Cây tre và cành trúc của người Việt – Kỳ 1

Tác giả Nguyễn Thái Sang
Cây tre và cành trúc của người Việt – Kỳ 1

Biết bao nhiêu là cây và hoa đã và sẽ đồng hành cùng người Việt. Hôm nay, tôi xin nói về một loài cây mà hình ảnh của nó len lỏi trong mọi ngóc ngách tâm hồn cũng như lịch sử và văn hóa của đất Việt. Đó là cây Tre Việt Nam.

Việt Nam là một đất nước có chiều dài lịch sử và văn hóa đáng trân trọng. Trong cái chiều dài hơn bốn ngàn năm lịch sử đầy vẻ vang ấy, ngoài sông núi, đất đai, con người thì không biết bao nhiêu loại cây, loại hoa đã đồng hành cùng dân tộc ta. 

Nếu chọn ra một loài cây hoặc hoa mà mang theo tâm hồn Việt Nam, có lẽ sẽ tốn không ít thời gian. Chúng ta có những cánh đồng lúa bao la, thứ bao đời nuôi sống cả một dân tộc. Có những rặng dừa khô mọc dọc theo những bờ duyên hải đầy nắng gió. Có những rừng dừa nước bạt ngàn nơi miền sông nước từ thuở khẩn hoang. Có những cánh sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Ngày Tết có cành đào phương Bắc, mai vàng phương Nam. Ngày thành hôn có trầu cau son sắt… 

Tôi không biết cây tre có mặt từ bao giờ ở trên cái mảnh đất hình chữ S này. Nhưng tôi tin rằng với mỗi người dân Việt Nam thì từ khi lọt lòng, hình ảnh của loài cây bình dị này đã luôn ở bên chúng ta. Tre có mặt khắp mọi nơi trong đời sống của người Việt Nam. Từ nơi dân dã đến đô thành. Từ nơi bình dân cho đến chốn cung cấm. Từ những con đường quê yên bình cho đến nơi chiến địa tử sinh. Từ đời sống xô bồ thực tế cho đến những câu chuyện cổ tích mà đứa trẻ nào cũng từng được nghe bà kể. 

Tre cứ như vậy mà len lỏi vào đời sống của như tâm hồn dân tộc. Chúng ta hãy thử đi một chuyến du hí cùng tre để xem loại cây này đã và đang gắn bó với đời sống con người Việt Nam như thế nào nhé?

Cây tre trong đời sống hàng ngày​

Chõng tre

Hiếm có loại cây nào mà gần như ta có thể bắt gặp những sản phẩm của nó nhiều như là tre. Từ những mái nhà tranh cho đến những cung vàng, gác tía ở đâu cũng có thể bắt gặp được những sản phẩm từ cây tre.

Tre có thể làm hầu hết mọi vật dụng cần thiết trong đời sống từ cái nhà, tấm vách, chiếc giường, cái bàn, cái ghế. Đồ dùng trong bếp thì tre góp mặt từ đũa nhỏ cho đến đũa lớn, từ con dao cho đến cái tăm. Đựng đồ ăn thức uống thì tre làm nên thúng, mẹt, nong, nia, rổ, rá. 

Ở vùng cao, tre còn là chiếc nồi để nướng thịt, để nấu cơm lam. Còn nếu ở miền sông nước, tre cho người Việt chúng ta từ cái cần câu, cái lợp, cái chĩa để tìm kiếm thức ăn. To hơn là cái bè nan để đi lại qua miền sông nước. Nếu gặp mãnh thú, những cây giáo tre, tên tre hay bẫy chông sẽ là những chiến hữu đầy tin cẩn.

Cây tre đồng hành cùng người dân đất Việt trong hầu hết mọi hoạt động cũng như lễ hội. Ngày Tết, người Việt ta có tục thượng và hạ nêu, nơi những cây tre cao vút được dựng lên để mong một năm mới bình yên và hạnh phúc. Chưa kể Tết Nguyên Đán thì làm sao thiếu được bánh chưng, bánh tét, các loại bánh Tết nào cũng được ăn. Để có được những chiếc bánh thơm thảo đó, cây tre góp phần bằng những sợi dây lạt mềm dẻo nhưng cũng đầy chắc chắn. Rồi tháng năm đến kéo theo Tết Đoan Ngọ về, cây tre lại góp mặt vào những chiếc bánh tro dẻo thơm cùng cái vị ngọt của đậu xanh. 

Sang đến Tết Trung Thunhà nhà lại ngồi cùng nhau gọt ra những nan tre, làm nên những chiếc lồng đèn lung linh, thứ thắp sáng ký ức tuổi thơ cho không biết bao nhiêu thế hệ trong những đêm rằm tháng tám vui tươi và hạnh phúc. 

Sau đó, khi mùa gió chướng nổi lên, cùng những thanh tre dát mỏng đó, thêm vài trang giấy được xé vội ra từ cuốn vở cũ, vài hạt cơm nguội, thêm một sợi chỉ dài là đã có một cánh diều tung bay để nô đùa cùng đám con nít trong xóm.

Những thứ ở trên dù nhiều nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ so với những giá trị mà cây tre có thể mang lại cho đời sống của dân tộc Việt.

Cây tre trong dòng chảy lịch sử dân tộc

Ngoài những tác dụng không thể bàn cãi thì chính cây tre Việt Nam cũng thả mình trôi theo dòng lịch sử hào hùng của dân tộc.

Từ những ngày khai hoang, mở cõi, cây tre đã đồng hành cùng người Việt. Từ những lúc hiền lành như cái thúng, cái mẹt cho đến những cây tầm vông, những ngọn giáo, mũi tên đánh đuổi kẻ xâm lăng, lật đổ ách thống trị bạo tàn, việc gì mà không có mặt của cây tre cho được. 

Hình ảnh cây tre gìn giữ cõi bờ đã có từ câu chuyện cổ tích thời xa xưa. Cho đến những ngày cơ khổ ở Lam Sơn, nghĩa quân đã sinh tồn nhờ những củ măng tre nơi rừng sâu, nước độc để mà từ đó giành lại sơn hà nước Nam sau hai mươi năm bị đô hộ. 

Đến khi thời đại của súng ống, tàu chiến thì cây tre cũng không vì thế mà thoái lui khỏi công cuộc gìn giữ bờ cõi. Cây tre sát cánh cùng nhau tạo thành chiến lũy cho khởi nghĩa Ba Đình chống lại quân Pháp xâm lăng. Tiếng mõ tre, gậy tre theo chân nhân dân ta trong những ngày nổi dậy tháng Tám lịch sử. Tre tự chia mình ra thành hàng trăm, hàng ngàn chiếc chông nhọn. Cả rừng chông nhìn thẳng lên bầu trời như thách thức những cánh dù của kẻ xâm lăng. 

Ngoài ra trong những ngày tháng ấy, cây tre cũng hóa thân mình thành những đòn gánh, những thúng, những rổ đựng đồ tiếp tế, lũ lượt tiến về vùng lòng chảo Điện Biên, nơi một dân tộc thuộc địa sẽ làm rung chuyển cả địa cầu. Đến khi hòa bình trở lại, cây tre cũng mang theo bản thân một vai trò mới. Tiếng mõ tre trở thành công cụ giúp gìn giữ bình yên ở mọi xóm làng.

Đọc tiếp Kỳ 2.

Share