[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 15: Ngọn đuốc xanh giữa đêm cô tịch

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 15: Ngọn đuốc xanh giữa đêm cô tịch

kỳ trước, Hùng và Thông bị bao vây bởi hàng trăm con quái thân mèo mặt con nít. Đúng lúc hiểm nguy thì vị sãi xuất hiện, giải vây cho cả hai cùng với một tin tức sét đánh, ngôi mộ tiên cá đã không còn nữa.

Anh ta đưa bát tro cho hai người, kêu họ lấy một ít thoa vào mặt. Cậu ta sẽ giúp hai người tìm được khúc kỳ nam, tuy nhiên hai người họ phải giúp ngược lại cậu một chuyện, hai người gật đầu. Vị sãi trẻ kể lại căn nguyên mà có cái miễu biết hát ma quỷ như vậy ở đây.

Cậu ta tên Thạch Sinh, bố là người Khmer, mẹ là người Hoa di cư từ Chợ Lớn vào An Giang này. Năm mười ba tuổi đã đi theo thầy làm nghề đập miễu – là một nhánh khác của lục lâm, chuyên đi trừ tà, diệt ma. Người sư phụ anh ta theo học họ Trần, cũng là gốc Hoa. Tuy nhiên, khi đến chùa này, cũng vì muốn tìm mộ tiên cá mà thầy anh ta mất mạng, do không ngờ trước được vốn dĩ dưới tháp mộ đó không phải chôn tiên cá, mà là ác linh Kumanthong. 

Quay trở lại câu chuyện Võ Kỳ Hưng diệt quái tích Tà Pạ. Quả là Quan trấn họ Lý có làm một ngôi mộ trấn yểm con quái kia,. Tuy nhiên, vị trí chính xác của ngôi mộ ấy trong khu vực nào của đồi Tà Pạ không ai biết. Qua nhiều lần loạn lạc, người xưa đã hoá thiên cổ, càng không đối chứng được. 

Dù vậy, trước khi có sự tích kia, vào thời kỳ Tây Sơn ở Việt Nam, sau nhiều trận đánh thua liên tiếp, thế lực Nguyễn Ánh rút dần về phía biển, tìm đường qua Xiêm. Lúc còn ở An Giang, có một viên tướng dưới trướng Nguyễn Ánh tên là Trần Đương. Nghe kể có lần ông định vượt sông, thì thấy một ông lão đang sắp đuối nước giữa dòng. Thấy vậy, Trần Đương cho người vớt ông lão vào bờ. Ông ta khư khư ôm một cái túi, bên trong là xác bốn đứa bé chừng năm tuổi đã co quắp lại. Thì ra đó là ông thầy luyện Kumanthong, bị triều đình Chân Lạp truy sát ngã khỏi thuyền. 

Ông ta mới tâu lên Đương rằng, để trả ơn cứu mạng này, ông ta sẽ tạo cho ngài một lukkros – chính là bốn con Kumanthong còn gọi là Ma Con. Trong thời gian ngài ở tại đây, chúng sẽ bảo vệ ngài khỏi quân Tây Sơn. Bốn con đó là Phet Phum Ngan, Phet Sun, Phet Kong Độ, Phet Đặp. Để luyện được loại này phải hết sức tàn độc, móc mắt cắt lưỡi đứa trẻ rồi đổ thuỷ ngân vào khi nó còn giãy. 

Quả nhiên, thời gian ẩn trốn tại vùng An Giang rất an toàn. Bọn ma con kia hết sức tàn độc, nhờ vậy mà quân Tây Sơn không lần ra được tung tích. Thế nhưng, sau đó nhận thấy thời cơ hợp quân với Nguyễn Ánh – lúc đó ở Xiêm La, Trần Đương tìm đường ra biển để đến với chúa. Lúc này, ông ta không thể đem bọn ma con theo được. 

Bởi vì sao? Xiêm cũng là vùng đất nhiều bùa ngải. Dân luyện Kumanthong không ít. Làm như vậy sẽ bị vua Xiêm nghi kỵ. Tuy nhiên, để lại cũng không yên. Trần Đương ra lệnh hạ sát ông lão. Mặc dù ma con lão luyện ra rất mạnh, nhưng trong lĩnh vực luyện ngải và ma con này không có hai chữ “giỏi nhất”. Tìm được người cao tay hơn lão cũng không khó.

Sau khi giết ông lão, Trần Đương chôn ông ta chung với bốn con ma con, rồi vứt xác mèo, máu chó mực, máu gà. Sau đó ngụy trang như một tháp mộ bình thường. Tuy nhiên, oán giận của bọn ma con còn quá lớn, không có chủ quản nên tha hồ phá phách. 

Đợt ấy, vùng có một con hổ, do sinh sống gần bọn ma con nên càng ngày càng khát máu hơn, tàn sát sinh linh vô số. Một hôm trời đổ mưa lớn, con hổ bị sét đánh liền ba cái chết tươi. Gần đấy có con tích lĩnh, vốn cũng chịu tà khí oán độc từ vùng đất này nên thường ưa ăn thịt hơn ăn cỏ cây. Nó vô tình ăn phải khúc xương thừa Hổ Tuỷ từ xác con hổ, rồi lại nhờ đó mà hoá khổng lồ.

Kế sách trấn yểm của Kỳ Hưng bày cho quan trấn vốn dĩ là muốn khắc chế bọn ma con. Anh ta cảm nhận rõ ràng oán khí. Tuy nhiên, trừ ma không phải là sở trường cho nên đành trấn tạm ở đó, đợi ngày tìm được người đủ khả năng thì trừ hẳn. Dù vậy, sau lần đó chẳng thấy anh ta quay lại, dân làng loạn lạc cũng ra đi tứ xứ hết. Về phần vị quan trấn, nghe đồn đã về vùng sông Hậu mở làng lập ấp mới khi từ quan. Sau đó, ngôi chùa mọc lên. Vốn dĩ các sư sãi ở đây cũng biết mối nguy hại đó nên vẫn thường tụng niệm để áp chế phần nào quỷ khí tà ma. Thế nhưng, thời gian vẫn trôi, không ai trừ được cái mối hoạ ghê gớm này. 

Lần đó, Trần sư phụ, thầy của Thạch Sinh cũng vì tưởng lầm tháp mộ đó có xác tiên cá nên đã bị Phet Đặp – con ma con ác nhất – vật chết. Cũng may trước khi ông ấy quy tiên đã kịp bắt ấn, niệm chú, trấn bùa vào cái tháp mộ, khiến cho bọn ma con chỉ còn vài phần công lực. Đau buồn trước sự ra đi của sư phụ, Sinh quyết định ở lại chùa, vừa tu tập vừa nâng đạo hạnh, đợi ngày trả thù cho thầy. Các vị sư sãi trong chùa cũng hiểu điều đó, giúp đỡ Sinh rất nhiều. Sáu vị sư huynh đồng tu, trong các lần cố gắng trừ cũng đã bị vật chết. Đó là những chuyện xảy ra đầu những năm 2000.

Sau khi kể xong, Thạch Sinh ngồi im lặng, nhìn Hùng và Thông như mong đợi một câu hỏi gì đó. Hùng nói:

– Vô đề chính luôn đi, chú em cần bọn tôi giúp chuyện gì?

Sinh lạnh lùng đáp: 

– Trừ Kumanthong với tôi!

Hai người ngơ ngác, Thông nói thẳng: 

– Đại ca, hồi nãy đại ca cứu bọn em, ơn đó em không bao giờ quên, nhưng đi vào chỗ chết để trả ơn đại ca thì cho em xin khất qua kiếp sau!

Hùng thì từ tốn hơn, anh hỏi lại: 

– Kumanthong đâu thể nói trừ là trừ được. Chú với các sư huynh còn không đủ mạng cho nó vật, huống hồ gì hai chúng tôi không có kinh nghiệm. Bọn vong mèo hồi nãy còn lo chưa xong, làm sao trừ Kumanthong tiếp chú được!

Thạch Sinh không hề tỏ vẻ chán nản, diễn giải ý định rõ ra cho bọn Hùng và Thông: 

– Các anh hiểu lầm rồi, việc trừ Kumanthong trong mộ thì chính tôi sẽ làm. Tuy nhiên, trong lúc tôi làm phép trong ấy, các anh bảo vệ tôi khỏi lũ quái bên ngoài. Bát tro đó chính là tro xá lợi, thoa vào má thì không còn bị ác linh quấy nhiễu. Khi nãy nó tạo ảo giác hù dọa các anh mà thôi. Đúng là ở đây có nhiều miễu biết hát, nhưng mà tụi nó không dám mò đến chánh điện này. Các anh dùng tro nhuốm máu, thoa lên lưỡi dao thì dù quỷ có hiện ra anh cũng chặt nó thành năm khúc cũng được. Các anh bảo vệ tôi khi tôi vào trong, trừ Kumanthong rồi các anh mới lấy cọc kỳ nam được!

Hùng và Thông thoáng nhìn nhau. Tác dụng của loại tro này thì hai người đã thấy rồi. Nhiệm vụ canh gác cùng lắm nếu Thạch Sinh chết trong mộ, họ vẫn có thể bỏ chạy, còn nếu không chung xuồng với Thạch Sinh, e là khúc kỳ nam kia chắc đến chết họ chưa lấy được. 

Thông tỏ vẻ ậm ừ nhưng đồng ý, Hùng xác nhận lại: 

– Làm sao chú chắc dưới đó có cọc kỳ nam?

Thạch Sinh mở chiếc hộp đem theo bên mình, đưa ra cho hai người xem rồi nói: 

– Vì sư phụ tôi lấy lên rồi!

Bên trong chiếc hộp gỗ đó đích thực là một khối kỳ nam hình dạng như một viên đạn. Một đầu nhọn, đầu kia loe to ra, dài chừng ba tấc, cầm gọn trong tay. Khối kỳ nam ánh lên vân màu đen tuyền, chính giữa tạc hình Phật tọa thiền. Xung quanh Đức Phật chạm khắc các hộ pháp, La Hán đang đứng chầu, nhìn hết sức tinh vi, lộ lên vẻ uy nghiêm thần thánh. Hùng lờ mờ hiểu ra. Cọc kỳ nam này có tác dụng như cái then cài, nhốt bọn kumanthong ở dưới. Thế nhưng Trần sư phụ nhầm mộ nên đã lấy cọc ra, làm bọn ma con lộng hành nên giờ không thể ghim cây cọc vào nữa, chỉ còn cách quyết diệt một lần cho xong. 

Thạch Sinh nhìn hai người bọn Hùng và Thông. Thấy cả hai đều do dự, chưa dám đưa ra quyết định. Cậu thở dài, suy nghĩ gì đó lung lắm. Đoạn đưa hẳn chiếc hộp và khúc kỳ nam cho Hùng, rồi nói: 

– Tôi đổi ý rồi. Tôi tin anh sẽ giữ lời bảo vệ tôi. Nếu tôi không thành công, hai người hãy chạy thật xa là xong. Phần này anh cứ nhận trước! Đến nước này, hai người là hy vọng cuối cùng của tôi rồi. Chờ đợi cả mấy năm trời mà chẳng có lục lâm nào đi ngang. Nếu hai người có từ chối thì tôi cũng sẽ không chờ nữa, chùa này chẳng còn ai, sư phụ và sư huynh đều đã chết. Tôi…

Sự quyết tâm của Sinh làm Hùng ngạc nhiên. Khúc kỳ nam này gần như vô giá, buồn miệng đưa ra bao nhiêu giá cũng được. Vậy mà cậu ta cho Hùng như không. Hùng cảm nhận được sự quyết tâm này, một phần nhỏ là do Sinh tin tưởng anh, nhưng phần lớn hơn là chú sãi này nếu không trả được thù cũng không muốn sống thêm ngày nào nữa. 

Nghĩ đến đó, Hùng nhìn Thông, thấy cu cậu gật đầu đồng ý. Khuôn mặt Sinh thoáng chút vui mừng. Cả ba chuẩn bị đủ đồ cần thiết, lập tức rời chánh điện, trở lại khu nghĩa địa. 

Lúc này là mười một giờ đêm, Sinh nói nếu thuận lợi có thể xong trước ba giờ sáng. Lý do không thể làm việc này ban ngày được là vì vốn dĩ Kumanthong không sợ ban ngày, mà phép trừ bọn nó dùng nhiều dương khí. Dương khí này cộng với dương khí của ban ngày, dễ làm người làm phép bị càn hỏa nhập tâm thiêu đốt hồn phách mà chết, nên nhờ âm khí ban đêm cân bằng với dương khí bộc phát, như vậy mới đảm bảo được tính mạng. Tuy vậy, điểm yếu của việc này là sẽ dễ bị bọn ma quỷ phá phách. 

Đường ra khu nghĩa địa ban đêm khỏi phải bàn về độ âm u ma quái. Dưới đất, lớp sương dày trắng đục bao phủ, còn trên đầu thì chỉ một màu đen. Thỉnh thoảng có con gì đó đu trên cành cây phát ra âm thanh hết sức quái dị. Ba người lặng lẽ luồn cây mà đi. Không ai nói với ai câu gì. Ánh sáng của hai cái đèn pin mà Hùng và Thông cầm theo chỉ sáng đủ chừng mười bước chân, còn lại thì màn đêm nuốt chửng tất cả. Thạch Sinh cầm theo cái đèn bão leo lét. 

Dọc đường đi, khi băng qua các mộ tháp, Thông giật thót mấy phen khi thấy phía sau các hình tượng thần Brahma bốn mặt tạc trên mộ hiện lên một khuôn mặt gầy gò trắng bệch, hai mắt trợn trắng, dõi theo từng bước chân của cả bọn. Thông ra dấu cho Hùng, anh cũng ra dấu lại là anh cũng thấy vậy, nhưng hãy im lặng mà đi tiếp. Có lúc đi ngang những ngôi mộ bằng, cỏ thấp che khuất từ ống quyển trở xuống, nhưng Thông chắc chắn rằng có cái gì đó như bàn tay, lạnh ngắt, thò ra từ bia mộ bám vào chân anh rồi kéo nhẹ. Ban đêm đường hơi khó đi, bởi vậy mất chừng hai mươi phút, cả bọn mới dừng trước con dốc âm. Bên cạnh nó là chóp của mộ tháp đã bị vỡ một góc, để lộ không gian tối đen sâu thẳm bên trong.

Sinh xé hai mảnh vải cà sa, quấn vào hai cây củi khô, lấy bùa kẹp giữa rồi dùng lửa đèn bão đốt thành hai cây đuốc. Ánh sáng từ đuốc không phải màu vàng như lửa thường, ánh lửa này xanh lơ, chiếu sáng một màu ma quái lên khu mộ tháp. Sinh chỉ vào hai cây đuốc rồi nói: 

– Cây bên trái là của tôi, cây bên phải là hai anh, nếu cây của tôi tắt lửa thì hai anh nên bỏ chạy ngay…

Thông hỏi lại: 

– Vậy cây bên phải tắt thì sao?

Sinh nhìn Hùng và Thông giây lát rồi nói: 

– Lúc đó chắc trời mà cứu được hai người!

Giọng nói lạnh lùng lấp lửng làm Thông thấy hết sức khó chịu. Hùng giục Sinh tiến hành nhanh thôi, Sinh bảo cậu ta cần khoảng một giờ. Trong một giờ đó, Hùng và Thông tuyệt đối không đi xa ánh lửa, không ngủ gục, không hét lên. Bọn Hùng gật đầu ra dấu đã hiểu. Sinh móc trong hộp ra một sợi dây đỏ có vật gì đó như móng hổ quấn quanh bằng bùa, rồi lấy dao rạch một đường nhỏ trên lòng bàn tay, sau đó thoa lên hình xăm Phục Ma. Kỳ lạ là hình xăm vừa gặp máu bỗng tươi mới hơn, chuyển dần sang màu đỏ rực. Trước khi chui vào cái lỗ hổng tối đen ấy, Sinh quay sang nhắc bọn Hùng lần cuối: 

– Đuốc bên trái tắt thì chạy đi ngay!

Thông nghĩ thầm trong bụng: “Không đợi ông nhắc đâu, làm như bọn tôi xuống đó cứu ông được vậy!” Dứt lời, Sinh chui tọt vào. Không gian im lặng đến đáng sợ. Hùng ra dấu cho Thông tập trung, thủ sẵn dao và nhớ để ý xung quanh. 

Khoảng vài phút trôi qua, khu rừng lặng gió, tĩnh mịch lạ thường, hai cây đuốc vẫn đều đều chiếu sáng một màu ma quái. Thần kinh hai người đến giờ mới giãn giãn ra được một chút. Thông quay sang đưa gói thuốc cho Hùng. Cả hai kéo một hơi đầy sảng khoái, Hùng nghĩ anh và Thông lo lắng quá. Trong tay có bát tro xá lợi, còn mang thêm dao phép, chắc chỉ có quỷ chúa mới làm hại họ được. 

Đang hút dở điếu thuốc, Hùng nghe tiếng sột soạt phía sau lưng Thông. Cả hai tập trung tinh thần cảnh giác, anh lia đèn pin về hướng đấy. Vẫn là cánh rừng bình thường. Ngoại trừ hai cây khô đứng song song! Lúc nãy anh không thấy hai cái cây đấy. Càng nhìn, Hùng càng thấy nó giống cái chân. Anh nghĩ người nào có cặp chân này chắc phải cao đến sáu bảy mét. Anh soi lên cao, có một khúc gập giống đầu gối bẻ ngược về phía trước. Anh chậm rãi soi theo hướng đó thì thấy một vật nhăn nheo, khô khốc đang phát ra tiếng rên nho nhỏ phía sau bụi cây. Lúc này, Thông lắp bắp kế bên:

– Cây đuốc bên phải tắt rồi!

Cây đuốc bên phải đã tắt, lẽ nào chỉ có ông trời mới cứu được Hùng và Thông? Muốn biết số phận ba người ra sao, mời các bạn theo dõi kỳ sau.

Binh lính Đàng Ngoài - tranh của Samuel Baron
Share