[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 21: Bông súng chết chóc

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 21: Bông súng chết chóc

Kỳ trước, Hùng chợt nhận ra thứ sẽ cứu mạng mình và Sinh.

Thông sốt ruột: 

– Gì vậy anh?

– Người xưa có câu “lấy độc trị độc” ví như việc chữa bệnh vảy nến bằng cách cho cá ăn tế bào chết hay chữa viêm ruột bằng giun sán, đó là cách thông thường. Còn những đạo sĩ đi trừ ma dạo, khi bị nhiễm âm khí thường tìm đến loài rắn. Nhưng không phải là rắn thường, mà là rắn sống ở những chỗ có âm khí nặng hơn là bến đò này đây. Anh cá với mày luôn, đâu đó trên đám hoa súng kia, có một con Rắn Bông Súng Chúa!

– Rắn bông súng xào xả ớt thì em ăn hoài. Gì chứ bắt rắn anh cứ để thằng em!

– À, cái đó thì anh biết. Mà loài này không phải rắn thường nghe. Độc tính nó hơn khoảng gấp mười lần, thường ngụy trang thành cây súng, treo lủng lẳng để dụ con mồi. Giờ anh rọi đèn, còn mày thì thấy nó phải cắt đuôi nó liền.

Nói xong, Thông thả Sinh xuống còn Hùng lấy con dao găm trong ba lô ra ném cho Thông. Thông khởi động rồi đu người lên nhánh cây gần đó, “hấp, hấp” vài cái đã thấy anh như một vận động viên thể dục dụng cụ, chuyền từ cành này sang cành kia, tiến đến rừng súng treo lơ lửng trên không. Thông tuy thân hình vạm vỡ nhưng thân thủ lại nhanh nhẹn hơn người. Hùng đứng dưới rọi đèn theo từng cái chuyền cành của anh mà có khi còn theo không kịp. Đứng trên nhánh cây ngay bên dưới vườn súng, Thông chỉ tay vào một chỗ rồi gọi lớn: 

– Chiếu sang đây nè đại ca!

Hùng vừa rọi đèn sang liền thấy lớp vảy của con rắn bông súng chúa óng ánh những màu xanh lam, xanh lá mạ rất đẹp mắt, cái đầu ũ xuống, những lớp mang xếp lại, trông không khác gì búp hoa súng. Thông vừa vung nhát dao lên định một nhát đứt đuôi thì ngay lập tức con vật cựa quậy. Cái đầu trông như đóa hoa vô hại của nó co lại. Con rắn nhe hai chiếc răng nanh trắng hếu, mang phùng ra như đóa hoa súng bừng nở, lấy đà đớp lấy cánh tay đang co lại vì chém hụt của Thông, định một đòn kết liễu anh chàng. Nhưng nó đã quá coi thường đối thủ, Thông nhanh nhẹn rút tay lại, quán tính làm anh quay tròn trên nhánh cây, suýt té ngã. 

Con rắn thấy không ổn liền rụt người vào đám bông súng, toan bỏ chạy nhưng đã bị Hùng bắt kịp. Thông hét lên: 

– Nó lại kiếm đường ngụy trang đó đại ca. Cứ giữ nguyên như vậy!

Nói xong, anh ngậm con dao rồi chuyền cành như một con sóc, quyết tâm dâng cao. Ánh đèn của Hùng rọi vào cái vảy sáng loáng, con rắn bông súng chúa tưởng nó an toàn nên vẫn nằm im. Thông vung tay mạnh hết cỡ, nhắm vào đuôi nó mà chém. Lại hụt! Con rắn tuy không chạy được, vẫn phải trốn trong vườn súng nhưng nó quá nhanh kèm theo trực giác nhạy bén. Thông thất bại đến năm sáu lần như vậy nên có phần nổi máu điên. Giọng chửi của anh dậy cả rừng tràm

– Con mẹ nó!

Hùng thì bình tĩnh hơn, anh đã nắm bắt được đường đi nước bước của con vật, anh gọi với lên trên: 

– Thông! Chém mấy cái bông súng đi!

Thông gõ trán, có vậy mà cũng không nghĩ ra. Anh vung dao chém cây súng rơi tơi tả, tiếng hoa súng rớt xuống trũng nước nghe như tiếng mưa đêm. Lý do làm vậy một phần là vì muốn triệt tiêu chỗ nấp của con rắn bông súng chúa, một phần vì con vật này coi chỗ này là nhà, chọc nó điên lên có khi lại lộ sơ hở. Thật vậy, chém được một lúc thì Thông nghe tiếng sột soạt sau lưng mình. Anh nhanh chóng quay lại thì thấy con rắn phóng cả thân thể về phía mình, hai cái nanh nhe ra đầy sát khí. Nhưng Thông không hề nao núng, anh né cú mổ của nó, tiện tay chụp luôn cái cổ lôi xuống, rồi bằng một nhát chém lạnh lùng, kết liễu cuộc đời của con rắn bông súng chúa.

Thông định phóng xuống thì nghe tiếng Hùng cản: 

 -Khoan xuống mày, còn phải tìm đồ ăn cho con cá sấu nữa.

– Đồ ăn gì? Anh có cảm tình với nó hay sao mà phải cho nó ăn nữa?

– Khùng. Là yêu cầu của lão già lúc nãy thôi. “Múc nước cho bồ câu” nghĩa là kiếm gì đó cho con cá sấu ăn. Trong rừng này, loài cá sấu là bá chủ rồi, những thứ trên cao với nó khác nào cao lương mỹ vị. Mày nhìn trên đó coi có trứng con gì không?

– Sao anh biết trên này có trứng?

– Linh cảm thôi.

– Chậc. Đợi em chút!

Thông tìm một hồi cũng được hơn chục cái trứng đủ kích cỡ, lớn nhất cũng bằng cái chén. Hỏi ra thì cả hai chỉ nhún vai, có trời mới biết đó là trứng con gì. Hùng thận trọng gói xác con rắn vào một miếng vải, xắn gấu áo lên để nhét tạm mấy cái trứng. Đoạn đường ra cũng không có gì đặc biệt. Đi ngang những cái võng, họ cũng vẫn bước thật khẽ. Con cá sấu chờ ở chỗ bở nước thấy Hùng và Thông liền há cái mồm to đùng lên chờ đợi. Hùng ném cho nó đống trứng. Con vật nhai rạo rạo một hồi cũng xong. Cả bọn nhảy lên lưng nó để nó chở về.

Trên đường ra, cả hai im lặng không nói với nhau câu gì. Phần vì Thông thấy những co giật của Sinh xảy ra thường xuyên hơn lúc nãy, chứng tỏ bệnh tình ngày càng nguy kịch nên anh có hơi lo lắng. Hùng thì hơi lấn cấn, anh vẫn chưa biết phải xử lý con rắn như thế nào, định bụng sẽ ra ngoài hỏi lão già. Chợt con cá gầm lên, như có vật gì đó vừa đánh mạnh vào đầu nó. Nhìn chuyển động có vẻ là nó đang hốt hoảng, rồi cả thân hình nó bị vật đó nâng lên. Cả hai loạng choạng, chưa kịp lấy lại thăng bằng thì con cá sấu đã nhanh chóng lặn xuống nước, mất tăm! 

Con kênh không biết sâu bao nhiêu mét nước, chỉ thấy khua chân không thấy đáy. Phải khó nhọc lắm Thông mới xốc nách Sinh, giữ cho cái đầu chú sãi khỏi bề mặt. Hùng chỉ tay về phía một gò đất, rồi cả hai bơi về phía đó. Chợt Hùng khựng lại, như phát hiện ra có điều gì đó không đúng, miệng anh mấp máy hỏi Thông: 

– Ê, chốn đầm lầy này, ngoại trừ cá sấu còn con gì sống không?

Thông trợn mắt dường như hiểu ra ý của Hùng: 

– Anh đừng nói với em mấy cái trứng chà bá hồi nãy là của…

Bỗng từ phía sau vang lên âm thanh của vật gì đó đang rẽ nước, Hùng và Thông xanh mặt quay lại. Chỗ ánh sáng lay lắt của chiếc đèn pin, đang từ từ thò ra ngoài, là cái đầu to như cái bàn của một con trăn.

Thông đã khéo léo chém được con rắn bông súng chúa, nhưng để trả công đưa đò cho con cá sấu, anh vô tình lụm luôn mớ trứng trăn. Cơn thịnh nộ của con trăn mẹ có thể sẽ khiến cả ba vong mạng. Muốn biết kết cục thế nào, mời các bạn theo dõi kỳ sau.

Chia sẻ câu chuyện này

Art director : Lê Minh

Minh họa : Minh Thảo Võ

Thiết kế : Nhím

 

Binh lính Đàng Ngoài - tranh của Samuel Baron
Share