Thấy vậy, Thông giữ Sinh thật chắc, rồi “hấp” một cái cũng đứng trên lưng con cá sấu. Cả ba thanh niên nặng hơn hai trăm kí vậy mà con cá sấu không có dấu hiệu gì gọi là nao núng, nó vẫy cái đuôi khổng lồ trong nước rồi bắt đầu di chuyển. Hùng lia đèn pin, nước vẫn đen ngòm. Lâu lâu con cá sấu há miệng đớp cái gì đó, chắc là con cá hay con tôm làm cả “chiếc đò” run lên. Cả hai loạng choạng suýt té ngã mấy lần.
Con kênh này rộng khoảng ba mét. Lia đèn pin lên hai bên bờ thì thấy rễ tràm trong giống như những bàn tay với bộ móng dài thườn thượt, cắm xuống mặt kênh như đang lôi vật gì lên. Trên đầu họ vang lên những âm thanh ma mị nhưng nghe riết thành ra cũng mặc kệ. Tiếng xào xạc như con gì đang chuyền cành. Tiếng xì xầm như có người đang trò chuyện.
Thông thắc mắc:
– Đại ca, đó giờ anh em mình đi chung biết bao nhiêu chuyến, chuyện lạ trên đời em tưởng đã thấy gần hết rồi. Ai ngờ chuyến đi An Giang lần này em mới thấy mình hơi ngu. Sẵn vậy em hỏi anh câu này luôn?
Hùng nói:
– Mày vòng vo chi vậy? Có gì hỏi thì hỏi mẹ đi!
Thông cười hề hề rồi đáp:
– Làm sao anh biết bờ nước này có bến đò, rồi còn nói mấy câu nhảm nhảm gì đó với ông già lúc nãy nữa?
Hùng nói mà không quay đầu lại, chỉ cố nheo mắt nhìn về phía trước:
– Bến đò là do một phần trực giác thôi. Tao biết giải thích sao giờ? Đứng lại nhìn vòng vòng thấy có cảm giác ngồ ngộ, kiểu vừa biết chắc vừa không biết chắc thì rẽ cỏ đi vô thôi. Còn mấy câu tao nói với thằng Sinh hôm bữa, rồi với lão già lúc nãy tao có nói mày rồi. Đó là ngôn ngữ của lục lâm, gọi là lục ngữ. Kể ra thì dài. Sau chuyến này còn sống trở về, anh em mình đi uống vài chai tao kể chi tiết cho nghe. Đơn giản thì nó cũng giống với chuyện mày vô khách sạn, được “phục vụ” như thế nào tất cả đều nhờ vào cách mày trò chuyện với thằng tiếp tân vậy đó! Với lại…
Chợt mặt Hùng biến sắc, như phát hiện ra điều gì đó, linh cảm thì đúng hơn. Sợ mình mệt nên nghĩ bậy, anh nhăn mặt, quay về phía sau nhìn Thông với vẻ nghiêm trọng:
– Ê Thông, nãy giờ con cá sấu này bơi, nó có rẽ trái hay rẽ phải gì không?