Lịch sử hơn ngàn năm của nền kỹ nghệ Việt Nam đã chứng kiến không ít những kỹ thuật gia công kim khí độc đáo. Trong đó, khảm tam khí là một trong những kỹ thuật chế tác đặc sắc nhất.
Nguồn gốc
Khảm tam khí là một kỹ thuật gia công kim khí. Thời điểm ra đời của nó từng được xác định rơi vào khoảng giữa thời Nguyễn. Những nghệ nhân làm đồ đồng ở Bắc Ninh được cho là đã phát triển kỹ thuật khảm tam khí. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện một số di vật từ thời Trần mang dấu tích của loại hình kỹ thuật này. Một số hiện vật khảm tam khí khác vào thời Lê cũng được công bố không lâu sau đó.
Điều này cho thấy khảm tam khí đã là một kỹ nghệ có lịch sử lâu đời của người Việt. Trong tiến trình phát triển, do những biến cố thăng trầm của thời đại mà kỹ thuật này có thời điểm bị thất truyền. Sang đến thời Nguyễn, nghề khảm tam khí dần được khôi phục và phát triển đến ngày nay.
Nghệ nhân khảm tam khí thời Nguyễn
Tiến trình phát triển
Khảm tam khí có xuất phát điểm lâu đời như nhiều loại hình trang trí sử dụng kỹ thuật khảm khác. Tùy theo bối cảnh địa lý và không gian văn hóa, ở các nơi sẽ sinh ra các nghề khảm khác nhau. Chẳng hạn, môi trường ven biển, nguồn lâm – thổ sản dồi dào là điều kiện lý tưởng cho sự ra đời của nghề khảm trai. Nơi có nguồn đất sét phong phú, chất men đa dạng, nghề gốm sứ phát triển là lý tưởng cho sự ra đời của nghề khảm sành sứ. Theo lẽ đó, nghề khảm tam khí cũng có xuất phát tương tự. Kỹ thuật này phải được hình thành từ một xã hội có nền tảng sử dụng lẫn chế tác kim khí tiên tiến và phát triển.
Đao khảm tam khí thời Trần
Kỹ thuật khảm tam khí còn có tên gọi khác là tượng khảm, vốn có nguồn gốc từ Trung Hoa. Kỹ thuật này du nhập vào Việt Nam và phát triển từ khoảng hậu kỳ Bắc thuộc. Hiện vật xưa nhất sử dụng kỹ thuật khảm tam khí được phát hiện ở Việt Nam là một thanh đoản đao thời Trần. Hiện vật được phát hiện vào năm 2002 tại khu di chỉ khảo cổ Hoàng thành Thăng Long.
Thanh đao dài 83,4cm, bề rộng mặt đao nhỏ nhưng được khảm rất nhiều hoa văn từ tam khí vàng, bạc, đồng. Đồ án hoa văn chi tiết, phức tạp và mang phong cách đặc trưng thời Lý – Trần. Các chuyên gia khảo cổ đánh giá rằng đây là một tuyệt tác bởi những nét khảm rất nhỏ, mảnh và sâu. Điều phản ánh sự khéo léo lẫn trình độ mỹ thuật bậc thầy của nghệ nhân đương thời. Chứng tỏ người thời Trần đã nắm vững kỹ thuật khảm tam khí này.
Bề mặt đao được khảm tam khí tinh xảo
Khảm tam khí tiếp tục phát triển vào các thời kỳ sau. Dưới thời Lê trung hưng, kỹ thuật khảm tam khí được sử dụng phổ biến trên các đồ gia dụng, binh khí, nghi trượng của tầng lớp quý tộc. Kỹ thuật này từng bị suy thoái vào khoảng cuối thế kỷ 18 do những biến động của thời cuộc. Sang đến thời Nguyễn kỹ thuật này dần được phục hưng và lưu truyền đến tận ngày nay.
Tính chất
Như đã nói, khảm tam khí hay cẩn tam khí hay tượng khảm là một kỹ thuật dùng để gia công trang trí trên các đồ dùng kim loại, thường là đồ đồng. Theo đó, sau khi phôi sản phẩm được hoàn thành, những người thợ sẽ tiến hành tạo các rãnh hoa văn trên bề mặt phôi. Tiếp đến, người thợ sẽ tiến hành khảm những chi tiết hoa văn bằng các thứ kim loại màu như vàng, bạc, đồng đen,… Đây là một quá trình phức tạp và đòi hỏi sự khéo léo cùng tay nghề rất cao từ người thợ. Khi sản phẩm được hoàn thành, bề mặt trang trí sẽ lấp lánh những đồ án hoa văn vàng bạc được lắp ghép khéo léo.
Hộp đồng khảm tam khí thời Nguyễn. Nguồn: Thuở vàng son
Mấu chốt của kỹ thuật này nằm ở việc thợ thủ công phải tinh tế trong việc lựa chọn đồ án hoa văn và kim loại khảm phù hợp. Cùng với đó, bản thân thợ thủ công cũng cần phải khéo léo và nhạy bén trong việc gia công tạo rãnh lẫn khi tiến hành khảm kim loại. Ngoài ra, do các loại kim loại khảm thường là kim loại quý nên người chế tác cần tính toán hợp lý để tránh sự lãng phí.
Mâm khảm tam khí thời Nguyễn. Nguồn: Thuở vàng son
Thẩm mỹ
Vẻ đẹp của khảm tam khí chủ yếu nằm ở sự phối hợp hài hòa các màu sắc kim loại trên bề mặt hoa văn. Sở dĩ loại hình này có tên gọi khảm tam khí là bởi người thợ thủ công khi xưa chủ yếu sử dụng 3 loại kim khí là vàng, bạc và đồng làm nguyên liệu chính để khảm hoa văn. Sản phẩm làm ra vì lẽ đó chủ yếu chỉ có 4 màu là vàng kim của vàng, bạc kim của bạc cùng với đó là màu nâu đỏ hoặc đen của đồng. Tính thẩm mỹ của sản phẩm vì lẽ đó sẽ thiên về phong cách thanh lịch, sang trọng thay vì phong cách sặc sỡ, đa dạng màu sắc.
Hộp tam khí thời Nguyễn. Nguồn: Thuở vàng son
Mặc dù không có sự đa dạng trong gam màu nhưng không vì thế mà đồ dùng khảm tam khí trở nên nhàm chán trong con mắt đại chúng. Ngược lại, đồ dùng khảm tam khí lại rất đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và chủng loại. Kỹ thuật khảm tam khí có thể áp dụng trên rất nhiều vật dụng sinh hoạt hằng ngày. Từ những thứ vật dụng đơn giản như bình nước, ống điếu, khay trầu cho đến những món đồ trang trọng như chân đèn, đỉnh thờ, lư hương, hầu hết đều có thể áp dụng kỹ thuật khảm tam khí.
Đỉnh Tam Long khảm tam khí. Nguồn: Thuở vàng son
Với phong cách thanh lịch và sang trọng, đồng thời do được chế tác bằng các kim loại quý nên đồ khảm tam khí thường có giá thành rất cao. Trong xã hội Việt Nam xưa, chỉ có tầng lớp thượng lưu Việt Nam, thường là quý tộc, hoàng gia hoặc thương gia giàu có mới có thể sở hữu đồ dùng khảm tam khí. Và thực tế cũng cho thấy, khảm tam khí là một trong những phong cách trang trí phổ biến nhất trên các vật dụng hoàng gia nhà Nguyễn.
Hộp đựng ấn khảm tam khí. Nguồn: Thuở vàng son
Trong buổi đương đại
Xã hội luôn không ngừng phát triển, những nhu cầu mới sẽ dần được phát sinh theo thời gian. Từ kỹ thuật khảm tam khí ban đầu với những màu sắc cơ bản của vàng, bạc và đồng, người nghệ nhân bắt đầu sáng tạo và dung nạp thêm nhiều màu sắc kim loại mới. Loại hình khảm ngũ khí hay khảm ngũ sắc được ra đời dựa trên nền tảng của kỹ nghệ khảm tam khí truyền thống. Hiện nay, khảm ngũ sắc đang là một trong những phong cách trang trí đồ kim khí cao cấp ưa chuộng ở Việt Nam.
Một bộ sưu tập đồ tam khí. Nguồn: Thuở vàng son
Bên cạnh sự ra đời và phát triển của những biến thể mới. Nhiều cá nhân lại có xu hướng tìm về các giá trị xưa cũ. Những vật dụng, đồ vật được chế tác theo phong cách khảm tam khí truyền thống đang là một trong những dòng cổ vật được giới sưu tập ưa thích và săn tìm. Có không ít các cá nhân sẵn sàng bỏ ra con số lên đến hàng tỷ đồng để được sở hữu những món đồ khảm tam khí của hoàng gia. Điều này càng khẳng định cho các giá trị vật chất lẫn tinh thần mà kỹ nghệ khảm tam khí mang lại.
Đồ dùng khảm tam khí. Nguồn: Thuở vàng son
So với những làng nghề truyền thống khác dần trở nên lỗi thời và mai một trong xã hội hiện đại. Nghề khảm tam khí vẫn tồn tại và phát triển ổn định trong xã hội hiện đại. Từ đó, tạo thành cầu nối truyền tải những giá trị xưa cũ vào nhịp sống hiện đại.