Thăng Long xưa nổi tiếng với danh xưng 36 phố phường. Mỗi phố chuyên biệt một nghề. Tuy nhiên dưới sự vận động không ngừng của thời cuộc. Mỗi phố phường theo thời gian không còn kinh doanh một loại hàng hóa chuyên biệt như trước. Hàng Trống là một trong những con phố tiêu biểu của hiện tượng trên. Danh xưng là Hàng Trống nhưng tại đây không chỉ làm mỗi trống…
Rất khó xác định thời điểm chính xác cho sự ra đời của Hàng Trống, dù nó là một địa danh nổi tiếng ở Hà Nội. Con phố này tọa lạc tại khu phố cổ Hà Nội, khởi đầu từ cuối Hàng Gai và kết thúc tại giữa Lê Thái Tổ. Thực chất, Hàng Trống là một con phố được hình thành dựa trên quá trình đô thị hóa một chuỗi các thôn làng có từ trước đó xung quanh kinh thành Thăng Long. Tại những thôn làng này, người dân đều có riêng cho mình những kỹ nghệ mưu sinh chuyên biệt. Vì lẽ đó, phố Hàng Trống về sau không chỉ đơn thuần là con phố làm một nghề.
Nguồn gốc cái tên Hàng Trống vốn xuất phát từ mặt hàng kinh doanh của những hộ dân đầu con phố và trở thành tên gọi chính thức sau Cách mạng Tháng Tám. Vào thời Pháp, phố có tên là Thợ Thêu (Rue des Brodeurs), sau này chính quyền thực dân dần đổi sang cách gọi Hàng Trống (Rue Jules Ferry).
Theo đó, ngày xưa, dân làng Liêu Thượng (Yên Mỹ, Hưng Yên) đã đến đây định cư và mở hàng bán trống tại nơi đây. Họ sản xuất và phân phối rất đa dạng các loại trống, từ trống con, trống cơm cho đến những loại như trống cái, trống bồng, trống bàn,… Tuy vậy, thời điểm họ đến lập nghiệp tại phố Hàng vẫn chưa thể xác định. Khả năng cao rơi vào khoảng thời Hậu Lê, giống như nhiều phố Hàng khác ở Thăng Long.
Như đã trình bày, tại Hàng Trống, người dân làm nhiều nghề khác nhau. Chẳng hạn ở đoạn giữa của phố, các hộ dân chuyên nghề làm lọng. Những người này nguyên là cư dân ở làng Đào Xá (Thường Tín, Hà Tây) di cư đến kinh thành lập nghiệp.
Ở nước ta, mỗi khi nhắc đến nghề làm lọng thì không thể không nhắc đến sự tích về tổ sư Lê Công Hành. Ông là quan thời Hậu Lê. Tương truyền trong một lần đi sứ sang Trung Hoa, ông đã học được kỹ nghệ làm lọng và đồ thêu. Sau đó, ông trở về Đại Việt và truyền nghề này cho dân chúng. Dân chúng tưởng thưởng công lao mà suy tôn ông làm tổ sư nghề thêu. Tại Hàng Trống, những nghệ nhân chuyên chế tác các loại lọng, tán rồi bán lại cho các quan lại và triều đình.
Bên cạnh làm trống và làm lọng, người dân ở Hàng Trống còn làm một số nghề khác như khảm trai, khảm ốc, đồ thêu,… Nhưng kỹ nghệ nổi tiếng nhất ở nơi đây chính là nghề làm tranh. Tranh Hàng Trống từ lâu đã là một mặt hàng nổi tiếng trong và ngoài nước. Cùng với tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), đây là một trong những lò tranh tiêu biểu của dòng tranh dân gian truyền thống Việt Nam.
Lịch sử ra đời của tranh Hàng Trống đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Nhưng tựu trung, các nhà nghiên cứu đều nhận định rằng tranh Hàng Trống có thể đã xuất hiện vào thế kỷ 16, thời điểm được cho là khởi đầu của nhiều làng nghề thủ công tại Việt Nam. Tranh Hàng Trống nguyên là kỹ nghệ thủ công của dân làng Tự Tháp (nay là một phần của phố Hàng Trống). Người dân làng Tự Tháp ngày xưa nổi tiếng với sản phẩm tranh dán tường về các chủ đề thờ cúng trong dân gian. Hoàng Sĩ Khải – đỗ tiến sĩ nhà Lê năm 1544 đã có những mô tả về tục dán tranh tường của người dân Thăng Long trong tác phẩm Tứ khúc thời vịnh như sau:
“Chung Quỳ khéo vẽ nên hình
Bùa đào cấm quỷ, phong linh ngăn tà…
[…]
Tranh vẽ gà, cửa treo thiếp yểm
Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương…”
Tranh Hàng Trống được sản xuất với mục đích chủ yếu là làmg (chủ yếu là tranh thờ Đạo Mẫu) và tranh Tết. Vì lẽ đó, nội dung tranh thường xoay quanh hai chủ đề chính, bao gồm những hình tượng uy nghi như tranh Mẫu Liễu Hạnh, Ngũ hổ, Bạch hổ; những hình tượng anh hùng như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Bà Triệu,… và những hình tượng trang trí mang hàm ý cát lộc như tranh Tứ bình, Chúc phúc, Tứ quý,….
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng, tranh Hàng Trống là một sản phẩm thể rõ rệt sự ảnh hưởng và giao thoa của các trào lưu tư tưởng, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng vùng miền. Trong tranh Hàng Trống, chúng ta dễ dàng bắt gặp những chi tiết thể hiện sự kết hợp giữa Phật giáo và Nho giáo. Bên cạnh đó là phong cách tạo hình nhân vật, trang phục, quy tắc bày trí đều chịu những ảnh hưởng từ những chất liệu văn hóa dân gian; phong cách điêu khắc, tạo tác ở các đình chùa Bắc Bộ giai đoạn từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, tranh Hàng Trống còn nổi bật với những kỹ thuật trong đường nét hội họa, những tông màu vẽ tươi sáng, đường nét mềm mại, uyển chuyển kèm theo những vần thơ gợi tả và hàm súc. Những yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên vẻ đẹp hài hòa và không kém phần linh thiêng của tranh Hàng Trống.
Về kĩ thuật, tranh Hàng Trống có một số điểm tương đồng với tranh Đông Hồ khi đều là những dòng tranh được khắc in trên ván gỗ. Tuy nhiên, ở Hàng Trống, người ta chỉ dùng ván khắc để in những nét vẽ chính. Sau tranh được in ra, các nghệ nhân sẽ tiến hành công đoạn bồi giấy. Tùy vào từng tác phẩm cụ thể mà người nghệ nhân sẽ quyết xem tranh sẽ có bao nhiêu lớp giấy bồi. Do đó, có những bức tranh chỉ có 1 lớp giấy bồi nhưng lại có những bức có đến 3-4 lớp giấy bồi.
Sau công đoạn bồi giấy thì sẽ đến công đoạn vẽ màu. Màu sắc của bức tranh sẽ được người thợ tô vẽ bằng tay thay vì in ván màu như tranh Đông Hồ. Vì lẽ đó nên ở tranh Hàng Trống các bảng màu có sự đa dạng hơn so với tranh Đông Hồ và một số dòng tranh dân gian khác.
Tranh Hàng Trống phát triển đến đỉnh cao vào khoảng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Trong những thập kỷ tiếp theo, tranh Hàng Trống bắt đầu bước vào thời kỳ xuống dốc. Nguyên nhân đến từ những thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội và dân cư. Những yếu tố văn hóa mới xuất hiện và thay thế các thành tố văn hóa cũ. Những sự biến động thăng trầm của quốc gia như chiến tranh, loạn lạc, đói nghèo. Tất cả những điều này khiến tranh Hàng Trống lẫn nhiều làng nghề khác khắp cả nước lâm vào cảnh suy tàn.
Tại Hàng Trống, có không ít các gia đình từ bỏ nghiệp làm tranh, chuyển sang mưu sinh bằng những nghề nghiệp khác. Nhiều nghệ nhân, làng nghề phải tuyên bố giải nghệ. Tính đến hiện tại, ở toàn Hà Nội chỉ còn lại duy nhất một gia đình còn lưu giữ kỹ nghệ làm tranh truyền thống này!
Phố Hàng Trống ngày nay vẫn là một trong những con phố nổi tiếng nhất của phố cổ Hà Nội. Tuy rằng, những kỹ nghệ tinh hoa của các làng nghề truyền thống của dân tộc đã không còn thịnh vượng như trước. Nhưng ở đâu đó của góc phố này, những kỹ nghệ ấy vẫn được gìn giữ, lưu truyền bởi bàn tay lẫn khối óc của những con người yêu di sản.