Lúc này đây, ông Tập và nội các của mình vẫn đang miệt mài soạn thảo các phương án vũ trang quân sự đầy bí mật mà chúng ta chỉ có thể hiểu rõ trong tương lai. Tuy nhiên, có một cuộc chiến khác mà Trung Quốc chắc chắn sẽ chơi tất tay, đó là trận chiến trên mặt trận công nghệ.
Lệnh cấm xuất khẩu chip của chính quyền Biden rõ ràng là một cú đánh trí mạng vào tham vọng xưng hùng xưng bá của Bắc Kinh. Trước lệnh cấm, Con rồng châu Á đang vô cùng thèm khát nguồn tài nguyên công nghệ vô tận của Hoa Kì, họ sẵn sàng vung tiền thâu gom toàn bộ nguồn chip để “nạp năng lượng” cho quân đội và gây dựng kinh tế.
Chính phủ Trung Quốc rõ ràng không hề xem nhẹ việc này. Bằng chứng là theo The Washington Post, trong những năm qua, họ chi nhiều tiền cho việc nhập khẩu chip bán dẫn hơn cả dầu thô. Có thể nói, lệnh cấm của Biden đã đặt ông Tập và các cộng sự vào một tình thế cấp bách, họ bắt buộc phải có những ứng biến để xoay chuyển cục diện bàn cờ. Sau lệnh cấm nghiêm khắc của Mỹ, cả thế giới vẫn đang nín thở chờ xem ông Tập sẽ đi nước cờ nào để lấy lại sự chủ động và cả danh dự của mình.
Trung Quốc không phải là quốc gia dễ bắt nạt. Lịch sử luôn chứa đựng đầy ắp những câu chuyện Bắc Kinh trả đũa những chính sách bất lợi hướng về mình và phần lớn đó đều là các đòn đau. Vậy câu hỏi nóng nhất lúc này sẽ là:
Nước đi tiếp theo của Bắc Kinh sẽ là gì và ai sẽ là kẻ đầu tiên dính đòn “hồi mã thương” của Trung Quốc?
Như đã biết, Đài Loan là nơi đặt các nhà máy chip lớn nhất thế giới hiện tại. Bất kỳ ai cũng đều hình dung ra được việc đầu tiên Trung Quốc nghĩ tới sẽ là đẩy mạnh quá trình “thâu nạp” Đài Loan vào “đất mẹ”, từ đó hoàn toàn nắm quyền kiểm soát các nhà máy này. Có thể nói đây là nước đi nhanh gọn nhất, dù có thể sẽ vấp phải nhiều tai tiếng. Nếu điều này là sự thật, ông Tập sẽ lao vào “vũng lầy” Đài Loan hệt như cái cách Putin đang mắc kẹt trong vụ Ukraine.
Về phía nhà cầm quyền Mỹ, đương nhiên họ không sợ các nhà máy của TSMC trên xứ Đài sẽ rơi vào tay Trung Quốc sau khi Đài Loan bị thôn tính. Vì dẫu lính Trung Quốc có đặt chân lên hòn đảo này, họ chỉ tìm thấy những nhà máy bỏ hoang và không đủ khả năng vận hành chúng. Hơn thế nữa, Mỹ cũng đã cho xây nhiều nhà máy TSMC ngay trên đất Mỹ để giảm sự phụ thuộc ít nhiều vào Đài Loan. Rõ ràng, Mỹ không loại trừ khả năng sẽ có binh biến trên hòn đảo Đông Á nhỏ bé và đang có những bước chuẩn bị.
Hiện nay, giữa bầu không khí nóng bỏng xoay quanh vấn đề Đài Loan, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tục đưa ra những phát ngôn bày tỏ sự cam kết “chống lưng” mạnh mẽ cho người Đài Loan, đồng thời hứa sẽ can thiệp vũ trang để bảo vệ đàn em. Lời lẽ của ông Biden có thể khiến Trung Quốc chùn chân. Dù vậy, họ vẫn sẽ không từ bỏ việc “dòm ngó” đảo Đài Loan và sẽ “gây hấn” với người hàng xóm nhỏ bé này, qua đó gửi đến Mỹ thông điệp rằng “đừng quên ai mới là chủ ở khu vực”.
Tuy nhiên, bài học của Nga vẫn còn đó, Trung Quốc rõ ràng không muốn trở thành “kẻ phản diện” vĩ đại tiếp theo trong thời đại này. Họ sẽ có những phương án dự phòng khác để làm lũng đoạn nguồn cung chip từ Đài Loan sang Mỹ.
TSMC đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD tại Phoenix, bang Arizona.
Khả năng tiếp theo rất có cơ sở để trở thành hiện thực, đó chính là việc hải quân của ông Tập sẽ ra khơi, cho các tàu chiến đến đóng ở phía Đông và Đông Nam quần đảo Đài Loan. Hành động này sẽ gây khó dễ cho các tàu hàng của Mỹ và đặc biệt là Đài Loan. Từ đó hy vọng có thể làm chậm việc xuất khẩu chip từ Đài Loan sang Hoa Kỳ.
Sự hiện diện của tàu chiến ba bên sẽ khiến vùng biển Đài Loan vốn đã nóng sẽ lại còn căng thẳng hơn. Giai đoạn 2021-2022, nhiều lần Trung Quốc “xâm phạm” vùng trời của Đài Loan, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Có lúc hơn 50 máy bay Trung Quốc cố ý bay vào Vùng Nhận diện Phòng không của Đài Loan. Những hành động nhởn nhơ này chỉ rõ ý đồ làm chủ cuộc chơi của chính quyền Bắc Kinh. Với “thói quen” ăn hiếp hàng xóm, không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ lại cho các tàu sân bay hoặc tàu hải quân Trung Quốc “diễu hành” trong vùng biển của Đài Loan. Vừa để thị uy, vừa đâm thủng nguồn cung chip đến Mỹ.
Tàu hải quân Trung Quốc “diễu hành” trong vùng biển của Đài Loan, vừa để thị uy, vừa đâm thủng nguồn cung chip đến Mỹ.
Lúc này đây, ông Tập và nội các của mình vẫn đang miệt mài soạn thảo các phương án vũ trang quân sự đầy bí mật mà chúng ta chỉ có thể hiểu rõ trong tương lai. Tuy nhiên, có một cuộc chiến khác mà Trung Quốc chắc chắn sẽ chơi tất tay, đó là trận chiến trên mặt trận công nghệ. Đây không còn là khả năng, mà đã là thực tế.
Theo VOA News, chính phủ Trung Quốc đã rót hơn 140 tỉ đô la để tạo mọi điều kiện giúp các công ty công nghệ nước nhà tập trung đẩy mạnh nghiên cứu nhằm thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong tương lai gần. Quan trọng hơn nữa là nắm quyền tự quyết trong cuộc chơi công nghệ này.
Nhìn chung, việc Trung Quốc đưa tàu ra biển cũng giống như việc Mỹ cấm công ty bản địa bán công nghệ cho đối thủ vậy. Những cường quốc hiện đại vẫn liên tục đối đầu, nhưng hạn chế tối đa đụng độ quân sự. Các bên sẽ “đâm chọt” gây khó chịu cho đối phương, đồng thời tận dụng triệt để lợi thế về luật pháp, kinh tế, địa lý để gây trở ngại gián tiếp hoặc trực tiếp cho đối thủ. Đó sẽ là “kịch bản” mẫu mực của những xung đột của thời đại này. Ít nhất là cho đến khi có kẻ nào phá vỡ nó và gây ra một cuộc chiến tiếp theo.
Có thể thấy, chip chính là tiền tệ của những kẻ muốn sở hữu quyền lực địa chính trị trong một thế giới phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Giống như cách dầu mỏ đã từng làm khổ loài người trong suốt thế kỉ 20 và những năm đầu thế kỉ 21, chip sẽ là ngòi nổ của những xung đột tiếp theo. Hãy nhớ rằng, nếu trước đây dầu mỏ chỉ giúp quân đội vận hành tàu chiến và xe tăng, thì giờ chip sẽ giúp chúng ta tạo ra tên lửa hạt nhân, tên lửa siêu âm, máy bay chiến đấu không người lái, và hàng loạt các loại vũ khí có tính sát thương vô hạn. Nhiều trong số chúng đủ khả năng đưa loài người về “vị trí bắt đầu”.
Tôi lại phải trích dẫn một câu mà mình rất sợ của Albert Einstein: “Tôi không biết loài người sẽ sử dụng vũ khí gì để đánh nhau trong Thế chiến thứ ba, nhưng tôi biết trong Thế chiến thứ tư, chúng ta sẽ dùng đá và gậy gộc”.
Cảm giác thù địch thời Chiến tranh Lạnh lại ùa về, chỉ khác ở đoạn con Rồng Trung Quốc sẽ thế chỗ Gấu Nga vào vai kẻ đương đầu vĩ đại với Hoa Kỳ. Hai siêu cường với đường lối đối lập và hệ tư tưởng khác biệt sẽ không nhân nhượng với nhau. Từ đó, họ gây ra những hệ lụy vô cùng khó đoán lên an nguy của địa cầu.
Câu chuyện Tam quốc Mỹ – Trung – Đài đã làm nổi bật lên tầm quan trọng của tính kết nối toàn cầu thời nay. Rõ ràng, để tồn tại khoẻ mạnh, mọi quốc gia phải thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác. Chính những “cái bắt tay” này sẽ góp phần mang lại trị an toàn cầu, giảm đi nguy cơ xung đột và chiến tranh.
Nhưng có thể thấy, tính thù địch, sự hoài nghi giữa nhiều quốc gia đang dần leo thang, dẫn đến việc họ sẽ có xu hướng “quay về, đóng cửa”, không giao dịch với đối tác bên ngoài nữa để đảm bảo an ninh và tài nguyên quốc gia. Hãy mượn lời của Morris Chang để miêu tả toàn bộ cục diện:
Toàn cầu hoá đã chết rồi
Art Director Lê Minh Artist & Designer Mythz Researcher Hồ Đức Editor Lê Minh Thư Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc