Người Nam Kỳ trong loạn Lê Văn Khôi

Tác giả Wong Trần
Người Nam Kỳ trong loạn Lê Văn Khôi

Triều Nguyễn để lại một di sản tư liệu lịch sử đồ sộ, nhưng bên cạnh lịch sử do triều đình biên soạn và lưu trữ còn có những sưu tập giấy tờ do hậu huệ các gia đình quan viên cấp thấp gìn giữ. Việc mở ra các lưu trữ này giúp soi sáng nhiều chi tiết lịch sử đã diễn ra. Riêng tại Nam Kỳ, vẫn còn nhiều sắc phong và giấy tờ lưu trữ của tư gia có liên quan đến một sự kiện lớn hồi nửa đầu thế kỷ 19 – vụ loạn Lê Văn Khôi.

Loạn Lê Văn Khôi và cuộc tiến công mấy tỉnh miền Tây

Năm 1832, Tổng trấn Gia Định Thành là Lê Văn Duyệt qua đời. Cái chết của Lê Văn Duyệt cho phép vua Minh Mạng đưa cuộc cải cách hành chính của mình vươn tới phía nam đất nước. Cơ cấu Gia Định Thành – một cấp hành chính trung gian giữa các trấn Nam Kỳ với triều đình trung ương Huế – bị giải tán. Năm trấn Gia Định được chia thành sáu tỉnh. Hệ thống quan lại địa phương cũ cũng bị bãi bỏ và thay bằng các chức danh mới. Các phiên hiệu quân đội cũ cũng được sửa đổi, tái tổ chức.

Gia Định Thành và Phan Yên trấn trong bản đồ Taberd năm 1838

Tiến trình cải cách hành chính công còn kéo theo việc phanh phui những sai sót của người tiền nhiệm và các thuộc hạ ở Gia Định Thành. Cáo buộc quan trọng nhất được đưa ra vào tháng 3 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Tổng đốc Yên Biên là Nguyễn Văn Quế tâu rằng Vệ úy Tả Bảo Nhất là Hồ Văn Triệu, Phó vệ úy vệ ấy là Nguyễn Văn Bột, Phó vệ úy Minh Ngãi là Nguyễn Hựu Khôi (sau bị vua Minh Mạng đổi tên thành Lê Văn Khôi) “dựa thế của Duyệt, đem biền binh lên rừng chặt gỗ, nhân đó tự tiện lấy ván gỗ, có kẻ bán cho người nhà Thanh, có kẻ đem đóng thuyền riêng”. 

Vụ án liên can đến một thương buôn người Hoa làm việc trong ty Hành nhân (đảm nhiệm việc thông dịch) ở Gia Định Thành cũ là Lưu Hằng Tín. Những người có liên can trong vụ án bị bắt giam để điều tra. Bố chánh Phan Yên là Bạch Xuân Nguyên tuyên bố mình nhận được mật chỉ điều tra những việc làm sai trái của cố Tổng trấn. Bạch Xuân Nguyên tích cực xoáy vào vụ án ván gỗ, đồng thời không che giấu ý định muốn cố Tổng trấn Lê Văn Duyệt phải chịu tội liên đới.

Tuyên bố của Bạch Xuân Nguyên khiến các thuộc hạ cũ của Lê Văn Duyệt phẫn nộ. Theo Bốn Bang thơ, Lưu Hằng Tín đã có ý định mướn thích khách ám sát Bạch Xuân Nguyên. Táo tợn hơn, Phó vệ Nguyễn Hựu Khôi lại mưu đồ với một số đồng bạn khác đánh úp tỉnh thành, giết Bạch Xuân Nguyên, bắt giữ Tổng đốc, Án sát và Lãnh binh, chiếm tỉnh ấy để hưởng ứng cuộc nổi dậy của hậu duệ nhà Lê là Lê Duy Lương ở ngoài Bắc. 

Mộ Tả quân Lê Văn Duyệt ở Bà Chiểu

Đêm 18 tháng Năm âm lịch, năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Nguyễn Hựu Khôi cùng những người đồng mưu lẻn vào đánh chiếm tỉnh thành Phan Yên. Tổng đốc Nguyễn Văn Quế chết trong khi giao tranh với quân nổi dậy. Sáng hôm sau, Bố chánh Bạch Xuân Nguyên bị bắt. Án sát Nguyễn Chương Đạt, Lãnh binh Nguyễn Quế họp quân phản kích nhưng thất bại bỏ chạy sang Biên Hòa. Tinh thành Phan Yên rơi vào tay quân nổi dậy.

Nguyễn Hựu Khôi nhanh chóng thiết lập chính quyền, thành lập quân đội và tung ra đánh chiếm các tỉnh. Số lượng hỏa khí còn trữ ở Gia Định Thành cũ đã tạo ưu thế cho quân nổi dậy. Cộng thêm sự lúng túng của quan viên các tỉnh trong việc đối phó, lực lượng quân sự triều đình ở các tỉnh lần lượt bị đánh tan. Đến cuối tháng 6 âm lịch, cả sáu tỉnh Nam Kỳ đều nằm trong tay quân nổi dậy của Nguyễn Hựu Khôi. Mặc dù vậy, đó chỉ là một sự kiểm soát trong thoáng chốc.

Lính Tả quân thời Tự Đức

Một trong những chỉ huy quân sự trong chiến dịch miền tây của quân nổi dậy là Thái Công Triều âm mưu phản biến để đầu hàng triều đình. Một số quan lại các tỉnh chạy trốn được vào trong dân gian cũng tái tổ chức lực lượng để phản kích. Đến cuối trung tuần tháng 7, cả bốn tỉnh miền tây đều quay lại sự kiểm soát của quan lại triều Nguyễn. Tiến trình này đã được sử sách ghi chép kỹ lưỡng, và còn được làm rõ thêm bằng các sắc phong còn được gìn giữ ở Nam Kỳ.

Sắc phong Nguyễn Hữu Lễ và cuộc tiến công của quân nổi dậy

Ngày nay, bên vàm kênh Vĩnh Tế có một ngôi đình án ngữ. Đó là đình Vĩnh Nguơn. Đình thờ Nghĩa dũng Hữu Lễ Nguyễn công. Theo bản thần tích thần sắc do Hương chánh Phan Văn Mẫn khai ngày 27-12-1938 cho biết:

Sự tích ngài là đời vua Minh Mạng có giặc ngụy qua cầu tại vàm Kinh Vĩnh Tế, ngài không cho xây cầu, ngài ngăn giặc lại. Đến chừng giặc qua sông đặng, giặc mới chém đầu ngài, lúc ấy thây ngài đứng xửng [sững], hồn ngài nhập vào xác đồng lên nói ngài thành thần về đời vua Minh Mạng.

Bản khai thần tích - thần sắc thôn Vĩnh Nguơn năm 1938

Thôn Vĩnh Nguơn nằm ở phía Tây thành Châu Đốc. Trong suốt thời Minh Mạng, chỉ duy nhất một lần có kẻ địch từ phía Châu Đốc đánh sang. Đó là trong cuộc loạn Lê Văn Khôi. 

Thành Châu Đốc. Nguồn: Viện Viễn Đông Bác Cổ.

Sau khi biết tin tức chắc chắn về vụ nổi dậy ở Phan Yên, ngày 27 tháng 5 âm lịch, Tổng đốc An Hà là Lê Đại Cương đưa quân dưới quyền tiến về miền đông. Cùng xuất binh với ông có Tổng đốc Long Tường là Lê Phúc Bảo. Nhưng cả hai không hợp binh mà lại hành động riêng rẽ. Lê Đại Cương cho binh thuyền đóng lại tại Mỹ Tho – tỉnh lỵ Định Tường, còn Lê Phúc Bảo đưa binh thuyền đóng ở sông Bến Lức. Một bộ phận được phái đi trước của tỉnh An Giang được Lê Phúc Bảo điều xuống đóng ở sông Tra. Họ hình thành một phòng tuyến để ngăn quân nổi dậy tiến về miền tây.

Nguyễn Hựu Khôi cũng tập hợp lực lượng để công kích. Bốn tướng Thái Công Triều, Dương Văn Nhã, Nguyễn Văn Trắm, Vũ Vĩnh Lộc được phái đi đánh miền tây. Thượng tuần tháng 6 âm lịch, binh thuyền của quân nổi dậy liên tiếp đánh bại quân triều đình ở sông Tra, miễu Ông Bần Quỳ. Tổng đốc Lê Phúc Bảo rút chạy về Vũng Gù. Quân nổi dậy đuổi kịp và đánh tan tành quân Long Tường ở đó. 

Tổng đốc An Hà Lê Đại Cương nghe tin quân Long Tường đã thua, bèn bỏ Mỹ Tho rút về Cái Tàu Hạ (Đồng Tháp). Ngày 13 tháng 6, Lê Đại Cương giao chiến với truy binh của quân nổi dậy, cũng thua trận. Lê Đại Cương dẫn được 200 tàn quân rút về Châu Đốc. Tình hình bấy giờ vô cùng hỗn loạn như chính Lê Đại Cương thừa nhận sau này:

“Đêm đầu tiên, sĩ tốt tứ tán, khó thể cố thủ. Tự nghĩ: muốn cầu chữ nhân thì không chết cũng bị thương, chi bằng mưu sách lược báo hiệu về sau”.

Ngày 20 tháng 6, Lê Đại Cương sang Cao Miên để “mượn quân”. Hai ngày sau, quân nổi dậy do Trung quân Thái Công Triều, Tả quân Dương Văn Nhã chỉ huy kéo tới. Thự Bố chánh An Giang là Nguyễn Văn Bỉnh, Án sát Bùi Văn Lý chỉ huy dân phu người Việt và binh lính Khmer mới tập họp để chống cự. Nhưng họ vừa nghe tiếng trống trận đã tan vỡ ngay. Án sát Bùi Văn Lý chỉ huy ở bến đò cạnh đồn, thấy mọi việc vỡ lở, liền nhảy xuống sông. May có thủ hạ vớt ông ta lên thuyền, chạy trốn về hướng Chợ Mới. Thự Bố chánh Nguyễn Văn Bỉnh chạy qua phủ Chân Sum, bị dân địa phương bắt nộp cho quân nổi dậy. 

Sắc phong Nguyễn Hữu Lễ năm 1924. Ảnh: Huỳnh Thị Mỹ Thanh

Đình Vĩnh Nguơn có lẽ là chứng tích chống trả của người dân Châu Đốc. Thời gian đã lùi xa, nhiều ký ức của dân chúng đã sai lệch đi. Câu chuyện thần tích ngày nay đã được kể khác hẳn so với hồi năm 1938. Nhưng trong đình vẫn còn đôi câu đối: “Bất khiếp ngụy cường, đương nhật kính vi chân xã trưởng. Vô tàm nghĩa sĩ, thiên thu khâm chính thị tôn thần”. 

Năm 1927, người Pháp tạo điều kiện cho các làng ở Nam Kỳ xin sắc phong từ triều đình Huế. Nhiều làng trong tỉnh Châu Đốc lúc đó đã xin sắc phong. Trong đó có cả làng Vĩnh Nguơn. Sắc phong cho Nguyễn Hữu Lễ đề năm Khải Định thứ 9 [1924], mỹ hiệu là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù chi thần.

Sắc phong các chỉ huy và nghĩa dũng trong vụ thu phục hai tỉnh An Giang và Hà Tiên (1833)

Sau khi tỉnh thành Châu Đốc thất thủ, Án sát Bùi Văn Lý chạy về thôn Mỹ Hội Đông. Thôn ấy có đồn Vĩnh Hùng. Thí sai Thủ ngữ đồn này là Nguyễn Văn Bút cùng quyền sai Đội trưởng đội Giáo Dưỡng ở thôn này là Bùi Văn Nhâm và các hào mục trong thôn khảng khái xuất của nhà ra tiếp tế. Bùi Văn Lý bèn tìm cách chiêu tập nghĩa dũng. Lực lượng tàn quân của Thủy cơ An Giang nghe tin cũng tìm tới. Bùi Văn Lý còn sai Thư lại trong ty của mình là Lê Quang Ngạn đi Định Tường chiêu mộ nghĩa dũng. Lê Quang Ngạn đã đóng vai trò tích cực trong việc thu phục tỉnh lỵ Định Tường, rồi gửi thư báo cho Bùi Văn Lý.

Ngày 14 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Bùi Văn Lý nhận được tin. Ông ta cho rằng việc đã bại lộ, cần phải hành động ngay để tiếp ứng. Hai ngày sau, Bùi Văn Lý dẫn 1000 quân dưới quyền tiến về Châu Đốc. Ngày 17 tháng 6 âm lịch, quân kéo tới Châu Đốc. Lúc này chủ lực quân nổi dậy đã bị Thái Công Triều dẫn về hòng đánh úp Sài Gòn. Tâm phúc do Triều để lại là Trấn phủ Nguyễn Đăng Luận, Phó trấn phủ Lương Văn Tiến bắt giữ chỉ huy quân nổi dậy là Tuyên phủ Nguyễn Hựu Nhiếp, nộp thành đầu hàng. Bùi Văn Lý một mặt sai người đi Cao Miên đón Tổng đốc Lê Đại Cương trở về, một mặt phái quản Thủy cơ An Giang là Nguyễn Văn Mai, viên tử Nguyễn Văn Cửu đem lính cơ An Giang Thủy và binh dân đi thu phục tỉnh Hà Tiên. Ngày 19 tháng 6, tỉnh lỵ Hà Tiên được thu phục.

Ngày nay, hậu duệ của các nhân vật cấp thấp từng tham gia các sự kiện này còn giữ được nhiều chiếu, sắc giúp làm rõ vai trò của tiền nhân gia đình họ.

Cáo tặng Mai Tài hầu Nguyễn Văn Mai làm Minh Nghĩa đô úy (1835). Ảnh: Nguyễn Thanh Thuận

Chiếu phong Nguyễn Trường Cửu ở Lấp Vò, Đồng Tháp

Viên tử Nguyễn Văn Cửu được sử sách nhắc đến chính là Nguyễn Trường Cửu, con trai Thống chế Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên. Vì là con trai quan lại nên Nguyễn Trường Cửu được liệt vào hạng quan viên tử (con trai quan viên). Đền thờ Tuyên Trung hầu ở Lấp Vò, Đồng Tháp còn giữ được tờ chiếu phong ngày mồng 4 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 15 [1834] cho Nguyễn Trường Cửu.

Chiếu phong Nguyễn Trường Cửu năm 1835

Tờ chiếu nói rõ Nguyễn Trường Cửu đã từng “củ nghĩa tòng nhung” (xướng nghĩa theo quân) và được “quyền trí” (đặt tạm) làm Ngoại ủy Suất đội ở cơ Thuận Nghĩa; nay được Tuần phủ An Giang làm danh sách tâu lên, đề nghị cho thực thụ Cai đội, trật tòng ngũ phẩm và vẫn tiếp tục chỉ huy số hương dũng còn tại ngũ theo quan tỉnh sai phái. Trong cơ cấu quân đội tỉnh An Giang không có cơ Thuận Nghĩa. Tên cơ có chữ Nghĩa cho thấy đó là lực lượng nghĩa dũng được thành lập nhằm thu phục tỉnh lỵ An Giang năm 1833.

Tờ bằng cấp cho Đỗ Đăng Tào ở Chợ Mới, An Giang

Một nhân vật khác có tham gia đến các sự kiện ở tỉnh An Giang là Đỗ Đăng Tào. Đỗ Đăng Tào người thôn Mỹ Hội Đông (nay thuộc huyện Chợ Mới, An Giang). Ông là con trai của công thần Cai cơ Đỗ Văn Khoa. Đỗ Đăng Tào được thờ ở Vệ Thủy thần miếu ở phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc và tại Xẻo Bún, Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới. Đền thờ ở Xẻo Bún còn lưu giữ tờ bằng của Tham tán Lê Đăng Doanh trong đạo Thảo Nghịch Tả tướng quân cấp cho Đỗ Đăng Tào, đề ngày 28 tháng Hai. Phần ghi số năm đã bị mất một số chữ đầu, nhưng có thể đoán biết đó là năm Minh Mạng thứ 15 (1834).

Tờ bằng cấp cho Đỗ Đăng Tào năm 1834. Ảnh: Lâm Quang Hiển

Tờ bằng cho biết Đỗ Đăng Tào là Chánh đội trưởng Suất đội ở đội 3 thuộc cơ An Bình, đồng thời vì là con cháu công thần nên còn được đeo hàm Thừa Ân úy. Mặc dù vậy, lúc cấp tờ bằng thì Đỗ Đăng Tào đã bị “cách chức lưu nhậm” – nghĩa là bị lột hết các chức vụ đó, nhưng vẫn ở lại làm việc tại vị trí cũ. Tờ bằng cho biết vào lúc Nam Kỳ có biến, Đỗ Đăng Tào “có thể tập hợp hương dũng, theo đánh dẹp đã lâu”, nên được Lãnh binh Lê Đại Cương tạm bổ nhiệm làm Phó suất cơ của cơ An Nghĩa. Vì vậy, Tham tán Lê Đăng Doanh mới cấp bằng này để tạm xác nhận việc bổ nhiệm đó. 

Khác với Nguyễn Trường Cửu, hành trạng của Đỗ Đăng Tào gắn liền với Lê Đại Cương hơn là với Án sát Bùi Văn Lý. Ghi chép lịch sử trong Khâm định tiễu bình Nam Kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên cho thấy sau khi Lê Đại Cương từ Cao Miên trở về An Giang, ông này đã phái Đỗ Đăng Tào đi Vĩnh Long bắt liên lạc với thự Án sát tỉnh đó là Doãn Uẩn. Chức vụ của Đỗ Đăng Tào lúc đó là quyền Phó quản cơ An Bình. 

Tờ đơn xin nghỉ của Lê Văn Huề

Gia đình họ Lê ở Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ còn giữ nhiều giấy tờ có liên quan đến tổ tiên mình là Huề Tài bá Lê Văn Huề. Đặc biệt trong số đó có lá đơn của Lê Văn Huề viết năm 1836 xin triển hạn nghỉ phép, để chạy chữa bệnh mắt. Lê Văn Huề là Chánh đội trưởng ở đội 6 của cơ An Giang Tả. 

Đơn xin nghỉ của Lê Văn Huề năm 1836. Ảnh: Lê Trọng Tiến
Đơn xin nghỉ của Lê Văn Huề năm 1836. Ảnh: Lê Trọng Tiến

Trong đơn, Lê Văn Huề cho biết:

Năm [Minh Mạng] thứ 14 (1833), được tỉnh cấp bằng để chở của kho lên kinh dâng nộp. Năm đó làm xong việc rồi quay về thì có sự biến của giặc ngụy [Lê Văn Khôi], nên đi theo quân thứ Gia Định đánh dẹp, rồi lại gặp lúc có giặc Xiêm nên theo quân thứ An Giang đi đánh giặc. Năm thứ 15 (1834), ngày tháng mười một, vì có bệnh mắt, hai mắt mờ đục, xin nghỉ để điều trị mà chưa đỡ.

Trích dịch đơn xin nghỉ phép của Lê Văn Huề

Lê Văn Huề tuy thuộc lực lượng của tỉnh An Giang, nhưng lúc xảy ra sự biến thì ông này đang công cán ở Huế. Có lẽ Lê Văn Huề đã gia nhập vào các lực lượng thủy quân được phái từ triều đình vào Nam đánh dẹp, rồi lại nhập vào lực lượng của Tổng đốc An Hà là Trương Minh Giảng đi đẩy lui quân Xiêm đầu năm 1834.

Khi bàn luận về cuộc nổi dậy của Nguyễn Hựu Khôi, vua Minh Mạng cực lực chê trách người dân Nam Kỳ đã hùa theo giặc và không một ai chịu chiến đấu hết mình để ngăn quân nổi dậy. Nhưng thực tế là sau những bất ngờ, lúng túng lúc đầu, chính các lực lượng địa phương Nam Kỳ đã tập hợp lại và phản công, đánh bại quân nổi dậy để thu phục bốn tỉnh miền Tây. Chính các bằng sắc, giấy tờ lưu trữ tư nhân ở Nam Kỳ đã minh chứng cho điều đó.

Tác Giả Wong Trần
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share