Tháng năm đằng đẵng, tượng chó đá cứ lần lượt nở rộ và điểm mặt khắp thôn xóm, đình làng, lăng tẩm đất Việt. Những bức tượng những tưởng vô tri nhưng đêm ngày bầu bạn cùng gió mưa nhật nguyệt, lắng nghe vui buồn khẩn nguyện của nhân gian, chính là chân thân của ta. Ngàn năm hấp thụ tinh hoa đất trời và niệm lực nhân gian, ta tích tụ linh tính thần hồn, trở thành thần Chó Đá canh giữ đất đai và của cải, điểm mặt trong hệ thần của người Việt.
Họ kể về sự linh ứng của ta trong câu chuyện ngụ ngôn răn dạy đức khiêm nhường. Anh học trò được đôi chó đá ở cổng đình nhổm dậy quẫy đuôi mừng rỡ, tiết lộ khoa thi này anh sẽ đỗ đạt cao. Nhưng lời phán khiến bố mẹ anh học trò huênh hoang dọa nạt xóm làng để rồi hôm sau ngang qua, đôi chó đá không vẫy đuôi nữa. Gia đình hách dịch nên Thiên Tào gạch tên, không phù trợ cho anh thi đỗ. Khóa ấy, anh thi hỏng thật. Sau này, nhờ vào sự quyết tâm và cả gia đình tu nhân tích đức, đôi chó đá lại vẫy đuôi chào mừng anh học trò trước kỳ thi sau. Quả nhiên, khóa này anh ta đỗ đại khoa.
Ta len lỏi vào tâm thức và ký ức người Việt, thoắt ẩn thoắt hiện trong chuyện kể dân gian khắp nẻo nước non. Dân làng Phục Lễ (Lương Tài, Văn Lâm) tin rằng “vật bất cổ bất linh, nhân bất cổ bất danh”. Họ tin vào sự linh ứng của ta trong đôi chó đá trấn yểm đặt ở cổng làng, tôn kính gọi là Thạch Khuyển. Để đến khi đôi Thạch Khuyển bị kẻ gian lấy mất, người dân nơi đây phải đặt mua một đôi khác thay thế vào chỗ cũ như một di vật gắn liền với đời sống của làng.
Cửa chùa Hương Kiệu (chùa Kẹo), thôn Đại (xã Phụng Công, Văn Giang) cũng từng đặt đôi chó đá. Cùng những can qua biến dời, chùa bị phá hủy, tượng chó lưu lạc nhân gian, nhưng ngày tuần hay ngày rằm vẫn có người thắp hương cho ta. Giờ chùa được trùng tu khang trang, đôi tượng của ta lại về ngồi oai vệ trước cửa mà canh giữ cõi Phật. Cụ bà thủ nhang chùa Hương Kiệu khi giới thiệu về đôi chó đá không gọi là chú, là con chó, mà gọi với giọng kính cẩn “ông Chó Đá”: “Ông thiêng lắm, trước đây có người mang về đặt ở cổng, mà gia đình lắm chuyện không hay, không dám giữ, phải mang trả về đấy”. Tín niệm của trăm ngàn người như cụ bà thủ nhang đó đã duy trì thần mệnh và thần lực cho ta.
Ghi dấu đậm sâu vào lòng người Việt, từ chỗ đứng ở cổng, ở cửa, ta đường bệ bước vào thần điện của thôn làng. Người dân làng Địch Vĩ (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) lập một bệ thờ chó đá ngay sau chùa, kính cẩn gọi là Quan lớn Hoàng Thạch – chính là nơi ta nghe được lời khẩn nguyện của người đàn ông mất chiếc thạp đồng. Dân làng gắn cho Quan lớn Hoàng Thạch có một huyền tích khá ly kì, với một thân oan khuất vì sự ghen tuông mù quáng của anh trai.
Cách đó không xa, vẫn trong huyện Đan Phượng, làng Trung Hiền (xã Thượng Mỗ) có một tượng thờ “Quan Hoàng Thạch” ở sân đình. Tuy tượng nhỏ hơn ở làng Địch Vĩ, nhưng không vì thế mà sự sùng bái của dân làng giảm bớt. Bệ thờ chó đá của ta vẫn được dân làng quanh năm khói hương thờ phụng.