Vieseries Hồ Sơ W

Cái chết của vua Quang Trung đã khiến số phận nhà Tây Sơn rẽ lối ra sao? – Kỳ 2

Tác giả Đỗ Minh Nhật
Cái chết của vua Quang Trung đã khiến số phận nhà Tây Sơn rẽ lối ra sao? – Kỳ 2

Việc vua Quang Trung qua đời đột ngột đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà Tây Sơn. Vậy sự kiện này đã dẫn đến điều gì?

Cầu hôn công chúa nhà Thanh

Ngày 25 tháng 2 năm Tân Hợi (29/03/1791), chánh cung hoàng hậu Phạm Thị hoăng, thọ 34 tuổi. Bà là vợ cả của vua Quang Trung, là người sinh ra hoàng thái tử Nguyễn Quang Toản (vua Cảnh Thịnh sau này). Vua rất đau buồn, Ngô Thì Nhậm chép lại lời của vua trong Phụng nghĩ Hoàng chánh hậu lụy văn có đoạn như sau: 

Hoàng chánh hậu khi sống lanh lẹ, nhu thuận đoan trang, trinh thuần tĩnh nhất, luôn tự giữ lễ. Tuổi 16 về với trẫm, giữ đức uyển chuyển, kính sợ không trái ý

Năm Nhâm Tý (1792), trong bài biểu thỉnh hôn gửi Càn Long vua đã lấy cớ vợ mất để xin Thanh chủ gả công chúa cho mình. Nguyễn thị Tây Sơn ký chép:

 “Năm Nhâm Tý [1792], Huệ sai soạn biểu sang Thanh cầu hôn, cũng là để dọ thám ý của Thanh đế. Muốn mượn đó làm cớ. Gặp lúc mắc bệnh nên việc không có kết quả

Giả như vua không mắc bệnh mà băng hà, thì cuộc hôn nhân giữa hai bên liệu có xảy ra? Chuyện này cũng khó nói được, dù trước đó, Càn Long đã hơi nổi giận khi nhận được biểu đòi đất 7 châu của vua Quang Trung.

ĐÒI ĐẤT 7 CHÂU HƯNG HÓA

Sự kiện đòi đất của vua Quang Trung, ngày nay thường được mọi người nhắc tới là đòi vùng đất Lưỡng Quảng. Nhưng thực tế có phải như vậy không? Chúng ta phải xét lại tờ biểu đòi đất đó. Vào khoảng tháng 4 năm Nhâm Tý (1792), vua ủy cho Ngô Thì Nhậm soạn biểu văn gửi sang nước Thanh, có đoạn rằng: 

Vậy dám mạo muội làm tờ biểu, nhờ Lưỡng Quảng Tổng đốc công Phúc Khang An chuyển tấu cho. Thần xin ở đầu địa giới Nam Quan, sai chuyên viên ứng trực, và sai viên mục văn vũ đều đến cả địa đầu trấn Hưng Hóa, lần lượt thanh tra, hỏi cho đích xác địa giới 7 châu, đưa vào sổ sách nước thần, thần trông cậy vào sự sủng ái, kính vâng bảo vệ giữ gìn

Bản đồ Hưng Hóa

Biểu văn này cùng với bản đồ được trấn thần Lạng Sơn gửi đi, quyền Thông phán Long Châu là Vương Phủ Đường bác khước tờ biểu này của ta. Thanh chủ Hoằng Lịch hay tin, một mặt ban dụ khen thưởng Vương Phủ Đường, một mặt bày tỏ sự tức giận với yêu sách đòi đất của Nguyễn Huệ. Dụ có đoạn chép: 

Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Huệ) từ khi nạp khoản đến nay đã được trẫm đặc biệt ban ân mấy lần, phong cho vương tước, thưởng lãi nhiều phen, sủng vinh như thế là cực điểm rồi. Hay là quốc vương kia không biết cẩn lẫm sinh ra kiêu căng, hoặc bị các trấn mục kia xúc xiểm đâm ra tự chuyên nên đưa ra những đòi hỏi không đúng phận mình?

Nguyễn thị Tây Sơn ký chép: 

Ban đầu, sáu châu Hưng Hóa, ba động Tuyên Quang vào cuối thời Lê bị thổ ty nước Thanh xâm chiếm, mấy phen trình bày mà không thể được. Đến đây Huệ gửi thư cho Lưỡng Quảng Tổng đốc xin xác định rõ cương giới cũ. Quảng đốc cho rằng cương giới đã định, khước từ thư ấy. Huệ do đó hơi bất bình, khích lệ sĩ tốt, đóng thuyền ghe, ngầm có chí dòm ngó Lưỡng Quảng, thường bảo với tướng hiệu rằng: Cho ta vài năm nuôi oai dưỡng nhuệ, thì ta có sợ gì chúng chứ!“. 

Có lẽ thuyết vua Quang Trung đòi đất Lưỡng Quảng bắt nguồn từ ghi chép của Nguyễn thị Tây Sơn ký chăng?

Cho dù sự tình năm đó thế nào, thì cũng có thể thấy được đảm lượng của vua Quang Trung là không hề nhỏ. Thông qua cả việc gây áp lực lên vua tôi Càn Long đòi nước Thanh phải xử lý Lê Duy Kỳ bằng được. Việc gây áp lực như vậy, có thể coi là một đòn chính trị nhằm đánh lạc hướng triều đình nhà Thanh, một khi vua Quang Trung dồn quân xuống phía Nam tiễu trừ Nguyễn Ánh

Nhưng đáng tiếc, giấc mộng thống nhất đất nước đã đổ vỡ khi vua Quang Trung đột ngột băng hà. Những thành tựu to lớn mà hoàng đế để lại là không cần phải bàn cãi.

Chiêu hiền đãi sĩ

Các danh tướng dưới quyền vua Quang Trung nhiều không kể xiết, thế nhưng để ổn định, vận hành một đất nước, một triều đại thì nhân sĩ là lực lượng không thể thiếu. Hiểu rõ điều đó, vua đã sớm thi hành chính sách thu nạp sử dụng kẻ sĩ trong thiên hạ, đặc biệt là nhân sĩ Bắc Hà, cựu thần nhà Lê. Chúng ta có thể điểm qua những cái tên như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Huy Lượng, Bùi Dương Lịch,… Trong số đó, người khiến vua Quang Trung phải tốn nhiều công sức nhất để mời ra giúp việc nước chính là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.

Ngày 20 tháng 8 năm Tân Hợi (1791), vua ban chiếu lập Sùng Chính thư viện, cho Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Chiếu có đoạn viết:

Nay trong nước đã yên, Trẫm toan hưng khởi chính học. Ông đã lấy học thuật biện rõ bên tà bên chính trong phép học; Trẫm rất vui lòng. Trẫm định đặt Sùng Chính thư viện ở Vĩnh Kinh, tại núi Nam Hoa, ban cho ông làm chức Sùng Chính viện Viện trưởng. Cho ông hiệu La Sơn tiên sinh và giao cho ông chuyên coi việc dạy. Nhất định theo phép học Chu tử, khiến cho nhân tài có thể thành tựu, phong tục trở lại tốt đẹp

Như vậy, Quang Trung hoàng đế không chỉ cầu hiền nạp sĩ mà còn quyết tâm chấn hưng giáo dục, đào tạo nhân tài cho đời sau. Ngoài việc chú trọng giáo dục, vua còn khá cởi mở trong vấn đề đẩy mạnh giao thương với nước ngoài.

Đẩy mạnh giao thương

Đáng chú ý nhất là sự kiện vua chủ động gửi thư cho Càn Long đề nghị mở cửa biên giới cho người dân hai nước thông thương. Sự việc này được Lưỡng Quảng tổng đốc Phúc Khang An, Tuần phủ Trần Dụng Phu tâu lên với Thanh chủ. Lời tâu có đoạn chép:

Hai cửa quan Bình Nhi, Thủy Khẩu tới buôn bán ở Cao Bằng, lập chợ ở phố Mục Mã; ải Do Thôn tới buôn bán ở trấn Lạng Sơn, lập chợ ở phố Khâu Lư; chia đặt hai hiệu Thái Hòa, Phong Thịnh, cho dân buôn Việt Đông thành một hiệu, dân buôn Việt Tây và các xứ thành một hiệu. Vẫn tách biệt giữa xưởng và chợ. Trong xưởng đặt một người Xưởng trưởng, một viên Bảo hộ. Trong chợ đặt một người Thị trưởng, một viên Giám đương, thiết lập danh sách, cấp cho thẻ bài đeo hông. Hàng hóa tùy theo họ bán gì, vật giá tùy theo họ quy định, hết thảy đều trình báo trước

Đàng Trong, kinh đô Phú Xuân từ thời Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc đã trở thành trung tâm buôn bán sầm uất, đặc biệt là các thương nhân nước ngoài chỉ cần đóng những khoản thuế nhất định thì đều được tự do giao thương. Chính sách khuyến khích giao thương tiến bộ này, có thể khởi phát từ việc ba anh em Tây Sơn vốn xuất thân là thương nhân buôn trầu.

Ảnh minh họa

Ban hành tín bài

Trong thời kỳ loạn lạc trước đó, việc quản lý nhân khẩu để thu thuế, bắt lính gặp nhiều khó khăn do dân xiêu tán khắp nơi. Dẫn tới chuyện, hộ khẩu nơi thì đông thêm, nơi lại hao hụt. Khiến thuế khóa và sai dịch các nơi rất không đều. 

Tháng Giêng năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung ban chiếu cho các trấn thi hành tín bài, làm lại sổ đinh, cứ ba suất đinh lấy một người làm lính. Từ 9 đến 17 tuổi gọi là hạng vị cập cách, từ 18 đến 55 tuổi là hạng đinh tráng, từ 56 đến 60 tuổi thuộc hạng lão, từ 61 tuổi trở lên là hạng lão nhiêu. Quan huyện tập hợp các sổ đó, đối chiếu phát cho mỗi người một tấm thẻ. Trong thẻ khắc chữ Thiên hạ đại tín theo lối chữ triện có hoa văn, xung quanh viết họ tên, quê quán và có điểm chỉ làm bằng. Mỗi người phải mang theo, gặp người hỏi thì xuất trình, gọi là tín bài. Người nào không có tín bài thì là dân ẩn lậu, bắt tội dân xã ấy. 

Có thể coi đây là “căn cước công dân” đầu tiên, tuy là chính sách tiến bộ nhưng vì quản lý quá khắt khe nên dân chúng kinh sợ nhốn nháo. Cuối cùng, vua Cảnh Thịnh sau khi kế vị đã phải từ bỏ chính sách này.

Vĩ thanh

Giả như vua Quang Trung không đột ngột băng hà, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về một đất nước thái bình thịnh trị, với những chính sách tiến bộ đi trước thời đại. Nhưng trước đó để thống nhất đất nước, ngài phải đối mặt với cuộc chiến cuối cùng với Nguyễn Phúc Ánh và một vấn đề đau đầu hơn là xử sự ra sao với Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc và các con của ông anh.

Non sông liền một dải, riêng thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc chắn ngang, khác gì miếng gân gà ăn thì không nỡ, mà bỏ đi thì không cam lòng. Vua Quang Trung chỉ có hai lựa chọn: một là cứng rắn như vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đã làm với Nguyễn Quang Bảo đó là giết người đoạt thành; hai là mềm mỏng đoạt binh quyền rồi ban cho Nguyễn Nhạc một tước vương kèm theo một mảnh đất phong nho nhỏ để an hưởng tuổi già. 

Sau khi bình định hoàn toàn nội loạn trong nước, vấn đề tiếp theo mà vua Quang Trung phải đối mặt là chấn hưng đất nước sau những năm dài chiến tranh. Bắc Hà bị tàn phá nặng nề sau những chiến dịch quân sự lớn để đánh bật chính quyền Lê – Trịnh, cũng như tiêu diệt 20 vạn quân Thanh. Nam Hà cũng không khá hơn là mấy, thương cảng Hội An gần như bị thiêu rụi hoàn toàn, một dải từ Phú Yên tới Bình Thuận là chiến trường chủ đạo của quân Gia Định (Nguyễn Ánh) và quân Tây Sơn thì khỏi phải nói về độ tan nát. Duy chỉ có vùng đất ngày nay là Tây Nam Bộ chịu ít thiệt hại hơn cả, nơi đây cũng là vựa lúa lớn của cả Nam Hà, có thể dựa vào đây để giao thương mà từng bước khôi phục đất nước. 

Một vấn đề cấp bách khác đối với nhà Tây Sơn, chính là sự xuất hiện ngày càng nhiều của người Tây dương mà phần lớn là những nhà truyền giáo và thương nhân. Đây có thể nói là thời điểm mà lịch sử thế giới đang có những bước tiến vừa nhanh vừa xa, nếu không kịp thay đổi và hòa nhập thì nhà Tây Sơn cũng sẽ đi vào vết xe của nhà Nguyễn sau này. 

Tất cả cũng chỉ là giả thuyết, bởi đáng buồn thay, ngay sau khi vua Quang Trung mất, chính những văn thần võ tướng của ngài lại quay sang đánh giết lẫn nhau để tranh giành quyền lực. Từng bước tự làm suy yếu chính mình, hoặc quay sang đầu hàng quân Nguyễn giúp Nguyễn Ánh ngày một lớn mạnh rồi đánh bại hoàn toàn triều đình Tây Sơn, thống nhất đất nước, lập ra nhà Nguyễn.

HẾT

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share