Nỗi buồn di sản – Kỳ 3: Phát huy giá trị di sản văn hóa

Tác giả Long Tự
Nỗi buồn di sản – Kỳ 3: Phát huy giá trị di sản văn hóa

Triết gia lừng danh Hegel đã từng nói: “Cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại”. Trước khi được vinh danh như là những di sản văn hóa, toàn bộ những tạo tác, kiến trúc, kỹ nghệ, phong tục, nghi lễ đều phải trải qua một quá trình sàng lọc vô cùng gắt gao và khắc nghiệt của đời sống xã hội. Những thứ mang lại giá trị sẽ tiếp tục được giữ gìn và phát triển. Ngược lại, những thứ ít giá trị sẽ có xu hướng bị thải loại và lãng quên.

Triết gia Hegel

Những di sản còn lại ngày nay là những thứ đã tồn tại qua quá trình sàng lọc khắc nghiệt đó và phần lớn chúng mang trên mình những giá trị tinh túy của thời đại cũ. Nếu việc gìn giữ và bảo tồn những di sản văn hóa là biểu hiện của một xã hội văn minh thì việc xây dựng và phát huy các giá trị của di sản lại chính là sự bảo chứng cho tầm vóc của xã hội ấy. Đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát huy các giá trị di sản trong nhiều trường hợp được xem như một cách thể hiện cho quyền lực mềm của quốc gia. Thông qua văn hóa, các quốc gia dễ dàng khẳng định được những giá trị riêng biệt và cố hữu của mình như lịch sử, bản sắc, căn tính và ý thức hệ. Chính vì thế nên không phải ngẫu nhiên khi đây luôn cuộc chơi của những cường quốc. Dựa trên vốn di sản to lớn về văn hóa vốn có, cộng với tiềm lực khổng lồ của quốc gia, những cường quốc có thể truyền bá các giá trị văn hóa của mình ra toàn cầu một cách vừa dễ dàng và vừa chất lượng nhất. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các quốc gia kém phát triển hơn, thiếu tiềm lực hơn không thể tìm ra con đường phát huy các giá trị di sản văn hóa của mình. 

Nỗi buồn di sản
Trang phục truyền thống một số nước Châu Á

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa là chủ trương đã có từ nhiều năm ở Việt Nam. Đây là điều gần như đã được thấm nhuần trong lý tưởng của mọi con người Việt Nam yêu nước. Với lý tưởng ấy, đã có không biết bao nhiêu bản kế hoạch vĩ đại, giấc mộng lớn lao được vẽ ra. Về viễn cảnh một Việt Nam trong tương lai sẽ có nền công nghiệp văn hóa mạnh mẽ, sánh ngang với các cường quốc. 

Tuy vậy, nước ta ở thời điểm hiện tại vẫn là một quốc gia còn non trẻ trên sân chơi văn hóa toàn cầu. Bên cạnh việc thiếu hụt về nguồn các nguồn lực, những chính sách hỗ trợ cần thiết thì những hệ quả từ các sai lầm trong công tác bảo tồn di sản đang là những thách thức thực tiễn nhất. Bởi bảo tồn di sản là nền tảng cho phát huy di sản. Việc phát huy di sản văn hóa thường chỉ có thể diễn ra đúng khi mà công tác bảo tồn di sản văn hóa được làm tốt. Đơn cử người Nhật, nhờ gìn giữ tốt các kỹ nghệ truyền thống mà ngày nay họ mới có thể bán những sản phẩm thủ công truyền thống với giá từ hàng ngàn đến hàng triệu đô la. Thử hỏi rằng, liệu chúng ta có thể phát huy tốt các giá trị của di sản khi chính bản thân di sản đó đã bị hư hại hoặc biến mất hay không? Sân chơi văn hóa toàn cầu vẫn sẽ là một thứ quá xa vời nếu chúng ta vẫn bị mắc kẹt trong những vấn đề mang tính chất căn bản như thế.

Nếu di sản không được gìn giữ tốt các giá trị cốt lõi như hình thái, tính chất và kỹ thuật thì việc phát huy tiếp các giá trị này trong tương lai sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thất bại hay thậm chí là lệch lạc. Đơn cử như chuyện câu chuyện về việc tái dựng lại một số làng nghề truyền thống nhưng kỹ nghệ đã thất truyền từ lâu. Đa phần ở những làng nghề đó, tài liệu và hiện vật còn lưu lại có số lượng rất ít và không được bảo tồn đúng cách. Việc tiếp cận nghiên cứu hiện vật cũng gặp nhiều khó khăn vì chưa có chính sách hỗ trợ phù hợp. Từ đó đã có không ít các cá nhân, tổ chức đưa ra những giải pháp phục dựng sai lệch, không phù hợp hoặc thậm chí là ngụy tạo để trục lợi trên danh tiếng vốn có của làng nghề cũ.

Đèn con cua luộc mới được phục chế năm 2022.
Đèn Trung Thu cổ truyền

Cách đây không lâu nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách đã từng bộc bạch tâm sự về hiện tượng mang tên truyền thống giả. Khi mà những cứ liệu gốc về di sản bị thất thoát và mai một, nhiều cá nhân đã tự đặt ra những thứ gọi là truyền thống. Từ đó lợi dụng tâm lý khát khao tìm về truyền thống của mọi người mà trục lợi. Hoặc như trong những năm trở lại đây, trang phục truyền thống Việt Nam đang dần trở nên được ưa chuộng trong cộng đồng giới trẻ. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho việc chấn hưng nền văn hóa lâu đời của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đã có không ít các cá nhân, tổ chức đã cho tiến hành nhập khẩu nguyên liệu, công thức hoặc thậm chí là cả nguyên mẫu sản phẩm từ Trung Quốc về rồi bán lại cho khách hàng trong nước dưới cái danh xưng đồ truyền thống Việt Nam. Đây là một thực trạng đáng lo ngại. 

Bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất của công tác phát huy di sản văn hóa chính là bài toán làm thế nào để chuyển đổi vai trò cũ của di sản trong xã hội truyền thống sang vai trò mới trong xã hội hiện đại. Đây là một vấn đề có tính chất quyết định trong việc xác định tiềm năng phát triển của di sản. Đại đa số các đề án phát huy di sản được đề ra nhằm mục đích giải quyết vấn đề trên. Tại Việt Nam, số lượng những mô hình chuyển đổi thành công hiện nay vẫn còn hạn chế. Phần đông các đề án phát triển vẫn chỉ tồn tại trên lý thuyết hoặc chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Từ đó, dẫn đến việc di sản tiếp tục bị mai một, hư hại hoặc gây hao tổn ngân sách bảo tồn

Một số trường hợp lại lâm vào tình trạng chuyển đổi nóng vội, từ đó sinh ra những lệch lạc, sai lầm không đáng có. Điều này có thể điểm qua tại một số trường hợp như việc xây dựng lại khu di tích Lam Kinh Thanh Hóa. Theo đó, nhiều hạng mục của công trình này đã không được khảo cứu chuẩn xác theo kiến trúc cung đình nhà Lê. Điều này dẫn đến việc “kinh đô thứ hai của nhà Lê” khi trùng tu bị thiếu đi tính uy nghi thường có của cung điện hoàng tộc. Hay trong một trường hợp khác đó là việc chỉ vì lợi ích kinh doanh, một số cửa hiệu cho thuê cổ phục ở Đại nội Huế đã cho luôn du khách nam mặc áo nhật bình. Trong khi theo điển chế thì đây là loại áo chỉ dành cho hậu phi, cung tần và công chúa nhà Nguyễn.  

áo Nhật Bình
Cổ phục Việt Nam

Trong lĩnh vực nghệ thuật thì đó còn là việc người sáng tạo thiếu đi vốn kiến thức văn hóa. Từ đó, sản xuất ra các văn hóa phẩm thiếu chiều sâu, sai lệch so với bản thể di sản vốn có. Điều này thường xuất hiện nhiều thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đời sống thường ngày. Chẳng hạn trong trào lưu cách tân áo dài ngũ thân đầu những năm 2010, nhiều nhà thiết kế đã cho lật ngược cúc áo từ bên phải sang bên trái. Đây là một sai lầm tối kỵ trong việc cách tân cổ phục. Bởi theo quan niệm truyền thống người Việt, cúc áo cài bên tay trái là cúc áo dành cho người chết. Việc cách tân thiếu kiến thức cũng làm nảy sinh ra những hình mẫu trang phục truyền thống nhưng thực chất lại rất “phản” truyền thống. 

Tựu trung, văn hóa là một phạm trù rộng lớn và bao trùng lên nhiều lĩnh vực. Các công tác bảo tồn, phát huy di sản cũng vì thế mà phải đối mặt với vô số các vấn đề muôn hình vạn trạng. Điều này đòi hỏi những người làm công tác văn hóa cần có nền tảng kiến thức sâu rộng và có chuyên môn nhất định trong lĩnh vực phụ trách. Từ đó tiến đến việc đánh giá đúng những tiềm năng cách thức trong việc phát huy giá trị của di sản. Dẫu vậy, sai lầm là việc không thể tránh khỏi, bởi thế giới, xã hội luôn vận động và thay đổi từng ngày. Việc đánh giá tiềm năng, cách thức để phát huy một loại hình di sản có thể đúng hoặc sai trong hôm nay nhưng cũng có thể sai hoặc đúng vào hôm sau. 

Điều quan trọng nhất ở những nhà quản lý di sản lẫn cộng đồng đó là cùng nhau hạn chế tối đa các lỗi sai có thể mắc phải. Từ đó dẫn đến việc bản thân chúng ta lẫn những thế hệ tiếp nối sẽ không phải hối hận và mang trong mình nỗi buồn di sản ở tương lai.

Thiết kế và dàn trang : Nhím

Chia sẻ câu chuyện này
Share