[Truyện ngắn] Quận chúa lưu lạc

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
[Truyện ngắn] Quận chúa lưu lạc
Quận Chúa lưu lạc

– Bắt hết! Không để sót một tên giặc Mạc nào!

Giọng Trịnh Tùng sang sảng. Mạc Ngọc Liễn đã có một nỗ lực cuối cùng là cắm cọc nhọn ở cửa sông Hát và dàn thuyền ra để chặn bước tiến của quân Lê – Trịnh. Thế nhưng, cố gắng thất bại. Bắc triều tan vỡ và Nam triều kéo đến sát kinh thành. Đó là năm 1592, Thăng Long thất thủ. Sau hơn 60 năm, họ Lê đã chiến thắng họ Mạc để trở lại ngai vàng. 

Hôm ấy là một ngày tháng chạp. Mạc Thị Giai nấp trên tán cây kín đáo đằng xa, nhìn về kinh thành khói lửa.

– Hết rồi, Mạc triều chúng ta chấm dứt rồi em…

Một nỗi buồn vô hạn dâng tràn trong lòng cô bé 15 tuổi. Mạc Thị Giai kéo em gái vào lòng. Cả hai ôm nhau ngồi khóc. Nước mắt hoà vào tiếng mưa sầu thảm ngoài kia. Mạc Thị Lâu mếu máo:

_Chị ơi, em muốn về nhà….

– Mình còn nhà đâu mà về?

Thị Giai đưa tay chùi má em gái, nói tiếp:

– Đi, bọn mình đi về Nam thôi.

– Tới đâu chị?

– Thuận Hoá. Ở đó an toàn hơn.

Quận Chúa lưu lạc

Hai đứa trẻ là con gái của Khiêm vương Mạc Kính Điển. Lớn lên trong nhung lụa, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, nhưng Mạc Thị Giai hiểu rằng thời thế đã thay đổi, cô buộc phải làm chỗ dựa cho em gái rong cuộc chiến sinh tồn này. Bấy giờ, họ Mạc tản mác mỗi người một ngả, hai cô bé chẳng biết phải bấu víu vào đâu. Thị Giai trét bùn lên mặt em gái cho lem luốc, đưa tay vò đầu cho rối tóc, rồi dặn:

– Hai chị em mình giả làm ăn mày. Nếu lỡ gặp lính Trịnh giữa đường, em cứ giả vờ câm nhé. Còn lại để chị lo.

Dứt lời, cô cũng làm tương tự như vậy. Xong xuôi, quyến luyến nhìn lại kinh thành Thăng Long lần nữa, họ dắt tay nhau ra đi. Hai cô quận chúa nhỏ của một vương triều đã mất, từ giã cung vàng điện ngọc, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu gian khổ về phương Nam trong một ngày mưa như trút nước.

– Chị ơi, đói quá…

– Để chị đi xin.

Mạc Thị Giai đánh bạo đến nhà một người dân, nhưng gọi hoài không thấy ai thưa. Cô khẽ đẩy cửa bước vào. Có lẽ chiến tranh đã lan đến vùng này và chủ nhà đã di tản từ trước. Bếp lửa nguội ngắt từ lâu. Cô bé loay hoay nhóm lò. Khi củi bắt đầu cháy, cô kéo em gái vào sưởi.

– Ngồi lại gần đây cho ấm.

– Dạ.

Bé Lâu mệt quá nên nằm thiếp đi trong căn bếp ngổn ngang đầy bụi. Thị Giai buồn bã nhìn em, mới mấy ngày trước còn chăn ấm nệm êm. Vậy mà…

– Có trứng gà, có rau trong vườn và một ít gạo. May quá.

Mạc Thị Giai là người cùng quê với hai danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông về sau. Từ bé, cô đã rất rành về y học cổ truyền. Quận chúa lẩm bẩm:

– Dùng ngũ cốc làm chất dinh dưỡng, dùng ngũ quả làm chất bổ trợ, dùng thịt năm loài gia súc làm chất bổ dưỡng, dùng năm loại rau để cho thêm đầy đủ.

Và bắt tay vào chế biến. Bữa tối tuy đơn sơ nhưng tuyệt ngon. Nhìn bé Lâu liếm sạch chiếc bát mẻ mà Thị Giai vững dạ hơn. Hồi trước nó kén lắm, may mà hôm nay ngoan ngoãn ăn hết. Đường còn dài đằng đẵng, không ăn làm gì có sức mà đi. Hai chị em ăn no bụng rồi ôm nhau ngủ. Sáng hôm sau, Thị Giai vét chút lương thực còn sót lại trong nhà cho vào túi vải rồi lên đường. Ngày đi đêm nghỉ, ít lâu sau đã tới Thanh Hoá.

– Cẩn thận, đất nhà Lê đấy. Bọn mình không nên đi vào trong phố thị.

Thị Giai nắm tay em rẽ vào đường khác. Bấy giờ đã quá trưa, trước mặt cả hai là một dòng sông trong veo. Đáy sông lẫn lộn nhiều sỏi tròn trông rất đẹp. Trên sông bắc ngang một cây cầu hình cánh cung, trên cầu là nhà. Bé Lâu reo lên:

– Cái giếng này đẹp quá chị ơi. Có sen thả bên dưới nè!

Quận Chúa lưu lạc

Thị Giai ngẩn ngơ:

– Sao giữa rừng núi lại có phế tích này?

Trước mặt hai chị em là một ngôi thành nguy nga tráng lệ nhưng vắng vẻ, dường như đã lâu không ai ghé qua. Thị Giai dắt em vào bên trong. Vừa bước qua cổng đã thấy con nghê bằng đá. Ánh mắt xám đục của nó như dò hỏi rằng chị em nhà ngươi có biết đang bước vào chốn nào không? 

– Sợ hả?

– Một chút ạ…

Hai hình bóng bé nhỏ lọt thỏm giữa công trình kiến trúc đồ sộ và thần bí này. Tiếng chân hai đứa loạt xoạt trên lá khô phủ đầy sân. Đằng kia là tòa chính điện. Hai bên lối đi trang trí hình rồng tạc tròn, thân uốn khúc khắc hoa văn ngọn lửa, trên đầu có bờm, mép rồng trang trí râu xoắn, dưới cằm có râu dài hình vặn thừng, tay rồng giống bàn tay người, phần dưới đặt trên một viên ngọc. Cả một không gian rộng lớn toát lên vẻ thâm u cao cả, khiến bất cứ ai đặt chân đến đều không khỏi nể sợ.

– Tối nay mình trú ở đây.

– Nhỡ có ma thì sao?

– Hồi ở nhà, mày sợ chị hơn sợ ma mà.

Thị Giai cười rồi nhéo mũi cô em. Tự nhiên nói câu đó xong, lòng Mạc Thị Giai chùng xuống. Nhớ nhà, nhớ cha mẹ quá. Đêm cuối năm ở miền Bắc trời tối mau lắm, chẳng mấy chốc cả khu chính điện chìm trong bóng đêm. Thị Giai nổi da gà khắp mình. Cô thắp mấy ngọn nến vừa tìm được ban chiều. Ánh sáng ấm áp bừng lên một góc điện thờ.

– Khi nào mình mới đến Thuận Hóa?

– Đây là Ái Châu rồi, đến Hoan Châu, qua Bố Chính, vượt sông Linh Giang là sẽ đến.

– Xa dã man thật í.

Rồi hai quận chúa trò chuyện, đùa giỡn. Giọng nói lanh lảnh trong veo xoá tan không khí âm u tịch mịch. Đã mấy ngày rồi bọn nhỏ mới cảm thấy an toàn, tạm quên đi đau khổ của thế giới ngoài kia. Sau khi nhai ít lương khô cho chắc dạ, Thị Giai thổi nến rồi thì thầm:

– Dù sao cũng cám ơn trời Phật đã cho chị em mình chỗ ngủ đêm nay.

Một canh. Hai canh. Rồi ba canh. Bỗng một cơn gió mạnh thổi thốc vào bên trong điện. Thị Giai lạnh run, hé mắt nhìn sang thì thấy Thị Lâu vẫn ngủ ngon, hơi thở đều đặn. Thị Giai ngồi dậy định đi đóng cửa. Độ ngột, cô nghe một giọng đàn ông cất lên. Giọng nói uy quyền nhưng xa xôi như từ cõi âm vọng về:

– Dòng giống ngụy Mạc mà dám đến đây ư?

Quận Chúa lưu lạc

Thị Giai giật mình quay sang, run run khi nhìn thấy một người trung niên thân hình khôi vĩ, tay cầm gươm bén, mặc long bào đứng giữa chính điện. Gió vẫn thổi, các bức mành lay phất phơ. Kỳ lạ là mái tóc và chiếc áo của người đàn ông đó không hề động đậy chút nào. Cứ như các đợt gió không chạm được vào chúng. Cô bé lắp bắp:

– Người là…?

– Lê Thái Tổ!

Vừa nghe đến đó quận chúa liền quỳ xuống:

– Bệ hạ anh minh. Chúng con không biết nên đã mạo phạm nơi này.

Lê Thái Tổ nghiêm khắc:

  • – Mạc Thúy bán nước cho giặc Minh. Đến Mạc Đăng Dung thì giết vua cướp ngôi. Đó là tội tru di cửu tộc!

Quận chúa Thị Giai im thin thít. Mặt rồng đanh lại, tay nắm thanh gươm run lên. Lê Thái Tổ đứng như vậy hồi lâu, như đang cố gắng kiềm chế cơn giận. Bỗng, vua thở dài:

  • – Nhưng xét thấy hắn không tru diệt dòng dõi của ta, con hắn lại một lòng mong muốn quốc thái dân an, nên ta cũng không nỡ tận diệt dòng dõi hắn.
  •  
  • – Đội ơn bệ hạ…
 
Bấy giờ, Lê Thái Tổ mới bước lại gần. Hình bóng ngài sừng sững, tỏa ra sức áp chế kinh hồn. Khí thế của người đàn ông năm xưa đánh thắng giặc Minh, gây dựng triều đại là đây sao? Thị Giai kéo sát em gái lại gần, ôm chặt. Ngài nhìn xuống, nói:
  •  
  • – Hai ngươi còn nhỏ, ngây thơ vô tội, không đáng nhận cái chết thảm khốc. Nay lại có duyên ghé Lam Kinh, nơi ta an nghỉ. Vậy sáng mai hãy đến Vĩnh Lăng quét dọn cho ta để tỏ lòng thành với hoàng triều.
  •  
  • – Thần sẽ làm theo lời rồng.

Vua nói xong phất tay áo biến mất. Thị Giai choàng tỉnh, mồ hôi đầm đìa. Trời đã ngả hừng đông. Nhớ lời vua dặn, cô tìm đến Vĩnh Lăng. Phía trước có hai hàng tượng quan hầu và tượng các con giống tạc bằng đá dựng ở đây để trấn, bốn đôi con giống đối nhau theo thứ tự hai nghê, hai ngựa, hai tê giác, hai hổ. Giữa hai hàng tượng chầu vào là một lối đi rộng gọi là đường thần đạo. Lăng mộ hoàng đế thật giản dị, gần gũi song rất tôn nghiêm và trang trọng. Hai chị em quét dọn lá khô, lấy nước sông ngọc lau rửa, rồi dập đầu trước linh cữu Lê Thái Tổ.

Từ đó trở đi chuyến xuôi Nam hoàn toàn bình an vô sự, cả hai thiếu nữ Mạc triều tuy rách rưới, nhưng đều khoẻ mạnh khi đến được sông Linh Giang. Người lái đò tốt bụng hỏi:

  • – Hai đứa đi đâu? Có người thân bên đó chứ?
  •  
  • – Dạ có, bao tiền hả bác?
  •  
  • – Thôi, nhìn mấy đứa tội nghiệp bác không lấy tiền. Lên đò đi.

Sau nửa canh giờ, đò cũng cập bến bờ Nam. Hai quận chúa lễ phép cúi chào bà cụ lái đò thân thiện rồi đặt chân vào vùng đất mà sau này người ta gọi là xứ Đàng Trong. Thời gian đầu trên quê hương mới, chị em cô náu thân ở chùa Lam Sơn, Quảng Trị, tụng kinh niệm phật ít năm. Cho đến một hôm…

  • – Ủa, có phải hai đứa đó không?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dương đi chùa, tình cờ thấy hai đứa cháu của mình thì ngạc nhiên khôn xiết. Mạc Thị Giai mắt đỏ hoe:

  • – Bọn con lưu lạc, không nhà không cửa, nên trôi dạt tới đây.
  •  
  • – Đi theo thím. Chú bọn mày chắc mừng lắm đây!

Thì ra ông Mạc Cảnh Huống đã vào Nam từ trước khi Thăng Long sụp đổ và giúp việc cho Tiên chúa Nguyễn Hoàng. Nghe tin mấy đứa cháu còn sống, ông ba chân bốn cẳng chạy ra đón.

  • – Trời ơi, khổ thân cháu tôi!

Rồi vợ chồng họ đưa hai chị em vào cung. Mạc Thị Giai được gặp gỡ Nguyễn Phúc Nguyên cũng vào dịp đó. Chàng thế tử trẻ tuổi khôi ngô lập tức phải lòng cô quận chúa xinh đẹp. Sau thời gian tìm hiểu, họ quyết định se duyên. Mạc Thị Giai cuối cùng đã tìm được bến đỗ đời mình.

Quận Chúa lưu lạc

Ở đây người viết xin kể sơ qua gia phả của ngũ đại gia tộc trong trò chơi vương quyền Game of Thrones phiên bản Việt Nam:

. Nguyễn Kim đẻ 3 người con: Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng, và Nguyễn Thị Ngọc Bảo.

. Nguyễn Thị Ngọc Bảo lấy Trịnh Kiểm, sinh ra Trịnh Tùng là chúa Trịnh đầu tiên.

. Nguyễn Hoàng có con trai Nguyễn Phúc Nguyên lấy quận chúa Mạc Thị Giai. 

. Con gái Nguyễn Phúc Nguyên lấy quận mã Mạc Cảnh Vinh.

. Nguyễn Huệ lấy Lê Ngọc Hân, Nguyễn Ánh lấy Lê Ngọc Bình, là 2 công chúa con hoàng đế Lê Hiển Tông. Định mệnh đưa đẩy hai kẻ thù không đội trời chung thành anh em cột chèo.

. Nguyễn Nhạc gả con gái cho chúa Nguyễn Phúc Dương.

Nên nói chung Lê – Mạc – Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn có cây gia phả quấn chặt với nhau, và đều là người nhà hết… 

Lại nói sau khi Mạc Thị Giai và Nguyễn Phúc Nguyên thành hôn thì hai vợ chồng bước vào một cuộc chiến mới: Trịnh Nguyễn phân tranh. Họ Mạc và họ Nguyễn phải dựa vào nhau để chống lại thế lực đáng sợ đến từ phương Bắc. Người Bồ Đào Nha  luôn tán thưởng rằng quân đội chúa Nguyễn sở hữu những xạ thủ giỏi. Đây là lý do tại sao họ luôn giành ưu thế trong các màn đối đầu liên tiếp với chúa Trịnh trong cuộc chiến rạch đôi sơn hà.

Với lực lượng quân sự cực kỳ nhanh nhẹn và đông đảo, chúa Đàng Trong đã giữ vững được kỷ cương trong sự thịnh vượng, an ninh và được thần dân kính phục. Sự hùng mạnh của quân đội Đàng Trong hiển nhiên có sự đóng góp hết sức to lớn của tổng chỉ huy Mạc Cảnh Huống. Ông cũng là tác giả cuốn Binh thư trận đồ mà nay đã thất truyền.

Từ khi tiếp quản cơ nghiệp của cha mình, Nguyễn Phúc Nguyên bận trăm công nghìn việc, dù vậy luôn có hoàng hậu Mạc Thị Giai ở bên. Giang hồ có nói, nữ nhân: tốt thì là nương tử, không tốt thì là… sư tử. Bà thông mẫn dịu dàng, lời nói cử chỉ đều có khuôn phép, chúa rất yêu thương. Người ta bảo con đường ngắn nhất để đi đến trái tim là thông qua dạ dày. Dù là mẫu nghi thiên hạ Nam Hà, bà vẫn tự tay nấu ăn cho chồng.

Chúa không tiếc lời khen ngợi dành cho người bạn đời của mình. Mạc Thị Giai đem hết kiến thức nấu ăn từ Đàng Ngoài đem vào Đàng Trong. Bà suy nghĩ:

– Thức ăn phòng và chữa bệnh mới là loại thuốc tốt nhất.

Đối với bà, ngon thì chưa đủ mà còn phải bổ nữa. Bà rất quan trọng đến màu sắc thực phẩm nên bất cứ món nào bà nấu cũng lấp lánh như bảy sắc cầu vồng, từ màu trắng của giá, màu xanh của rau, đến màu vàng đu đủ, màu đen của tiêu. 

– Ta nên chia thức ăn theo khí và vị nữa. Như khí có năm loại lạnh, mát, thường, ấm và nóng. Còn vị thì chua, đắng, mặn là âm, trong khi cay, ngọt, nhạt là dương.

Xứ Đàng Trong hầu như nóng quanh năm, lại lắm hiểm hoạ như rắn độc, côn trùng, thú dữ, nên Mạc Thị Giai vô cùng quan tâm đến ăn uống. Người dân làm theo lời dặn của bà, sáng tạo nên cả một thế giới ẩm thực khác hoàn toàn với Đàng Ngoài, trong đó nổi tiếng nhất là nền ẩm thực đồ sộ của Huế. Người ta suy tôn hoàng hậu Mạc Thị Giai là bà tổ nghề bếp phương Nam. Con cái bà thì nhiều, nhưng nổi tiếng nhất là chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan.

Quận chúa Mạc Thị Lâu lấy Quốc sư Võ Quới Công, làm việc tại phủ Chúa, là thầy dạy các thái tử của chúa Nguyễn. Cuối đời hai người từ giã cung vàng điện ngọc, lui về sống cảnh điền viên tại chùa Bảo Châu Sơn và qua đời an lành tại đây.

Quận Chúa lưu lạc

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share