Dấu xưa – Kỳ 3: Ngọn núi của thần Hủy diệt

Tác giả Wong Trần
Dấu xưa – Kỳ 3: Ngọn núi của thần Hủy diệt

Tạo hóa sinh ra tự kiếp nào. Hòn Sam hóa đá lạ chi sao?

Hai câu thơ xưa trên vách chùa Hang ngày trước đã nói lên lịch sử lâu dài của vùng đất núi Sam. Ngày nay, cứ bắt đầu tháng Giêng âm lịch kéo dài đến tháng Tư, dòng người lại ùn ùn đổ về chân núi này để chiêm bái Bà Chúa Xứ núi Sam. Đối với tín đồ, bà là một nữ thần bảo hộ đất đai và dân chúng. Nhưng ở trong mắt nhà khảo cổ và nhà nghiên cứu lịch sử, tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ là sự tái sinh của một vùng thánh địa lâu đời.

Nguồn gốc tượng Bà - huyền thoại

Xung quanh nguồn gốc tượng Bà có nhiều ức thuyết. Truyền thuyết được chấp nhận rộng rãi nói rằng: xưa kia tượng Bà được đặt trên đỉnh núi Sam, được các lưu dân phát hiện và mang xuống chân núi thờ cúng. Tuy nhiên, rất nhiều trai tráng đã được huy động nhưng vẫn không sao nhấc nổi tượng Bà. 

Sau đó, Bà đạp đồng về phán rằng phải có 40 cô gái đồng trinh (nhiều tài liệu sau này chỉ nói có 9), tắm rửa sạch sẽ vào chấp kiệu thì mới có thể khiêng xuống được. Dân làng làm theo, tượng quả nhiên trở nên nhẹ, khiêng được xuống chân núi. Đến địa điểm ngày nay thì tượng lại trở nặng, không sao nhấc nổi nữa. Dân làng biết rõ đây là nơi Bà chọn bèn xây miếu thờ Bà tại đó. 

Dòng người đổ về tham gia lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam thập niên 90

Văn bản sớm nhất mà ta biết chính là lời thuật trên báo Sài Gòn ngày 24-6-1942. Nguồn gốc tượng Bà Chúa Xứ núi Sam được tác giả kể lại theo hai cách: truyền thuyết và lịch sử.

Tục truyền khi còn thuộc về đất Cao-Miên, thì cốt bà ở trên đĩnh núi Sam, chỗ cất pháo-đài bây giờ (Sanstorium). Lúc người Xiêm xâm lấn bờ cỏi nước Cao-Miên, đến nơi thấy tượng bà cao lớn hơn một thước lận, toàn bằng đá rất đẹp, họ mới khiên đem về nước họ. Khi khiên đến giữa núi họ làm rớt tượng bà xuống cái hố, không cách nào khiên lên được. Họ đành bỏ về tay không. Người ta cho đó là tại bà linh-thính không muốn cho người Xiêm đem tượng bà về nước họ.

 

Sau người mình đến chiếm đất Châu-đốc (xưa kêu là An-giang) thì thấy tượng bà, mới bèn xúm lại mà khiên đem về thờ, nhưng làm thế nào khiên cũng không nổi. Bà đạp đồng lên cho biết phải kêu 100 người đàn bà đến điệu bà về mới được. Thật chừng có một trăm người đàn bà đến điệu bà xuống đất dể dàng. Khi khiêng xuống núi tới chổ bây giờ đây thì khiêng đi không được nữa. Sau bà đạp đồng lên biểu phải đễ bà tại chổ nầy. Nhân dân mới lập miểu thờ bà tại đây

Sài Gòn, ngày 24-6-1942

Đầu thế kỷ 20, tình tiết quân Xiêm xâm lược còn được nhắc tới ở núi Sam. Câu chuyện nói hơi khác rằng khi quân Xiêm kéo tới, họ muốn đưa tượng Bà xuống thuyền để đem về nước. Nhưng khi xuống thuyền, tượng không nhúc nhích. Quân Xiêm nổi giận làm gãy cánh tay bức tượng, rồi bỏ tượng lại mà rút đi. Dân làng lại mang tượng trở lại chỗ cũ. Họ toan phục dựng lại cánh tay đã bị mất. Nhưng người thợ làm tượng khi đi tắm sông đã vô tình mò được cánh tay tượng ở dưới nước. Mang về ráp lại.

Viện An Dưỡng (Sanatorium) trên đỉnh núi Sam năm 1902

Bài báo năm 1942 còn nêu ra một nguồn gốc khác dưới góc độ lịch sử. Tác giả viết:

“Xét theo lịch sử, thì lúc ông Nguyển-ngọc-Thoại đi dẹp giặc ỡ nước Cao miên (bây giờ kêu là Trấn-tây) bà vợ ông ỡ nhà van vái linh thần đất nước phù hộ cho chồng được bình yên. Bà được như lời nguyện, bèn lập miễu thờ tại miểu bây giờ, còn Ông thì lập ngôi chùa “Tây-an” cách miểu chừng trăm thước. Như vậy bà ở miểu đây là một vị thiên-thần (déesse) mà nhơn dân đồng tưỡng là trời sai xuống trấn chỗ núi nầy mà làm chũ, để phò hộ dân trong vùng được bình-an”.

Sài Gòn, ngày 24-6-1942

Cách giải thích theo truyền thuyết và cách giải thích theo lịch sử này là hai diễn ngôn được các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều nhất. Bên cạnh đó vẫn còn những cách giải thích khác ít người biết đến hơn.

Nguyễn Hữu Hiếu trong sách Nam Kỳ cố sự có ghi lại một dị bản như vậy. Theo ông, tương truyền có một thiếu phụ Khmer đi tìm chồng, đến chân núi ngồi nghỉ rồi hoá đá. Sau đó, thiếu phụ nhập vào cốt đồng nói chuyện quá khứ vị lai, giúp đỡ người hiền, trừng phạt kẻ dữ nên dân chúng lập miếu thờ, hàng năm lễ tế trọng thể.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu lại đưa ra một cách giải thích khác. Trong cuốn Nửa tháng trong miền Thất Sơn, ông cho biết: Tương truyền một người em gái của vua Gia Long được phong làm chúa Xứ ở đây. Ban sơ, tượng ở lưng chừng núi. Thoại Ngọc Hầu phu nhơn đã dựng miễu tại chỗ nầy rồi mới rước tượng về thờ.

Tượng Bà Chúa Xứ là trung tâm của tín ngưỡng ở núi Sam. Nhưng bức tượng không được người Việt chế tác. Họ thừa kế lại những tàn tích của một nền văn minh đã biến mất.

Diện mạo thật đằng sau lớp áo

Một trong những khó khăn khi nghiên cứu tượng Bà là do thái độ sùng kính của người dân đối với tượng Bà nên rất khó tiếp cận để nghiên cứu và khảo tả nhất là tượng được che phủ bởi một hoặc nhiều lớp áo và việc cởi nó ra là một việc đại bất kính. Trước đây, việc quay phim, chụp ảnh tượng Bà cũng hoàn toàn bị cấm. 

Đến nay, tượng Bà chỉ được xem xét và khảo tả một lần duy nhất bởi nhà khảo cổ Pháp Louis Malleret vào năm 1942. Theo tài liệu do Ban quản trị lăng miếu núi Sam ấn hành, do sự phản đối của ông Hương cả Nguyễn Văn Hảnh, Malleret sau đó phải cùng Chánh tham biện Gauthier làm lễ tạ tội trước tượng Bà. 

Tượng Bà qua phác thảo của Malleret

Malleret đã nhận xét về tượng Bà như sau: 

“Một pho tượng tạc một nhân vật nam, ngồi trong tư thế ung dung nhàn hạ vẻ đế vương, mà dân chúng trong vùng thờ phụng như một vị nữ thần, như thế đã cải biến một cách đáng tiếc thành một vị thần Việt Nam bằng cách tô điểm thêm cái bụng phệ bằng xi măng cùng hai cái má giả quét đầy sơn và thếp vàng, thiếu mỹ thuật. Lưng tượng, được giữ nguyên, gắn vào bức tường trong một xó sầm uất. Chúng tôi nghiên cứu pho tượng ấy được dễ dàng sau khi cởi ở vị nữ thần tám lớp áo lụa. Đó là một ngẫu tượng có khắc chữ thuộc về thời kỳ trước Angkor; pho tượng chắc là rất đẹp trước khi bị làm hỏng để chuyển sang một sự thờ phụng mới”.

L. Malleret, Khảo cổ học đồng bằng sông Cửu Long, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam, 1969.

Ở một đoạn khác, Malleret mô tả tượng Bà như sau:

“Tất cả thích thú của pho điêu khắc này được tập trung ở tư thế và bộ tóc. Tư thế thoải mái như vua ngự, chân trái dựa hẳn lên đất, chân phải gập thẳng ra trước mình, bàn tay phải với ngón duỗi trên đầu gối, còn bàn tay trái thì xòe phẳng trên đất, với một dáng tựa mà thường thấy biểu hiện trên các phù điêu bên dưới ở Angkor. Bộ tóc xanh có nhiều mái uốn kiểu Ang-lê, và rủ thấp xuống gáy. Tóc lại còn tết lên đỉnh đầu bằng những bím rõ nét, dưới một cái mũ chạm trống và xếp nhiều vòng chồng lên. Vòng dưới cùng là một đai ngọc ba mảnh, chắc là có văn hoa, tỏa ra trước và hai bên xuống tận vành tai. Thành phần thứ nhất có răng lược đính vào vòng thứ hai vào khớp lưng chừng đầu và bản thân nó trang trí hoa tròn tám cánh. Nó lại nối vào chóp bởi một đầu mấu mà ở đáy có tóc bện (xem hình 49), mặt ngắn, mắt hạnh nhân, dái tai quá dài có đeo hoa chấm xuống vai”.

L. Malleret, Khảo cổ học đồng bằng sông Cửu Long, Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam, 1969.
Tượng Bà trong lễ Mộc Dục

Nhà nghiên cứu Thanh Thủy từng mô tả: 

cốt tượng Bà chúa Xứ là một pho tượng đàn ông lùn, to phệ, được tạc ở tư thế ngồi chống tay, ngực nở to bè, bụng phệ, cổ to, tai Phật, tượng cao 1,25 m được đúc liền với một thớt đá cùng chất liệu”, 

chân trái của tượng xếp bằng tròn, bàn chân trái để giáp bàn chân phải, tóc quấn thành những búp xoăn kiểu sumi xoã xuống trùm gáy, có những búp đến ngang bả vai. Có một vành như vành vương miện đội trên vành tai, vành này có hoa văn hình móc câu, trên vành đó, phía trước nổi lên hoa văn hình ngọn lửa toả xuống xung quanh một hình tròn ở giữa (có lẽ là biểu tượng mặt trời)”; 

“về trang phục, tượng ở trần, chỉ đóng khố. Ở bắp tay gần bả vai sát nách có nổi cộm một hình vành đai, hình lá bồ đề. Hai cổ tay có nổi cộm một vành đai hình vòng đeo tay. Ở cổ, nổi cộm một vành đai hình vòng kiềng. Chỗ ngang ngực khá to bản hình lưỡi liềm, có lẽ là một thứ vòng đeo cổ” [Thanh Thuỷ; 2003:33]. 

Một bức ảnh chụp lễ tắm Bà do Ban quản trị lăng miếu núi Sam cung cấp còn cho thấy một phần tượng lộ ra sau lớp áo choàng cho thấy bàn tay phải đặt trên đầu gối phải.

Chính vì khó tiếp xúc với những khảo tả đó mà nhiều nhà nghiên cứu đã tỏ ra lúng túng khi mô tả tượng Bà cũng như gọi tên tượng cho chính xác. Nhiều người cho rằng bức tượng Bà Chúa Xứ núi Sam là tượng thần Vishnu của Hindu giáo. Trên thực tế, Malleret gọi bức tượng này là “Shiva có dáng ngồi vương giả” hay “Civa ngồi ngự”.

Tượng Shiva Đồng Dương với dáng ngồi tương tự

Malleret nhận xét rằng “pho tượng thú vị này có nhiều đặc điểm của thời kỳ tiền Angkor với nhiều vòng uốn ở mái tóc, đai đầu có ba đóa hoa, hoa tai nặng nề, kể cả vòng tay ba chiếc”. Malleret còn nhận thấy thế ngồi của bức tượng giống với tư thế của vua Phù Nam được ghi trong Lương thư của Trung Quốc. Tư thế ngồi ngự này còn được bảo lưu trong các phù điêu về sau của Cao Miên. Cũng có thể tìm thấy tư thế này ở một pho tượng Chăm tại khu B của thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) và một tượng Shiva ở Đồng Dương. 

Pho tượng Đồng Dương “đội một đai ngọc chạm trống với hình dạng tương tự của vị thần núi Sam”. Malleret cho rằng “ta đứng trước một chiếc mũ miện để chứng minh đây là hình tượng của Civa, hay là một biểu hiện đế vương”. Ông nhận định “vị thần ở núi Sam là hình tượng của Civa có lẽ đúng hơn”.

Trên thực tế, khu vực miếu Bà Chúa Xứ nói riêng và khu vực núi Sam nói chung có rất nhiều dấu vết cho thấy đây từng là một thánh địa thờ thần Shiva.

Núi Sam - ngọn núi của thần Hủy diệt Shiva

Truyền thuyết nói rằng tượng Bà Chúa Xứ đã được mang từ đỉnh núi Sam xuống vị trí hiện nay. Nhưng bản thân khu miếu Bà cũng chứa nhiều di vật khác. Ngay bên phải tượng Bà là một linga bằng sa thạch mà ngày nay người ta gọi là Cậu. Trước đây linga này được để trần, còn hiện giờ đã được phủ tấm vải đỏ. Malleret cho biết linga này “bằng sa thạch gồm có 3 phần, có kẻ một con mắt ở đường chỉ pho tượng này phân rõ chiều cao của ba phần”. Ông cũng cho rằng đó là cái linga “cao 1m20, bề ngang 0m40” mà nhà khảo cổ Aymonier từng nhắc đến. 

Bàn thờ linga (Cậu) trong miếu Bà Chúa Xứ

Một bệ yoni bằng sa thạch cũng được đào ở độ sâu 1 mét 50 trước nhà trưng bày vào ngày 20-10-1994. Đó là những bằng chứng cho thấy dấu vết thờ phụng thần Shiva ở khu miếu Bà vào thuở xa xưa.

Yoni đào được ở nhà trưng bày miếu Bà Chúa Xứ núi Sam

Malleret khảo sát sơ bộ vòng quanh núi Sam đã phát hiện tổng cộng “5 pho linga và ít nhất 5 pho tượng thần trong đó có 1 pho bằng đồng đỏ, cùng với những dấu vết nền móng đền thờ ở các triền và chân núi”.

Ở phía dưới miếu Bà Chúa Xứ và lăng Thoại Ngọc Hầu, có một di chỉ mà Malleret đoán là thuộc giai đoạn Phù Nam hoặc ít ra là tiền Angkor. Malleret phát hiện nhiều đồ gốm thuộc nghệ thuật Óc Eo lẫn với mảnh gạch vụn. Một bàn nghiền (pesani) nằm trước một ngôi nhà. Hình như nó được chuyển từ chỗ góc đông bắc miếu Bà lên đó. Một bàn nghiền khác được thờ trong miếu Ông Tà ở khuôn viên miếu Bà hiện nay. 

Ở chùa Tây An, có một tượng Shiva bằng đồng đỏ, cao 0m54. Bức tượng được phát hiện năm 1900. Malleret cho biết tượng này về sau bị phá thành nhiều mảnh, rồi được ghép lại và quết sơn. Malleret đã thực hiện việc ghép nối ấy vào năm 1943.

Tượng Shiva ở chùa Tây An. Hình do viện Viễn Đông Bác Cổ chụp năm 1954

Ở hai cửa vào lăng Thoại Ngọc Hầu, có bốn tấm đá lát bằng sa thạch đặt liền nhau, mỗi cổng 2 phiến. Phiến đá lát ở cửa phía đông kích cỡ 1m72x0m87, trên đó có một minh văn bằng chữ Sanskrit gồm 11 dòng, nhưng đã bị mòn gần hết. Malleret cho rằng đó là minh văn mà Coedes đánh ký hiệu K.2, gồm 12 dòng chữ Sanskrit và được xếp vào thế kỷ thứ 10 theo lịch Saka (chậm 78 năm so với Tây lịch). Hiện nay cả bốn phiến này được dựng vào vách tường hai bên bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký. Hai phiến bên tay phải đều có dấu vết chữ Sanskrit.

Bốn phiến đá lát ở cổng vào lăng Thoại Ngọc Hầu, nay được dựng cạnh bia Vĩnh Tế sơn

Ngoài quần thể khu di tích miếu Bà Chúa Xứ – chùa Tây An – lăng Thoại Ngọc Hầu, khu vực núi Sam còn hai địa điểm tập trung nhiều bằng chứng về tín ngưỡng thờ Shiva.

Ở khu vực Phước Cô tự trên núi Sam, Malleret một chậu đá hoa cương để làm lễ mộc dục, có một lỗ mộng hình vuông để gắn linga. Linga gắn kèm cao 1m47. Một linga khác bằng sa thạch, cao chừng 1m08, được đẽo thành 3 khoảng. Ngoài ra còn có một tượng nữ thần bằng sa thạch có 4 tay, được tạc đứng, đã mất đầu, phần còn lại cao 0m33, tính luôn cả bệ thì cao 0m57. Bàn tay phía trước chống vào đốc cây trùy. Bàn tay phía sau giơ lên một bảo vật. Bảo vật đã bị vỡ, nhưng có hình dáng như cái tù và. Đó là biểu tượng của nữ thần Uma – vợ thần Shiva. Tượng đã được Malleret đưa về viện Bảo tàng Sài Gòn, đánh số 3481.

Ở khu vực chùa Giác Hương có một linga. Dưới chỗ đó chừng 30 mét, ở chùa Thạch An, có một mảnh linga bằng sa thạch cao độ 0m20, bị vỡ theo chiều dọc nên chỉ còn lại một nửa. Chùa Giác Hương hiện nay nằm trên con đường dẫn lên đỉnh núi. Trên đó có bệ đá sa thạch được cho là vị trí nguyên thủy của tượng Bà Chúa Xứ núi Sam. Malleret không để ý đến bệ này, mà chỉ ghi nhận ba tấm đá lát lớn bằng đá phiến nham chồng lên nhau, nằm ở vết tích bức tường phía Nam viện An Dưỡng (Santorium).

Bệ đá sa thạch trên đỉnh núi Sam

Từ Shiva đến Bà Chúa Xứ

Thánh địa Shiva núi Sam hẳn đã tồn tại từ thời vương quốc Phù Nam. Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy các đường nước cổ chạy thẳng từ Angkor Borei qua vùng đồng bằng phía nam núi Sam và phía bắc núi Két. Aymonier đoán định minh văn K.2 ở núi Sam thuộc về thế kỷ thứ 10.

Dấu vết chữ Sanskrit trên bia đá núi Sam

Một niên đại khác được gắn cho núi Sam là năm 1166. Niên đại này được ghi ở vành một trong hai cái khay tròn do chị Néang Seak ở làng Tú Tề phát hiện. Việc phát hiện này được thông báo năm 1901. Minh văn trên các khay này được đánh ký hiệu K.418-1 và K.418-2. Malleret nhắc nó trong phần trình bày về di tích ở núi Sam nên ngày nay nó được xếp vào di vật tìm thấy ở Phnom Svam (tức núi Sam). Nhưng thực ra vào năm 1904, Louis Finot đã gọi nó là các đĩa ở núi Cấm (Les plateaux du Núi Сam). Finot còn nói rõ “nui Cam” được người Cao Miên gọi là Phnom Kám. Vì vậy, niên đại thế kỷ 12 chỉ có thể gắn cho các địa điểm gần núi Cấm mà thôi.

Đĩa núi Cấm và minh văn. Hình do viện Viễn Đông Bác Cổ chụp.

Thánh địa Shiva ở núi Sam suy tàn khi nào? Đó vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nhưng nhìn lại bối cảnh chung của khu vực thì thấy Shiva giáo hưng thịnh ở Chân Lạp trong khoảng đầu thế kỷ thứ 9 đến cuối thế kỷ 11. Nửa đầu thế kỷ 12, Vishnu dần dần chiếm ưu thế. Từ nửa cuối thế kỷ 12 trở đi, Phật giáo bắt đầu thay thế Hindu giáo. 

Năm 1757, chúa Nguyễn đặt đạo Châu Đốc ở xứ Châu Đốc. Năm 1806, Lê Quang Định tả miền này đã không nhắc nhở gì đến một thánh địa nào. Văn bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký dựng năm 1828 chỉ tả nơi này:

“Nơi đây chằm ao, rừng rú mênh mông rậm rạp, cũng là chỗ Thổ nhân, Khách trú, người Lào nương ngụ. Tuy có cảnh đẹp chuyện hay, nhưng cũng là nơi rừng sâu, đá loạn, nổng gò mà thôi”.

Hồ Đức Thọ dẫn một hương ước làng núi Hòn Sam do Cử nhân Nguyễn Văn Tuế soạn năm Tự Đức thứ 10 (1857). Trong đó có nói rõ lễ cúng Bà Chúa Xứ và có cho biết Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại “là người tôn sùng bà chúa và giúp dân” nên được tôn là vị thành hoàng thứ 4, đứng sau ba vị thủy tổ họ Châu, Nguyễn, Bùi. Hồ Đức Thọ là người duy nhất biết đến hương ước này. Lai lịch của nó vẫn còn là một điều bí ẩn. 

Bên trong miếu Bà Chúa Xứ chỉ có ba hiện vật giúp ta xác định niên đại xưa nhất. Đó là bức hoành phi đề Quang Tự tuế thứ Ất Tỵ [1905] và hai lư hương đề niên hiệu Tuyên Thống năm đầu [1909]. Nhưng Monographie de la province de Châu-Đốc in năm 1902 đã cho biết ngày lễ ở miếu Bà núi Sam là một trong những ngày lễ quan trọng trong tỉnh.

Hoành phi "Trạch cập nam tưu" lập tháng Tư âm lịch năm 1905

Tượng thờ và miếu thờ thoạt tiên còn đơn sơ, giản dị. Đến khoảng năm 1930, được sự đồng ý của dân làng, ông Hương chủ Phạm Văn Tiền – một thành viên Ban quản trị lăng miếu – đã cất công thuê thợ từ Chợ Lớn về tô điểm lại khuôn mặt và gắn thủy tinh vào đôi mắt để pho tượng có vẻ sống động và giống phái nữ hơn.

Đến khoảng năm 1870, với sự gợi ý của ông Giáo Gia, miếu Bà mới được trùng tu với quy mô tương đối và được xây bằng đá. Cùng với việc miếu Bà được sửa sang lớn hơn, Hội tề làng Vĩnh Tế đã đứng ra quản lý miếu và tổ chức lễ vía hàng năm. Ban Quý tế miếu Bà khi ấy thường do Hương cả là Trưởng ban và Hương chủ làm Phó ban. Tài liệu do Ban quản trị lăng miếu núi Sam cung cấp cho ta một danh sách các thành viên Ban Quý tế từ năm 1890 đến năm 1945.

Sau khi hội tề bị giải tán trong cách mạng tháng Tám năm 1945, cấp Ủy địa phương có chủ trương thành lập lại Hội Quý tế miếu Bà chúa Xứ và giao cho ông Cả Cương (Nguyễn Tiết Cương) đứng ra vận động. Đến năm 1982, Hội Quý tế đổi thành Ban Bảo vệ Di tích Lịch sử và Văn hóa núi Sam rồi đến năm 1990 đổi tên thành Ban quản trị lăng miếu núi Sam.

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như sự tiếp xúc văn hoá với các vùng khác của Nam Bộ, lễ hội vía Bà chúa Xứ núi Sam cũng có sự phát triển. Lịch lễ hội được kéo dài ra và các vật phẩm cúng tế trở nên phong phú hơn như ngày nay ta thấy. 

Chia sẻ câu chuyện này
Share