Lạy vua Từ Hải
Lạy vãi Giác Duyên
Lạy tiên Thúy Kiều
“Không biết từ ai, bao giờ mà một cuốn truyện lại xé sách để bước vào đời sống tâm linh của con người nhỉ?” – Nó hỏi bạn nó, ngay sau khi cô nàng vừa dứt lời khấn.
Cô bạn thầy bói của nó nhăn mặt “Bộ chưa đọc hết Truyện Kiều sao?”
“Đọc hết cả rồi”, nó thở dài, “mỗi tội trong đó chỉ có tình yêu…”
“Ý cậu là sao?”
“Mình nói đâu có sai. Khi nhắc đến Truyện Kiều, ai cũng sẽ nghĩ ngay đến tình yêu, và thường thì người ta chỉ chăm chăm vào chuyện tình cảm trong đó. Hầu hết mọi lời khen hay chê đều xoay quanh yếu tố tình yêu ấy.”
“Nhưng Truyện Kiều đâu chỉ toàn là tình yêu. Tình yêu chỉ là một hiện tượng xã hội như mọi hiện tượng xã hội khác. Một thí dụ rất hiển nhiên, nhưng ít được chú ý. Trong văn học Việt Nam trước thời Lê mạt, trong những tác phẩm được quy định niên đại chính xác, trừ Truyền kỳ mạn lục, hầu như không có đàn bà. Chỉ thấy có đàn ông. Và đàn ông với cương vị xã hội cụ thể: hoà thượng, nho sĩ, tướng quân, vua chúa. Còn đàn bà muốn xuất hiện, thì cái nét khu biệt người phụ nữ phải bị thủ tiêu trước đã. Ta có người đàn bà trong tranh. Người tiết phụ, tức là người đàn bà không thể gây nên dục vọng tình yêu ở bất kỳ ai. Đó là nói đến văn học được sáng tạo bởi những con người được đào luyện trong môi trường Phật giáo hay Không giáo.
Còn trong văn học dân gian, chắc chắn phải khác. Trai gái Việt Nam gặp nhau trong lao động, yêu nhau là điều dĩ nhiên. Nhưng muốn cho tình yêu trở thành một đề tài văn học, thì nó phải được một tầng lớp trí thức thừa nhận và dám thừa nhận, nó chống lại tư tưởng thống trị là trọng nam khinh nữ, cha mẹ đặt đâu con xin ngồi đấy, đàn bà là vật sở hữu của cha mẹ, của công xã (lệ nộp cheo).
Tình hình vào thời Lê mạt khác hẳn, cái đối tượng mà nền văn học cũ không dám nhắc đến, thì nay trở thành thần tượng của nền văn học mới. Người đàn bà xuất hiện mọi nơi, trở thành vị nữ hoàng mà hào quang và uy tín lấn át mọi thần tượng khác. Đây là người đàn bà “nghiêng nước nghiêng thành“, khao khát tình yêu, có một cơ thể “trong ngọc trắng ngà“. Người đàn bà mà Nho giáo sợ hãi, Phật giáo xua đuổi, lúc này thống trị toàn bộ văn học. Câu chuyện tình yêu đôi lứa trở thành chủ đề của mọi thể loại, không những truyện Nôm (Hoa Tiên, Sơ kính tân trang, Phạm Công Cúc Hoa), ngâm khúc (Cung oán, Chinh phụ ngâm, Bần nữ thán), hát nói (Cao Bá Quát. Nguyễn Công Trứ). Mà ngay cả văn tế (Phạm Thái, Nguyễn Du), phú (Nguyễn Bá Lân), thậm chí cả kinh nghĩa và vẫn sách (Lê Quý Đôn).
Các thế hệ các quân tử, hòa thượng, trượng phu, ẩn sĩ rời khỏi sân khấu, và cùng với họ cũng biến mất luôn lý luận Văn để chở đạo của Chu Hy. Một trào lưu văn học mới ra đời. Nhân vật của nó là “Người tài tử, khách thuyền quyên“, những con người trẻ, đẹp, có tài, và khao khát tình yêu, bởi vì “Tài tử với giai nhân là nợ sẵn“. Vấn đề chủ đạo của nền văn học này là vấn đề hạnh phúc. Hạnh phúc đối với nó không phải là niết bàn, say mùi đạo, trì mệnh, mà là cuộc sống vật chất đầy đủ, có tiền, có tình yêu.
Hệ tư tưởng trước đó thâu tóm vào chữ sợ: sợ trời, sợ lời thánh nhân, sợ những người khác đã đành, mà sợ cả chính mình nữa, bởi vì khi người quân tử đứng một mình, thì có “mười con mắt nhìn vào mình” (Đại học). Thái độ con người là run run sợ sợ như bước đến vực sâu, như đi trên băng mỏng (Kinh thư). Tiêu chuẩn của đạo đức là “khắc phục bản thân để theo lề“, tức là theo những quy định về tôn ty đã được xác lập. Khổng giáo đòi hỏi “cẩn thận trong sự suy nghĩ“, Phật giáo yêu cầu “diệt dục” mà cái dục nguy hiểm nhất là “sắc dục“, trở ngại lớn nhất trên con đường đi đến niết bàn.
Lớp tài tử thời Lê mạt – Nguyễn sơ nghĩ khác. Họ hả hê uống cốc rượu đời, và cười ròn rã. Họ thấy tình yêu không hề chứa đựng cái gì là tội lỗi, xấu xa. Họ thấy nó đẹp, nó mới, nó đáng khen.
Sở dĩ câu chuyện tình yêu trong Truyện Kiều gây ra nhiều tranh cãi, chính vì Nguyễn Du đã thể hiện tập trung nhất và táo bạo nhất kiểu lựa chọn của thời đại. Nói đến tình yêu là chuyện bình thường, truyện Nôm nào cũng nói đến nó. Nhưng thể hiện nó theo kiểu lựa chọn của Nguyễn Du quả thực là chướng tai gai mắt đối với thế hệ sau, trong khi những vấn đề cấp bách liên quan đến sự tồn tại của đất nước và dân tộc đặt ra cho mỗi người biết suy nghĩ. Tình yêu trong Truyện Kiều sinh chuyện, chỉ vì ông đã chọn những biện pháp làm việc quá trái ngược với cách nhìn của lễ giáo xưa.”
Trước hết, phải nói đến yếu tố thể xác. Tình yêu trong Truyện Kiều luôn luôn gắn liền với yếu tố thể xác. Nó nói đến cái rung cảm của xác thịt và ca ngợi cái rung cảm ấy. Cách nhìn đó là cách nhìn của thời đại. Truyện Kiều nói đến chuyện “đầu mày cuối mắt“, nói đến “hai bên cùng liếc“, đến chuyện “ai có tiếc gì với ai?“. Nó nói đến những rung động của con người khi mong nhớ, đợi chờ, gặp gỡ, và tán thưởng những rung động ấy. Nho giáo dĩ nhiên không thể chấp nhận điều đó. Nguyễn Du là người phân tích tâm lý tàn nhẫn không thể gượng nhẹ ở bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống nội tâm. Ông không thể nhân nhượng, gạt bỏ yếu tố nhục cảm ra khỏi tình yêu, nếu như yếu tố ấy thực sự có.
Khi nói đến yếu tố thể xác, Nguyễn Du cũng chỉ làm như các tài tử đương thời mà thôi. Thơ Hồ Xuân Hương, phú Nguyễn Bá Lân, hát nói của Cao Bá Quát. Nguyễn Công Trứ, kinh nghĩa của Lê Quý Đôn, chẳng phải cũng khẳng định yếu tố thể xác trong tình yêu đó sao?
Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Hoa Tiên, Bích Câu Kỳ ngộ, cho đến Lục Vân Tiên v.v. với đoạn Kim Trọng gặp Thúy Kiều ở bên gốc đào, thì bạn sẽ thấy ngay tại sao mọi truyện nôm tuy có nói đến tình yêu nhưng đều không gây tai tiếng, trái lại Truyện Kiều gây nên mọi phản ứng. Các truyện nôm nhát gan hơn Nguyễn Du, chỉ dám dùng lại ở một cảnh gặp gỡ chung chung, trong đó thấy thoáng một tà áo trắng, vẻ mặt như Quan Âm, vẻ đẹp… và hết. Nguyễn Du làm khác. Ông dám đi thẳng vào cái cá biệt. Không ở đâu có thể tìm thấy tư thế của hai người:
Sượng sùng, giữ ý, rụt rè.
Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu
Không ở đâu nói đến ngay cả sự thay đổi trong ánh mắt của người con gái:
Lặng nghe lời nói như ru,
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng
Không ở đâu câu chuyện trao đổi được trình bày đầy đủ theo đúng quy luật tâm lý của một cuộc gặp gỡ đầu tiên, trong đó đôi bên hẹn hò, thề thốt. Các tác giả khác đều vội vã nói thật nhanh vì sợ bị dư luận công kích. Nguyễn Du không làm thế. Ông tôn trọng quy luật của lòng người.
Không những thế, Nguyễn Du còn miêu tả chính xác cả cái quá trình yêu đương theo tiếng gọi của dục vọng. Đó là đoạn Kiều sang nhà Kim Trọng lần thứ hai (441-521) dài 83 câu. Ta thấy người con gái chủ động đến với người yêu “Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa” vì sợ hạnh phúc của mình bị tan vỡ “Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?“. Rồi hai người viết bài ghi lời thề chung sống.
Sau đó chàng Vương yêu cầu nghe đàn, và Kiều nói “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia, Ngoài ra ai có tiếc gì với ai” khẳng định nàng là của Kim Trọng. Điều này là đúng với tâm trạng những cô gái ngây thơ, yêu lần đầu, trong sự say mê chứa đựng lòng hy sinh cho người yêu. Sau đó là cảnh “đầu mày cuối mắt” và chàng Kim nghĩ đến chuyện “lả lơi” nhưng bị cự tuyệt và Kiểu nói “Còn thân ắt lại đến bồi có khi” đúng với tâm trạng cô gái tìm ở trong tình yêu sự quý trọng để duy trì hạnh phúc. Trong cái cảnh gặp gỡ này xen vào vầng trăng, chén rượu, tiếng đàn, ngọn đèn. hương bay tạo nên một không khí kỳ ảo nhưng rất thực.
Tình yêu ở Nguyễn Du là tình yêu luôn luôn gắn liền với sự mất mát, với lo sợ, với cảm giác rằng hạnh phúc rất mong manh. sớm chiều sẽ tan vỡ. Ngay trong đêm tự tình với Kim Trọng. Kiều đã lo: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?“. Khi Thúc Sinh tỏ ý muốn lấy nàng, Kiều đã lo ngại về tình yêu của Thúc Sinh: “Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng?“. Tuy vậy, sự giống nhau này chỉ là bên ngoài, thực chất hai nỗi lo sợ hết sức khác nhau. Thế hệ tài tử của Nguyễn Du tin là hạnh phúc có thật, và con người có quyền hưởng hạnh phúc, nhưng thực tế xã hội quá tàn nhẫn đã đập tan mọi hạnh phúc, cho nên cuối cùng hạnh phúc đã tan vỡ. Tình yêu chỉ có cái vẻ hạnh phúc mà thôi, chính nó cũng không phải là hạnh phúc, và ngay trong bản thân nó đã chứa đựng đau khổ rồi. Cho nên khi mất hạnh phúc, họ chỉ rên la, mà không phẫn uất.
Tình yêu của Truyện Kiều, là tình yêu hết sức đa dạng. Trong mối tình của nàng đối với Kim Trọng, đó là mối tình trong trắng đầu tiên của một cô gái. Trong đoạn miêu tả mối tình của nàng với Thúc Sinh đó là tình yêu tính toán trông đợi sự nương tựa, nhưng không có yếu tố đắm say. Trong đoạn miêu tả tình yêu của nàng với Từ Hải chứa dựng sự tin cậy, thán phục đối với người tri kỷ. Sau nàng gặp lại Kim Trọng, ta có một tình yêu khác, nặng về nghĩa, không mang tính chất đắm say, một sự tôn trọng lẫn nhau đối với một người bạn quý. Ngoài ra, lại có tình yêu si mê của Thúc Sinh, tình yêu say đắm và chân thành của Kim Trọng, tình yêu bao dung độ lượng của người tri kỷ ở Từ Hải. Có thể nói trong toàn bộ văn học Việt Nam, không ở đâu tình yêu được miêu tả đa dạng, được phanh phui chu đáo như ở đây. Đó là không kể lối tán tỉnh lưu manh của Sở Khanh, suồng sã của Hồ Tôn Hiến. Trong văn học trước Truyện Kiều đã nói đến tình yêu, nhưng chỉ nói được một mặt, một biểu hiện trong một vài hoàn cảnh. Tình yêu ban đầu đã có trong Hoa Tiên, Phan Trần. Tình yêu nhục thể đã có trong Cung oán. Tình yêu mong nhớ sẽ có trong Bích Câu v.v.
Mỗi mối tình lại được phanh phui theo đúng quy luật của nó. Quan hệ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng trong mối tình đầu là quan hệ tin cậy. Nguyễn Du miêu tả rất đúng tâm lý một cô gái mới lớn, chưa hiểu gì về cuộc đời, trong trắng, ngây thơ. Nàng chỉ nghĩ đến việc sống cho người tri kỷ, hy sinh cho người ấy, mà không hề nghĩ đến mình. Nàng có đủ nghị lực thuyết phục cha mẹ để nàng bán mình cứu cha, nhưng không đủ can đảm thấy người yêu đau khổ. Nàng tự trách móc mình “Vì ta khăng khít“, tự xỉ vả mình đã “phũ phàng“, nghĩ đến việc “Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai“. Trong cái tình yêu ban đầu ấy, không khỏi có sự dại dột, hớ hênh, như ta thấy trong những lời nàng nói với Kim Trọng. Có người bắt bẻ về những câu nói này. Họ chê nàng nói những câu có vẻ tự hạ thấp mình: “Trông người lại ngắm đến ta. Một dây một mỏng biết là có nên?“.
Sau này, khi đã bị Mã Giám Sinh, rồi Sở Khanh lừa dối, lòng tin của nàng vào sự trung thành trong tình yêu đã mất, nàng tính toán, cân nhắc, so sánh. Nàng nghĩ đến thân phận mình, nghĩ đến việc Thúc Sinh còn có cha “Ở trên còn có nhà thung, Lượng trên trông xuống biết lòng có thương?“. Nàng nghĩ đến thân phận lẻ mọn “Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng“. Nàng sẵn sàng chịu đựng thân phận hèn kém, chỉ mong được yên thân: “Dù khi sóng gió bất tình, Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi“. Nàng khuyên Thúc Sinh về thú thực với Hoạn Thư, nhưng Thúc Sinh đã không làm. Rõ ràng nàng đã có được một vốn sống và đã hiểu cảnh ngang trái của cuộc đời.
Khi gặp Từ Hải, nàng hiểu ngay Từ là người mình có thể nhờ cậy, gửi gắm thân phận “Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau“, không hề mảy may nghĩ đến chuyện cân nhắc, ngờ vực. Nàng đã bị tính cách phi thường của Từ Hải chinh phục. Tình yêu thay đổi vì tâm hồn và kinh nghiệm sống của nàng thay đổi. Khi gặp lại Kim Trọng nàng là một người khác hẳn. Nàng muốn được Kim Trọng đối xử như một người bạn “Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy“. Nàng không muốn mối tình trong trắng ngày xưa bị hoen ố: “Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi“.
Truyện Kiều đã gây nên một xáo động to lớn trong tâm hồn người Việt Nam. Người ta vịnh Kiều, tập Kiều. học tập cách diễn đạt ngôn ngữ của Kiều. Văn học Việt Nam thay đổi một bước sau khi có Truyện Kiều ra đời. Không ai có thể thờ ơ đối với Kiều được. Ngay cả vua Tự Đức cũng phải thú nhận:
Mê gì mê thú tổ tôm,
Mê ngựa Hậu bổ, mê Nôm Thuý Kiều.
Nếu ta xem lịch sử văn học thế giới, thì sẽ thấy khi nào con người cô độc xuất hiện và tác phẩm thiên về miêu tả nội tâm nhân vật, trong sự phối hợp với ngôn ngữ thiên nhiên, là lúc đó nảy sinh một tình trạng say sưa như điên, như dại của quần chúng. Điều này đã nấy sinh ở nhiều nước, không phải chỉ riêng ở Việt Nam.
Khi chàng Werther ra đời, có nhiều người muốn bắt chước chàng, cũng tự sát vì không đạt được tình yêu. Khi Byron xuất hiện ở Anh, với tính cách con người một mình chống lại thành kiến của thời đại. có một trào lưu bắt chước Byron. Khi nhân vật Réné ra đời ở Pháp, nảy sinh một thứ tật gọi là tật của thế kỷ. Khi Hồng Lâu Mộng ra đời, phụ nữ Trung Hoa say mê như điếu đổ, đến nỗi giá giấy thay đổi.
Không ở đâu có nhiều tâm trạng khác nhau như trong Truyện Kiều. Con người muốn tìm những hình tượng kỳ lạ, hãy xem thơ Ấn Độ, muốn thưởng thức khí lực của nhà thơ, hãy xem thơ Lý Bạch, muốn thưởng thức chữ dùng điêu luyện và bút lực kinh người, hãy xem thơ Đỗ Phủ. Thơ Trung Quốc, ở những nhà thơ lớn nhất của nó mà Nguyễn Du học tập, đều có một đặc điểm chung là muốn vươn lên cái phi thường, vượt quá con người, khiến người ta thán phục.
Thơ Nguyễn Du bình dị hơn nhiều, gần con người hơn, thắm tình người, hết sức cố gắng thể hiện cái đẹp trong một mức độ vừa phải. Dù có vì thế mà có vẻ hơi nông dân, hơi dân gian một chút, ông cũng không ngần ngại. Trong thơ Nguyễn Du man mác cái tứ thơ của đồng ruộng, lũy tre, của tranh dân gian Việt Nam rất khác thơ Trung Quốc, mà hình ảnh tiêu biểu là tranh thuỷ mặc. Hai nền nghệ thuật khác nhau đã gặp nhau ở cá nhân Nguyễn Du, trong đó yếu tố dân dã Việt Nam vẫn là yếu tố chính.
Thơ Nguyễn Du là thơ của muôn vàn tâm trạng, nhưng đó là tâm trạng Việt Nam, không phải là tâm trạng Trung Quốc. Muốn so sánh về điểm này, ta hãy đối lập thơ Đường, thơ Tống với Truyện Kiều thì thấy rõ. Thơ Đường cố gắng tạo nên một sự dung hợp giữa con người với vũ trụ, trong đó con người hoà vào vũ trụ. Thơ Tống muốn làm một thao tác ngược lại: dùng cái lý của con người để thắng vũ trụ, bắt vũ trụ dung hợp với mình. Cả hai thao tác đều là phi thường.
Thơ Nguyễn Du muốn tìm một sự hoà hợp giữa con người với xã hội và đất nước Việt Nam. Đặc điểm này của tư tưởng Nguyễn Du cũng là đặc điểm của tư tưởng Việt Nam. Người Việt Nam không sống dựa trên một thế lực tôn giáo nào, dù nó là Phật giáo, Đạo giáo, hay Khổng giáo. Họ không chấp nhận mọi yếu tố thần bí, cho nên không hề đi tìm một sự thống nhất với vũ trụ như ở phương Đông, hay với Thượng đế ở phương Tây. Họ tìm sự thống nhất với làng, với nước của họ, với những người dân đang sống thiếu thốn, nghèo khổ nhưng rất anh hùng.
Yếu tố bất biến quán triệt cả Truyện Kiều, đó là hạnh phúc có thực, tuy mỗi người quan niệm nó một cách. Người thì cho hạnh phúc là: “Nghênh ngang một cõi biên thuỳ. Kém gì cô quả, kém gì bá vương“. Kẻ thì khẳng định: “Khi gió gác khi giăng sáng. Bầu tiên chuốc rượu câu thần nói thơ”. Người thì chủ trương: “Trai anh hùng, gái thuyền quyên. Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”.
Vì hạnh phúc tuy có thực, nhưng lại tan vỡ dễ dàng do những thế lực chống đối lại quá mạnh, cho nên con người vội vã. Họ háo hức “Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông“, van nài “Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru?“, hấp tấp “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình“, cố sao đạt được mong muốn “Của tin gọi một chút này làm ghi“, lo âu, nơm nớp “Bây giờ rõ mặt đôi ta, Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?“. Họ quyết tâm theo đuổi hạnh phúc “Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều“, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ “Thì đem vàng đá mà liều với thân“, dốc tất cả tài năng và nghị lực của mình để thực hiện cho kỳ được điều mong muốn.
Trong thực tế, họ đã tìm được hạnh phúc, nhưng vì hạnh phúc quá ngắn ngủi “Ngày vui ngắn chẳng tày gang“, quá bấp bênh “Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này” cho nên mỗi người phải tính toán “Thân ta ta phải lo âu“, phải hành động liều lĩnh “Thân này đã bỏ những ngày ra đi“.
Chính vì tin rằng hạnh phúc có thực, có thể dựa vào tài năng cũng có thực của mình mà đạt được nó nhưng cuối cùng hạnh phúc lại tan vỡ, cho nên trong Kiểu vang lên tiếng nói phẫn uất. Tâm trạng phẫn uất thể hiện dưới mọi trạng thái: kêu gào “Chờ cho hết kiếp còn gì là thán“, chửi bới “Chém cha cái số hoa đào“, kháng cự quyết liệt “Làm cho rõ mặt phi thường“. Khi con người tự nhận thức không thể nào kháng cự lại, thái độ phẫn uất ấy chuyển thành thái độ nín nhịn “Trông vào đau ruột, nói ra ngại nhời“, cám cảnh “Kể bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu“, mỉa mai “Thân lươn bao quản lấm đầu, Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa“. Con người đành cúi gục xuống “Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều“. Nó tạm thời chịu khuất phục. nhưng nó không đầu hàng. Nó chuẩn bị chống trả và chống trả quyết liệt “Nàng rằng: Xin hãy rốn ngồi. Xem cho rõ mặt biết tôi báo thù“. Cuộc đấu tranh sinh tử diễn ra, thế lực đen tối hôm nay có thể thẳng thế. nhưng không có gì khẳng định nó sẽ tồn tại mãi. Sẽ có ngày “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa giời“, những kẻ khóc sẽ cười “Cùng nhau trông mặt cả cười“, và những kẻ hống hách doạ nạt phải lạy lục, cầu xin khoan thứ “Trót lòng gây việc chông gai. Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?“.
Cần phải khẳng định rằng, không phải người Việt Nam mê tín. Nếu người Việt Nam mê tín, tại sao anh ta không bói Chinh phụ ngâm… mà lại cứ bói Kiều? Thậm chí, đó cũng không phải vì Kiều là tác phẩm văn học hay. Trong văn chương Việt Nam có nhiều tác phẩm hay không phải chỉ có Truyện Kiều.
Trước hết, người Việt Nam đọc Kiều thì sợ hãi về trình độ phân tích sâu sắc, mới mẻ của tác phẩm. Anh ta bái phục sự phân tích ấy bởi vì các thao tác phân tích kỳ diệu của nó khiến anh ta cảm thấy chỉ có Kiều mới nói được cái thầm kín trong lòng anh ta. Mỗi người xem văn học là xem với tất cả kinh nghiệm sống của mình. Vô hình trung có một sự đua tài ở đây. Nếu tác phẩm chứng tỏ tác giả hiểu cuộc sống còn kém người đọc, thì lập tức người đọc coi thường, trái lại người đọc sẽ bị chinh phục khi tác giả phơi bày được tâm trạng của người đọc hay hơn chính người đọc tự phân tích mình. Trường hợp các nhà văn thông thạo về tâm lý là thế.
Trường hợp Nguyễn Du còn cao hơn một bậc, dưới ngòi bút của ông, con người bị phanh phui đến hết kiệt, mọi bí ẩn bị bóc trần. Người đọc bàng hoàng sửng sốt, khiếp sợ, tưởng chừng như trong câu thơ có một ma lực gì, tại sao những ý nghĩ thầm kín nhất của mình, mà mình vẫn có tự che giấu, ở đây lại bộc lộ. Lúc đầu, người ta xem Truyện Kiều để giải trí. Sau đó sinh nghiện Kiều. Mỗi lúc buồn, mỗi khi gặp một trắc trở trong đời, người ta lại đọc, và mỗi khi đọc người ta lại phát hiện ra vô số những quan hệ mới mà trước đây người ta không thấy. Người còn trẻ đọc Kiều thấy khác với khi mình đã già. Sau đó dần dần nảy sinh sự mê tín. Thứ hai, người ta tìm thấy tâm trạng của mình, nên tưởng đâu trong Kiều nói được cả tương lai của mình. Thế là xuất hiện thói quen: Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, xin cho con ba dòng, v.v…
Một quyển sách để bói có hai nghĩa, nghĩa thực và nghĩa ẩn. Ta lấy quyển sách bói thông thường nhất của phương Đông là quyển Kinh Dịch làm thí dụ. Người bói rút thăm hay xem mai rùa, hay làm một thao tác nào đấy, như ném đồng tiền, qua đó anh ta quy ra điều anh ta muốn bói với một hào trong Kinh Dịch. Sau đó, anh ta dựa vào cái hào này mà đoán. Ngôn ngữ trong Kinh Dịch rất kỳ quặc, toàn những câu ngó ngô nghẻ, không đâu vào đâu cả. Nhưng đằng sau những câu ngô nghê ấy lại ẩn nấp những quan hệ khá rộng lớn, cho phép ta căn cứ vào yêu cầu của mình để biết kết quả sẽ đạt được hay thất bại. Người bói dịch bổ sung câu nói trong hào bằng những kiến thức thực tiễn của mình. bằng kinh nghiệm giải thích Dịch của các thế hệ trước, và rút ra những kết luận cần thiết.
Khi bói Kiều, công việc đơn giản hơn, nghĩa câu văn rõ hơn so với nghĩa câu văn của Kinh Dịch, nhưng trong ba câu mà ta cần bói cũng chứa đựng một quan hệ khác nằm ngoài ngữ cảnh. Ba câu ấy thường chứa đựng một tính tổng thể trọn vẹn, cho phép ta kết luận về kết quả của công việc mình muốn hỏi.
Một tác phẩm nghệ thuật có thể làm người ta phục, nhưng không làm người ta tin. Người ta chỉ tin một tác phẩm khi thấy ở đây có thái độ nỗ lực đi tìm sự thực, bất chấp trở lực. Động vật – người thèm khát sự thực, dù đó là sự thực mà khoa học đem đến, hay sự thực của tâm hồn mà nghệ thuật mang lại. Khi thiếu sự thực ấy, một tác phẩm vẫn có thể làm người ta say mê, nhưng đó là sự say mê bình thường như sự say mê của con người trước một cái cái đẹp, một viên ngọc quý. Đó là sự ham thích một đồ vật. Còn khi nó chứa đựng sự thực và phanh phui sự thực ấy để rút ra những quan hệ mới mẻ, thì sự say mê biến thành lòng tin cậy. Chỉ đến lúc đó, tác phẩm mới trở thành một kiệt tác. Nó nhập vào cuộc đời của dân tộc, góp một tiếng nói mới không ngừng vang vọng trên mỗi bước đường, trong mỗi con người, Truyện Kiều là một tác phẩm như vậy.”
“Ồ”
“Thế cuối cùng có bốc bài không thì bảo?”
“Ừ ha, bốc chứ”
Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Thiết Kế Trần Văn Hậu
Tác Giả Xuân Nghiêm