Trang Sức Óc Eo – Kỳ 1: Nền văn minh bí ẩn trên đất phương Nam

Tác giả Huyết Vy
Trang Sức Óc Eo – Kỳ 1: Nền văn minh bí ẩn trên đất phương Nam

“Mai Khâu (Gò Mai) ở cách trấn lỵ về phía Nam 13 dặm rưỡi, gò đất nổi cao, có nhiều cây nam mai, cõi già ngả nghiêng, nhưng mùa nở hoa thì không có tuyết, lá vẫn còn mùi thơm, hoa Cẩm khí thiêng mà sinh ra, không thể đem giồng nơi khác được. Trên có chùa Ân Tông, đêm vang tiếng kinh, chiều khua chuông lớn, thanh âm réo rắt trong chốn khói mây, dáng như thế giới trên núi Thứu, suối trong chảy quanh núi, có thuyền hái sen, các cô gái nhân chiều chơi mát mà bơi chèo, ngày tốt tiết lành, thi sĩ văn nhân, xách nậm mang bầu, leo từng bậc mà lên, ngâm vịnh dưới hoa đầu núi, chữ câu thơm nức,… Năm Bính Tý, Gia Long thứ 5 (1816), nhà sư sửa lại ngôi chùa, đào lấy được những gạch lớn và ngói cổ rất nhiều, được 2 tấm vàng lá to đến 1 tấc, nặng 3 đồng cân, ngoài mặt chạm hình bụt cổ cỡi voi, có lẽ là vật của sư Hồ dùng để trấn tháp chăng?”

 

   _ Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức _

Chuyện xưa tích cũ dưới ngòi bút của Trịnh Hoài Đức mở ra một gò Mai Khâu đất Gia Định cũ (nay là góc đường Hồng Bàng – Nguyễn Thị Nhỏ, Quận 11, TP.HCM) ngập tràn linh khí nơi gò. Mảnh đất khí thiêng bảng lảng, chuông chùa Ân Tông réo rắt giữa rừng mai, dường như còn ẩn chứa một bí ẩn cổ xưa, khi một tàn tích với những di vật lạ kỳ trong xuất lộ trong lần đào móng sửa chùa. Tấm vàng lá chạm hình bụt cổ cưỡi voi,… trong thế giới quan của con người đương thời chỉ dừng lại ở nghi vấn là một dạng bùa trấn tháp. Đầu thế kỷ 19, những người khai phá đất phương Nam dường như chưa nhận thức gì về sự tồn tại rực rỡ của một nền văn minh quá vãng ngàn năm trên chốn này.

Một thế kỷ sau, chẳng chờ đến tay người đào bới, vàng cổ lần nữa trồi lên vùng đồng bằng trù mật sông Cửu Long theo cơn cuộn trào khi con nước về. Vàng vụn, vàng tấm, vàng trang sức xuất lộ ồ ạt. Rỉ rả theo đó là những lời truyền ngôn, về một “cánh đồng vàng”, đêm đêm tỏa sáng như đom đóm trên nền ruộng mờ sương phía đông sườn núi Ba Thê, Óc Eo, An Giang. Chuyện những người nông dân nhiều lần vô tình nhặt được trang sức cổ quý giá khi đang làm ruộng dẫn dụ cả đoàn người ào ạt ùa tới đào bới, kiếm tìm bằng được cái vận đổi đời trên kho báu cổ nhân.

Những cánh đồng bị cày xới, hằng hà sa số vàng cổ bị  nung chảy tại chỗ trong những cuộc giao dịch không tên. Mãi đến những năm 1938 – 1942, khi nét cọ khảo cổ của người Pháp bắt đầu quét đi lớp trầm tích ngàn năm, một nền văn hóa khảo cổ chính thức hiển lộ trên bản đồ Việt Nam. Hàng ngàn di tích và hiện vật lần nữa đón nắng mặt trời,  minh chứng cho sự tồn tại của một nền văn minh cổ xưa, một thời phồn vinh và rực rỡ như kho tàng nó để lại. Nó được đặt theo tên của cánh đồng mà vàng cổ ồ ạt xuất thế năm xưa – văn hóa Óc Eo.

Từ đó đến nay, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu đa diện về văn hóa Óc Eo của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Các hoạt động khảo cổ, nghiên cứu dựa trên các di tích, di vật nằm sâu dưới lòng đất, song song cùng việc tra cứu thư tịch cổ Trung Quốc, đã dần vén tấm rèm thời gian, mở ra bức tranh ngày càng minh định về văn hóa Óc Eo. Nền văn hóa này được xem là dấu vết vật chất của vương quốc Phù Nam, một trong những đế quốc cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 1, đầu thế kỷ thứ 2, tồn tại rực rỡ đến thế kỷ thứ 7 trước khi suy vong hoàn toàn.

Thời gian tồn tại của Phù Nam là hữu hạn, nhưng điểm khởi phát và tiếng vọng của văn hóa Óc Eo dường như là vô biên. Đã ngân từ buổi hoang sơ của hàng ngàn năm trước…

Trang sức Óc Eo

Khoảng 3000 năm trước, đồng bằng sông Cửu Long được hình thành bởi quá trình bồi lắng của dòng Mekong và bao phen biển tiến, biển thoái. Sự vận động vô biên của vỏ Trái Đất đã hình thành nên một vùng châu thổ nóng ẩm, sình lầy, đất thấp nhưng phì nhiêu. Khí hậu và địa mạo dung dưỡng vạn vật sinh sôi, nở ra một nền văn minh đô thị – thương mại rực rỡ từ những thế kỷ đầu Công nguyên.

Từ rất sớm, mảnh đất phương Nam đã hội tụ nhiều nhóm tộc khác nhau. Nam Đảo là lớp người đầu tiên mở đất lập nghiệp. Sau đó, họ tiếp xúc và cộng cư với những yếu tố nhân chủng khác nhau, kết tụ nên một cộng đồng cư dân Óc Eo, cùng dựng nên vương quốc Phù Nam hùng mạnh.

Sinh tồn trên một vùng trũng thường xuyên đón nhận con nước về, cư dân Óc Eo chủ yếu sống trên nhà sàn. Có dấu tích của kiến trúc gạch ngói, nhưng có lẽ đó là công trình tôn giáo kiên cố tọa lạc trên gò cao. Cư dân Óc Eo thậm chí đã biết cải tạo môi trường tự nhiên vốn sình lầy ẩm thấp, khi đắp đất thành các gò rộng hàng hecta, làm nền móng cho kiến trúc đền thờ hay khu mộ táng.

Trên những đầm lầy, người Óc Eo trồng lúa nước, lấy cơm là lương thực chính, bên cạnh các loại thịt rừng, hải sản, thú nuôi và các loại rau củ. Phương thức canh tác nông nghiệp đã thoát khỏi tình trạng tự phát, có tính cộng đồng, có tổ chức quy mô rộng lớn trên toàn miền Tây Nam Bộ từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Đô thị Óc Eo được hình thành từ một xã hội nông nghiệp lúa nước với hệ thống kênh đào hỗ trợ như thế.

Chức năng của hệ thống kênh đào không chỉ là tưới tiêu, thoát nước cho đồng bằng ngập nước mà còn phục vụ hữu hiệu cho việc đi lại. Hoạt động khảo cổ đã tìm những con thuyền được thiết kế riêng cho việc di chuyển trên những dòng kênh cạn lòng. Bên cạnh việc di chuyển bằng thuyền trên kênh đào vào biển, cư dân Óc Eo cũng cưỡi voi, ngựa và có thể cả trâu bò khi đi lại bằng đường bộ.

Những di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Óc Eo được tìm thấy đến nay, phần lớn được phân bố ở các điểm tụ, đầu mối của những tuyến giao thông và được nối liền với nhau bằng những đường nước cổ tạo thành một hệ thống đường thuỷ rộng lớn trên phần châu thổ phía Nam sông Hậu. Một địa mạo như vậy dường như phảng phất những mảnh đời suốt kiếp phiêu bạt trên thuyền bè, ngược xuôi trên những kênh rạch buôn bán và đánh bắt thủy sản.

Sinh hoạt trong những đô thị cổ, diện mạo của cư dân Óc Eo cũng mơ hồ được phác lại qua hình ảnh tàn đọng trên di vật cũng như miêu tả của những thư tịch cổ. Nơi đó, phụ nữ Óc Eo mặc váy dài, thân trên để trần hoặc phủ kín. Đàn ông đóng khố ngắn, để trần. Cả nam lẫn nữ đều đeo nhiều bùa đeo và đồ trang sức.

Trang sức Óc Eo
Trang sức Óc Eo

2. Đa dạng loại hình trang sức Óc Eo

Trang sức Óc Eo
Trang sức Óc Eo

Người Óc Eo đặc biệt chuộng trang sức, đeo trang sức như là phục sức. Họ đeo trang sức lên tay, tai, cổ và cả trên đầu. Nếu cư dân tiền Óc Eo, cũng như bao cư dân nguyên thủy khác, sử dụng đá, xương để làm đồ trang sức, thì về sau, sự phân tầng xã hội Óc Eo được thể hiện rõ rệt trên chất liệu và kiểu dáng. 

Trang sức đối với người Óc Eo không chỉ là sự theo đuổi cái đẹp, mà còn là lời tỏ bày phú quý, khẳng định quyền lực. Nhu cầu thể hiện của chủ nhân khiến trang sức Óc Eo phong phú về chủng loại, đa dạng về chất liệu từ vàng, đồng, thuỷ tinh, đến đá quý… 

Trong số đó, người Óc Eo đặc biệt chuộng vàng và sở hữu nhiều vàng. Các dạng thức trang sức bằng vàng Óc Eo cực kỳ phát triển, được chế tác cầu kỳ hơn các khu vực lân cận. Vàng được gia công thành đủ loại: lá dát mỏng có khắc hình tượng Phật, tượng thần, chim, thú, cá; nhẫn, vật đeo, khuyên tai…

Sau hàng loạt những cuộc khai quật, vẻ đẹp của trang sức Óc Eo hiển lộ rực rỡ trong muôn hình vạn trạng hiện vật. Trang sức được tìm thấy tập trung chủ yếu ở những di tích cảng thị và thánh tích tôn giáo với số lượng lớn, nhiều loại hình trên những chất liệu khác nhau. Chỉ riêng kho tàng khổng lồ hiện vật được công bố lần đầu tiên bởi L.Malleret – với 1.062 hạt ngọc, 1.311 di vật vàng nặng tới 1.120 gram – đã cho thấy đồ trang sức chính là bản sắc, là tinh hoa nở rộ trên đời sống vật chất và tinh thần của cư dân cổ trên đất phương Nam.

Sau này, người Óc Eo sử dụng trang sức không chỉ để điểm tô mỹ mạo, phô bày địa vị mà còn để bộc bạch tín ngưỡng và phụng sự tôn giáo của mình. Sự hiện diện của trang sức Óc Eo, trong muôn màu, trong vạn vẻ, như là dấu chỉ của trình độ phát triển và phân hóa xã hội. Nó là phản ảnh của tư duy thẩm mỹ nhiệt đới rực rỡ phồn hoa, cũng là dư âm mà đời sống tâm linh từ ngàn xưa vọng lại.

Lại nói đến miếng vàng chạm bụt cổ cưỡi voi đào được dưới nền chùa Ân Tông trong ghi chép của Trịnh Hoài Đức. Sau này, cùng với những đối chiếu khảo cổ, nó được nhận định là một trong những vết tích vật chất của văn hóa Óc Eo.

Theo kiến giải của nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret, công bố trong tập sách L’archéologie du Delta du Mékong những năm 1959 – 1963, bụt cổ cưỡi voi rất có thể là hình tượng Indra cưỡi voi trắng Airavata thần thoại Ấn Độ Giáo. Một dấu chỉ tôn giáo, trong hàng ngàn dấu chỉ tôn giáo dựa trên hình hài của trang sức Óc Eo. Càng tìm tòi và đọc vị những dáng hình ấy, lại càng sâu lắng và minh định dáng dấp linh hồn của những cư dân thuộc về ngàn năm quá vãng trên đất phương Nam.

(Còn tiếp)

Thiết kế và dàn trang : Nhím

Chia sẻ câu chuyện này
Trang sức Óc Eo
Share