháp. Nhưng đây cũng có thể xem là thời kỳ hoàng kim của khảo cổ học tại Việt Nam. Hàng loạt các phát hiện quan trọng về khảo cổ như văn minh Đông Sơn, văn hóa Champa, Óc Eo… đều đến từ thời kỳ này. Đây đồng thời cũng là thời kỳ mà người Việt biết đến việc ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến khoa học tiên tiến trong công tác bảo tồn và lưu giữ cổ vật.
Bên cạnh những tiến bộ trong lĩnh vực khảo cổ thì đây cũng là thời kỳ mà sự tiếp xúc văn hóa Đông Tây bắt đầu nở rộ. Kết quả của quá trình này đó là hàng loạt các giá trị văn hóa cũ bị mai một và biến mất. Một số trường hợp tiếp thu các hệ giá trị mới và dần biến đổi theo thời gian. Điều này dẫn đến việc một số giá trị văn hóa phi vật thể như các làng nghề, nghi thức, phong tục,… bị biến mất nhưng cũng có không ít các trường hợp được phát triển và đề cao hơn trước. Thông qua đó, bên cạnh việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật chất như cổ vật, di tích, di chỉ thì việc gìn giữ như nét phong tục văn hóa, lễ nghi truyền thống, kỹ nghệ làng nghề,… cũng bắt đầu được đề cao, đặc biệt là vào thời kỳ cuối và hậu Pháp thuộc.
Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền vẫn có tâm thế đề cao các di sản văn hóa. Minh chứng tiêu biểu nhất cho vấn đề này chính là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không cho phép tiêu thổ kháng chiến các bảo vật quý hiếm của triều Nguyễn như mũ cửu long thông thiên, các kim ấn, đồ ngự dụng,… Tuy nhiên, do tình trạng chiến tranh, bom đạn, loạn lạc xảy ra ở nhiều nơi, cùng với đó là cao trào của chủ nghĩa bài phong kiến. Hàng loạt các di sản quý báu từ thời đại trước như văn bia, đền chùa, cung điện, lăng tẩm, kho tàng đã bị cướp phá và hủy hoại trong thời kỳ này. Chúng ta ngày nay không khó để nghe về những câu chuyện như kim ấn bị nấu chảy đúc vàng, tượng đá bị mang đi kê cầu ao, những kẻ trộm mộ quật phá lăng tẩm. Thật đáng tiếc cho những di sản của dân tộc đã biến mất trước ngày hòa bình.
Ngày nay, đất nước chúng ta đã bước vào kỷ nguyên hòa bình và phát triển. Di sản văn hóa trở thành một lĩnh vực phát triển quan trọng và đang từng bước thể hiện được giá trị của mình trên nhiều lĩnh vực. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là một trong những mục tiêu xuyên suốt của chính sách phát triển của Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, hiện trạng bảo tồn di sản hiện nay vẫn chưa đạt được những kết quả đúng như kỳ vọng. Trong đó, việc thiếu ý thức bảo tồn di sản và sự hạn chế trong các nguồn lực là nguyên nhân chính dẫn đến những thực trạng đáng báo động trên.
Về câu chuyện thiếu ý thức bảo tồn di sản, đây không chỉ là vấn đề của một bộ phận các cá nhân mà còn là vấn đề mang tính chất cục bộ. Thực tế cho thấy rằng rất nhiều trường hợp di sản bị hư hại, lãng quên và mất dần những giá trị nguyên bản, đặc biệt là di sản văn hóa vật thể do thiếu ý thức đúng đắn về bảo tồn di sản. Ở cấp độ nhẹ thì đó có thể chuyện tượng đá bị bỏ hoang, không người dòm ngó. Văn bia bị dùng kê cầu ao, xây thành tường rào, vách lót. Các làng nghề, kỹ nghệ bị thờ ơ, thiếu định hướng đầu ra phát triển.
Ở cấp độ nặng hơn, ví như câu chuyện trùng tu Đại nội Huế thì nhiều hạng mục trùng tu không đúng với nguyên bản, phá bỏ kết cấu vốn có của công trình, di sản gốc. Hoặc trùng tu sai cách gây thất thoát, làm giảm giá trị của di sản như chuyện dùng giấy nhám để chà xát lên tượng cổ, gây hao mòn và biến mất các hoa văn cổ.
Nhưng nghiêm trọng nhất thì vẫn là chuyện phá hủy và trộm cướp cổ vật, khiến di sản không thể phục hồi, thậm chí là biến mất. Trong thời gian vừa qua, hàng loạt câu chuyện như thế đã bị phanh phui như chuyện các tài liệu văn bản cổ tại Viện Hán Nôm bị mối mọt hư hỏng và mất cắp, chuyện về những kẻ trộm sắc phong cổ của các làng rồi bán sang nước ngoài hoặc yêu cầu tiền chuộc. Hay như tình trạng những cổ vật bị các đối tượng khai thác trái phép, nhiều kẻ thậm chí còn gây hư hại cho hiện vật như phân tách cổ vật thành nhiều phần khác nhau để bán cho các nhà sưu tập.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể thì đó còn là câu chuyện kỹ nghệ bị thất truyền, biến mất và không thể khôi phục lại trong tương lai. Không việc gì đáng buồn hơn khi phải chứng kiến những di sản trân quý của cha ông bị hủy hoại ngay trong chính thời đại mà những giá trị văn hóa lịch sử đang được đề cao như hiện nay!
Tuy vậy, không phải toàn bộ các vấn đề xảy ra đối với di sản đều đến từ việc các cá nhân hay tổ chức thiếu ý thức bảo tồn di sản. Trong nhiều trường hợp, vấn đề chủ yếu đến từ việc thiếu thốn các nguồn lực về tài chính, công nghệ, nhân lực và thông tin. Việc thiếu thốn các nguồn lực và điều kiện cần thiết khiến công tác bảo tồn di sản ở nhiều nơi gặp phải nhiều khó khăn. Bởi bảo tồn di sản là một lĩnh vực vô cùng khó khăn và phức tạp, đôi khi là rất tốn kém trong việc duy trì và lưu giữ các loại hình di sản.
Đơn cử như chi phí hóa chất dành cho việc bảo quản các hiện vật tùy táng như quần áo, vải vóc, xác ướp từ các khu mộ hợp chất là rất tốn kém. Hay như câu chuyện trục vớt tàu cổ ở Hội An, vì thiếu kinh phí lẫn kỹ thuật nên các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể trục vớt toàn bộ con tàu cổ nguyên vẹn dưới đáy biển. Trong khi thực tế đây là điều mà các quốc gia phát triển đã làm từ rất lâu. Còn trong trường hợp của di sản văn hóa phi vật thể thì đó là việc không tìm được hướng phát triển mới cho làng nghề, phong tục. Công tác duy trì, tôn tạo trở nên khó khăn khi không thể tìm ra một vai trò phù cho làng nghề và xã hội cũng thiếu điều kiện để phát huy chúng. Vậy nên, đôi khi có những vấn đề khiến chính những con người yêu di sản cũng chỉ biết thở dài bất lực. Chẳng thể làm gì để gìn giữ tốt di sản của ông cha!
Bảo tồn di sản vốn dĩ chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Những sai lầm là thứ luôn có thể gặp phải khi tiến hành bất cứ một công việc gì. Bảo tồn di sản cũng thế. Đó là một sứ mệnh lâu dài và cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Xã hội Việt Nam hiện nay, ngày càng đề cao các công tác gìn giữ và tôn tạo di sản. Hàng loạt dự án như trùng tu Đại nội Huế, Hoàng thành Thăng Long đã và đang mang lại những kết quả tích cực. Điều đó cho thấy rằng dù có những bất cập nhất định nhưng chủ trương phát triển một nước Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vẫn đang đi đúng hướng. Điều đấy càng cho thấy rằng xã hội Việt Nam đang tịnh tiến đến một xã hội văn minh, tiến bộ.
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?