Chiêu Thống đang bận bịu với nghi lễ đón tiếp ấn An Nam quốc vương mà vua Càn Long ban cho, thay cho quả ấn cũ của các đời vua trước. Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, quả ấn đã bị mất. Một số người đổ lỗi cho Nguyễn Nhạc đã lấy ấn đó, trong khi một số người khác đổ cho chúa Trịnh Tông đã làm mất ấn trong cơn loạn lạc. Bản thân Lê Quýnh cũng được vua Thanh ban cho chỏm mũ, đai và chức Tổng binh.
Trên thực tế, vua Chiêu Thống có sai Lê Quýnh lo việc huy động lương thực để dùng khi phát binh đánh Tây Sơn. Nhưng một bề tôi nhà Lê khác là Đinh Nhạ Hành phàn nàn rằng cả Chiêu Thống lẫn Lê Quýnh đều không chú tâm đến việc ấy. Cả hai người đều cho rằng Tây Sơn đã lui, không còn là hậu hoạn, nên “ngày đêm chỉ tụ tập nơi màn trướng bàn chuyện báo ân báo oán cho hồi còn chạy loạn, còn việc quốc sự thì gác sang bên chẳng hỏi han gì đến”.
Đinh Nhạ Hành là dòng dõi danh tướng Hải Dương, là bà con của Đinh Tích Nhưỡng – một quân phiệt cuối thời Lê. Khi Chiêu Thống chạy khỏi Thăng Long, Đinh Nhạ Hành vẫn còn nắm binh để đánh nhau với Tây Sơn, có thắng có thua. Cuối cùng, Đinh Nhạ Hành bị đánh dạt về Vân Đồn. Ông ta tuyên bố trong tay có hơn 300 chiến thuyền, hơn 2 vạn quân. Chiêu Thống trao chức cho ông ta chỉ huy việc quân ở Đông đạo. Lúc nghe tin nhà Thanh sang cứu viện, Chiêu Thống lại cử Đinh Nhạ Hành đi Liêm Châu bắt liên lạc. Phía Thanh đưa thư bảo Đinh Nhạ Hành về ngay để hiệp đồng tiến quân. Đinh Nhạ Hành đánh chiếm được Yên Quảng, rồi tiến về Hải Dương, Kinh Bắc.
Sau khi chiếm lại Thăng Long, Đinh Nhạ Hành tỏ ra hăng hái. Ông tới gặp Tôn Sĩ Nghị thúc giục tiến quân. Ông nói:
– Bản quốc chúng tôi may nhờ được quân Thiên triều sang cứu viện, chỉ một trận mà thu phục được kinh thành. Nhưng toàn bộ quân của Tây Sơn nay vẫn còn đó. Diệt cỏ không nhổ tận gốc rễ thì rồi chúng sẽ mọc trở lại. Đại nhân mà xuất quân sớm một ngày thì bản quốc chúng tôi sẽ sớm một ngày được hưởng thái bình vậy.
Tôn Sĩ Nghị chỉ trả lời ngắn gọn:
– Hãy cứ nán đợi chút đã!
Rõ ràng Tôn Sĩ Nghị không thể nói hết những nan giải trong việc cung ứng hậu cần lúc đó. Đinh Nhạ Hành lại đem chuyện này tâu với vua Chiêu Thống, nhưng Chiêu Thống cũng không đưa ra quyết định gì. Bây giờ nhìn lại thì thấy, vua Càn Long đã đạt được danh tiếng mà ông ta muốn, nên không muốn gồng mình cung ứng lương thực để viễn chinh Phú Xuân. Vua Chiêu Thống mới phục quốc, cần khôi phục quyền lực và củng cố nội bộ. Tôn Sĩ Nghị tuy muốn tiến quân, nhưng khó khăn trùng trùng. Giữa lúc đó thì một giải pháp chính trị đột nhiên xuất hiện.