Chó đá trong đời sống tâm linh của người Việt

Tác giả Huyết Vy
Chó đá trong đời sống tâm linh của người Việt

Từ xa xưa, nơi đầu làng ngõ xóm, trước cửa nhà dân thường có một thần giữ cửa. Đó là một con chó đá được đục đẽo sinh động và ưa nhìn. Con chó từ nhà trời, nó trông nhà coi xóm và mang lại thịnh vượng cùng yên ổn cho thế gian. Thế sự đổi dời, chó đá vẫn sống qua nhiều kiếp người, chứng kiến một đời dâu bể bao lớp người Việt.

Cái thạp đồng này là do tổ tiên trong cung vua truyền lại cho ông cố con, ông cố đói xác xơ cũng không bán đi mà dành lại cho ông nội, ông nội chạy giặc cũng gắng ôm theo mà để lại cho cha con. Cái thạp gắn với chuyện đời ông cha đến tay con lại biến mất một cách thần không hay quỷ không biết. Lạy Quan lớn hiển linh, phù hộ gia đình con tìm lại được cái thạp gia truyền.

Hôm đó mùng Một, không trăng, đêm đen phủ lên bệ thờ bên hông chùa Địch Vĩ một màu u uất. Tuy vậy, trước hương án vẫn đủ đầy hoa quả và khói hương. Người đàn ông trung niên buồn bã bày lễ rồi phủ phục dưới chân tượng chó đá, lầm rầm khấn xin Quan lớn Hoàng Thạch của làng mình. 

Niềm tin vào thần Hoàng Thạch của ông hòa vào khói hương, truyền thêm sức mạnh vào thần lực của ta. Ta đem thần lực đó xoa dịu tâm thần bất an của người đàn ông tội nghiệp, truyền lại cho ông một niềm tin rằng, chiếc thạp đồng sẽ được tìm lại, dưới sự giúp sức của thần.

Đó là công việc ta đã làm hàng nghìn năm qua. Mà ta, chính là vị thần ngự trong bức tượng chó đá mà người dân làng Địch Vĩ tôn xưng là Hạ Giới đại vương Hoàng Thạch. Hay chăng, ta chỉ là một ý niệm tồn tại trong đá, trong những bức tượng đá hình chó. Rất lâu trước đây, thần mệnh của ta được thức tỉnh bởi niềm tin và niệm lực thế nhân – những người tôn kính và phụng thờ chó đá trên khắp xứ Việt này.

Thần lực của ta tồn tại những nơi thế nhân tạo tác và thờ phụng chó đá. Ngàn năm qua, ta chu du khắp các trú sở của mình trên đất Việt, lắng nghe những lời khấn nguyện và truyền thuyết dân gian. Trong suốt sinh mệnh bất tử này, ta vẫn luôn lần về gốc tích xa xăm, ghi lại câu chuyện của tiền thân, của chính mình trong không gian tâm linh xứ sở, trước khi những đổi dời và tháng năm xóa sổ đi hết thảy.

Từ chó linh thuở hồng hoang đến chó đá trước cửa nhà

Từ thuở hoang liêu, chó đã là bạn đồng hành chí cốt của cư dân đất Việt. Tháng năm đằng đẵng chung sống cùng nhau, người Việt đã nhận ra những ưu điểm vượt trội của chó – thiện chiếnnhạy bén

Chó xông pha cùng chiến sĩ bộ lạc trong những cuộc săn rồi đi theo những thầy phù thủy Shaman mặc áo lông chim thực hiện nghi lễ trừ tà. Một số tộc người sinh tồn nơi hoang dã, gắn chặt đời mình với săn bắn hái lượm tưởng thưởng ưu điểm đức tính đó mà nhận chó là vật tổ của mình. (1)

Truyền thuyết của người Cơ Tu vẫn còn kể lại truyền kỳ về trận đại hồng thủy hủy diệt hết thảy sinh linh. Đất trời bao la chỉ còn lại duy nhất cô gái và một chú chó sống sót nhờ trốn vào chiếc trống. Con trai và con gái của hai sinh vật sống duy nhất này lại lấy nhau và sinh ra một quả bầu. Chính quả bầu ấy nở ra tổ tiên người Cơ Tu, người Bru, người Tà Ôi…(2)

Đi về miền núi đồi Tây Bắc, bao đời tộc Dao vẫn nhận chó là vật tổ trong lễ tục ca ngợi chiến công của Bàn Hồ. Bàn Hồ – một con Long Khuyển ngũ sắc, là công thần giúp vua phương Bắc diệt giặc, được vua gả con gái yêu. Hậu duệ của Bàn Hồ và công chúa chính là tổ tiên người Dao. Ngàn năm qua, người Dao vẫn còn cúng tế Bàn Vương bằng cách thêu hình chó và bốn chiếc chân chó lên trang phục. (3)

Về miền đồng bằng châu thổ, chó quý lại được điểm mặt trong truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Dân gian truyền rằng, ban đầu An Dương Vương chọn đất Uy Nỗ (Tó) làm nơi dựng đô, nhưng rồi đàn chó của vua cứ kéo nhau sang đất Cổ Loa, trong đó có con chó quý tìm đến một khu gò đất lót ổ đẻ con. Cho rằng chỗ đất nơi chó đẻ là đất quý, vua cho dựng đô xây thành ngay trên đó. Từ tích này, truyền lại tục chó đẻ ở đâu, dựng nhà ở đó.

Ở miền tâm thức khác, chó cũng tìm được cho mình một vị thế mới khi thế giới này phân trời đất âm dương. Cùng các vị thần được sinh ra để lý giải trật tự vũ trụ, chó cũng hóa thần để trấn giữ và thông linh trời đất

Thiện chiến đi cùng uy dũng, nếu con Chó Nhà Trời đuổi theo cắn Mặt Trời và Mặt Trăng trộm cỏ tiên gây ra nhật thực, nguyệt thực; thì con Chó Địa Phủ lại được giao trọng trách phán xét nhân quả dưới Âm ty. Ở giữa càn khôn, những con chó phàm chốn dân gian vẫn tràn đầy linh tính với quan niệm chó trắng là vật cực âm, còn chó đen lại là vật cực dương với dòng máu trừ tà chảy trong mình.

Minh hoa tục thờ chó đá

Trong thế giới của quyền phép buổi sơ khai, chó dùng những giác quan nhạy bén của mình để phù trợ thầy cúng xua đuổi ma quỷ và tìm hồn người bệnh, in dấu trên những hoa văn bí ẩn của trống đồng. Rồi từ người bạn đồng hành, bảo vệ con người trong đời sống thường nhật, loài chó dần dà đi vào tâm thức của họ như một con vật đầy tính linh với khả năng trừ tà, trấn giữ. 

Mong muốn giữ chó ở lại đời mình và dòng tộc, dài lâu hơn nhiều vài chục năm sinh mệnh ngắn ngủi của loài chó, con người phỏng theo những hoa văn hình chó cổ xưa mà tạc khắc nên những bức tượng mang tuổi thọ vĩnh hằng, bằng một chất liệu thiêng từ thuở hồng hoang – đá

Trong những đêm đen mịt mùng ngàn năm qua, người xưa vẫn nằm lặng nghe tiếng chó sủa ma và tự trấn an thân tâm vì trước nhà đã có chó đá linh thiêng giữ cửa.

Chó đá điểm quân trong hệ thần người Việt

Tranh minh họa tục thờ chó đá

Tháng năm đằng đẵng, tượng chó đá cứ lần lượt nở rộ và điểm mặt khắp thôn xóm, đình làng, lăng tẩm đất Việt. Những bức tượng những tưởng vô tri nhưng đêm ngày bầu bạn cùng gió mưa nhật nguyệt, lắng nghe vui buồn khẩn nguyện của nhân gian, chính là chân thân của ta. Ngàn năm hấp thụ tinh hoa đất trời và niệm lực nhân gian, ta tích tụ linh tính thần hồn, trở thành thần Chó Đá canh giữ đất đai và của cải, điểm mặt trong hệ thần của người Việt.

Họ kể về sự linh ứng của ta trong câu chuyện ngụ ngôn răn dạy đức khiêm nhường. Anh học trò được đôi chó đá ở cổng đình nhổm dậy quẫy đuôi mừng rỡ, tiết lộ khoa thi này anh sẽ đỗ đạt cao. Nhưng lời phán khiến bố mẹ anh học trò huênh hoang dọa nạt xóm làng để rồi hôm sau ngang qua, đôi chó đá không vẫy đuôi nữa. Gia đình hách dịch nên Thiên Tào gạch tên, không phù trợ cho anh thi đỗ. Khóa ấy, anh thi hỏng thật. Sau này, nhờ vào sự quyết tâm và cả gia đình tu nhân tích đức, đôi chó đá lại vẫy đuôi chào mừng anh học trò trước kỳ thi sau. Quả nhiên, khóa này anh ta đỗ đại khoa. 

Ta len lỏi vào tâm thức và ký ức người Việt, thoắt ẩn thoắt hiện trong chuyện kể dân gian khắp nẻo nước non. Dân làng Phục Lễ (Lương Tài, Văn Lâm) tin rằng “vật bất cổ bất linh, nhân bất cổ bất danh”. Họ tin vào sự linh ứng của ta trong đôi chó đá trấn yểm đặt ở cổng làng, tôn kính gọi là Thạch Khuyển. Để đến khi đôi Thạch Khuyển bị kẻ gian lấy mất, người dân nơi đây phải đặt mua một đôi khác thay thế vào chỗ cũ như một di vật gắn liền với đời sống của làng. 

Cửa chùa Hương Kiệu (chùa Kẹo), thôn Đại (xã Phụng Công, Văn Giang) cũng từng đặt đôi chó đá. Cùng những can qua biến dời, chùa bị phá hủy, tượng chó lưu lạc nhân gian, nhưng ngày tuần hay ngày rằm vẫn có người thắp hương cho ta. Giờ chùa được trùng tu khang trang, đôi tượng của ta lại về ngồi oai vệ trước cửa mà canh giữ cõi Phật. Cụ bà thủ nhang chùa Hương Kiệu khi giới thiệu về đôi chó đá không gọi là chú, là con chó, mà gọi với giọng kính cẩn “ông Chó Đá”: “Ông thiêng lắm, trước đây có người mang về đặt ở cổng, mà gia đình lắm chuyện không hay, không dám giữ, phải mang trả về đấy”. Tín niệm của trăm ngàn người như cụ bà thủ nhang đó đã duy trì thần mệnh và thần lực cho ta.

Ghi dấu đậm sâu vào lòng người Việt, từ chỗ đứng ở cổng, ở cửa, ta đường bệ bước vào thần điện của thôn làng. Người dân làng Địch Vĩ (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội) lập một bệ thờ chó đá ngay sau chùa, kính cẩn gọi là Quan lớn Hoàng Thạch – chính là nơi ta nghe được lời khẩn nguyện của người đàn ông mất chiếc thạp đồng. Dân làng gắn cho Quan lớn Hoàng Thạch có một huyền tích khá ly kì, với một thân oan khuất vì sự ghen tuông mù quáng của anh trai. 

Cách đó không xa, vẫn trong huyện Đan Phượng, làng Trung Hiền (xã Thượng Mỗ) có một tượng thờ “Quan Hoàng Thạch” ở sân đình. Tuy tượng nhỏ hơn ở làng Địch Vĩ, nhưng không vì thế mà sự sùng bái của dân làng giảm bớt. Bệ thờ chó đá của ta vẫn được dân làng quanh năm khói hương thờ phụng.

Hành trình lướt qua sử sách, đi vào văn chương của chó đá

Tục thờ chó đá cứ thế lưu chảy như một mạch ngầm trong dân gian, tồn tại theo thời gian như một trải nghiệm cộng đồng. Theo dòng chảy đó, biên giới thần lực của ta cũng được mở rộng cùng sự lan truyền về một phép thiêng thực sự hiện hữu. Truyền kỳ lan đến cuộc đời thiên tử, đi vào văn chương sử sách.

Đền thờ Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch đến nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện của chó đá liên quan đến sự ra đời và tích dời đô của Lý Thái Tổ. Người ta dựa theo Tây Hồ chí của Dương Bá Cung mà kể rằng, mẹ của Lý Công Uẩn, khi đến làm việc tại chùa Tiêu Sơn, đêm đến nằm mơ thấy thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra vua.

 Khi ngài sinh thành, tượng chó trước cổng chùa Tiêu Sơn tự dưng mở mõm sủa inh ỏi. Không những thế ngài còn sinh vào năm Tuất. Chính vì cuộc đời huyền thoại của vị vua này mà khi định đô tại Thăng Long, ông cho lập miếu thờ chó thần Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) để canh giữ, bảo vệ kinh thành. 

Tranh minh họa chó đá

Tuy được phụng thờ với nhiều huyền tích, mục đích khác nhau, nhưng nhiệm vụ chính của ta vẫn là trấn yểm và canh giữ. Như trong Kiến văn tiểu lục, thể lệ về Lễ nghi, Lê Quý Đôn có ghi: “Đời cổ có 5 nơi thờ: Thờ Thần cổng dùng dê, Thần bếp dùng gà, Thần cửa dùng chó, Thần giếng dùng lợn lớn, Thần thổ dùng lợn nhỏ”. 

Vậy nên có gì lạ đâu khi ta được tạc tượng để gác cửa, trừ tà mà trong lăng Ngải Sơn của Trần Hiến Tông. Rồi lại được đường bệ trấn giữ chính điện Lam Kinh của Lê Thái Tổ ở Thanh Hóa, như Hoàng Việt Dư địa chí của Phan Huy Chú viết: “Điện chi cực cao, lưỡng dịch khai hoằng đình. Hạ thiếp thủy tượng thị triều tiền điện. Hậu môn ngoại, nhị thạch ngao cực linh. Điệp tam liên vi vương tự, mỗi dạng tượng kinh sư miếu chế.” Tức là ngoài cửa phía sau được trấn giữ bởi hai chó đá cao lớn rất linh thiêng.

Ngàn năm trấn giữ đền đài lăng tẩm là ngàn năm cô tịch với gió sương, nhưng ta vẫn vui lòng đem sức bảo vệ bình an vùng đất ấy, không cô phụ tín nhiệm của thế gian. Vua Lê Thánh Tông có lẽ cảm được nỗi niềm đó của ta mà làm bài thơ vịnh:

Lần kể xuân thu biết mấy mươi
Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi…
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng
Dấu nhân ai lay cũng chẳng dời

Sau đó, đôi lần ta được điểm danh như một thành tố trong đời sống tâm linh của người Việt trong các tác phẩm văn học. Như Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài có nhắc: “Chó đá canh cổng trông quen mắt như cái bình vôi treo ở đám rễ si, rễ đa… Con chó đá là thần canh cửa nơi miếu mạo và cổng ngõ các nhà có của… Nhà có, nhà nghèo đều khói hương những ngày tết nhất mời ông Khuyển về “thượng hưởng”, nhưng chó nhà khó thì chỉ ngửi hơi nước lã, chó nhà có máu mặt mới được cúng rượu thịt thật.”

Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh cũng kể về một ông Thần Cẩu cao ngang thắt lưng người, đặt bên cạnh bàn thờ gốc đa. Người dân làng Cổ Đình thờ Thần Cẩu cũng với mục đích để giúp dân làng trừ tà, giữ của, giữ sự bình yên cho ngôi làng vì “năm xưa làng động, thầy hộ Hiếu bảo lí do còn vì cái nghĩa địa nằm ở chân quả đồi ở phía trước đầu làng. Nghĩa địa nhòm vào làng là độc lắm”. 

Vậy nên người dân làng Cổ Đình đã “tạc một con chó đá có lỗ thủng ở bụng, vẽ một đạo bùa yểm nhét vào đó”, khi tạc tượng cho đá xong họ cho “xây bệ đặt chó đá nhìn thẳng vào nghĩa địa chân đồi”. Dân làng tin rằng ông Thần Cẩu sẽ giúp làng trừ khử được cái “tà khí” từ những ngôi mộ trên quả đồi trước cổng làng.

Tuy không gian làng Cổ Đình là hư cấu, nhưng chuyện người, chuyện thần và những tín niệm được người gửi gắm vào thần là những điều đã lặp đi lặp lại ở làng quê Việt trăm ngàn năm qua. Chức năng bảo hộ gia chủ đời thực của chó được phủ lên quyền phép của thần chó đá.

 Và sự thân thiết đời thực với chó cũng khiến những khẩn nguyện đến chó đá như một cuộc tỉ tê tâm tình, thường là xin lại đồ vật bị mất hay xin lại công bằng,… Như hôm nay đúng Rằm, sáng trăng, tượng Quan lớn Hoàng Thạch của làng Địch Vĩ đủ đầy hoa quả khói nhang, ta lại đang nghe một người đàn ông lầm rầm khấn niệm:

Tạ ơn Quan lớn đã phù hộ và chứng giám cho nỗi oan tình của con. Cái thạp đồng kia đã được tìm thấy, do đứa nhỏ trong nhà lấy đi chơi đồ hàng rồi để quên ngoài đồng. Còn con thì không còn bị nghi kỵ vì sang nhà họ chơi trúng ngày hôm đó nữa rồi. Xóm giềng đã giải tỏa hiềm khích và “dĩ hòa vi quý” với nhau. Con xin tạ một ít lễ mọn cho người.”

Tranh minh họa chó đá

Thật là một kết cục có hậu, như bao nhân quả ta đã chứng kiến và xoa dịu ngàn năm qua. Tuy vậy, kết cục của ta lại là một dấu chấm lửng đi về vô định. Cùng những biến chuyển bất ngờ của thời đại, thần lực của ta đã không còn như trước. Nhiều tượng chó đá bị vứt bỏ, vắng bóng nơi nghi môn bề thế của đình làng. Một thời gian, phong trào bài trừ mê tín dị đoan nở rộ, chó đá “khóc đứng khóc ngồi” khi bị chủ nuôi thẳng tay vứt bỏ xuống giếng, xuống sông, thậm chí là đem nung vôi.

Tuy vậy, thần mệnh của ta vẫn sẽ tồn tại một khi con chó đá vẫn còn quấn quýt trong tâm thức người Việt. Thẳm sâu trong ký ức, thế nhân vẫn nhớ về những con chó đá thân thuộc trước cổng nhà hay trong ngõ xóm đường làng. 

Người làng An Xá, Kim Động kể rằng, có đêm đi đánh cá về, thấy hàng đàn chó đá bơi qua khúc sông ngày xưa người ta đem vứt chúng (4). Còn có không ít họa sĩ đã thu thập đủ loại tượng chó đá cổ về lưu giữ nơi tư gia (5). 

Dẫu chó đá được phụng thờ hay bị ruồng bỏ, thì ta vẫn vui mừng khi thấy con người vẫn vững vàng mạnh mẽ. Thay vì tin vào ta, họ truyền tải niệm lực vào chính mình và những yếu tố mới của thời đại. Cứ thế họ vẫn sống một đời tràn đầy niềm tin và được bảo hộ bởi những niềm tin ấy.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Chó đá huyền bí
Share