"Bước tới đèo Ngang bóng xế tà Cỏ cây chen đá, lá chen hoa Lom khom dưới núi, tiều vài chú Lác đác bên sông, rợ mấy nhà"
Khi sáng tác những câu thơ này, Bà Huyện Thanh Quan đã đứng ở dãy Hoành Sơn, ranh giới của hai vương quốc hùng mạnh. Quảng Bình là đất địa đầu của nước Chiêm Thành ngày xưa, ban đầu là hai châu Địa Lý và Bố Chính. Bên này Hà Tĩnh là đất người Việt, bên kia Quảng Bình là đất người Chăm.
Vua Lê Đại Hành là người nổ hiệu lệnh đầu tiên tràn vào Chiêm Thành tàn phá kinh đô Indrapura ở Quảng Nam, buộc họ phải dời vào Vijaya (ta quen gọi là Đồ Bàn) tại Bình Định. Nhà Lý nối tiếp vua Tiền Lê và đã thành công vượt bậc. Khi vua Chăm dâng đất Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính cho Lý Thánh Tông, quá trình Nam tiến đã được khởi động. Tính ra cương vực phía Nam xứ Đàng Ngoài gần y hệt nước Đại Việt thời đầu nhà Lý, nhưng tiến xa hơn vài chục cây số vào đất Chiêm Thành.
Từ đất Quảng Bình, người Việt tiến dần về phương Nam và đến thế kỷ 17, một chính quyền mới đã nổi lên từ vùng đất cũ của người Chăm này, tức chúa Nguyễn. Quyết định không thần phục các chúa Trịnh ngoài Bắc đã dẫn tới cuộc nội chiến trăm năm nổi tiếng: Trịnh – Nguyễn phân tranh.
Đi sang bên kia dãy Hoành Sơn là nơi “khả dĩ dung thân” của các chúa Nguyễn. Từ Hoành Sơn đến sông Gianh là vùng “Bắc Bố Chính”, giới hạn của xứ Đàng Ngoài trước khi tiến vào Đàng Trong. Rồi ta lại gặp sông Gianh (hay Linh Giang) – nơi ngày sau chiến sự ngút ngàn, ngày đêm khói lửa binh đao, xương chất thành gò thành lũy, máu chảy thành sông. Nếu ngồi cỗ máy thời gian về 300 năm trước bạn sẽ thấy hai phe Trịnh Nguyễn đóng quân dọc bờ sông hữu tình. Đào Duy Từ vào Nam giúp Nguyễn, hay Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh, cho tới lúc Nguyễn Ánh thống nhất quốc gia, đều từng vượt con sông này.
Trận đánh đầu tiên năm 1627, chúa Nguyễn suýt nữa thì sấp mặt, may mà quân Trịnh rút về vì nghi ở kinh đô có đứa làm phản. Nguyễn Phúc Nguyên thừa nhận quân đội mình không bằng một phần mười đối thủ. Nhằm bảo vệ xứ Đàng Trong ly khai khỏi Đàng Ngoài, Đào Duy Từ và những người kế thừa ông đã xây các trường lũy rất dài để chia đôi Nam Bắc với vô số cạm bẫy.
Khôn ngoan qua được Thanh Hà
Dẫu rằng mọc cánh, khó qua luỹ Thầy
Chướng ngại vật đầu tiên là Thanh Hà (cửa sông Gianh). Quân Trịnh vượt sông Gianh tiến về phía Đồng Hới khoảng 50km và đụng độ lũy Thầy. Thứ tự của chúng như sau: 1. Lũy Trường Dục: Xây đầu tiên, nằm phía sau sông Nhật Lệ. Trong lũy Trường Dục có dinh để các quan ở, các trại lính và kho lương. Lũy này mà toang thì chúa Nguyễn lo mà xách va li vào Sài Gòn. 2. Lũy Động Hải (hay Trấn Ninh): Nhận thấy phe mình cần thêm một trường thành nữa cho thêm phần an toàn, chúa Nguyễn cho phép xây lũy Động Hải cách Trường Dục 20 cây số. Lũy Động Hải được nhiều phần ghép lại gồm lũy Đâu Mâu (chạy từ núi) và lũy Nhật Lệ (chạy ra cửa sông). Bởi vì lũy này nằm rất gần biên giới Đàng Ngoài nên sẽ được đầu tư nhiều cạm bẫy nhất. Chiều dài 12 cây số, cứ cách một trượng đặt một khẩu súng khóa sơn, 3 hay 5 trượng lại xây một pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn, lũy cao 6m, mặt ngoài đóng gỗ Lim, trong đắp đất làm 5 cấp, voi, ngựa có thể đi được. Trịnh Nguyễn phân tranh ở lũy này là ác liệt số một. Có lần quân Trịnh xuyên qua được lũy Động Hải, nhưng không vượt qua nổi lũy Trường Dục nằm phía sau. 3. Lũy Trường Sa: Bảo vệ bãi biển Nhật Lệ. Bởi vì chúa Trịnh là Thủy Vương nên sẽ rất mạnh về đường sông nước. Chính đoạn lũy dài 7 cây số này sẽ khóa đường biển. Trên đây là các lũy chính, nhưng hệ thống phòng thủ của chúa Nguyễn thực sự phức tạp hơn bài viết này rất nhiều. Quân Nguyễn được trang bị súng đạn và trên các con sông toàn là bẫy. Và có một vùng, người viết hay gọi là “tử địa chuồn chuồn”.
Chúa Nguyễn cho đóng quân tại Võ Xá, gọi là đạo Lưu Đồn (hay Dinh Mười) Vùng Võ Xá này sở hữu hệ sinh thái hết sức độc đáo, nhiều loại chuồn chuồn không tên tuổi, hiếm lạ và đẹp mắt. Do chúng sống ở những nơi hoang vắng, thường nhút nhát, nên con người khó phát hiện. Nổi tiếng nhất của Võ Xá là những đầm lầy nằm xuyên giữa làng, chạy dài từ Hà Thiệp, Trúc Ly lên đến Mỹ Trung, Gia Ninh ngày nay.
Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Chường, thời các chúa giao tranh, đầm Võ Xá kết hợp với lũy Trường Dục và Dinh Mười đã tạo ra “trận đồ bát quái” từng làm quân Trịnh khiếp đảm. Những người lính Trịnh ngã xuống trênđầm lầy với những bầy chuồn chuồn bay rợp trời. Cảnh tượng đó có lẽ vừa lạ mắt, vừa đáng sợ. Nó trở thành một nỗi ám ảnh đi hẳn vào trong thơ ca:
Nhất sợ ma Lũy Thầy,
Nhì sợ đầm lầy Võ Xá.
Đàng Trong dù ít nhân lực hơn hẳn Đàng Ngoài, đã biết khéo léo tận dụng sự am tường địa thế Quảng Bình để đảo ngược thế trận. Trong khu vực thung lũng Bắc Trường Sơn, thuỷ quân Nguyễn bám theo sông nước mà dồn ép quân Trịnh lúc thì vào cạm bẫy, lúc thì vào đầm lầy. Từ núi Thần Đinh đến phá Hạc Hải, từ sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, lũy Thầy sừng sững phong toả hoàn toàn đường Nam tiến của họ Trịnh.
Tinh hoa của hệ thống chiến lũy này là dựa vào sự kết hợp phức tạp và tinh tế của luỹ với núi, với sông, đầm, cồn cát, hoang mạc Quảng Bình, với thuỷ quân – lực lượng thiện chiến hàng đầu của chúa Nguyễn. Nhờ kỳ quan này mà Đàng Trong tồn tại được hơn 2 thế kỷ. Các chúa cũng rất biết lựa chỗ để đánh nhau vì phong cảnh nơi này vô cùng nên thơ và “đậm chất điện ảnh”, chẳng thế mà có người ví rằng:
Ngọn Đâu Mâu như cây bút,
Đầm Hạc Hải như nghiên mực
Tới đời chúa Trịnh Giang, hoàng thân Lê Duy Mật chiếm Trấn Ninh (một vùng ngày xưa của Việt Nam nay thuộc về Lào, giáp với Quảng Bình và Nghệ An). Ở đây ông xây một căn cứ hao hao gồm 16 đồn lũy, thành cao hào sâu, có đài quan sát điếm canh từ xa để bảo vệ. Bên trong Trấn Ninh thì ngựa chiến, súng pháo bạt ngàn. Nói chung Lê Duy Mật vô tình đã trở thành một chướng ngại mới ngăn cách Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Lê Duy Mật nhắn vào Phú Xuân cho Nguyễn Phúc Khoát rằng hãy giúp nhà Lê chống lại chúa Trịnh. Nhưng Võ Vương từ chối, có lẽ vì không muốn gây sự với một tay tài giỏi như Trịnh Doanh, chấp nhận nước sống không phạm nước giếng. Ông không mặn mà gì Bắc Hà, cứ giữ chắc Quảng Bình, làm vua một cõi Nam Hà là đủ.
Lê Duy Mật thật sự vất vả khi đối phó với Trịnh Doanh vì ông này là một tay kinh nghiệm nhiều năm đánh dẹp khởi nghĩa. Duy Mật có thể nhẹ nhõm một chút khi Doanh mắc bệnh chết. Thế nhưng xui hơn nữa là Trịnh Sâm nối nghiệp cha cũng không hề kém tài. Sâm sai lão tướng Hoàng Ngũ Phúc dùng mưu đại phá Trấn Ninh khiến người hùng tức tưởi tự thiêu. Chúa Nguyễn vô tình đã đẩy bản thân vào thế khó.
Nhiều năm sau, Hoàng Ngũ Phúc quả thật đã Nam tiến khi chúa Nguyễn đang ra sức đối phó với cuộc nổi dậy của anh em Tây Sơn. Quân Trịnh phá vỡ thế rạch đôi sơn hà khi vượt qua thành công lũy Thầy. Đất Quảng Bình quy phục, rồi đến kinh thành Phú Xuân theo đó thất thủ. Lão tướng tiếp tục thúc quân tiến sâu hơn vào Đàng Trong, đánh tan nát quân Tây Sơn và thu phục họ làm tướng tiên phong.
Và, như một vòng lặp định mệnh, cuộc phân tranh khởi đầu ở Quảng Bình thì kết thúc cũng tại Quảng Bình. Mảnh đất ấy chứng kiến trận kịch chiến cuối cùng giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn trước khi đình chiến, rồi sau đó là cuộc định đoạt thiên hạ giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, khi Đô đốc Bùi Thị Xuân và Nguyễn vương Ánh dồn sức cho canh bạc sau chót bên bờ lũy Thầy.
Sông Gianh
Đồng Hới
đảo Quảng Bình
Cổng trời Hoành Sơn
Có bạn ở thành phố Đồng Hới nói với tác giả rằng luỹ Thầy trông rất đơn sơ, chẳng có gì. Đó là vì thời gian và người đời sau huỷ hoại chứ ngày trước nó cũng rất “ra gì”, vua Thiệu Trị còn gọi là Định Bắc trường thành. Trong suốt 42 năm tấn công vào đây, chưa bao giờ quân Trịnh phá được luỹ Thầy, và lần cuối cùng phải dùng kế nội gián mới mở được cổng. Trương Phúc Phấn chỉ với mấy nghìn quân ít ỏi mà chặn được cả vạn quân của Trịnh Tráng thì chiến luỹ này không hề tầm thường.
“Phúc Phấn là tướng hùng phi, Đánh quân Trịnh tặc vậy thì hiển danh”
Tóm lại, nhờ luỹ Thầy kết hợp với địa hình phức tạp đầy tính chiến lược của Quảng Bình mà họ Nguyễn mới yên ổn để mở rộng phía Nam, nên nước ta mới có thêm 2/3 diện tích ngày nay. Hàng thế kỷ bị lũy Thầy và sông Gianh ngăn đôi để lại một hệ quả là Đàng Trong với Đàng Ngoài phát triển thành hai nền văn hóa độc đáo với nhiều nét riêng biệt. Việc thống nhất nước Việt Nam đầy đủ hình hài chữ S sau hàng trăm năm rạch đôi sơn hà là một kỳ tích. Nên nhớ Hàn Quốc và Triều Tiên chỉ mới chia cắt hơn 70 năm mà thôi.
Nếu có dịp ghé qua Quảng Bình, bạn hãy đi một chiếc thuyền sang bờ bên kia để hiểu tâm trạng của Nguyễn Du sau khi đất nước đã thống nhất:
Dải cát xa xa nước lẫn trời
Mênh mang bến cũ bóng thu rơi
Trông ra bờ bãi liền với biển
Ranh giới lòng sông đã mấy đời
Lũy cũ ba quân đầy lá rụng
Đồng hoang trăm trận xác thân vùi
Người dân phía Bắc đừng nên ngại
Ba chục năm qua sống một thời.
Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?