Tranh thờ trong đời sống tinh thần của người Việt – Kỳ 1

Tác giả Tường Vân
Tranh thờ trong đời sống tinh thần của người Việt – Kỳ 1

Tranh thờ thuộc dòng tranh dân gian Việt Nam, được dùng trong các nghi thức cúng tế, hoặc cho mục đích trấn trạch, trừ tà, thế mạng người sống. Tuy đóng vai trò thiết yếu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt, nhưng dòng tranh thờ ít nhận được sự chú ý hơn so với dòng tranh Tết vốn mang nét tươi vui ngộ nghĩnh, đặc biệt là những bức tranh Tết của làng Đông Hồ. 

Với cá nhân người viết, tranh thờ mang dấu ấn rất riêng về mặt nghệ thuật biểu hiện lẫn chiều sâu văn hóa, hé lộ một thế giới thiêng tràn đầy màu sắc và quyền năng của cái đẹp. Hiện tại ba dòng tranh còn lưu giữ được nhiều ván khắc và tranh giấy nhất là tranh thờ Hàng Trống (Hà Nội), tranh thờ làng Sình (Huế) và tranh thờ vùng cao của người Dao, người Giáy, người Tày, người Nùng, người Cao Lan, vv… 

Cả ba dòng tranh nói trên sẽ được lần lượt giới thiệu tới bạn đọc thông qua bài viết nho nhỏ này.

Tranh thờ Hàng Trống

Cùng với làng Đông Hồ (xứ Kinh Bắc), làng Kim Hoàng (Hà Tây), thì phố Hàng Trống (Hà Nội) là một trong những trung tâm làm tranh dân gian lớn của đất Bắc, mang nét riêng độc đáo trong từng nét khắc gỗ, cách lên màu và ý nghĩa truyền tải. Trước đây, phố Hàng Trống thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long vốn là khu vực nổi danh với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như tranh vẽ, cờ, quạt, tàn, lọng, rương, hòm, tráp, vv… Bởi được các nghệ nhân làm và bày bán chủ yếu tại Hàng Trống, nên dần dà tên phố cũng trở thành tên dòng tranh, dù tranh vẫn được sản xuất nhiều ở các phố lân cận. 

Khác với tranh điệp Đông Hồ và tranh đỏ Kim Hoàng với khổ tranh nhỏ và nét vẽ giản dị mộc mạc, phù hợp với con mắt thưởng lãm của người thôn quê, tranh Hàng Trống có kích thước lớn, nền giấy sáng mịn, nét vẽ cầu kỳ bay bướm, thật đúng dòng tranh chốn thị thành. Vẻ đẹp độc nhất vô nhị của tranh Hàng Trống xuất phát từ kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tức là in khuôn tranh bằng mực đen trước rồi tô màu sau. 

Để tạo ra một bức hoàn chỉnh, đầu tiên, người thợ tranh đem con lăn quết mực Tàu lên ván khắc mẫu, rồi chập một tờ giấy lên, lấy xơ mướp xoa đều cho nét khắc nổi rõ và đem phơi cho ráo. Tiếp theo, họ sẽ bồi vài lượt giấy nhằm thêm phần chắc chắn và tăng tuổi thọ cho tranh, rồi cuối cùng mới lên màu bằng thuốc nước. 

Về màu sắc, trước khi có màu công nghiệp, các nghệ nhân đều sử dụng phẩm màu làm từ nguyên liệu tự nhiên với các dải màu chính như lục, lam, vàng, hồng, đỏ điều, hoa hiên, vv… để khi kết hợp cùng sắc đen nhánh của mực Tàu, tranh Hàng Trống luôn mang vẻ rực rỡ thắm tươi, sinh động uyển chuyển. Khi tô, người thợ tranh khéo léo nhúng một nửa ngòi bút vào màu, một nửa vào nước để tạo độ nông sâu, đậm nhạt của hình khối. Kỹ thuật tô này được gọi là “vờn màu” hoặc “cản màu”, tương tự với kỹ thuật vẽ màu nước ngày nay, khiến cho tranh Hàng Trống có chiều sâu và vẻ mơ màng khó thấy nơi dòng tranh khác. 

Ngoài ra, một số nghệ nhân dùng kỹ thuật vẽ nét phin, hay còn gọi là chuốt nét để đặc tả những mảng màu chính yếu. Để thành thục kỹ thuật chuốt nét, nghệ nhân phải lên màu dứt khoát, đưa nét nhanh và không để run tay. Với những bức tranh thờ, các nghệ nhân còn điểm thêm kim nhũ, ngân nhũ và phấn trắng làm từ thạch cao tán nhỏ vào những chi tiết cần làm nổi bật để gia thêm phần trang trọng, uy nghiêm cho hình ảnh của thánh thần. 

Tuy tranh Hàng Trống đa dạng về đề tài, nhưng tranh thờ vẫn chiếm số lượng lớn với những bức nổi tiếng như tranh Phật bà Quan Âm, tranh Ngũ hổ, tranh Tam tòa Thánh Mẫu, tranh Tứ phủ Công đồng, vv… Tranh thờ Hàng Trống có thể chia thành hai loại là tranh thờ Phật giáotranh thờ Đạo giáo. Tuy nhiên, từ quan điểm “Tam giáo đồng nguyên(1), nên một số tranh còn phối thờ cả Quan Âm cùng các vị vua cha và thánh mẫu, thể hiện niềm tin phong phú của người Việt vào cõi siêu hình. 

Ngày nay, qua nhiều biến thiên của thời cuộc, nhiều bản khắc gỗ của tranh Hàng Trống không còn. Bản thân nghệ nhân truyền đời của dòng tranh này chỉ còn lại ông Lê Đình Nghiên và con trai của ông. Dẫu vậy, hồn cốt của tranh thờ Hàng Trống vẫn còn phảng phất nơi phủ điện đền miếu, trong các viện bảo tàng, trong những bộ sưu tập cá nhân và trong tâm hồn những người yêu mến nền mỹ thuật dân gian. 

Sau đây là một số tranh thờ Hàng Trống phổ biến:

1. Tranh Tứ phủ Công đồng​

Chú thích: Tranh Tứ phủ Công đồng

Bức tranh mô tả toàn bộ hệ thống vũ trụ trong nhãn quan người Bắc, gồm bốn phủ thiên – địa – thoải – nhạc (trời – đất – nước – non), mỗi phủ là một nơi ngự trị của một đấng thần linh khác nhau. Trong tranh, ngoài các vị thánh mẫu và các nhân thần trong tín ngưỡng bản địa, còn có thêm các chư vị thuộc Phật giáo và Đạo giáo Trung Hoa được lồng ghép thờ chung. 

Nền tranh tô sắc thiên thanh, điểm thêm mây khói, hiển hiện vầng hào quang chói ngời, tạo thành một tổng thể vừa đa diện vừa tinh vi chặt chẽ, đem lại cảm giác rợn ngợp, sùng kính cho người xem. Bức Tứ phủ Công đồng không tuân theo luật viễn cận của hội họa phương Tây mà sắp xếp một cách dàn trải các thần linh to nhỏ khác nhau theo phẩm trật của mỗi vị. Đồng thời, dựa vào màu sắc của y phục, có thể thấy trừ hàng đầu tiên thờ Phật, mỗi hàng tiếp theo đều có đủ đại diện của mỗi phủ, với sắc áo đỏ hồng của miền trời, sắc vàng nơi địa phủ, sắc trắng vùng sông nước và sắc áo xanh lục chốn sơn trang. 

Ngự ở hàng trên cùng là đức Bồ tát Quán Thế âm, hai bên có Tiên ĐồngNgọc Nữ theo hầu. Hàng thứ hai là nơi dành cho Tứ Vị Vua Cha, gồm Ngọc Hoàng Thượng đế cai quản thiên phủ, Thập Điện Minh vương cai quản địa phủ, Bát Hải Long vương cai quản thoải phủ và Ngũ Nhạc Thần vương cai quản nhạc phủ. Hai vị quan đứng kế cận là Nam Tào – Bắc Đẩu

Hàng thứ ba gồm Tam tòa Thánh Mẫu, có Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng NgànThánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ.

Hàng thứ tư có Ngũ vị Tôn Quan gồm Quan lớn Đệ Nhất (áo đỏ), Quan lớn Đệ Nhị (áo lục), Quan lớn Đệ Tam (áo trắng), Quan lớn Đệ Tứ (áo vàng) và Quan lớn Đệ Ngũ (áo lam). 

Hàng thứ năm là Tứ phủ Chầu Bà, gồm Chầu Đệ Nhất (áo đỏ), Chầu Đệ Nhị (áo lục), Chầu Đệ Tam (áo trắng), Chầu Đệ Tứ (áo vàng). 

Hàng thứ sáu là Tứ phủ Thánh Hoàng, gồm ông Hoàng Cả (áo đỏ), ông Hoàng Đôi (áo lục), ông Hoàng Bơ (áo trắng) và ông Hoàng Mười (áo vàng). 

Hàng thứ bảy gồm Tứ phủ Thánh Cô bên trái và Tứ phủ Thánh Cậu bên phải, lần lượt từ cô Đệ nhất (áo đỏ), cô Đôi (áo lục), cô Bơ (áo trắng) và cô Tư (áo vàng), tới cậu Cả (áo đỏ), cậu Đôi (áo lục), cậu Bơ (áo trắng) và cậu Bé (áo vàng). 

Phía dưới cùng có hai tiên nữ chèo thuyền và ông Lốt (ông rắn) ba đầu chín đuôi được giao phó việc trấn trị bản đền, xua đuổi tà ma, đem lại điềm lành cho nhân gian.

2. Tranh Ngũ hổ

Chú thích: Tranh Ngũ hổ

Ngũ hổ là năm ông hổ được thờ dưới Ban Công đồng, gồm có:

Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Thanh Hổ thần quan: Ông hổ màu xanh lục, thuộc hành Mộc, trấn phía Đông. 

Nam Phương Bính Đinh Hỏa Đức Xích Hổ thần quan: Ông hổ màu đỏ, thuộc hành Hỏa, trấn phía Nam.

Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Hoàng Hổ thần quan: Ông hổ màu vàng, thuộc hành Thổ, trấn ở trung tâm. 

Tây Phương Canh Tân Kim Đức Bạch Hổ thần quan: Ông hổ màu trắng, thuộc hành Kim, trấn phía Tây. 

Bắc Phương Nhâm Quý Thủy Đức Hắc Hổ thần quan: Ông hổ màu đen, thuộc hành Thủy, trấn phía Bắc.

Trong tranh thờ, mỗi ông một vẻ, một thế đứng riêng nhưng đều hòa hợp với nhau, khiến bố cục bức tranh trở nên cân đối gọn gàng. Cũng như trong bức Tứ phủ Công đồng phía trên, tranh Ngũ hổ được điểm tô bằng những cụm mây bồng bềnh viền khói tỏa, thể hiện tay nghề rất cao của nghệ nhân làm tranh. Ngoài thể hiện triết lý ngũ hành thông qua hình tướng hổ, tranh còn chứa đựng các biểu tượng ma thuật của thế giới thiêng liêng

Phía trên ông hổ vàng là vầng thái dương và chòm Thất tinh Bắc Đẩu, bên tả ông là năm thanh kiếm, bên hữu ông là năm lá cờ lệnh, bên dưới là miếng phù ghi chữ Pháp đại uy nỗ (Uy lực của pháp lớn), biểu lộ quyền phép của vũ trụ biến hóa thông qua ngũ hành. Do đó khi ngắm nhìn bức tranh, người xem sẽ cảm thấy an tâm như được các ngài che chở, phù hộ cho khỏi mọi tai ương hiểm họa.

Tranh thờ làng Sình

Cách kinh thành Huế không xa là làng Sình (tên chữ là Lại Ân), thuộc thôn Phú Mậu, huyện Phú Vang, có nghề làm tranh lâu đời. Điểm khác biệt của tranh làng Sình là đề tài không phong phú như các dòng tranh dân gian ngoài Bắc, tranh làm ra chỉ phục vụ cho mục đích thờcúng

Tranh thờ vẽ lại hình ảnh của các vị thần hoặc đồ vật, con vật linh thiêng, được dán lên các trang thờ hoặc sử dụng trong các kỳ tế lễ, cầu đảo. Còn tranh cúng là những bức tranh thế mạng cho người sống, sẽ được đốt đi cùng vàng thoi tiền giấy sau mỗi lần cúng bái. Chính bởi sự tồn tại ngắn ngủi ấy, tranh làng Sình thường không có giá trị cao về mặt thẩm mỹ, các nét vẽ và cách lên màu còn ít nhiều thô sơ, không được tinh xảo.

Dẫu vậy, dòng tranh vẫn mang ý nghĩa lớn về mặt tinh thần cho người dân xứ Huế, đồng thời chứa đựng trong mình câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi(2) của những con người tiên phong. Hơn trăm năm trước, khi Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hoá, đi theo ngài là gia quyến, các thuộc hạ trung thành cùng những người dân kiếm tìm cơ hội lập nghiệp ở một vùng đất mới. 

Thuận Hóa bấy giờ còn là chốn hoang vu, đoàn người di cư thật bé nhỏ trước rừng thiêng nước độc. Bởi vậy, ở họ nảy sinh nhu cầu được nương nhờ vào thần linh nơi vạn vật để đổi lấy sự an ổn trong tâm hồn. Đồng thời, nghề làm tranh đất Bắc được đem vào Huế từ những buổi đầu mau chóng hoà trộn với nhu cầu được kết nối với thế giới siêu hình của những người con xa xứ, tạo nên dòng tranh thờ độc đáo chỉ có ở làng Sình.

Dựa vào số lượng tranh thờ còn tồn tại, có thể tạm chia nội dung tranh thành ba nhóm chính sau:

Nhóm thứ nhất: Tranh nhân vật.

Phổ biến nhất là tượng Bà(3) vẽ hình ảnh nữ thần bản mệnh của nữ gia chủ, được thờ trên trang bà. Tục xưa truyền lại, mỗi người sinh ra đều có một ngôi sao chiếu mệnh do một vị thần làm chủ, do đó khi nam nữ đến tuổi thành niên phải mời thầy bói xem bản mệnh của mình do ai phù hộ. Nam lập trang ông, nữ lập trang bà, cứ thế đều đặn cúng tế cho tới khi lên lão thì thôi. 

Qua nét vẽ các nghệ nhân làng Sình, nữ thần bản mệnh ăn mặc đẹp đẽ, cưỡi voi trắng oai nghiêm, hai bên có thị nữ cầm quạt đứng hầu, tất cả đứng trong ô hình chữ nhật có viền chữ Hán xung quanh, tượng trưng cho cửa chùa (nên còn gọi là tượng chùa). Nếu nữ thần chỉ cưỡi voi và có hai thị nữ đứng bên thì gọi là tượng ngang, hoặc không cưỡi voi mà ngồi trên đài sen, vẫn có thị nữ kề cận thì gọi là tượng đế. 

Bên cạnh tượng Bà còn có tượng Bếp (tên khác là tờ Bếp) là tranh vẽ hình Táo quân gồm bà Thổ Kỳ ngồi giữa, hai ông Thổ Địa và Thổ Công ngồi hai bên tả hữu, xung quanh có kẻ hầu người hạ và các đồ gia dụng. Tranh thờ thần còn hoạ lại một số vị thường ban phúc yểm trợ cho nhân dân như tiên sư, ông Đốc, ông Điệu, tam vị Phạm tinh, bà Thoải, vv… 

Còn tranh cúng nhân vật được gọi là con ảnh, gồm ảnh xiêm in hình đàn ông đàn bà để đốt thế mạng cho người lớn và ảnh phền in hình bé gái bé trai để đốt thế mạng cho trẻ em.

Chú thích (từ trái qua phải): Tượng đế - Tượng chùa - Tượng ngang​

Ảnh Xiêm đàn ông – Xiêm đàn bà (trái). Ảnh phền bé trai – ảnh phền bé gái (phải).

Chú thích: Tượng bếp

Nhóm thứ hai: Tranh đồ vật.

Đây là những tranh in hình các vật dụng thường ngày, các loại binh khí, và đồ hàng mã có hoa văn trang trí nhiều màu sặc sỡ.

Tranh áo quần
Tranh vũ khí

Ảnh trái: Tranh áo quần
Ảnh phải: Tranh binh khí

Nhóm thứ ba: Tranh súc vật

Chủ yếu là các tranh in hình 12 con giáp gọi là tranh thập nhị địa chi, tranh gia súc gia cầm dán nơi chuồng trại hoặc dùng trong cúng tế để cầu một năm chăn nuôi yên ổn, thú vật khoẻ mạnh, sinh trưởng nhiều. Tranh súc vật để thờ hay vẽ hình ông voi, ông cọp, được người Huế dâng cúng để chiều lòng các ông, mong các ông bớt giáng họa chốn nhân gian.

Ảnh trái: Tranh 12 con giáp
Ảnh phải: Tranh súc vật

Gần giống với cách làm giấy của dòng tranh Đông Hồ, tranh thờ làng Sình cũng dùng giấy dó quét bột điệp. Các công đoạn làm giấy pha màu có sự tham gia của hầu hết người dân sinh sống trên miền đồng bằng ra tới vùng duyên hải. Con điệp dùng để quét lên giấy là loài nhuyễn thể sống ở các vùng đầm phá nước lợ, trai tráng làng Sình đi theo hướng bờ biển Thừa Thiên – Huế đến phá Tam Giang để vớt điệp, cào điệp, đem về cho người làng giã thành bột, trộn cùng bột nếp thành hồ điệp quét lên giấy rồi đem phơi khô. Sau khi giấy khô, người thợ tranh sẽ dùng ván khắc gỗ để in nét đen, rồi mới tô màu. 

Về màu vẽ, cũng giống các dòng tranh dân gian khác, trước đây người làng Sình cũng tự tìm kiếm nguyên liệu từ thiên nhiên và pha chế thủ công. Ví như màu vàng được chế từ lá của cây đung trộn nước hoa hoè, màu đỏ được chế từ lá bàng trộn với vỏ cây phi lao, hoặc từ gỗ cây trâm nấu đặc, và màu lục thì được làm ra bằng cách sắc nước cây bông ngọt với cây mối. Các màu trầm hơn như màu chàm thì được pha từ lá tràm ngâm vôi nấu đặc, màu đen thì chế từ lá bàng quết tro được ủ kín, còn màu xám làm từ nước lá gai sắc lại. Nhìn chung, cách pha chế màu thủ công của tranh làng Sình đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và khéo tay nghề của người thợ làm tranh.

Do chiến tranh và sự thay đổi thị hiếu của người dân, tranh làng Sình từng đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn. Từ thập niên 90 tới nay, do công gìn giữ truyền thống của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cùng sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, tranh thờ làng Sình dần hồi sinh, nhưng không còn giữ được cốt cách xưa. Người dân chủ yếu chọn dùng giấy và phẩm màu công nghiệp thay cho giấy dó quết bột điệp và màu tự nhiên để làm tranh, bởi chúng tiện lợi và giúp tăng năng suất. Chỉ còn nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cùng vài hộ gia đình miệt mài theo đuổi lối làm tranh cổ, dù phải bỏ ra biết bao công phu. 

Hiện tại, ngoài những bức thờ cúng có sẵn, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước còn sáng tạo thêm chủ đề mới cho tranh, ví như bộ Bát Âm hay cảnh sinh hoạt, vui chơi trong dân gian. Những chủ đề này đã thổi một luồng gió mới vào dòng tranh cổ nên du khách cùng những người sưu tầm tranh dân gian khá ưa chuộng, đồng thời nhiều người dân cũng sắm sửa những bức tranh chủ đề mới để chơi Tết, dán trang trí nhà cửa thay vì chỉ dùng cúng kiếng và hóa vàng như trước kia. Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy dòng tranh làng Sình đã có bước chuyển mình để lan tỏa rộng hơn những giá trị văn hóa tới công chúng, dẫu cho hồn phách trăm năm của tranh đã tan biến ít nhiều.

Chú thích: Tranh Bát âm

Ôm giữ trong mình không chỉ ước nguyện gửi đến thần linh mà còn cả một lịch sử dài từ thuở mở cõi của người dân Huế, tranh thờ làng Sình rất cần được lưu trữ và ứng dụng linh hoạt hơn trong nghệ thuật tạo hình của đời sống, như cách mà dòng tranh Đông Hồ đã thành công bắt nhịp cùng thời đại trong những năm qua, để thế hệ sau biết tới và trân trọng những vẻ đẹp của một thời vang bóng.

[ Còn tiếp… ]

Chú thích:

(1) Là sự hòa hợp của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.

(2) Câu thơ trong bài “Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghê.

(3) Người dân Huế gọi tranh là tượng, hoặc tờ.

Tài liệu tham khảo

[1]. Diệp Minh Tâm, Tranh dân gian - Bài 2: Tranh Hàng Trống, trang web: https://rb.gy/vlg9o

[2]. Trần Đức Anh Sơn, Tranh làng Sình, trang web: https://rb.gy/935fw

[3]. Trần Quang Dũng, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ: Chốn thiêng nơi cõi thực, NXB. Thế giới, 2017.

[4]. Kỳ Dương Nhật Linh, Biến đổi nghề tranh dân gian làng Sình trong bối cảnh hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (156), 2020.

[5]. Trang web: https://tranhhangtrong.vn/[6]. Việt Trang, Tranh dân gian Hàng Trống: Nét đẹp xưa cũ của người Hà thành, trang web: https://rb.gy/ua8uo

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế Minh Hiếu

Share