Cẩm nang thoán nghịch – Kỳ 3: Năm yếu tố xét thành bại

Tác giả Phach Ho Nguyen
Cẩm nang thoán nghịch – Kỳ 3: Năm yếu tố xét thành bại
cẩm nang thoán nghịch

Tiếp nối kỳ 2, Tôn Tử viết rằng xét thành bại, có thể căn cứ vào 5 yếu tố: thiên thời – địa lợi – nhân hoà – tướng lĩnh – pháp chế. Điều này áp dụng vào việc thoán nghịch cũng không sai khác vậy. Tuy nhiên, ý nghĩa của 5 điều trên cũng có chút đổi khác.

cẩm nang thoán nghịch - thiên thời

Thiên thời

Nói dễ hiểu, làm những chuyển biến khách quan tạo ra thời cơ mà ngươi có thể lợi dụng. Ta từng nói “thời Kiệt – Trụ là lúc anh hùng tựu nghĩa” là nói đến thiên thời vậy. Với những kẻ yếu thế, thiên thời luôn là đòn bẩy trời ban. Biết lợi dụng nó thì làm đến Lê, Lý. Bỏ qua nó thì trở thành Đoàn, Nguyễn.

Hỏi:

Năm Bảo Đại 15, Việt Minh nổi dậy khắp Nam Kỳ mà chưa thành công. Năm Bảo Đại 20, Việt Minh nổi dậy ở Bắc Kỳ mà chặt trúc mở nước. Chỉ cách nhau 5 năm, cùng một người làm, mà sao khác biệt đến vậy?

Xin thưa:

Là do thiên thời vậy. Năm 15, trong nước có Nhật, Pháp, gươm súng đầy đủ. Quân ta phủ trùm nửa Nam Kỳ, nhưng đa phần không có trang bị, cũng chẳng có huấn luyện. Vậy mà cưỡng cầu khởi sự. Đến nỗi đốt một cái cầu mà cũng lúng túng không biết làm. Năm 20, Pháp chạy, Nhật hàng, án ninh bất động. Quân ta có giành lấy chính quyền cũng chẳng ai chống trả. Chiếm lĩnh thiên thời là vậy đó.

vua Bảo Đại
Vua Bảo Đại
mặt trận Việt Minh
Mặt trận Việt Minh
cẩm nang thoán nghịch - địa lợi

Địa lợi

Đối với bậc hào kiệt, đây là căn bản quan trọng nhất trong năm yếu tố. Phàm thói thường người đời, né tránh triều đình, tất lui vào chỗ thâm sơn cùng cốc. Thế nhưng ở nơi đó, có tránh khỏi tai mắt, nhưng xa khỏi nhân dân. Chẳng thu được lương, mà cũng không tìm được người. Bởi thế anh hùng đời nào cũng nhiều, nhưng 10 người thì đến 9 phải cam phận làm sơn tặc là vì thế.

Địa lợi của kẻ khai quốc là nơi có thể mưu cầu cử sự mà không bị chú ý, là nơi cử sự rồi mà không sợ bị tấn công. Ở thì có sự hưởng ứng của nhân dân, có thể thu tài vật, nhân lực. Thủ thì có núi sông vững chắc, lấy một đánh mười. Đi thì thuận buồm xuôi gió, như sao sa chớp giật.

Hỏi:

Thái Tổ cử sự ở Lam Sơn, suốt 6 năm nếm mật nằm gai, mấy lần bị vây, khổ không nói hết. Kẻ thường nhìn vào, chẳng ai cho là thiên tử. Vậy mà chỉ vào Nghệ An có 3 năm thì làm đến Lý, Trần. Tại sao vậy?

Đáp:

Là do địa lợi vậy. Họ Lê cử sự ở Lam Sơn, chỉ bởi đó là đất quê hương, quan hệ, danh tiếng đều ở đó. Đi nơi khác thì thành kẻ tầm thường, không làm nên việc vậy. Lam Sơn lại có cái hình thế hiểm trở, kẻ yếu có thể bám vào cầu sống, nên không dám đi vậy. Nhìn qua thì tưởng là đắc địa, xem kỹ mới biết là chốn tuyệt địa. Hỡi ơi. Bên trái thì có thành Tây Đô kiên cố bậc nhì trong nước. Chung quanh thì toàn rừng cao núi sâu, dân cư thưa thớt. Hiểm trở đấy, nhưng lương, binh không có. Khác gì kẻ nằm trong nôi ấm nhưng không được bú mớm, lớn lên sao nổi?

Mô hình minh họa địa hình cuộc chiến tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM
Mô hình minh họa địa hình cuộc chiến | Nguồn: Bảo tàng Lịch sử TPHCM

Thử nhìn địa thế Nghệ An mà xem? Nằm xa tận tít miền cực Nam, thoát khỏi sự kềm toả của triều đình. Bên phải thì có biển sẵn cá muối, bên trái thì có rừng núi trùng điệp, có thể lui về. Ở giữa lại có đồng bằng, ruộng lúa, dân cư nhiều đời hiệt kiệt, từng theo Giản Định đế đánh nhà Minh. Bước được vào đó có khác gì lĩnh hội vượng khí đế vương, binh uy đại chấn nhanh chóng là vì thế đó.

Lại nói, chúa Tiên khi chết có trăn trối với con cháu rằng:

Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời.

Nghe thế đủ hiểu địa lợi là xương sống của bá nghiệp vậy.

cẩm nang thoán nghịch - nhân hòa

Nhân hòa - tướng lĩnh - pháp chế

Nhân hoà là nhân lực. Đã nói ở thiên thứ hai vậy.

Tướng lĩnh hàm ý chỉ nhân tài. Cũng đã nói qua vậy.

Phàm nhân tài, tướng lĩnh, đều là lấy từ bọn bất mãn với bản triều. Điều này gắn chặt với thiên thời địa lợi. Vì thế mới nói, không có ý trời thì không làm vua được vậy.

Pháp chế cũng cực kỳ quan trọng. Khi lương tiền đã đủ, quân dân đã hội, chính là lúc pháp chế được phát huy. Kẻ chiến thắng là kẻ có thể thiết lập nên một bộ máy hoàn bị, nơi người người có thể phát huy hết sức mình. Bậc bá chủ ngồi ở vị trí trung tâm, phóng mắt nhìn bộ hạ bốn phương. Thấy kẻ có tài thì cất nhắc. Kẻ có mâu thuẫn thì hoà giải. Kẻ có tính xấu thì răn dạy. Sao cho muôn người một lòng thì trăm trận không thua được. Lại nói, mỗi khi đánh chiếm được đất mới, liền có thể cắt đặt hệ thống cai trị để thu lấy vật tư. Pháp chế như thế, quân lương đầy đủ, nhân tài toả sáng, đó là cái thế bất bại vậy.

Vua Lê thiết triều
Bậc bá chủ ngồi ở vị trí trung tâm, phóng mắt nhìn bộ hạ bốn phương.

Hỏi:

Lê Thái Tổ đột ngột mất Triện, Lễ mà vẫn nên sự nghiệp. Là vì sao vậy?

Đáp:

Là do pháp chế và tài lãnh đạo vậy.

Thái Tổ rèn thần binh danh tướng từ phường phàm tục, chẳng phải việc người thường có thể làm. Triện, Lễ vừa lập đại công đứng đầu một thời thì đột ngột nối nhau chết. Giặc Bắc thì sắp sang, thế mạnh hơn trước nhiều lần. Vậy mà vua có thể tái sắp xếp nhân sự, lấy Lê Sát, Nhân Chú, Trịnh Khả, Văn Xảo,… để thay thế người vừa chết. Đủ cho thấy nhân tài rộng khắp, vua lại am hiểu năng lực từng người, nên lâm nguy mà không hoảng loạn. Đời sau nên nhìn đó noi theo.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế : Nhím
Minh Họa : Minh Thảo Võ

Share