Chuyện Quốc ngữ: Di sản của người Pháp hay của người Bồ Đào Nha? – Kỳ 1

Tác giả Tường Vân
Chuyện Quốc ngữ: Di sản của người Pháp hay của người Bồ Đào Nha? – Kỳ 1

Trong hiểu biết đại chúng, linh mục Alexandre de Rhodes (người xứ Avignon nay thuộc Pháp) là người có công lao lớn nhất trong việc tạo tác và phát triển chữ Quốc ngữ, có lẽ bởi ông là tác giả của hai cuốn sách Quốc ngữ đầu tiên được xuất bản: Phép giảng tám ngàyTừ điển Việt – Bồ – La (xuất bản tại Roma vào năm 1651). Ảnh hưởng của Hội Thừa sai Paris tại Việt Nam và thời kỳ thuộc Pháp sau này càng làm mạnh thêm sự tin tưởng ấy. Tuy nhiên, thông qua các chứng cớ lịch sử, hệ thống chữ Quốc ngữ vốn được xây dựng dựa trên các quy tắc văn phạm tiếng Bồ Đào Nha, bởi lẽ, những vị thừa sai phương Tây đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Viễn Đông này là những người Bồ Đào Nha. 

Nhưng vì sao lại là người Bồ Đào Nha chứ không phải là người của quốc gia khác? Câu trả lời cho vấn đề lịch sử này sẽ được diễn giải cụ thể trong phạm vi bài viết sau.

Một thế giới chia làm hai

Vào thế kỷ 15, những cuộc phát kiến địa lý của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã mở rộng chân trời hiểu biết về những vùng đất mới cho con người Tây Âu, đồng thời cũng làm bùng nổ khao khát phiêu lưu và làm giàu nơi xứ lạ. Bắt đầu từ cuộc xâm lăng Ceuta của đế quốc Bồ Đào Nha, các cuộc viễn chinh đường biển trong hai thế kỷ 15 và 16 hầu hết đều được tài trợ bởi các ông hoàng bà chúa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với tham vọng bành trướng sức mạnh ngoài lãnh thổ châu Âu. Không chỉ có vậy, Giáo hội Công giáo La Mã cũng ủng hộ nhiệt thành các cuộc thám hiểm sơ khai dọc bờ biển Tây Phi nhằm mục đích dùng Cơ Đốc giáo đẩy lùi bước tiến của quân Hồi giáo vào sâu Nam Âu.

Cuộc xâm lăng Ceuta của đế quốc Bồ Đào Nha

Với những tính toán riêng, ban đầu, Tòa thánh La Mã dành cho vua Bồ Đào Nha thật nhiều ưu thế: Được buôn bán độc quyền trên những dải đất mới chiếm ở Tây Phi và được tự do lựa chọn các thừa sai tới những vùng đó. Đổi lại, nhà vua sẽ là người cung cấp cơ sở vật chất, đồ dùng trong sinh hoạt phụng vụ và bổng lộc cho giáo sĩ, giáo dân tại những trú sở thuộc vùng đất mới. 

Dần dần, những ưu đãi mà Tòa thánh dành cho vua Bồ Đào Nha đã tạo ra chế độ bảo trợ, hay còn gọi là padroado trong tiếng Bồ. Theo chế độ này, Bồ Đào Nha có thực quyền rất lớn tới công cuộc truyền giáo tới các xứ Á – Phi có mối liên hệ chặt chẽ với vương triều. Về sau, Tòa thánh La Mã muốn thoát khỏi sự ràng buộc với đế quốc Bồ nên đã lập ra Thánh bộ Truyền giáo, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

Sau chuyến thám hiểm thành công của Christopher Colombus, triều đình Tây Ban Nha tự tin vào sức mạnh hàng hải của mình, đặt ra vấn đề cạnh tranh với đế quốc láng giềng. Để tránh xảy ra xung đột gay gắt, các vị vua  của hai nước cùng ngồi lại để chia nhau các vùng chịu sự ảnh hưởng của mình. Thoạt đầu, vua Tây Ban Nha đề xuất lấy quần đảo Canary làm mốc, chia theo hướng Bắc – Nam, xứ Bồ được hưởng các lãnh thổ nằm về phía Bắc Canary, còn phía Nam thuộc quyền tể trị của Tây Ban Nha. Nhưng vua Bồ Đào Nha không chấp nhận cách phân chia đó, vì rõ ràng phần lợi thuộc về đối phương nhiều hơn: Phía Bắc quần đảo là Cựu thế giới, còn phía Nam hoàn toàn là vùng đất mới được Colombus khám phá. Không đạt được sự đồng thuận, hai vị vương mời Giáo hoàng bấy giờ là Alexander VI đứng ra phân giải.

Giáo hoàng Alexanđê VI

Giáo hoàng Alexander VI không chia ranh giới ảnh hưởng theo hướng Bắc – Nam mà chia theo hướng Đông – Tây, vạch một đường tưởng tượng từ Bắc chí Nam, lấy quần đảo Azores làm mốc, phía Đông dành cho Bồ Đào Nha còn phía Tây dành cho Tây Ban Nha. Miền truyền giáo phía Đông do Dòng Tên quản trị, bao gồm chính quốc Bồ Đào Nha, Brazil, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Trung QuốcNhật Bản

Tại miền truyền giáo Viễn Đông, ngôn ngữ chính thức được sử dụng là tiếng Bồ Đào Nha, giống như tiếng Tây Ban Nha là quốc tế ngữ tại các vùng đất châu Nam Mỹ. Từ đây, một thế giới mới chia làm hai nửa, những xứ sở thuộc về hai nửa thế giới ấy đều đi theo cung đường định mệnh hết sức khác thường. 

Con đường truyền giáo sơ khai

Bởi những biến loạn Nam – Bắc triều tại nước Việt vào thế kỷ 15, những nỗ lực thiết lập quan hệ thương mại và truyền giáo của các thừa sai tại đây gần như là con số không. Bước vào thế kỷ 16, do những thuận lợi từ hoàn cảnh bên ngoài, sự hiện diện của các thừa sai tại nước Nam trở nên ổn định hơn và công cuộc truyền giáo dần khởi sắc. 

Tại xứ Đàng Trong, vào năm 1615, ba tu sĩ Dòng Tên là Francesco Buzomi (người Ý), Diego Carvalho và António Dias (người Bồ Đào Nha) đi từ Macau tới Hội An (Quảng Nam) nhằm thi hành mục vụ cho những người Công giáo Nhật Bản. Nhóm này một phần là thương gia, một phần là kiều dân Công giáo chạy trốn cuộc cấm đạo của Tướng quân Toyotomi Hideyoshi vào năm 1596. Sau một thời gian tiếp xúc, trao đổi với người dân xứ Đàng Trong, các vị tu sĩ nhận ra họ có khả năng tiếp nhận Tin Mừng nên đã chuyển trọng tâm công việc từ chăm lo đời sống mục vụ cho kiều dân Nhật Bản sang truyền giáo cho người Việt. 

Ấn tín của Dòng Tên
Ấn tín Dòng Tên
Ấn tín của Dòng Tên

Còn ở Đàng Ngoài, muộn hơn, vào năm 1626 mới có thêm tu sĩ Dòng Tên là Giuliano Baldinotti (người Ý) và Giulio Piani (người Nhật) được phái từ Macau tới Thăng Long theo đoàn thuyền buôn Bồ Đào Nha, vừa để săn sóc đời sống đạo của những thủy thủ viễn dương, vừa để thăm dò khả năng truyền giáo tại xứ này. Cả Baldinotti và Piani đều được chúa Trịnh Tráng khoản đãi rất hậu nên khi về Macau, họ đã trình lên bề trên hoàn cảnh truyền giáo thuận lợi tại đây, nên ngay năm sau (1627), Dòng Tên phái cha Pedro Marques (người Bồ Đào Nha) và cha Alexandre de Rhodes (người xứ Avignon) tới đây để khai triển công việc. Dần dà, giáo đoàn bản xứ trở nên lớn mạnh, các linh mục hăng hái chủ động trong việc rao giảng và truyền bá đạo Chúa, thậm chí đã có những vị tử đạo đầu tiên như Anrê Phú Yên (năm 1644) làm chứng cho sự kiên tín vượt qua mọi khó khăn. 

Cha Alexandre de Rhodes (người xứ Avignon)

Cũng chính sự lan truyền Phúc Âm rộng khắp này đã làm nảy sinh nhu cầu học thành thạo tiếng Việt để các thừa sai để họ có thể giao tiếp được với người bản xứ. Với vốn kiến thức có được từ quá trình nghiên cứu các ngôn ngữ phương Đông, cùng sự cộng tác đắc lực của các thầy giảng người Việt, các thừa sai châu Âu đã sáng tạo nên chữ Quốc ngữ mà ta dùng ngày nay. 

Một điểm cần nhấn mạnh ở đây, do hoàn cảnh lịch sử như đã nói trên, chữ Quốc ngữ được tạo tác trên cơ sở ngữ âm tiếng Bồ Đào Nha, chứ không có mối liên hệ nào tới ngữ âm tiếng Pháp, tiếng Ý hay hoàn toàn là công trình của riêng cha Alexandre de Rhodes như nhiều nhận định phổ thông.

Đọc tiếp Kỳ 2.

Đọc sâu hơn trong cuốn Lịch sử chữ Quốc ngữ

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đỗ Quang Chính, SJ., Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 -1659, NXB. Antôn & Đuốc sáng, 2007. 

[2]. Đỗ Quang Chính, SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, NXB. Antôn & Đuốc sáng, 2007.

[3]. Lã Minh Hằng, Đôi nét về thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Thông báo Hán Nôm học 2012. 

[4]. Roland Jacques, Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học (cho đến 1650), NXB. Khoa học Xã hội, 2022.

[5]. Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019. 

[6]. Anthony R. Disney, A History of Portugal and the Portuguese Empire – From Beginnings to 1807 Volume 2: The Portuguese Empire, Cambridge University Press, 2009. 

Share