Dòng chảy gốm sứ Đại Việt

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Dòng chảy gốm sứ Đại Việt

Họ rảo bước qua những khung trưng bày gốm Việt trong bảo tàng lịch sử. Mớ hợp đồng khắt khe và giao dịch kim tiền không sao rút cạn chất cảm nơi họ. Sự nhạy cảm với cái đẹp vẫn lặng lẽ tích tụ, chỉ chực chờ đúng thời mà bung tỏa. Giữa lao xao tiếng người bình thảo, họ luyên thuyên về lịch sử của gốm, về vẻ đẹp tâm thức và dấu ấn văn minh ẩn tàng trong từng sắc hình của gốm.

Những bước chân người băng xuyên qua hành lang, nơi gốm cổ được trưng bày theo thứ tự thời gian. Như một thước phim tua nhanh qua vạn năm, gốm cổ chuyển hóa muôn hình tướng. Câu chuyện chúng kể là câu chuyện của đời sống vật chất và tâm hồn chảy qua muôn kiếp người Việt, phát khởi từ những mẫu gốm nung thô mộc đến những âu liễn tráng men tinh mỹ. Sự chuyển hóa trong cốt gốm, chất men, dáng hình, hoa văn và phong cách trang trí chảy xuôi thành dòng sông gốm Đại Việt, hòa dòng cùng lịch sử và tâm thức những tổ tiên từng sinh trưởng nơi Đồng bằng Bắc Bộ tỏa xuống Xứ Thanh – sông Mã anh hùng. 

Một lịch sử được tính bằng vạn năm

Vạn vật trong trời đất, thân sinh từ đất rồi lại trở về với đất. Đất hiện diện suốt kiếp nhân sinh. Một đứa trẻ nhân loại chào đời tiếp đất là cái chạm đầu tiên với thiên nhiên đất trời. Đất dung dưỡng đời người, cung cấp thức ăn nước uống và nguyên liệu để chế tác đồ dùng thường nhật. Nhưng phải đến khi có sự hiện diện của gốm, thì con người mới tiến thêm một bước nữa trong việc thấu hiểu và chinh phục được đất, nước, lửa, từ đây tái kiến tạo môi trường sống. 

Gốm sứ có mặt ở hầu khắp các nền văn minh trên thế giới từ lâu, còn câu chuyện của gốm sứ trên đất Việt phải được kể từ vạn năm đằng đẵng về trước. Khởi nguồn từ những mảnh gốm thô, độ nung thấp, là tiêu chí cho sự hiện diện của văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn, dòng sông gốm Đại Việt chảy xuôi theo lịch sử xứ sở, tỏa chi lưu, để rồi kết tụ thành một truyền thống chủ đạo chảy suốt 2000 năm trước Công nguyên. Những cái tên Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn phát triển liên tục trên cùng một địa tầng, trình ra một bộ sưu tập đồ gốm đất nung tuyệt hảo về hoa văn trang trí và loại hình.

Gốm Phùng Nguyên, trong bước nhảy vọt về công nghệ tạo tác với sự xuất hiện của bàn xoay, là một sự bừng nở của cái đẹp và nghệ thuật. Bàn xoay mang đến những dáng gốm căng tròn, cân đối. Phủ lên đó thuở đầu là những lá cây, quả hạt, vầng trăng khuyết trong,… Rồi những hoa văn đến từ tự nhiên dần được cách điệu, hình học hóa, hệ thống hóa, xếp theo băng dải vòng quanh thân và chân đế. Kết cấu đối xứng và luân liên là một yếu tố của cái đẹp, trở thành nét đặc trưng quan trọng nhất. Một sự theo đuổi sự biến hóa khôn cùng, tạo ra vô vàn biến thể đến từ sự kết hợp của tĩnh với động, nghiêm cẩn với linh hoạt.

Vẫn những chất liệu và loại hình đó, nhưng hoa văn hình chữ S luân liên trên gốm Phùng Nguyên nhạt nhòa dần khi bước vào giai đoạn Đông Sơn, nhường chỗ cho sự bùng phát ngỡ ngàng của đồ đồng trên những bộ trống – thạp – thố – vũ khí – đồ trang sức. Tưởng chừng là một bước tụt dốc của đồ gốm đất nung trên khúc đoạn dài 2000 năm của dòng sông gốm Việt, đến khi các nhà khảo cổ tìm thấy đầy rẫy những “tín hiệu Đông Sơn” trên hàng loạt hiện vật gốm, qua nhiều thời kỳ tiếp sau. 

Những thế kỷ đầu công nguyên, theo làn sóng sử dữ dội của đêm trường Bắc thuộc, lịch sử gốm Đại Việt cũng ghi nhận những biến dời và cột mốc mới. Dưới liên miên những cuộc đấu tranh và nổi dậy, bắt đầu từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đến khi vận nước chuyển dời bằng thắng lợi trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, nghề làm gốm trên xứ sở âm ỉ kế thừa truyền thống nội sinh song song tiếp thu ảnh hưởng Trung Hoa.

Trong trường đoạn ngàn năm này, cùng với kỹ thuật làm gốm tiếp thu từ Trung Hoa, công cuộc tạo tác cũng chuyển từ sản xuất đơn lẻ tự cung tự cấp trang chuyên biệt hóa trong từng quy trình. Kết quả khảo cổ khu lò gốm Tam Thọ ho thấy có sự phân công lao động mang tính chuyên môn hóa cao. Tại đó, các nhà khảo cổ đã xác định được những khu vực sản xuất chuyên biệt, như: nơi luyện đất, nơi tạo dáng , nơi phơi gốm, nơi nung… 

Nơi những lò cóc, lò ống với quy trình và tổ chức tiên tiến từ 2000 năm trước ấy, gốm đã bắt đầu được phủ men và nung trong nhiệt độ hơn ngàn. Thành quả của hoạt động tạo tác ấy là những mẫu gốm xương dày, cứng; men mỏng, thường không phủ hết đồ vật, men màu vàng ngà, trắng nhạt, trắng xám; trang trí văn in nổi ô trám, hoa văn xương cá hoặc lá dừa, hình thoi, chữ S, văn chải, văn sóng nước… Bên cạnh những hoa văn hình học truyền thống, một số ấm, âu ,hũ đã xuất hiện những trang trí lấy cảm hứng thiên nhiên như cánh sen, chim nước, cá, đầu gà, đầu voi. 

Nguyên liệu chế tạo xương và men của đồ gốm thời kỳ này được khai thác từ đất đai thổ nhưỡng bản địa. Được tạo tác và sử dụng dưới bàn tay Việt, những nồi, vò, vẫn giữ nguyên dáng dấp truyền thống gốm Đông Sơn trước đó. Những sản phẩm đó, tuy có ảnh hưởng về phong cách và kỹ thuật ngoại lai, nhưng vẫn phảng phất đâu đó sự vượt thoát khỏi những lệ thuộc từ  Lục Triều – Tùy – Đường. Chúng lặng lẽ bộc bạch cá tính riêng mình trên những khác biệt về loại hình, chất liệu, hoa văn trang trí. 

Khả năng tạo hình vô biên, sắc men đa dạng, gốm trở thành phương tiện để truyền tải ngôn ngữ và tâm thức, để rồi những tín hiệu Đông Sơn lần nữa trồi lên mạnh mẽ trên những mẫu gốm cuối Đường ở thế kỷ 9 – 10. Ta sẽ thấy trên loại ấm gốm men tạo dáng búp sen với các hoa văn đắp nổi hình chữ S uốn lượn tượng trưng cho mây, những cặp mấu nhọn, tượng trưng cho các lớp sóng, 11 con chim nước đang bơi cũng được đặt theo vòng ngược chiều kim đồng hồ. Dù có chút ảnh hưởng về kiểu dáng gốm Đường thì những hoa văn vẫn là điều khẳng định bản sắc phương Nam.

Thứ bản sắc đó, chỉ có thể xuất hiện trên một cơ tầng văn hóa đủ vững, trong giai đoạn chuyển tiếp. Dường như tự trong bẩm sinh, những con người xứ sở tin rằng có một nền văn hóa cổ xưa phong phú và mạnh mẽ đang duy trì họ. Chúng như một đoạn mạch ngầm của dòng sông gốm, âm thầm xây đắp nền tảng. Để rồi đi qua ngàn năm Bắc thuộc, gốm Việt ở các triều đại phong kiến độc lập tự chủ Ngô, Đinh, Tiền Lê, , Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê sơ), Mạc, Tây Sơn, Nguyễn phát triển kỹ thuật tạo tác và khoác lên mình nét tính cách riêng biệt bởi những văn hóa lịch sử của từng thời kỳ.

Một dòng chảy riêng biệt

Thế kỷ thứ 10 mở ra chương mới cho lịch sử Việt Nam với thời kỳ độc lập tự chủ, phục hưng và mở mang văn hóa nội sinh mạnh mẽ. 9 đời vua Lý, 13 đời vua Trần định đô Thăng Long, đặt quốc hiệu Đại Việt, đánh Tống, đuổi Nguyên Mông, củng cố nền độc lập. Quốc gia phong kiến hùng mạnh, kinh tế phát triển, nhà nước ban hành nhiều đạo luật tích cực nhằm thúc đẩy các ngành nghề thủ công, đồng thời kinh thành Thăng Long có nhu cầu xây dựng mở rộng trên quy mô lớn, nghề gốm phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Hàng trăm cung điện, lầu các, chùa chiền, đền tháp nguy nga được xây dựng. 

Thời Lý – Trần như một thời đại “phục hưng” của văn hóa Việt Nam sau đêm trường thuộc Bắc, để lại một bộ sưu tập đồ sộ và hoàn hảo trên cả ba lĩnh vực: gốm men và đồ sành. Gốm thời Lý – Trần dường như hoàn thiện hết thảy các dòng gốm: men ngọc, men trắng, men nâu, men xanh lục, gốm hoa nâu và gốm hoa lam, với những loại hình vô cùng phong phú, hoa văn tinh xảo, điêu luyện, kỹ thuật chế tác đạt đến đỉnh cao của công nghệ thời bấy giờ. Đây cũng là một bước nhảy để hoàn thiện một truyền thống riêng biệt, không trộn lẫn với bất cứ một quốc gia gốm sứ nào trên thế giới.

Sự riêng biệt ấy đến từ hoa văn trang trí phóng khoáng, từ màu sắc men không chuẩn mực do kỹ thuật pha chế và kỹ thuật nung tạo nên sự đa sắc màu trong dòng gốm men ngọc Việt. Sự riêng biệt còn đến từ một loại gốm hoa nâu trên nền trắng và hoa trắng trên nền nâu, hoàn toàn chưa thấy trên bất kỳ sản phẩm gốm nào của các cường quốc gốm sứ. Sự riêng biệt ấy là mốc khởi đầu cho gốm Lò Quan Việt, mà ở trên trôn đĩa, bát có ghi Thiên Trường phủ chế tại hành cung của nhà Trần ở Nam Định. Rất nhiều sự riêng biệt bắt nguồn từ truyền thống, lý giải cho sự không đứt gãy và lấp bồi của dòng sông gốm Đại Việt.

Theo lực đẩy của thời đại, nghề gốm tiến bộ vượt thần tốc, đạt đến trình độ cao cả trong kỹ thuật và mỹ thuật, xuất hiện những lò gốm chuyên sản xuất phục vụ cung đình ngay tại trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Các lò gốm dân gian cũng được tìm thấy rộng khắp Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình. 

Đồ gốm xuất lò để phục vụ nhu cầu tiêu dùng khổng lồ từ cung đình đến dân gian, tạo đà cho sự nở rộ của các thể loại màu men và phong cách trang trí: men trắng ngà, men ngọc, men xanh lục, men nâu, men trắng vẽ hoa nâu và làn sóng hoa lam vào cuối thế kỷ 14.

Sang thời Mạc (thế kỷ 16), gốm men lam xám xuất hiện chủ yếu với các loại hình chân đèn, lư hương đắp hoặc đúc nổi rồng, mây đao mác, đôi chỗ có điểm men nâu vàng. Điều đặc biệt, vào thời Mạc, nhiều loại hình đồ thờ bằng đồ gốm men trắng vẽ lam, gốm men lam xám và gốm men đa sắc có minh văn ghi niên đại sản xuất, tên người chế tác, người đặt hàng, người đóng góp cung tiến cùng địa chỉ của họ. Từ những dòng minh văn, chúng ta có được nguồn tài liệu đáng tin cậy cho lĩnh vực nghiên cứu kinh tế hàng hóa thủ công nghiệp đương thời, soi sáng nhiều vấn đề lịch sử xã hội.

Dòng chảy của gốm sứ chịu ảnh hưởng và gắn liền với lịch sử của xứ sở. Để rồi ngày nay, có thể đọc được lịch sử, tâm thức cổ nhân qua những món đồ gốm mà họ tạo ra. Một lịch sử khách quan và chính xác, không phụ thuộc vào tình cảm và ý đồ dụng trong tình tiết tỉ tê của người viết sử. 

Hạt bụi nào hóa kiếp thân ta

Để một mai ta về làm cát bụi

Trong gốm có câu chuyện lịch sử, nhân tình phong vị của riêng nó. Hình dạng và hoa văn, cốt gốm và áo men, có thể đọc ra cảm hứng nhân sinh và phong vị thẩm mỹ của con người thời đại. Dường như có thể tìm kiếm phong quang của những vương triều đã mất trong những món gốm cổ khác nhau. Chúng là dấu ấn, trong tháng ngày trầm lặng như nước, lặng lẽ phát tỏa lại những ý niệm đã được gửi trao vào thân trong quá khứ.

Cho dù những nghệ nhân làm gốm nghệ thuật thuở sơ khai hơn một vạn năm trước không còn nữa, nhưng những sản phẩm họ để lại là cả kho tàng thông tin về thời viễn cổ. Kẻ say mê câu chuyện của một thời quá vãng, có thể lần về dấu tích về kỹ nghệ, tư duy cổ xưa còn đọng lại trong chất liệu, dáng hình, hoa văn của một món gốm cổ. 

Tác Giả Lý Thảo Vy
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share