Trang sức Óc Eo – Kỳ 2: Dát vàng thần thoại

Tác giả Huyết Vy
Trang sức Óc Eo – Kỳ 2: Dát vàng thần thoại

Trên đất phương Nam hơn ngàn năm trước, những cư dân Óc Eo dùng trang sức như phục sức. Trang sức phủ thân, che thân, cũng để phô thân. Từng có một thời, lớp lớp kiềng vàng leng keng xao động trên cổ tay, cổ chân trong điệu vũ tế thần, phô phang thẩm mỹ nhiệt đới rực rỡ nóng bỏng. Mà sự theo đuổi thẩm mỹ ấy, băng qua ngàn năm suy thịnh, bất kể sự suy tàn bí ẩn của nền văn minh, dường như vẫn đang trồi lên giữa đời sống đương đại xứ sở, trên những cánh tay nõn nà đeo chuỗi xi lanh vàng của những người phụ nữ miền Tây Nam Bộ.

Kể từ lúc phát lộ, qua những cuộc khai quật lớn nhỏ từ những năm 40 của thế kỷ trước đến nay, nền văn hóa khảo cổ Óc Eo mở ra một kho tàng cổ vật đồ sộ. Chôn lấp dưới những khu đô thị và cảng thị cổ, ẩn trong những kho tàng dưới mộ táng và đền đài đổ nát, trang sức Óc Eo, với sự hiện diện choáng ngợp của hằng hà sa số đồ vàng lần nữa trồi lên khỏi đất bùn thượng cổ. 

Câu chuyện ẩn trong biểu tượng và dáng hình trang sức vàng Óc Eo dần dà phác nên diện mạo cuộc đời của những cư dân cổ hơn nghìn năm trước trên đất phương Nam. Đó là những cư dân của vương quốc Phù Nam phồn thịnh, chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo rực rỡ. Họ ưa chuộng trang sức, dường như dùng trang sức như là phục sức. 

“Phụ nữ mặc váy dài, phần trên để trần hoặc phủ kín; đàn ông đóng khố ngắn, phần trên để trần, cả nam lẫn nữ đều đeo nhiều đồ trang sức, bùa đeo.”  

Với nhẫn trên ngón tay và ngón chân, vòng ở cổ tay và bắp tay, thắt lưng, cài tóc, vương miện, khuyên tai, khuyên mũi, tầng tầng chuỗi hạt và vòng cổ rũ xuống vòm ngực, trang sức Óc Eo phủ lấp vừa đủ những điểm cần trên cơ thể, lại có phô phang những đường cong thánh thần. Họ chuộng say trang sức, dồn hết vào đó những tinh túy của tư duy nghệ thuật và kỹ thuật tạo tác, thủ thỉ và khắc ghi trên đó tiếng lòng cùng những lời cầu nguyện.

Giờ đây, dư âm ngàn năm dường như vẫn còn râm ran trong những khung kính trưng bày  của bảo tàng hay phòng triển lãm. Đính trên những thảm nhung đen, dưới ánh đèn mờ tỏ, trang sức Óc Eo tỏa ra hơi thở huyền bí ngây ngất dưới mắt người chiêm ngưỡng. 

Thị hiện trên đó, đầy rẫy những sự vật trong tầm mắt và những biểu tượng trong tâm tưởng con người Óc Eo: lá bồ đề, hoa sen, voi, rùa, rắn, ốc, tù và, bò thần Nandin, thần và Phật… Ẩn tàng trong đó, là tư duy tạo tác và thẩm mỹ được nuôi dưỡng bởi sự truyền tâm tự nhiên và tình cảm tâm linh cộng đồng. Những dáng hình vừa mang truyền thống, nội sinh trong bản địa Đông Nam Á, đồng thời cũng cộng hưởng với những quy chuẩn và kỹ thuật ngoại nhập qua quá trình giao thương.

Phảng phất bản năng sùng tín tự nhiên, nguyện ước vạn vật sinh sôi phồn thực, lời răn của Ấn giáo và lời khuyên của Phật giáo, trang sức Óc Eo sẽ kể về những mảnh đời quá vãng trên đất phương Nam hơn ngàn năm trước. Trong bầu không nóng ẩm của rừng rậm nhiệt đới, bên những dòng kênh miên man chảy, mồ hôi mướt mát thịt da, óng ánh và tô bóng trên những trang sức vàng. Nam nữ mặc khố, quấn sarong, đeo đầy trang sức, qua lại bên những dòng kênh, mưu sinh, giao thương và phụng sự thần linh. Một kiếp, nhiều kiếp, kết thành một bầu phồn hoa đã sớm rơi rớt trên dòng thời gian.

Bóng hình của đời sống tôn giá

Trang sức Óc Eo

Tâm thức con người khi thả vào đời sống gắn bó với tự nhiên, ắt sẽ sinh ra tín ngưỡng. Từ buổi ban sơ, cư dân Óc Eo đã dệt nên một hệ thống thần thoại với dấu ấn đa thần và phồn thực của riêng mình. Về sau, với những ảnh hưởng đa chiều từ bên ngoài, đặc biệt bởi Ấn Độ, tín ngưỡng bản địa tan hòa trong hệ thống giáo lý của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Sống động trong đời sống Óc Eo, chúng đan kết thành một hệ thống tín ngưỡng tôn giáo vừa mang tính bản địa, vừa mang tính ngoại lai. Đa sắc và sâu sắc.

Từ buổi sơ khai ấy, nghệ thuật và tôn giáo song hành, cái này nuôi dưỡng cái kia, tâm linh và thẩm mỹ cũng nảy nở trong nhau. Tôn giáo sinh ý tưởng và nghi thức, nghệ thuật sinh biểu tượng. Vậy nên, chiêm ngưỡng trang sức vàng Óc Eo, thông qua những thị hiện trên dáng hình, cũng là một cuộc du lãm xuyên qua thế giới tâm linh của những linh hồn cổ xưa cách đây hơn ngàn năm.

Bộ sưu tập trước năm 1975 lên đến 1.311 món trang sức bằng vàng. Từ sau năm 1975 trở lại đây, các loại hiện vật vàng cũng tiếp được tìm thấy trong di chỉ văn hóa Óc Eo. Di chỉ Đá Nổi An Giang khai quật năm 1983, phát hiện 317 hiện vật bằng vàng. Phần lớn là những lá vàng mỏng có chạm hình người, thần linh, động vật trong thiên nhiên, động vật biểu tượng của các thần linh, thảo mộc, vật thể và chữ viết, gồm những biểu tượng Ấn giáo nhưng được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên bản địa.

Rất nhiều những hình mặt trời, mặt trăng, nước, lửa, cây cỏ, động vật… được vẽ trên các mảnh vàng đặt trong lòng các tháp cho thấy bóng dáng tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của cư dân bản địa. Bản năng sinh tồn cũng đưa những biểu tượng phồn thực lên hàng thiêng tín ngưỡng, biểu hiện trong nhiều hình thức trang sức khác nhau.

Những vật đeo hình linga tí hon, đặc biệt chiếc nhẫn được tạo hình bởi những bầu vú luân liên nối tiếp nhau. Vẻ đẹp trần thế được bộc lộ một cách mạnh mẽ và gợi tình, những bầu vú căng tràn, gợi tưởng đến khả năng dung dưỡng vô hạn của mẹ thiên nhiên. Ấy là lời tỏ bày về khát vọng bản năng được sống đủ đầy và an toàn của loài người.

Motif chuỗi hạt xuất hiện hầu khắp, với muôn hình vạn trạng dường như cũng là một hình thức thể hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo. Từ những cuộc khai quật và sưu tầm đầu tiên của L.Malleret ở thế kỷ trước, hạt vàng xâu chuỗi đã xuất hiện với số lượng lớn, rải rác khắp đô thị Óc Eo. Muôn hình vạn trạng những hạt đa diện, hạt ống, hạt lập phương, hạt tròn, hạt quả trám, hạt nón đôi,… luân liên nối tiếp thành chuỗi – tầng chuỗi, thể hiện thẩm mỹ phồn thực, ưa chuộng vẻ đầy ắp, nảy nở sinh sôi.

Trang sức Óc Eo

Ở xứ sở mà Ấn Độ giáo là quốc giáo, đạo sĩ Bà La Môn nắm vương quyền lẫn thần quyền, trang sức Óc Eo cũng mang trên mình đầy rẫy những biểu tượng của tôn giáo ấy.

Ngự trị trên những lá vàng trang sức, được tạo tác dưới bàn tay của những cư dân sống trong cơn lũ hàng năm, thần Vishnu hiện ra với hàng chục hóa thân để ban phúc thế nhân. Có lúc thần là rùa Kurma nâng đỡ sinh linh không chìm xuống biển sâu, có lúc thần lại hóa cá Matsya hay dạng lợn đực để giải cứu loài người khỏi nạn hồng thủy,… Những biểu tượng và vật cưỡi của thần Vishnu cũng được thị hiện phong phú trên các lá vàng với bánh xe, con ốc, bàn chân, rắn, chim thần Garuda, gậy quyền… Khi những trang sức ấy được đeo lên người, cũng là khi được thừa hưởng thần khí tốt lành ẩn tàng trong biểu tượng.

Hình tượng của Shiva – vị thượng thần sáng tạo và hủy diệt, hòa trong truyền thống thờ sinh khí thực của cư dân bản địa, kết đọng trong dáng hình của những vật thiêng linga, yoni, linga – yoni. Những ý niệm về sự màu mỡ, sinh sôi lần nữa ngồn ngộn nảy nở trong thần điện, trên trang sức thân mang, khó bề che giấu khao khát bản năng và hiển nhiên của người Óc Eo, đặc biệt lớp người làm nông nghiệp.

Vật cưỡi của Shiva, bò thần Nandin cũng chễm chệ số nhiều nhẫn vàng, mà một trong số đó đã được ghi nhận là Bảo vật Quốc gia. Theo hồ sơ bảo vật, ấy là chiếc nhẫn vàng tròn trơn. Mặt nhẫn là hình tượng bò đúc khối rất hiện thực, trong tư thế nằm xếp chân. Hình tượng bò được tạo hình nằm hơi nghiêng về bên phải, sống lưng hạ thấp, mông co lại, u vai nổi cao. Đầu bò ngẩng cao, nhìn thẳng khá thoải mái nhưng trang nghiêm. Cặp sừng cong nhọn hướng lên trên, đôi tai mở rộng, hai mắt to; lớp da phần gáy và cổ cũng tạo nhiều nếp tả thực. Đuôi xếp gọn một cách tự nhiên và thấy rõ chùm lông ở đuôi.

Cùng với Ấn Độ giáo, Phật giáo có mặt trên đất phương Nam từ rất sớm, vào khoảng thế kỷ thứ 2, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, mạnh mẽ ở những thế kỷ thứ 4 – 5 theo mối quan hệ mật thiết với Trung Hoa, và hầu như biến mất vào khoảng thế kỷ thứ 9 – 10, trong khi Ấn giáo vẫn tiếp tục phát triển.

Các yếu tố Hindu giáo và Phật giáo đôi lúc hòa trộn, trong tâm tính cởi mở, dung hợp và sự sáng tạo của cư dân Óc Eo khi tiếp nhận các luồng tư tưởng, tôn giáo mới đến từ Ấn Độ. Ấy là nét đặc trưng trong đời sống tinh thần mà không một “quốc gia Ấn Độ hoá” nào có được. Nghệ thuật Phật giáo Óc Eo thị hiện rõ nhất trên hệ thống tượng Phật. Tuy nhiên ở nghệ thuật trang sức, vẫn phảng phất những dấu chỉ Phật giáo, trên những miếng vàng khắc hình hoa sen, lá bồ đề vốn đã xuất hiện trong vũ trụ quan Ấn giáo hay những dòng kinh kệ và Phật chú.

“Các pháp đều do nhân duyên sinh ra, đấng Như Lai đã thuyết về nguyên nhân cũng như sự tiêu diệt chúng, chính Người, đức Đại Sa Môn đã nói như vậy”

_ Bản dịch Bản minh văn vàng Bình Tả của GS Hà Văn Tấn _

Trang sức Óc Eo

Qua dâu bể, những món trang sức vàng Óc Eo lần nữa xuất lộ, vén ra một nền văn minh từng phát triển rực rỡ và lụi tàn bí ẩn tựa buổi hoàng hôn nhiệt đới. Những biểu tượng thiêng liêng phúc lành trên những món trang sức đó từng gắn bó trên thân những vị chủ nhân nào, trải qua những phong quang nào đây. 

Có chăng, chúng từng ngự trên mình vị tĩnh tọa đế vương nắm cả thần quyền lẫn vương quyền nhận lễ bái của muôn dân Phù Nam.

Có chăng, chúng từng nhảy nhót trên trên thân người vũ nữ uốn mình dâng điệu Sáng Thế cho thần linh. Hòa trong nhịp điệu lắc lư, trang sức Óc Eo sẽ kể cho chúng dân sùng tín rằng, thế giới được tạo ra từ chính ngọn lửa bốc lên từ bàn tay của thần Shiva trong khi nhảy múa, và cũng chính ngọn lửa này đã huỷ diệt thế giới. Ở xứ sở ấy, vũ khúc là lễ vật dâng thần, là tư thế giao cảm với thần, là nghi thức không thể thiếu trong nghi lễ thờ cúng và yến lễ trọng đại của triều đình.

Có chăng chúng từng óng ánh chói lóa trên làn da bánh mật nhiệt đới rịn mồ hôi trong đám rước hành hương đến thần điện. Hay chúng rũ bóng xuống Ao Thần, nơi tăng lữ dùng bình kendi để múc nước phục vụ các nghi lễ trong đền và tín đồ ngoan đạo hứng nước tẩy trần trước khi vào điện kính thần. Rồi chăng chúng được thả xuống Ao Thần như một vật hiến thần, một sự hiến dâng để cầu cạnh thần linh đạt thành ước nguyện. 

(Còn tiếp)

Thiết kế và dàn trang : Nhím

Chia sẻ câu chuyện này
Trang sức Óc Eo
Share