Những thế kỷ đầu công nguyên, theo làn sóng sử dữ dội của đêm trường Bắc thuộc, lịch sử gốm Đại Việt cũng ghi nhận những biến dời và cột mốc mới. Dưới liên miên những cuộc đấu tranh và nổi dậy, bắt đầu từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đến khi vận nước chuyển dời bằng thắng lợi trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, nghề làm gốm trên xứ sở âm ỉ kế thừa truyền thống nội sinh song song tiếp thu ảnh hưởng Trung Hoa.
Trong trường đoạn ngàn năm này, cùng với kỹ thuật làm gốm tiếp thu từ Trung Hoa, công cuộc tạo tác cũng chuyển từ sản xuất đơn lẻ tự cung tự cấp trang chuyên biệt hóa trong từng quy trình. Kết quả khảo cổ khu lò gốm Tam Thọ ho thấy có sự phân công lao động mang tính chuyên môn hóa cao. Tại đó, các nhà khảo cổ đã xác định được những khu vực sản xuất chuyên biệt, như: nơi luyện đất, nơi tạo dáng , nơi phơi gốm, nơi nung…
Nơi những lò cóc, lò ống với quy trình và tổ chức tiên tiến từ 2000 năm trước ấy, gốm đã bắt đầu được phủ men và nung trong nhiệt độ hơn ngàn. Thành quả của hoạt động tạo tác ấy là những mẫu gốm xương dày, cứng; men mỏng, thường không phủ hết đồ vật, men màu vàng ngà, trắng nhạt, trắng xám; trang trí văn in nổi ô trám, hoa văn xương cá hoặc lá dừa, hình thoi, chữ S, văn chải, văn sóng nước… Bên cạnh những hoa văn hình học truyền thống, một số ấm, âu ,hũ đã xuất hiện những trang trí lấy cảm hứng thiên nhiên như cánh sen, chim nước, cá, đầu gà, đầu voi.
Nguyên liệu chế tạo xương và men của đồ gốm thời kỳ này được khai thác từ đất đai thổ nhưỡng bản địa. Được tạo tác và sử dụng dưới bàn tay Việt, những nồi, vò, vẫn giữ nguyên dáng dấp truyền thống gốm Đông Sơn trước đó. Những sản phẩm đó, tuy có ảnh hưởng về phong cách và kỹ thuật ngoại lai, nhưng vẫn phảng phất đâu đó sự vượt thoát khỏi những lệ thuộc từ Lục Triều – Tùy – Đường. Chúng lặng lẽ bộc bạch cá tính riêng mình trên những khác biệt về loại hình, chất liệu, hoa văn trang trí.
Khả năng tạo hình vô biên, sắc men đa dạng, gốm trở thành phương tiện để truyền tải ngôn ngữ và tâm thức, để rồi những tín hiệu Đông Sơn lần nữa trồi lên mạnh mẽ trên những mẫu gốm cuối Đường ở thế kỷ 9 – 10. Ta sẽ thấy trên loại ấm gốm men tạo dáng búp sen với các hoa văn đắp nổi hình chữ S uốn lượn tượng trưng cho mây, những cặp mấu nhọn, tượng trưng cho các lớp sóng, 11 con chim nước đang bơi cũng được đặt theo vòng ngược chiều kim đồng hồ. Dù có chút ảnh hưởng về kiểu dáng gốm Đường thì những hoa văn vẫn là điều khẳng định bản sắc phương Nam.
Thứ bản sắc đó, chỉ có thể xuất hiện trên một cơ tầng văn hóa đủ vững, trong giai đoạn chuyển tiếp. Dường như tự trong bẩm sinh, những con người xứ sở tin rằng có một nền văn hóa cổ xưa phong phú và mạnh mẽ đang duy trì họ. Chúng như một đoạn mạch ngầm của dòng sông gốm, âm thầm xây đắp nền tảng. Để rồi đi qua ngàn năm Bắc thuộc, gốm Việt ở các triều đại phong kiến độc lập tự chủ Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê sơ), Mạc, Tây Sơn, Nguyễn phát triển kỹ thuật tạo tác và khoác lên mình nét tính cách riêng biệt bởi những văn hóa lịch sử của từng thời kỳ.