Kể từ lúc phát lộ, qua những cuộc khai quật lớn nhỏ từ những năm 40 của thế kỷ trước đến nay, nền văn hóa khảo cổ Óc Eo mở ra một kho tàng cổ vật đồ sộ. Chôn lấp dưới những khu đô thị và cảng thị cổ, ẩn trong những kho tàng dưới mộ táng và đền đài đổ nát, trang sức Óc Eo, với sự hiện diện choáng ngợp của hằng hà sa số đồ vàng lần nữa trồi lên khỏi đất bùn thượng cổ.
Câu chuyện ẩn trong biểu tượng và dáng hình trang sức vàng Óc Eo dần dà phác nên diện mạo cuộc đời của những cư dân cổ hơn nghìn năm trước trên đất phương Nam. Đó là những cư dân của vương quốc Phù Nam phồn thịnh, chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo rực rỡ. Họ ưa chuộng trang sức, dường như dùng trang sức như là phục sức.
“Phụ nữ mặc váy dài, phần trên để trần hoặc phủ kín; đàn ông đóng khố ngắn, phần trên để trần, cả nam lẫn nữ đều đeo nhiều đồ trang sức, bùa đeo.”
Với nhẫn trên ngón tay và ngón chân, vòng ở cổ tay và bắp tay, thắt lưng, cài tóc, vương miện, khuyên tai, khuyên mũi, tầng tầng chuỗi hạt và vòng cổ rũ xuống vòm ngực, trang sức Óc Eo phủ lấp vừa đủ những điểm cần trên cơ thể, lại có phô phang những đường cong thánh thần. Họ chuộng say trang sức, dồn hết vào đó những tinh túy của tư duy nghệ thuật và kỹ thuật tạo tác, thủ thỉ và khắc ghi trên đó tiếng lòng cùng những lời cầu nguyện.
Giờ đây, dư âm ngàn năm dường như vẫn còn râm ran trong những khung kính trưng bày của bảo tàng hay phòng triển lãm. Đính trên những thảm nhung đen, dưới ánh đèn mờ tỏ, trang sức Óc Eo tỏa ra hơi thở huyền bí ngây ngất dưới mắt người chiêm ngưỡng.
Thị hiện trên đó, đầy rẫy những sự vật trong tầm mắt và những biểu tượng trong tâm tưởng con người Óc Eo: lá bồ đề, hoa sen, voi, rùa, rắn, ốc, tù và, bò thần Nandin, thần và Phật… Ẩn tàng trong đó, là tư duy tạo tác và thẩm mỹ được nuôi dưỡng bởi sự truyền tâm tự nhiên và tình cảm tâm linh cộng đồng. Những dáng hình vừa mang truyền thống, nội sinh trong bản địa Đông Nam Á, đồng thời cũng cộng hưởng với những quy chuẩn và kỹ thuật ngoại nhập qua quá trình giao thương.
Phảng phất bản năng sùng tín tự nhiên, nguyện ước vạn vật sinh sôi phồn thực, lời răn của Ấn giáo và lời khuyên của Phật giáo, trang sức Óc Eo sẽ kể về những mảnh đời quá vãng trên đất phương Nam hơn ngàn năm trước. Trong bầu không nóng ẩm của rừng rậm nhiệt đới, bên những dòng kênh miên man chảy, mồ hôi mướt mát thịt da, óng ánh và tô bóng trên những trang sức vàng. Nam nữ mặc khố, quấn sarong, đeo đầy trang sức, qua lại bên những dòng kênh, mưu sinh, giao thương và phụng sự thần linh. Một kiếp, nhiều kiếp, kết thành một bầu phồn hoa đã sớm rơi rớt trên dòng thời gian.