Tản mạn về dòng Mekong hùng vĩ

Tác giả KD
Tản mạn về dòng Mekong hùng vĩ

Sông Mekong – con sông vĩ đại nuôi sống nước Việt – đang bị đe dọa bởi nhiều nguyên nhân. Mekong là câu chuyện sống còn thực sự, suy cho cùng những tranh dại tranh khôn sẽ chẳng nghĩa lý gì khi tất cả chìm hết dưới làn nước. Tôi đã tìm hiểu rất nhiều về dòng sông vĩ đại này qua nhiều quyền sách.

Cuốn Đồng bằng sông Cửu Long – Nét sinh hoạt xưa & Văn minh miệt vườn (Sơn Nam) tôi đọc 6 năm rồi. Chẳng còn đọng lại gì cụ thể, nhưng muốn tìm hiểu về miền Tây qua sách biên khảo, nếu nhà văn Sơn Nam đứng thứ 2, tôi không nghĩ ra người đứng thứ nhất.

Tôi là dân miền Tây, vốn đã sớm được vun bồi từ những lời kể “ngày xưa” của người lớn. Sau này mở mang thêm từ sách vở, qua những lần tự mình trải nghiệm quê hương dọc mảnh đất hình chữ S,. Một mặt ý thức được sự trù phú và dễ dàng của người phương Nam so với các vùng khác của đất nước, mặt khác trong tôi lại có một ý niệm nghe ra hơi lạ, là cảm giác sợ nghèo, sợ mất đi. “Cứ ra trước nhà quơ một cái đã được mớ rau con cá” có lẽ đã là tiềm thức sung túc ăn sâu vào mảnh đất đồng bằng, chính ra ở cái nơi không sợ đói, người ta mới cần phải sợ nghèo.

Tôi có nghe được một ví von, kiến thức cũng như phù sa, do tích lũy tầng tầng lớp lớp qua thời gian mà thành. Đất phù sa vì tốt sẵn nên trồng cái gì lên cũng tốt cả. Sự so sánh này có thể khập khiễng, nhưng tôi nghĩ cái cơ chế: tích lũy – bồi đắp – khai thác và giữ gìn – tái bồi đắp – mở rộng – và vì thế mà nó tồn tại, tôi nghiệm thấy nó đúng với quá trình hình thành nên kiến thức, tư bản, và… phù sa. Đồng bằng châu thổ cũng vậy, nếu không bồi thêm thì nó sẽ lở vào, teo lại và biến mất, vậy thôi.

Nhà ngoại tôi nằm ở bờ sông bên dòng kinh Lức, chòm xóm đôi bờ gần nhau đến độ đứng bên này cũng thấy được nhà bên kia sáng đèn, nghe cả tiếng gọi nhau nói chuyện với nhau. Trước nhà ngoại có mấy liếp đất, thịt mềm ít khi nào khô ráo, trồng lác đác xanh vườn. Đó đã là chuyện của hơn hai chục năm về trước. Chục năm đây Út xây lại nhà mới lùi vô trong rất xa, còn cách bởi đê đất cao nên tôi không còn thấy bờ sông nữa. Từ trong nhà dõi mắt ra chỉ nhìn thấy một đám xanh ngai ngái. Mỗi năm một ít, sông liếm bờ đã ăn lở vô nửa công đất đến nền ngôi nhà cũ đã dỡ. Nhà ngoại với hàng ba gạch tàu mà chúng tôi chạy chơi dịp giỗ quải hồi nhỏ chỉ còn trong hoài niệm.

Một đoạn sông sạt lở ở miền Tây Nam Bộ.

Hồi trước dịch, tháng 7/2019 lúc tạm nghỉ việc, tôi đi Cần Thơ có mua một tour mini buổi sớm đi chợ nổi và lò hủ tíu. Sáng đó tôi đi với một đôi vợ chồng người Hàn Quốc, hướng dẫn viên là một cậu bạn trẻ miền Tây nhanh nhẹn và nhiệt tình, đôi mắt đẹp nhưng nhìn hơi buồn với hàng lông mi rậm cong vút. Nói chuyện được một lúc thành quen, tôi với bạn hướng dẫn cũng khá cởi mở với nhau. 

Tôi nhớ cậu ấy kể giới du lịch ở đây đều biết nền bên dưới khu phức hợp cao cấp Cần Thơ dựng bên bờ sông Cần Thơ rất yếu, thậm chí bên dưới có một hố to. Khi xây khách sạn trên đó, người ta phải hút cát ngoài sông lấp vào. Mỗi năm mỗi lấp, lượng cát khổng lồ đổ xuống để lấp cái hố đấy không xiết bao nhiêu mà kể. Lúc đó, ngày nào cũng thấy tàu cát nườm nượp ngoài sông Hậu. Nói đến đó bạn hơi khẽ giọng rằng “nãy ghe chạy ngang khách sạn em không tiện nói do anh chị người Hàn Quốc đang ở đó“. Tháng 9 lúc quay lại đi làm, phòng tôi tổ chức đi team building ở miền Tây và ở ngay khách sạn 5 sao đó luôn. 

Tàu hút cát hoạt động gần Cù lao Mỹ Hòa Hưng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy và hệ sinh thái sông Hậu. Nguồn: Thanh Niên.
Một chiếc tàu khai thác cát hoạt động tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Khai thác cát ở khu vực này đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Nguồn: Thanh Niên.

Sạt lở và hút cát lại còn thêm người bạn đồng hành trẻ khỏe là đập thuỷ điện. Những gì phải mất chắc chắn đã không còn, có còn muốn mất thêm đến trắng tay nữa hay không thôi.

Tôi tâm đắc quyển Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ (Brian Eyler). Quyển này tuổi đời rất trẻ, ra mắt 2019 nên gần gũi với hiện thực, có những quan sát đối với các đập thuỷ điện trên dòng chính Mekong. Khi đọc quyển này, tôi vừa xem xong series Mekong ký sự (2004 – 2006), đều là cuộc du hành dọc dòng sông vĩ đại từ thượng nguồn ra biển. Những thước phim tư liệu cũ đi tìm nguồn cội, những trang viết mới thảo ra bản cáo chung nhãn tiền, thật sự làm người ta phải suy nghĩ.

Một vài đoạn trích đáng chú ý từ sách, cho thấy những hiểm họa mà Mekong đang gặp phải:

Nếu dòng Mekong là con sông chỉ để sản xuất điện, giao thông đường thủy, và tưới tiêu, thì chắc chắn các con đập sẽ không giết chết sông Mekong. Nhưng dòng Mekong không chỉ là một con sông. Sự hào phóng của dòng sông là điều làm nó vĩ đại, và địa lý cùng với sản vật tự nhiên của nó mang lại những trải nghiệm sống không nơi nào khác trên thế giới có được

Đập Sambor 2.600 megawatt sẽ là đập xa nhất phía hạ nguồn trên dòng chính sông Mekong. Nếu được xây, nó sẽ chặn gần 100% lượng trầm tích đến từ thượng nguồn sông Mekong và hệ thống sông 3S. Để giữ lại nhiều trầm tích và nước như thế, các kỹ sư ước tính chiều dài của con đập hơn 8km. Đập Sambor hiện đang nằm trong kế hoạch phát triển năng lượng của Campuchia, nhưng dự án này bị nhiều người trong lẫn ngoài chính phủ phê phán do những rủi ro nó gây ra cho hồ Tonle Sap. Nếu được xây, đập Sambor sẽ là chiếc đinh cuối cùng đóng lên chiếc quan tài chôn cất sông Mekong

Dòng sông tự nó không có Thượng hay Hạ Mekong. Cả hệ thống này là một. Không có phần Thượng Mekong thì không có vùng đồng bằng. Không có hoạt động dọc theo dòng sông, đi qua Lào, qua Thái Lan, đến Campuchia, thì sẽ không có sự đa dạng sinh học phong phú của dòng Mekong. Tôi thích so sánh dòng sông với cây. Thân cây không tự phát triển một mình. Nó phát triển nhờ tán, lá, rễ. Khi nghĩ về sông Mekong, anh nên nghĩ nó giống như một cây xanh. Nếu nó chỉ là thân cây, thì dân ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia hay Việt Nam nghĩ rằng phần thuộc về họ là phần quan trọng nhất. Nhưng không phải vậy. Nếu người ta cắt tất cả các cành nhánh của cây, thân cây sẽ chết. Nếu người ta cắt rễ của cây, thân cây sẽ chết. Vì thế, nếu chúng ta muốn bảo tồn dòng Mekong hùng vĩ này, chúng ta phải nhìn vào tất cả các phần của dòng sông vốn được kết nối thành một hệ thống

Hà Nội trong mắt ai có đoạn:

Thế kỷ 19, một người Hà Nội gốc, nhà thơ Nguyễn Siêu cho dựng lên giữa quê hương mình cây tháp này, trên tháp đề 3 chữ Tả Thanh Thiên, nghĩa là viết lên trời xanh. Nhiều sách sử luận rằng cây tháp bút là một biểu tượng triết học của kẻ sĩ Bắc Hà thời đó. Giữa thế kỷ 20 này, có một người dân ở đồng bằng sông Cửu Long thương nhớ Hà Nội đã viết.

Từ thuở cầm gươm đi mở nước

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long

Thăng Long có gì để mà thương mà nhớ? Trong phim này, ta thử tìm lại điều hay xưa, vẻ đẹp cũ của cha ông, cùng những kẻ sĩ qua cảnh trí Hà Nội

Trong chúng ta, chắc đã nghe đâu đó đôi câu thơ trên của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, dị bản “trời Nam” hoặc “nghìn năm” đều hay.

Ai về Bắc, ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

(Nhớ Bắc – Ga Sài Gòn, 1940)

Điều thú vị ít người biết là khi phóng xuất những câu “thần thi” tựa hồ ca dao ấy, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ chưa một lần đặt chân đến đất Thăng Long. Chắc bạn có nghĩ Mekong thì liên quan gì đến đất Bắc. Vậy mà có đó.

Mekong ký sự – Tập 66 là Nậm Rốn u huyền – Pha Đin mây phủ có đoạn:

Nhiều dòng sông quê hương từng gắn bó với ta từ thời thơ ấu nhưng chúng chảy đi đâu về đâu và từ đâu tới thì không phải ai cũng biết, nhiều sắc tộc và các nền văn hoá ven sông có lịch sử xuất xứ ra sao đâu phải ai cũng hiểu. Cửu Long giang không chỉ nhận nước từ 5 quốc gia thượng nguồn đâu phải ai cũng rõ. Chuyến đi xuyên Việt này của chúng tôi sẽ là món quà dâng tặng tới tất cả những ai quan tâm và đã dành cho Mekong vĩ đại một tình yêu tha thiết

Trong hằng hà những chi lưu góp nước vào Mekong – một từ trong tiếng Lào có nghĩa là “mẹ của những dòng sông” – có cả những suối dài ở miền sơn cước Điện Biên. Ai mà ngờ dòng sông Nậm Rốn rồi sẽ chan hòa vào mạch máu lớn Cửu Long, Tây Bắc hoá ra lại có bà con với Cà Mau. Thật là một phát hiện lý thú.

Như một căn phòng càng đi càng thấy mê lộ, tôi có hơi nổi da gà khi càng tìm hiểu càng thấy những mối liên kết đan xen của bất cứ thứ gì. Cũng như từng hành động nhỏ nhặt tưởng như không đáng kể của chúng ta rồi sẽ tạo thành một cái gì đấy có ý nghĩa, vấn đề là bạn phải đi một khoảng đủ xa, có tầm nhìn đủ rộng để thấy được sự kết nối. Tôi tin là bức tranh mà bạn được thấy chắc sẽ khiến mình không khỏi kinh ngạc. 

Mekong ký sự đoạn Lhasa – Yarlung Tsangpo có viết:

Người ta thường băn khoăn trước câu hỏi, cái gì thực sự ngự trị phần lớn suy nghĩ của người Tạng: trời Phật, kiếp sau hay nỗi lo toan cuộc sống hằng ngày, hãy nghe một câu cửa miệng sau đây thường được họ dùng để cảnh báo lẫn nhau: Hãy coi chừng, kiếp sau của anh có thể sẽ đến trước ngày mai.

Bài tản mạn của tôi kết thúc ở đây.

Thiết kế: Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share