Bão táp Tây Sơn – Kỳ 10: Sứ thần nón rách

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 10: Sứ thần nón rách

Trong lúc hai phía Thanh Tây Sơn đang quay cuồng với những toan tính của bản thân thì ở Đan Tảo có một kẻ sĩ đang ở ẩn. Người đó là Lê Duy Đản – Tham quân cũ của triều Lê.

Lê Duy Đản người xã Hương La, huyện Yên Phong, trấn Kinh Bắc, đỗ Tiến sĩ năm 1775. Khi nhà Lê sụp đổ, Lê Duy Đản trốn tránh trong dân gian. Vào thời đó, nhà Tây Sơn đang tìm kiếm các cựu thần để mời ra hợp tác. Những người trốn tránh không ra cũng bị lùng bắt rất gắt gao. Người của Tây Sơn thường cải trang tiềm hành, bất ngờ đột nhập các thôn xóm để truy tìm. Riêng chỗ mà Lê Duy Đản ở là chỗ hẻo lánh, thậm chí “không có vết chân người đi đến”. Bản thân ông cũng được dân thôn coi trọng, nên họ cũng chứa chấp Lê Duy Đản.

Nhưng vào cuối tháng Tám năm Mậu Thân (1788), cuối cùng cũng có người tìm đến chỗ đó. Người đó may thay không phải quân Tây Sơn, mà là Lan Trì bá Vũ Trinh – tòng thần của vua Chiêu Thống. Vũ Trinh mang theo chiếu chỉ tuyên triệu Lê Duy Đản, ngoài ra còn ban thưởng cho bốn chữ do vua Chiêu Thống tự tay viết tặng: “Tiết khí khả gia” (Khí tiết đáng khen).

Hóa ra từ sau khi thuyền ngự của Chiêu Thống bị bắn chìm ở Quần Anh, vua Chiêu Thống trôi dạt vào vùng Thanh – Nghệ. Không bao lâu sau, vì tin tức bị tiết lộ, vua Chiêu Thống lại trở ra vùng Yên Quảng, trú ở huyện Hoa Phong. Vào khoảng cuối tháng Tám năm Mậu Thân (1788), vua Chiêu Thống lần đầu tiên bắt được liên lạc với nhà Thanh.

Số là thổ mục đồn Bảo Thắng (ngày nay thuộc Lào Cai) là Hoàng Văn Thao có sai thuộc hạ là Hoàng Văn Lâm đi tìm tung tích vua Chiêu Thống. Hoàng Văn Lâm đi đến huyện Hoa Phong, gặp được tiên phong của vua Chiêu Thống là Nghi Trung hầu, mới biết vua Chiêu Thống đang ở đó. Tuy nhiên, hình như Hoàng Văn Lâm không được gặp trực tiếp vua Chiêu Thống, mà chỉ do Nghi Trung hầu soạn thư gửi cho Chiêu Thống mà thôi.

Ngày mồng 9 tháng 9, Hoàng Văn Lâm trở về báo lại. Tin tức này được báo cho quan giữ biên giới Vân Nam rồi được Tổng đốc Vân Quý là Phú Cương tâu lên vua Càn Long. Phú Cương đã thắng Tôn Sĩ Nghị ván đầu trong cuộc đua tìm Chiêu Thống.

Trong lúc Hoàng Văn Lâm về bẩm lại thì vua Chiêu Thống lại dời chỗ. Từ huyện Hoa Phong, vua Chiêu Thống trốn về huyện Lương Tài trấn Kinh Bắc. Nguồn tin của Ngô gia văn phái nói rằng vì có Phạm Đình Dư và Chu Doãn Lệ khuyên vua đi Kinh Bắc để hiệu triệu mọi người. Tới nơi, có bề tôi cũ ở làng Xuân Lan huyện Lương Tài là Vũ Trinh mời về nhà mình trú. Cha Trinh là Vũ Chiêu cũng từng làm quan nhà Lê, xin dâng 200 lạng bạc cho vua chi dùng. Vua Chiêu Thống bèn chọn nhà Chiêu làm hành tại.

Vua Chiêu Thống sai một phái bộ đầu tiên lên ải Nam Quan báo tin cho nhà Thanh. Chiêu Thống tự tay viết một lá thư gửi cho mẹ, một tờ trát dụ cho nhóm Nguyễn Huy Túc – lúc này đều đang lưu vong ở nước Thanh. Ông còn sai bề tôi soạn một công văn gửi cho Đốc phủ của nhà Thanh (tức Lưỡng Quảng tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh). Ba văn kiện này được giao cho Nguyễn Thế Kiệt và Nguyễn Thời Đĩnh cùng ba thủ hạ đem đi.

Tôn Sĩ Nghị đưa cho Nguyễn Huy Túc xem xét văn thư. Huy Túc xác nhận hai trong số ba cái là do chính vua Chiêu Thống viết. Tôn Sĩ Nghị lại hỏi han bọn Nguyễn Thế Kiệt về tình hình của vua Chiêu Thống cũng như quân tình của Tây Sơn. Họ nói rằng Chiêu Thống đang ở Lương Tài, chỉ có 3 người đi theo vì sợ đông người sẽ bị Tây Sơn dò biết. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã về Nam, chỉ còn Tư mã Ngô Sơ (tức Ngô Văn Sở) với vài ngàn quân trấn giữ.

Những thông tin này làm Tôn Sĩ Nghị hết sức phấn khởi. Ông ta định bụng để bọn Nguyễn Thời Kiệt đi Nam Ninh trình thư cho Quốc mẫu (mẹ vua Chiêu Thống), rồi ở lại phủ Thái Bình làm hướng đạo. Nhưng nhóm Nguyễn Thời Kiệt báo rằng hiện nay đang là lúc mưa to, đường sá bị nước lũ cắt đứt, rất khó hành quân; nên đợi tới trung hoặc hạ tuần tháng Mười, tiết trời tạnh ráo thì hẵng xuất quân.

Tôn Sĩ Nghị nghe theo. Ông ta để bọn Nguyễn Thời Kiệt gặp mặt Nguyễn Huy Túc và Hoàng Ích Hiểu. Tôn Sĩ Nghị và Nguyễn Huy Túc đều soạn văn thư để bọn Thời Kiệt đem về cho vua Chiêu Thống. Bọn Thời Kiệt hẹn rằng đến trung tuần tháng Mười sẽ trở lại với văn thư hồi đáp và bản đồ chi tiết, rồi sẽ theo “đại quân” tiến đánh.

Bọn Nguyễn Thời Kiệt đi rồi, Tôn Sĩ Nghị cảm giác chiến thắng đã nằm trong tay. Ông ta bắt đầu tính đến kế hoạch “vây bắt” Nguyễn Huệ và chia chác đất đai Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị dự trù sẽ kêu gọi Trịnh vương nước Xiêm (tức vua Taksin của vương triều Thonburi) đem quân tiến đánh Quảng Nam, hứa hẹn sẽ đem đất đó cho Xiêm. Còn Nguyễn Huệ sau khi bị vây đánh thì chỉ còn nước chạy sang Vân Nam đầu hàng nhà Thanh. Nhà Thanh sẽ bắt chước cách xử trí với Hoàng Công Toản (con trai thủ lĩnh Hoàng Công Chất ở Điện Biên), đưa Nguyễn Huệ đi “an trí” (Hoàng Công Toản bị đưa đi Tân Cương).

Nhận được biểu tâu của Tôn Sĩ Nghị, vua Càn Long cũng bắt đầu trù tính kế hoạch “hậu chiến”. Vua Càn Long bác bỏ kế hoạch giao Quảng Nam cho Xiêm, vì sợ Xiêm La mạnh lên sẽ thôn tính An Nam. Ông ta trù tính hoặc sẽ khôi phục nước Chiêm Thành, hoặc sẽ giao đất cho An Nam. Việc này sau khi “chiến thắng” sẽ tùy tình hình thực tế để xử trí.

Riêng về vua Chiêu Thống, xét thấy năng lực yếu ớt của ông này nên hoàng đế Càn Long chỉ thị “khi đánh chiếm Lê thành xong lập tức truyền chỉ sắc phong cho Lê Duy Kỳ làm quốc vương để y sớm có lại nước”. Vua tôi nhà Thanh đều tỏ ra như thể việc đánh bại Nguyễn Huệ là việc đã làm xong, không cần phải tính toán đến.

Bên phía vua Chiêu Thống, gặp được Hoàng Văn Lâm xong, một mặt thì sai nhóm Nguyễn Thời Kiệt lên ải Trấn Nam để báo tin, một mặt lại tính đến việc lập một sứ bộ chính thức sang Thanh cầu viện. Vì thế mới có chuyến đi của Vũ Trinh tới Đan Tảo để tìm Lê Duy Đản.

Lê Duy Đản lên đường tới chỗ Chiêu Thống thì đã là đầu tháng Chín. Lúc này xứ Đàng Ngoài sau một thời kỳ hạn hán gay gắt lại nhận được một trận mưa dầm liên tiếp nhiều ngày. Lê Duy Đản cùng một người hầu lặn lội qua những con đường sình lầy, tới diện kiến Chiêu Thống. Nhưng vua tôi họ không nán lại Lương Tài được lâu, lại phải dời sang huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương. Ở đây, họ gặp được Lê Quýnh – người được Tôn Sĩ Nghị phái đi tìm Chiêu Thống.

Lê Quýnh cùng Nguyễn Quốc Đống đi đường biển Long Môn nước Thanh về nước. Nhưng đến ngày mồng 8 tháng Chín, Quýnh mới gặp vua ở huyện Tứ Kỳ trấn Hải Dương. Lê Quýnh đưa bản sao chỉ dụ của vua Càn Long cho vua Chiêu Thống đọc, và nói chuyện nhà Thanh sẽ tập hợp binh mã để trợ giúp. Chiêu Thống bèn đích thân viết một văn kiện tạ ơn nhà Thanh, đề ngày 15 tháng Chín. Công văn này được vua Chiêu Thống giao cho Lê Quýnh mang đi, để trở lại ải Trấn Nam đưa cho nhà Thanh. Cùng đi với Lê Quýnh còn có hai sứ thần chính thức. Đó là Hàn Lâm thị độc Hương Phái hầu Lê Duy Đản và Hàn Lâm hiệu lý Định Nhạc bá Trần Danh Án.

Đoàn sứ thần đi từ đò Triền Dương sông Lục Đầu. Ngày nay, khu vực này thuộc về địa bàn thành phố Chí Linh của tỉnh Hải Dương. Sứ đoàn theo ngả Phao Sơn mà đi. Khi qua thành cổ Phao Sơn, Trần Danh Án cảm khái làm thơ, có nói:

Muôn thuở còn truyền câu chuyện lạ
Sứ thần áo rách, nón mê tàn

Sở dĩ có tình cảnh như vậy là vì cả đoàn phải cải trang để đi. Con đường Kinh Bắc dẫn lên Lạng Sơn được quân Tây Sơn bố phòng nghiêm ngặt. Ven sông đều có đồn của Tây Sơn. Vì vậy, sứ đoàn không dám đi đường bộ, mà phải nhân đêm đi thuyền đánh cá, âm thầm chèo theo sau lưng thuyền tuần của Tây Sơn. Chiếc thuyền đi suốt mấy dặm mà không bị phát hiện.

Đầu nguồn sông là Trụ Hựu (nay là Trù Hựu thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang). Chỗ này cũng có quân Tây Sơn đóng đồn, ngày đêm tuần tra. Nhóm Lê Duy Đản, Trần Danh Án và Lê Quýnh nhờ thổ hào dẫn đường, nhân đêm lẻn qua đồn Trụ Hựu, vào nghỉ tạm trong ngôi nhà tranh. Thổ hào nói:

– Đất này giặc thường đi tuần ban đêm.

Một người trong số họ nhìn thấy có đốm sáng trong đêm. Cả bọn tưởng là lửa từ súng hỏa mai của Tây Sơn, bèn ùa nhau chạy trốn. Nhưng thực ra đó chỉ là ánh sáng đom đóm mà thôi. Cả bọn phải trốn vào trong một ngôi chùa. Sư trong chùa bảo với họ:

– Chùa này thường có lính tuần đêm.

Đến đêm, quả nhiên thấy có người cầm đuốc đi qua lại ở hướng thôn xóm. Nhưng quân Tây Sơn không tìm tới chỗ họ. Lúc gà gáy, sứ đoàn lại lên đường. Đến tảng sáng thì họ vượt qua đồn Ha Hộ của quân Tây Sơn.

Sứ đoàn ngủ đêm tại chợ Bản Động ở huyện Lục Ngạn. Sau đó đi lên xã An Châu thuộc châu An Bác. Chỗ này đã là địa bàn Lạng Sơn, là khu chợ trù phú. Khách buôn từ Kinh Bắc, Hải Dương, Yên Quảng vẫn thường tìm đến. Nhưng quân Tây Sơn cũng thường đi lại thám thính. Lê Duy Đản nhờ thổ tù xứ ấy dẫn sứ đoàn đi đường núi. Sau ba ngày trèo núi lội khe, sứ đoàn ra tới đường lớn Lạng Sơn. Con đường núi bắt đầu dẫn xuống bình nguyên. Trông ra xa thấy có vọng lâu, tới gần mới biết là đồn của phiên mục Lạng Sơn cũ. Sứ đoàn nói lý do chuyến đi. Phiên mục đó có cảm tình với nhà Lê, nên sai gọi đinh phu tới hộ vệ, còn đưa cho tiền và lễ vật chúc mừng.

Đến ngày mồng 3 tháng Mười, cả đoàn qua ải Trấn Nam. Họ được quan nhà Thanh đưa lên phủ Thái Bình, rồi đi Nam Ninh gặp đoàn của Quốc mẫu đang tị nạn ở đó. Đoạn rồi, họ lại quay về phủ Thái Bình để yết kiến Tôn Sĩ Nghị. Sau này, Lê Quýnh nhớ lại: “Bấy giờ đại binh đã nhóm”.

Cách đó hai tháng, ở Quảng Đông và Macao đã rộ lên tin đồn vua Chiêu Thống cùng gia đình chạy sang Thanh cầu viện binh. Trong lá thư viết từ xứ Nghệ ngày 16-8-1788, Breton nói rằng Nguyễn Huệ:

“Đã khoe khoang sẽ tới giao chiến với họ [tức quân Thanh] và chiếm một phần đế quốc họ. Đức ông Veren viết rằng ông ta có khoe như vậy thật

Chính vua Càn Long trong lúc bác bỏ chuyện liên kết với nước Xiêm cũng có nói rằng:

Lại nghe phong thanh Nguyễn Huệ truyền lệnh cho ngụy quan Ngô Sơ rằng đợi khi thiên binh xuất quan, y sẽ tức tốc đến Lê thành hiệp đồng kháng cự”.

Nhưng Càn Long cho rằng Nguyễn Huệ chỉ nói như vậy để Ngô Văn Sở yên tâm mà thôi. Ông ta còn cho rằng:

Những lời bọn giặc nói qua nói lại không thể tin được

Thậm chí, nếu như Nguyễn Huệ có kéo ra thật, thì đó lại là cơ hội rất tốt để bắt Nguyễn Huệ.

Hai tuần trăng nữa chiến tranh sẽ bắt đầu.

Mời bạn đọc tiếp hồi sau.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share