Bão táp Tây Sơn – Kỳ 17: Năm sắp tàn, đường còn xa

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 17: Năm sắp tàn, đường còn xa

Mặc dù đón nhận báo cáo chính thức đầy lạc quan của Tôn Sĩ Nghị, vua Càn Long lại không muốn tiếp tục cuộc phiêu lưu của ông ta.

Giữa tháng Chạp năm Mậu Thân [1788], Càn Long gửi cho Tôn Sĩ Nghị một chỉ dụ ra lệnh… rút quân. Trong chỉ dụ, Càn Long tuyên bố việc đánh lui quân Tây Sơn, đưa Lê Duy Kỳ trở lại ngôi báu “là tận thiện tận mỹ, từ nghìn xưa chưa bao giờ có”. Ông tuyên bố: “Việc này như thế là hoàn thành, có thể triệt binh”. 

Vua Càn Long cũng không quên cân nhắc tình hình thực tế. Ông dự trù hai trường hợp. Một là, khi chỉ dụ rút quân tới nơi, Tôn Sĩ Nghị đã thắng trận, bắt được Nguyễn Huệ, thì “không nên vì có chỉ này mà nhân khi sắp sửa xong xuôi lại để cho lỏng lẻo mà sinh hậu hoạn”. Điều đó có nghĩa là lỡ như đã thắng thì phải làm tới cùng. Hai là, nếu như đã thắng mà Nguyễn Huệ chạy trốn, thì không cần đóng quân lại lâu trong lãnh thổ Tây Sơn. Vua Càn Long còn nói một cách hơi tuyệt tình rằng nếu sau khi quân Thanh rút mà Lê Duy Kỳ bất tài, “sau vài ba năm lại sinh ngoại hoạn thì quốc vương tự mang cái họa diệt vong”. Khi đó phía nhà Thanh sẽ không động binh giúp đỡ nữa. 

Càn Long tỏ ra là người thực tế. Khi thấy chi phí cho việc “tiêu diệt tận gốc” Nguyễn Huệ là quá lớn, ông ta đã không muốn phiêu lưu thêm. Càn Long đã có danh tiếng về việc cứu giúp nước An Nam, “tự tiểu tồn vong” (giúp nối dòng cho nước nhỏ, bảo tồn kẻ sắp diệt vong). Như thế là quá đủ. Còn ở Đàng Ngoài, chính Lê Chiêu Thống cũng tỏ ra bất hợp tác.

Vua Càng Long ban chỉ

Trong khi chỉ dụ rút quân vẫn còn đang trên đường chuyển tới, Tôn Sĩ Nghị vẫn tiếp tục tính toán kế hoạch tiến quân. Tôn Sĩ Nghị vẫn dự trù mình sẽ là “ông ác” – chỉ huy cánh quân Lưỡng Quảng tiến đánh; còn Đề đốc Ô Đại Kinh của cánh quân Vân Quý sẽ là “ông thiện” – làm chiêu bài dụ hàng Nguyễn Huệ.

Tôn Sĩ Nghị giục Lê Chiêu Thống một mặt tìm kiếm thuyền bè, một mặt mua gỗ phiến, cột buồm, keo, đinh để cho các tướng thủy quân nhà Thanh đóng thuyền. Ông ta còn nói rõ rằng kinh phí đóng thuyền đều do “thiên triều” chi trả. Nhưng Lê Chiêu Thống “lúc đầu … còn vâng vâng dạ dạ nhưng sau mấy ngày không thấy động tĩnh gì”. Đến khi Tôn Sĩ Nghị thúc giục, Chiêu Thống mới “khăng khăng nói rằng nhân dân ly tán, các loại thuyền bè, gỗ và vật liệu, tuy được thiên triều chi trả nhưng cũng không sao có được”. Mặc dù vậy, Tôn Sĩ Nghị vẫn tiếp tục lo việc tìm kiếm thuyền bè.

Vấn đề tích trữ lương thực càng là nan giải. Đường hành quân quá xa. Lương thực vận chuyển từ Lưỡng Quảng tới lại càng xa. Tốc độ mang vác của phu phen không theo kịp tốc độ hành quân. Vì vậy, nguy cơ thiếu lương thực nuôi quân đội là rất lớn. Ngoài ra còn có nguy cơ thiếu phu tải, vì dân chúng ở Quảng Tây sợ đi xa, nên ít người ra ứng mộ đi phu. Tôn Sĩ Nghị sợ quân Tây Sơn trà trộn vào dân phu làm nội gián, nên ông cũng dự trù chỉ xài dân phu người Thanh để vận chuyển từ Thăng Long tới Phú Xuân

Trong vấn đề này, Chiêu Thống cũng tỏ ra không hợp tác. Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị, vua Chiêu Thống nói rằng dân chúng “tản mạn phiêu bạt không thể kiếm được nhiều nên số phu người bản xứ kiếm được từ Nam Quan đến Lê Thành ở các đài lương chỉ đủ sử dụng ở các trạm thôi”. 

Lúc này đã là sơ tuần tháng Chạp năm Mậu Thân [1788]. Tôn Sĩ Nghị cảm thấy lo lắng vì chưa tiến quân được, sợ vua Càn Long trách phạt. Ông còn nhắc lại đề xuất bắt thêm 3000 quân từ Quảng Tây tới để tăng viện; đồng thời bóng gió về việc xin được quyền chỉ huy cả cánh quân Vân Quý của Ô Đại Kinh. Tôn Sĩ Nghị vẫn đang cố gắng cho một chiến mà không ai muốn nữa.

vua Lê Chiêu Thống cầm ấn

Chiêu Thống đang bận bịu với nghi lễ đón tiếp ấn An Nam quốc vương mà vua Càn Long ban cho, thay cho quả ấn cũ của các đời vua trước. Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, quả ấn đã bị mất. Một số người đổ lỗi cho Nguyễn Nhạc đã lấy ấn đó, trong khi một số người khác đổ cho chúa Trịnh Tông đã làm mất ấn trong cơn loạn lạc. Bản thân Lê Quýnh cũng được vua Thanh ban cho chỏm mũ, đai và chức Tổng binh.

Trên thực tế, vua Chiêu Thống có sai Lê Quýnh lo việc huy động lương thực để dùng khi phát binh đánh Tây Sơn. Nhưng một bề tôi nhà Lê khác là Đinh Nhạ Hành phàn nàn rằng cả Chiêu Thống lẫn Lê Quýnh đều không chú tâm đến việc ấy. Cả hai người đều cho rằng Tây Sơn đã lui, không còn là hậu hoạn, nên “ngày đêm chỉ tụ tập nơi màn trướng bàn chuyện báo ân báo oán cho hồi còn chạy loạn, còn việc quốc sự thì gác sang bên chẳng hỏi han gì đến”.

Đinh Nhạ Hành là dòng dõi danh tướng Hải Dương, là bà con của Đinh Tích Nhưỡng – một quân phiệt cuối thời Lê. Khi Chiêu Thống chạy khỏi Thăng Long, Đinh Nhạ Hành vẫn còn nắm binh để đánh nhau với Tây Sơn, có thắng có thua. Cuối cùng, Đinh Nhạ Hành bị đánh dạt về Vân Đồn. Ông ta tuyên bố trong tay có hơn 300 chiến thuyền, hơn 2 vạn quân. Chiêu Thống trao chức cho ông ta chỉ huy việc quân ở Đông đạo. Lúc nghe tin nhà Thanh sang cứu viện, Chiêu Thống lại cử Đinh Nhạ Hành đi Liêm Châu bắt liên lạc. Phía Thanh đưa thư bảo Đinh Nhạ Hành về ngay để hiệp đồng tiến quân. Đinh Nhạ Hành đánh chiếm được Yên Quảng, rồi tiến về Hải Dương, Kinh Bắc. 

Sau khi chiếm lại Thăng Long, Đinh Nhạ Hành tỏ ra hăng hái. Ông tới gặp Tôn Sĩ Nghị thúc giục tiến quân. Ông nói:

– Bản quốc chúng tôi may nhờ được quân Thiên triều sang cứu viện, chỉ một trận mà thu phục được kinh thành. Nhưng toàn bộ quân của Tây Sơn nay vẫn còn đó. Diệt cỏ không nhổ tận gốc rễ thì rồi chúng sẽ mọc trở lại. Đại nhân mà xuất quân sớm một ngày thì bản quốc chúng tôi sẽ sớm một ngày được hưởng thái bình vậy.

Tôn Sĩ Nghị chỉ trả lời ngắn gọn:

– Hãy cứ nán đợi chút đã!

Rõ ràng Tôn Sĩ Nghị không thể nói hết những nan giải trong việc cung ứng hậu cần lúc đó. Đinh Nhạ Hành lại đem chuyện này tâu với vua Chiêu Thống, nhưng Chiêu Thống cũng không đưa ra quyết định gì. Bây giờ nhìn lại thì thấy, vua Càn Long đã đạt được danh tiếng mà ông ta muốn, nên không muốn gồng mình cung ứng lương thực để viễn chinh Phú Xuân. Vua Chiêu Thống mới phục quốc, cần khôi phục quyền lực và củng cố nội bộ. Tôn Sĩ Nghị tuy muốn tiến quân, nhưng khó khăn trùng trùng. Giữa lúc đó thì một giải pháp chính trị đột nhiên xuất hiện. 

Tôn Sĩ Nghị nói chuyện với Đinh Nhạ Hành

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Minh hoạ: Võ Minh Thảo
Dàn trang: Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share