Pháp lam xứ Huế: Sắc một thuở còn vương – Kỳ 2

Tác giả Tường Vân
Pháp lam xứ Huế: Sắc một thuở còn vương – Kỳ 2

III. Đặc trưng về màu sắc của pháp lam cung đình Huế

Căn cứ vào các tư liệu thành văn kết hợp với công trình khảo cứu trên những hiện vật còn sót lại, có thể thấy rằng tiến trình phát triển của pháp lam Huế kì thực rất ngắn ngủi, từ lúc khai sinh đến khi thoái trào chỉ vẻn vẹn hơn 60 năm. Song ở thời điểm phát triển đỉnh cao nhất dưới triều vua Thiệu Trị và Tự Đức, pháp lam Huế đã kịp để lại cho hậu thế một di sản vừa phong phú về số lượng lại vừa đa dạng về loại hình, khẳng định dấu ấn riêng so với các dòng pháp lam ngoại quốc khác.

Vẻ đẹp đặc trưng của pháp lam cung đình Huế nằm ở cách hòa sắc rực rỡ mà không phô trương, thu hút mà vẫn kín đáo, với các gam màu chủ đạo như vàng – chàm (xanh ẩn tím), đỏ – bích ngọc (lục ẩn xanh), xanh – hỏa hoàng (vàng cam), phỉ thúy (xanh ẩn lục) và hổ phách (cam đỏ). Theo nhận xét của họa sĩ Phạm Đăng Trí, dẫu các nghệ nhân Huế vào thế kỷ 19 chưa bao giờ tiếp xúc với lý luận khoa học về màu sắc của Tây phương, nhưng bằng tài nghệ và gu thẩm mỹ riêng, họ đã tạo tác được những món pháp lam với các mảng màu sáng – tối hòa quyện hết sức tinh tế cũng như phân bổ độ đậm – nhạt rất khéo, tựa như một bức họa tươi sáng, chân thật và giàu cảm xúc. 

Phong cách phối hợp màu sắc của pháp lam Huế không đi theo nguyên tắc hòa sắc tương đồng thường thấy trong hội họa mà tuân theo nguyên tắc hòa sắc tương phản, tức là đặt các gam màu đối nghịch nhau trong một trật tự hài hòa để làm nổi bật chính sự đối nghịch ấy, như ánh sáng và bóng tối làm nên chiều sâu của tác phẩm nghệ thuật. Hòa sắc theo phong cách này đòi hỏi trình độ cao trong tay nghề của nghệ nhân, bởi nếu sơ suất dù chỉ một chút, các cặp màu sẽ trở nên xa lạ và xung khắc nhau dữ dội, khiến cho sản phẩm pháp lam trở nên thô vụng, không thể sử dụng được.

Bởi pháp lam thời Thiệu Trị là loại đẹp và có giá trị nhất, nên trong lối họa cũng có nét tinh xảo đặc thù với cách phân bổ các đốm màu tươi tạo hiệu ứng “hòa trộn trong thị giác” mà mỹ thuật châu Âu cải biến từ nguyên tắc hòa sắc những chùm ánh sáng màu, khiến cho thành phẩm có màu men tươi tắn, sáng trong. Họa sĩ Phạm Đăng Trí có lấy một chiếc đĩa pháp lam vẽ họa tiết rồng ẩn mây trong bộ khay mứt Cửu long có ghi niên chế Thiệu Trị làm ví dụ để phẩm bình về đặc trưng này:

“Rồng trong đề tài ‘long ẩn’ mang dấu ấn của Huế (…) Vẻ uy nghi được nhấn mạnh, chắc hẳn để tượng trưng cho vương quyền (…) có dáng uyển chuyển, sinh động. Về cấu trúc nét-mảng-hình tuy được xây dựng theo thế cân bằng trong một diện tích nhất định, nhưng về mặt tiết điệu, nó vẫn tạo ra một thế uốn lượn nhịp nhàng.

Các sắc độ, nhìn trên toàn bộ, thiên về sáng. Trọng tâm là mặt rồng ửng trắng đặt trên thân rồng khá đậm rồi từ hạt nhân ấy, hình long ra rất nhẹ bằng những đám mây thả trên nền khá lạt.

Về màu sắc, người vẽ đã vận dụng hòa sắc tương phản. Cách hòa màu phù hợp với phương thức ‘tổng hợp gia tăng’ và tạo ra một ấn tượng vừa quý, nhã, lại vừa lộng lẫy.

Người vẽ đã dùng đến bảy sắc, mà hầu hết là những màu tươi, nhưng hiệu quả cuối cùng, sở dĩ không rối mắt, không gây ấn tượng ‘khoe của’ là nhờ cách bố trí ngăn nắp, có hệ thống. Màu sắc chủ đạo được phân thành hai mảng lớn: mảng phi hình (nền tô vàng) và mảng hình (toàn bộ hình vẽ) nhuộm gam chàm. Nhìn kỹ gam này, tôi thấy “tình hình” ở đây khá là phức hợp, vì nó phân ra những ba nhóm màu có sắc thái khác nhau:

– Những đốm trắng đặt cạnh chàm làm cho màu chàm sáng hẳn lên, như trên mặt rồng hay trên đám mây.

– Những nét đen đan thành mắt cáo và đặt trên màu chàm làm cho màu này sẫm xuống, như trên thân rồng.

– Những đốm màu còn lại đỏ, tía, bích ngọc, chàm nâu thì quy tụ lại để tạo ra một thứ màu chàm khi thì tươi thắm, như ở gần thân rồng, lúc thì sáng tươi, như khi nằm trên nền vàng.

Nhìn dưới góc độ cách thể hiện tinh vi, tôi chú ý trước tiên đến các hợp sắc vàng – chàm, và đỏ tía – bích ngọc trên nền vàng: đây là những cặp màu tương phản phù hợp với các cặp màu trong dĩa khoa học của Rút1. Tiếp đó là những nét đen hoặc nâu viền rất đúng chỗ. Sau hết, những đốm nâu xếp rải rác làm cho toàn thể màu sắc trong dĩa dịu xuống”.

Như vậy, có thể thấy rằng, hồn cốt tinh túy của pháp lam cung đình Huế nằm ở màu sắc và cách điều phối các màu thật hài hòa để làm nổi bật đề tài thể hiện. Cũng theo lời nhận xét của một nhà khảo cứu khi đi thưởng lãm bộ sưu tập pháp lam cung đình ở hải ngoại, thì họa pháp lam Huế có “kỹ thuật chế tác tinh xảo, chủ đề trang trí không chỉ giới hạn trong các đề tài thảo mộc và phong cảnh mà mở rộng sang các đề tài rồng, phượng, lân, chữ Thọ… với những biến thể rất phong phú, đặc sắc và màu sắc thì biến hóa khôn lường với hơn chục tông màu khác nhau, trong đó có màu tím thẫm và màu xanh chàm là hai gam màu riêng của pháp lam Huế”. So với họa pháp lam Quảng Đông, pháp lam xứ Huế ở thời cực thịnh có thể sánh được cả về tay nghề thợ khéo lẫn vẻ mỹ lệ, sắc sảo trong phong cách biểu hiện.

Cơi trầu bằng pháp lam triều Thiệu Trị

IV. Các loại hình pháp lam Huế

Dựa vào vị trí và công dụng, hiện có thể chia pháp lam Huế thành hai loại hình chính yếu sau:

Pháp lam dùng trong kiến trúc

Bao gồm các mảng và khối pháp lam được đắp nổi hoặc gắn trên các công trình kiến trúc thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Như đã lý giải ở phần trước, pháp lam vốn là chế phẩm có độ bền vững cao, chịu được mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên đã được nghệ nhân cung đình ứng dụng một cách sáng tạo vào trang trí ngoại thất. Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu, đây là điều khiến cho pháp lam Huế trở nên độc nhất vô nhị bởi không có quốc gia nào khác dùng pháp lam để điểm tô các công trình kiến trúc. 

Trải qua bao dâu bể thăng trầm, ngày nay pháp lam vẫn còn tồn tại trên các bờ nóc, bờ quyết2, đầu đao3, cổ diềm4 của các cung điện, miếu thờ trong Đại Nội và lăng tẩm của các vị quân vương. Tiêu biểu có thể kể đến: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Triệu miếu, Thế miếu, Hiển Lâm các, nghi môn hai đầu cầu Trung Đạo và lăng các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh cùng lăng của Kiên Thái vương. Xét thấy pháp lam trang trí trên các lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn cũng không có điểm khác biệt nào so với pháp lam trên các công trình kiến trúc Đại Nội, và cũng bởi dung lượng bài viết có giới hạn, người viết sẽ chỉ phân tích pháp lam khu vực Hoàng thành Huế trong phần này.

Bắt đầu từ Ngọ Môn, một công trình kép cổng – đài vô cùng uy nghi quyền thế. Đây là cổng lớn nhất trong bốn cổng dẫn vào Đại Nội, đồng thời là cổng dành riêng cho bậc thiên tử, tọa lạc tại phía Nam với ngụ ý: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị”. Phía trên Ngọ Môn là lầu Ngũ Phụng gồm hai tầng: Tầng trên có chín lầu với lầu chính lợp ngói Hoàng lưu ly còn tám lầu dàn hai bên lợp ngói Thanh lưu ly; tầng dưới có trăm cột tượng trưng cho trăm họ. Ở nơi lầu chính, ngay giữa bờ nóc có hình hồ lô đặt trên cụm mây ngũ sắc làm từ pháp lam, phía trước và phía sau bờ nóc là chín mảng pháp lam gồm bốn ô thơ chữ Hán, ba ô vẽ họa tiết Bát bửu và hai ô vẽ hoa điểu. Còn tại tám lầu phụ có hàng trăm ô pháp lam vẽ cảnh hoa cỏ, chim muông đặt trên bờ nóc và bờ quyết rất sống động, có thần.

Pháp lam trên lầu Ngũ Phụng

Đi qua Ngọ Môn, tới cầu Trung Đạo bắc qua hồ Thái Dịch là nơi trực tiếp dẫn tới điện Thái Hòa, ở đầu cầu có dựng hai cột nghi môn bằng đồng có gắn pháp lam, hai mặt trước – sau của mỗi cột đều có bốn chữ tóm tắt thuật trị quốc và đạo tu thân để hoàng đế hằng ghi nhớ.Mặt hướng nam (từ Ngọ Môn nhìn vào) đề hai câu: Chính trực đẳng bình (平等 直正) và Cao minh du cửu (高明悠久), ngầm ý nhắc nhở bậc thiên tử phải giữ mình ngay thẳng, mọi việc làm đều quang minh chính đại, như vậy vận nước mới lâu bền.

Mặt hướng bắc (từ điện Thái Hòa nhìn ra) lại viết: Cư nhân do nghĩa (居仁由義) và Trung hòa vị dục (中和位育), nghĩa là đấng quân vương phải lấy việc nghĩa làm đầu, khắc chế thất tình lục dục8 để nhân dân được hưởng phúc lâu dài.

Ngoài hai bức pháp lam đề bốn chữ vàng, nghi môn cầu Trung Đạo còn đúc rồng cuốn quanh thân cột, trên mỗi đỉnh đặt một búp sen bằng pháp lam, hai trụ bên đắp nổi dáng mây bay, lại điểm thêm các ô pháp lam đề chữ Hán, vẽ hoạt tiết Bát bửu hoặc hoa điểu, vừa nghiêm trang vừa nhẹ nhàng thanh thoát.

Pháp lam trên nghi môn cầu Trung Đạo, đề “Cao minh du cửu” (đọc từ phải qua trái)

Tiếp theo là điện Thái Hòa – biểu tượng của quyền lực hoàng gia – được xây vào năm 1805 dưới triều vua Gia Long, tới năm 1833 vua Minh Mạng cho di dời để quy hoạch lại khu vực Tử Cấm thành. Bởi mang ý nghĩa quan trọng bậc nhất nên điện Thái Hòa được kiến thiết vô cùng nguy nga lộng lẫy với lối kiến trúc trùng thiềm điệp ốc (nhà kép hai mái trên một nền), trước là tiền điện bảy gian hai chái đơn, sau là hậu điện năm gian hai chái kép. 

Trong khi các ô pháp lam ở bờ nóc và cổ diềm điện Thái Hòa có kích thước tương tự nhau, thì ô pháp lam nơi đầu hồi lại đa dạng hơn về kích cỡ. Pháp lam đặt trên đầu hồi tiền điện chia làm nhiều ô, với ô chính giữa vẽ cây ngọc như ý, bốn ô trái – phải đề thơ chữ Hán và vẽ họa tiết Bát bửu, kế đó là các ô vẽ hình hoa cúc. Còn pháp lam trên đầu hồi hậu điện đơn giản hơn, với ô chính giữa mang họa tiết Bát bửu còn hai ô bên cạnh vẽ hoa điểu, ngoài ra có thêm các ô ghép mảnh sứ trên cốt vôi vữa, có lẽ là để phỏng lại cách chế tác pháp lam.

Điểm đặc biệt của những ô pháp lam đề thơ chữ Hán nơi điện Thái Hòa là phong cách bài trí nhất thi nhất họa – một bài thơ kèm một bức tranh. Mỗi ô pháp lam theo chủ đề thi – họa này được sắp xếp xen kẽ nhau nhằm tạo thành một dải đa sắc nổi bật với các gam màu tương phản đặt trong trật tự chung hài hòa. Tổng thể các bức pháp lam trang trí trên điện góp phần tôn thêm vẻ tráng lệ xa hoa của vương triều, đồng thời làm tươi sáng hơn nét cổ kính thâm u vốn có nơi kinh thành xưa.

Pháp lam trên điện Thái Hòa

Tới Triệu miếu phía đông nam Hoàng thành, nơi thờ Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim – tổ phụ của các vua chúa nhà Nguyễn – có thể thấy ngôi miếu này cũng được xây cùng lối kiến trúc trùng thiềm điệp ốc với điện Thái Hòa, có nhiều ô hộc trang trí trên bờ nóc và bờ quyết, song chỉ có món pháp lam duy nhất là bầu thiên hồ tượng trưng cho thái cực9 đặt trên hổ phù được ghép từ các mảnh sành sứ theo kiểu chạm lộng.10

Triệu miếu tại Hoàng thành

Tới góc Tây Nam Hoàng thành, ta thấy Thế miếu – nơi thờ phụng Thế tổ Cao Hoàng đế Gia Long vẫn luôn trầm ngâm đứng đó cùng tuế nguyệt. Cũng như Triệu miếu và điện Thái Hòa, Thế miếu cũng được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc gồm chín gian hai chái, có nhiều ô hộc trên bờ nóc, bờ quyết và cổ diềm để trang trí, song số lượng pháp lam rất ít ỏi: chỉ có hai bầu hồ lô được hai cụm mây ngũ sắc nâng đỡ và một quả châu đặt trên hổ phù. 

Tình hình cũng tương tự lại Hiển Lâm các – công trình kiến trúc cao nhất Đại Nội, được dùng làm nơi tưởng nhớ công trạng các vị tiên chúa, tiên đế nhà Nguyễn cùng các công thần – với độc nhất một bầu thiên hồ cùng cụm mây ngũ sắc đặt ngay chính giữa bờ nóc. Có lẽ bởi Triệu miếu, Thế miếu cùng Hiển Lâm các được xây dựng sớm nhất, trước khi pháp lam tượng cục trong nước được thành lập nên có rất ít pháp lam được đặt tại đây mà chủ yếu là các ô có cốt vôi vữa gắn mảnh sành, sứ

Từ trái qua phải: Thế miếu - Hiển Lâm các

Nhìn chung, pháp lam trang trí trên các công trình kiến trúc Đại Nội thường hợp thành từ các mảng hoặc khối pháp lam nhỏ, liên kết với nhau bằng khung dây sắt hoặc dây đồng, chủ yếu sử dụng màu sắc đậm và rực rỡ như đỏ cam, vàng chanh, xanh lam,.. theo phong cách hòa sắc tương phản nhằm tôn lên nét đẹp vương giả, quyền quý chốn cửu trùng11. Tùy thuộc vào quy mô và ý nghĩa của từng công trình mà cách thức trang trí của từng mảng pháp lam cũng khác nhau, ví như nơi điện chính thì gắn pháp lam hình hồ lô, rồng phượng, quả châu,… còn nơi cung nhỏ hoặc nghi môn chỉ để cụm mây ngũ sắc hoặc con giao12 cách điệu. Cũng như vậy, chỉ các điện chính mới có các ô hộc pháp lam vẽ hình Bát bửu hay Tứ quý, còn lại chỉ vẽ hoa điểu.

Pháp lam dùng trong tế tự, sinh hoạt thường ngày và trang trí nội thất

Bởi không phải dãi dầu nắng mưa như pháp lam dùng trong kiến trúc, nên đây là loại pháp lam được bảo quản gần như nguyên trạng, có thể tìm thấy số lượng lớn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, cũng như các bảo tàng ngoại quốc khác và trong các bộ sưu tập tư nhân. Mỗi món pháp lam đều có công dụng riêng nên được chế tác với kiểu dáng, màu sắc khác nhau, loại hình hết sức phong phú.

Với đồ tế tự, pháp lam chủ yếu là quả bồng (khay tròn có chân đế), bình dâng rượu lễ, chậu quán tẩy13, lư hương, chân đèn,… trên có đề chữ Tiết lễ (節礼), Lễ (礼) hay Nội hương (內香). Theo truyền thống cung đình Đông Á, cúng tế đất trời và tổ tông là việc tối quan trọng, nên pháp lam sử dụng trong dịp này phải trải qua quá trình tuyển lựa gắt gao dựa trên các tính toán Dịch học. Dưới triều Minh Mạng, khi pháp lam tượng cục chính thức đi vào hoạt động, chỉ vài năm sau, các món pháp lam từ xưởng đã được chọn để bài trí trong lễ tế Giao hàng năm, chứng tỏ loại chế phẩm này có vị thế tôn quý không thua kém châu ngọc và các kim khí khác.

Pháp lam dùng trong tế tự

Kế đến là pháp lam dùng trong sinh hoạt thường ngày, với các món như chén, bát, bình, đĩa, khay, bộ đồ uống trà, hộp đựng cau trầu, quả đựng mứt, bình vôi, ống nhổ, đầu hồ, hộp nữ trang,… Đồ gia dụng làm từ pháp lam đều mang nét đặc trưng cung đình Huế, với lối vẽ sen, rồng năm móng, mây ngũ sắc,… với các nét mảnh nhỏ, cân đối trên nền xanh cô-ban, vàng chanh hoặc đỏ thẫm, phù hợp với thẩm mỹ người Việt. Ngoài ra, còn có một số món pháp lam vẽ cảnh trí và nhân vật theo phong cách Tây phương nom khá mới lạ, bắt mắt, có lẽ là để đáp ứng ý thích của hoàng gia theo xu hướng thời bấy giờ.

Pháp lam dùng trong sinh hoạt hàng ngày

Cuối cùng là pháp lam dùng trong trang trí nội thất với kiểu cách tinh mỹ và tú lệ hơn hẳn để hòa hợp với khung cảnh sang quý nơi lầu quỳnh điện ngọc. Các chế phẩm pháp lam loại này thường là các chóe lớn, chậu chưng cành vàng lá ngọc, đĩa treo tường, độc bình, đôi quả lựu, cặp đào tiên, trái phật thủ đắp nổi trên đầu liễn đối hoặc bình phong nơi phủ điện, lăng tẩm.

Pháp lam trong trang trí nội thất

Xét tổng quan, pháp lam dùng trong tế tự, sinh hoạt thường ngày và trang trí nội thất chủ yếu được chế tác dưới ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, trong đó pháp lam thời Thiệu Trị nổi trội hơn cả với nét vẽ sắc bén, hòa sắc tươi sáng, bề mặt nhẵn mịn tạo cảm giác linh động, cuốn hút. Còn pháp lam thời Minh Mạng và Tự Đức lại kém tuyệt hảo hơn do men tráng có chỗ không đều và nét vẽ có phần thô tháp, ít trau chuốt tỉ mỉ. 

Song nhìn chung, từ đời vua Minh Mạng tới đời vua Tự Đức, dòng pháp lam cung đình đều có sự chuyển mình rất khéo trong phối kết sắc màu nhằm tăng hiệu ứng thị giác, với các dải đỏ cam, vàng sáng, trắng đậm, xanh cô-ban cho đến hồng tía, lục nhạt, xanh lam. Một số chế phẩm còn mang tính thể nghiệm khi không phủ men toàn bộ mà cố ý để lại vài khoảng trống làm lộ cốt đồng, hoặc gắn thêm vật liệu khác như mã não, thủy tinh màu và ngọc quý. Đề tài phổ biến trên dòng pháp lam này là Bát bửu, Tứ quý, hoa điểu, sơn thủy,… đậm chất Trung Hoa hoặc theo phong cách châu u trong tạo hình nhân vật.

Phần kết

Dẫu quá trình phát triển tương đối ngắn ngủi với hơn 60 năm kể từ lúc khai sinh tới khi lụi tàn, pháp lam Huế vẫn kịp ghi dấu ấn độc đáo lên nền mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Tuy kỹ thuật chế tác chưa thể hoàn hảo như pháp lam Trung Hoa, Nhật Bản hay các nước khác, nhưng pháp lam Huế được ứng dụng có phần sáng tạo hơn trong trang trí kiến trúc, khiến cảnh trí vốn thâm u trầm mặc chốn kinh thành có phần tươi sáng nhẹ nhàng hơn. Đồng thời, phương pháp sử dụng màu sắc tương phản trên các món pháp lam của nghệ nhân cung đình cũng hết sức nhuần nhuyễn tinh tế, tạo ra các sản phẩm không hề thua kém họa pháp lam Quảng Đông, được hoàng tộc Nguyễn dùng rộng rãi trong tế tự, sinh hoạt hàng ngày hoặc đơn giản để trang trí nội thất. 

Dẫu kỹ nghệ làm pháp lam Huế đã mai một bởi tác động của cơn bão lịch sử đầu thế kỷ 20, song gần đây đã có nhiều nỗ lực phục hồi nhất định đến từ những con người có vốn hiểu biết sâu rộng và niềm mê say với pháp lam, nhằm tái lập ngành nghề thủ công nức tiếng một thời cũng như góp công lớn trong bảo tồn các hạng mục tại quần thể di tích cố đô.

Họa sĩ muốn nhắc tới đồ hình phân bố màu sắc của nhà vật lý người Mỹ là Ogden Rood trong công trình nghiên cứu về lý thuyết màu (theory of color) của ông.
Phần uốn cong như móc câu của mái nhà xây theo kiến trúc cổ vùng Đông Á.
Là cái đòn tay hình chữ nhật, đặt nghiêng trên vì kèo ở sát diềm mái và hớt cong lên ở các góc mái, trên có gắn thêm mảnh ván hình chữ nhật để đỡ hàng ngói cuối cùng
Có thể là diềm mái tức phần mặt phẳng chạy dọc theo mái nhà, có công dụng chắn mưa che nắng.
Tên húy là Nguyễn Phúc Hồng Cai, ông là con trai của vua Thiệu Trị và là cha ruột của ba vua Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh.
Nghĩa là: “Bậc thánh xoay mặt về phía nam mà nghe thiên hạ, hướng về phía sáng mà trị”, trích trong “Thuyết quái truyện” thuộc Kinh Dịch.
Còn gọi là ngói m Dương, là loại ngói hình ống có tráng men, chia làm ba loại dựa trên màu sắc: Hoàng lưu ly (ngói màu vàng), Thanh lưu ly (ngói màu xanh) và Bích lưu ly (ngói màu ngọc bích)
Bốn chữ này lấy ý từ sách Trung Dung: “Trung dã giả, thiên hạ chi đại bản dã. Hòa dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên”, nghĩa là “Trung là gốc lớn của thiên hạ, Hoà là đạo lí thông đạt trong thiên hạ. Đạt tới sự Trung Hoà thì trời đất có được vị trí thoả đáng, muôn vật được phát huy dục sinh trưởng”.
Hình hồ lô đắp nổi, có hình dáng gần giống đường phân chia m – Dương trong thái cực.
10 Có thể gọi là chạm rỗng, là lối chạm xuyên thủng, chỉ để lại đường nét của họa tiết, tạo không gian thoáng đãng cho tác phẩm.
11 Chín tầng, chỉ vị trí cao quý tột bậc của nhà vua.
12 Một loài thú huyền thoại sống dưới nước, có vẻ ngoài nửa giống rắn nửa giống rồng.
Chậu đựng nước rửa tay trước khi làm lễ.

Tài liệu tham khảo

[1]. Trần Đức Anh Sơn, Tổng quan về pháp lam và nhận thức mới về pháp lam Huế thời Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Chuyên đề: Pháp lam Huế, số 3 (166), 2021.

[2]. Huỳnh Thị Anh Vân, Sưu tập pháp lam tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế: Những món có hiệu đề vua Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Chuyên đề: Pháp lam Huế, số 3 (166), 2021.

[3]. Lê Thị An Hòa, Trang trí pháp lam trên các kiến trúc cung đình Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Chuyên đề: Pháp lam Huế, số 3 (166), 2021.

[4]. Hoàng Thị Hương, Pháp lam trang trí ở Đại Nội Huế, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Chuyên đề: Pháp lam Huế, số 3 (166), 2021.

[5]. Phạm Đăng Trí, Quanh các pháp lam Huế, suy nghĩ về màu sắc, Tạp chí Sông Hương, số 333, đăng ngày 18/11/2016.

[6]. Trần Nguyễn Thiều Anh, Thăm sưu tập pháp lam Huế của Loan de Fontbrune ở Paris, Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Chuyên đề: Pháp lam Huế, số 3 (166), 2021.

Chia sẻ câu chuyện này

Graphic Designer Ens

Share